Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/01/2023

Sau 27 năm bang giao với Mỹ, Hà Nội vẫn theo Nga và Trung Quốc

Bùi Văn Phú

Hoa Kỳ và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, hai mươi năm sau khi cuộc chiến chấm dứt, khép lại một trang sử thù nghịch kéo dài nhiều thập niên trên chiến trường và chính trường ngoại giao.

vietmy1

Hội nghị ghi dấu 27 năm quan hệ Việt-Mỹ do Đại học Fulbright Vietnam tổ chức vào tháng 8/2022 (Screenshot – Fulbright University Vietnam)

Cơ hội để Việt Nam và Hoa Kỳ nối lại quan hệ đã có không lâu sau khi cuộc chiến kết thúc, nhưng Hà Nội để mất cơ hội bắt tay với Washington vào những năm cuối thập niên 1970.

Sau chiến tranh, Mỹ muốn thừa nhận một nước Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của Hà Nội, vì thế khi hai quốc gia là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Miền Bắc) và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (hậu thân của chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, còn gọi là Mặt trận Giải phóng Miền Nam, thay thế Việt Nam Cộng hòa sau ngày 30/4/1975) cùng xin gia nhập Liên Hiệp Quốc vào cuối năm 1975, Hoa Kỳ đã phủ quyết việc này, còn Trung Quốc, Liên Xô và Anh, Pháp đều ủng hộ. Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Hoàng Hoa [Huang Hua] lúc đó đã ca ngợi cuộc chiến đấu lâu dài của nhân dân Việt Nam là "biểu tượng sáng ngời của chính nghĩa cách mạng chống đế quốc" trên toàn thế giới và ông nhấn mạnh hai dân tộc Trung, Việt đã là "đồng chí chiến đấu bên nhau" (The New York Times, 12/8/1975).

Năm 1976, Việt Nam chính thức thống nhất, Hoa Kỳ không còn phủ quyết đơn xin gia nhập Liên Hiệp Quốc và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trở thành hội viên năm 1977.

Cùng năm đó Tổng thống Jimmy Carter gửi đặc sứ Leonard Woodcock đến Hà Nội để bàn về vấn đề hơn hai nghìn tù binh và lính Mỹ còn mất tích (POW-MIA) và tương lai quan hệ hai nước. Khi đó ông Woodcock là trưởng văn phòng liên lạc của Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, là cơ sở ngoại giao không chính thức của Mỹ được thiết lập sau chuyến đi lịch sử đến Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon năm 1972.

Tháng 6/1977 cũng đã có những cuộc gặp tại Paris giữa thứ trưởng ngoại giao Mỹ Richard Holbrooke và thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Phan Hiền. Phía Mỹ đề nghị hai nước nối lại bang giao trước, rồi tiếp tục thảo luận về quyền lợi hai bên gồm vấn đề MIA-POW và tái thiết miền Bắc. Hà Nội không đồng ý mở ra quan hệ ngoại giao mà nhất quyết đòi Mỹ trước hết phải viện trợ 3,5 tỉ đôla tái thiết, viện trợ thực phẩm và hàng hóa như Tổng thống Richard Nixon đã hứa trong thư riêng gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau khi ký Hiệp định Paris 1973.

Chính sách đối ngoại của Hà Nội khi đó là theo Liên Xô chống lại Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tháng 6/1978 Việt Nam gia nhập khối hỗ tương kinh tế Comecon gồm các quốc gia cộng sản Đông Âu do Liên Xô đỡ đầu. Đến tháng 11, Tổng bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua Moskova gặp Tổng bí thư Leonid Brezhnev và ký Hiệp ước Thân hữu với Liên Xô.

Những sự kiện trên khiến Washington thay đổi chính sách với Hà Nội, vì sau khi bốn bên ký Hiệp định Paris 1973, Hoa Kỳ đã muốn giúp cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam cùng phát triển, qua thư riêng của Tổng thống Nixon gửi cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng với lời hứa viện trợ 3,5 tỉ đôla, cũng như thư riêng gửi cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, những nhà làm chính sách Mỹ cũng hy vọng rằng Việt Nam sẽ như cộng sản Nam Tư trong đối ngoại, không nghiêng về Liên Xô hay Trung Quốc, vì thế Hoa Kỳ đã đề nghị thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1977 và sẽ giúp Việt Nam phát triển kinh tế để dần đưa đến thay đổi, như Hoa Kỳ khi đó đang có chính sách giao thương với Trung Quốc từ khi mở ra quan hệ thương mại giữa hai nước.

Nhưng Tổng bí thư Lê Duẩn đã không muốn có quan hệ ngoại giao với Mỹ và Hà Nội đã đứng hẳn về phía Liên Xô. Cuối năm 1978 bộ đội Việt Nam tiến vào Cambodia lật đổ chế độ Khmer đỏ của Pol Pot được Trung Quốc yểm trợ để dựng lên chính quyền Hun Sen thân Việt Nam.

Với cuộc xâm lăng Cambodia, Washington không còn ý định theo đuổi việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Hà Nội mà quyết định bang giao với Trung Quốc vào đầu năm 1979. Bắt tay được với Mỹ, Trung Quốc cắt đứt quan hệ và "dạy cho Việt Nam một bài học" bằng các cuộc tấn công quân sự vào các tỉnh biên giới phía bắc. Còn Washington ủng hộ Bắc Kinh bằng cách xiết chặt cấm vận đối với Việt Nam.

Sau mười năm chiếm đóng, đầu thập niên 1990 Việt Nam rút hết bộ đội về và đồng ý với giải pháp hòa bình cho Cambodia của Liên Hiệp Quốc.

Trước biến cố sinh viên Trung Quốc đòi dân chủ và bị đàn áp khiến hàng nghìn người thiệt mạng ở Thiên An Môn vào hè 1989 và cuộc "Cách mạng Nhung" kéo theo sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Đông Âu, cùng sự tan rã của Liên bang Sô Viết, Hà Nội và Bắc Kinh đã bỏ qua thù nghịch cũ và xích lại với nhau, cam kết bảo vệ thành trì còn lại của cộng sản trên thế giới.

Những năm đầu thập niên 1990 làn gió cải cách chính trị cũng đã thổi qua Việt Nam, với những tiếng nói của giáo sư Phan Đình Diệu, cựu tướng Trần Độ, y viên Bộ Chính trị Trần Xuân Bách hay của nhóm Diễn đàn Tự do của giáo sư Đoàn Viết Hoạt, Cao trào Nhân bản của bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Nhóm Đà Lạt của tiến sĩ Hà Sĩ Phu cũng như các tiếng nói của luật sư Đoàn Thanh Liêm, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Nhưng tất cả đã bị Hà Nội tìm cách dập tắt bằng cách khai trừ khỏi đảng hoặc áp đặt những bản án tù nhiều năm với tội danh "âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân" hay "tuyên truyền chống lại xã hội chủ nghĩa" cho những người đòi cải cách chính trị để có tự do dân chủ cho đất nước.

Tổng thống Richard Nixon đi Bắc Kinh năm 1972 với chính sách giúp Trung Quốc phát triển kinh tế, từ đó sẽ đưa đến các cải cách chính trị. Năm 1992 Hoa Kỳ có cùng viễn kiến ngoại giao đối với Việt Nam nên đã dần nới lỏng cấm vận và đến năm 1995 Washington và Hà Nội chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự kiện này cũng cho thấy Hà Nội không thể đi trước Bắc Kinh trong việc nối lại quan hệ với Hoa Kỳ, vì sau khi đồng ý giải pháp hòa bình cho Cambodia, lãnh đạo của Hà Nội và Bắc Kinh đã ký một văn bản hợp tác hỗ tương gọi là "Mật ước Thành Đô" vào năm 1990, qua năm 1991 thì Việt Nam và Trung Quốc nối lại bang giao, bốn năm trước khi Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ.

Sau 27 năm có bang giao hai nước, giao thương Mỹ-Việt đã lên đến hàng trăm tỉ đôla mỗi năm và trao đổi, hợp tác về giáo dục, an ninh, quốc phòng, y tế, môi sinh ngày càng phát triển. Nhiều cán bộ, tướng tá cộng sản và con cháu cũng đã chọn Mỹ làm quê hương thứ hai.

Nhưng về đối ngoại chính trị, Việt Nam ngày nay vẫn đang theo đuổi các chính sách nghiêng về Trung Quốc và Nga. Tuy giới lãnh đạo Hà Nội luôn nhấn mạnh đến việc không liên minh với nước này để chống lại nước khác, gọi là "ngoại giao cây tre", "ngoại giao đu dây"; nhưng trên thực tế Hà Nội vẫn e dè với Mỹ và vẫn đang đứng về phía Nga và Trung Quốc. Qua các lần bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine cho thấy lãnh đạo Việt Nam không ủng hộ Mỹ và đã đi ngược lại với thế giới trong việc lên án Nga xâm lược.

duday ngamytrung

Trong hai năm qua đã nhiều lần Washington đề nghị nâng cấp bang giao từ "quan hệ đối tác toàn diện" lên "quan hệ đối tác chiến lược" nhưng Hà Nội vẫn chần chừ.

Sau khi Tập Cận Bình được chọn làm lãnh đạo Trung Quốc thêm một nhiệm kỳ thứ ba, cuối tháng 10 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Bắc Kinh gặp gỡ Chủ tịch Tập. Bản thông cáo chung đưa ra sau chuyến thăm cho thấy Hà Nội ủng hộ các chính sách an ninh và phát triển toàn cầu của Bắc Kinh, từ Sáng kiến Vòng đai và Con đường (BRI, Belt and Road Initiative), Sáng kiến Kết hợp Toàn cầu (GNI, Global Network Initiative) và Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI, Global Development Initiative) là những chương trình đối ngoại kinh tế và an ninh của Trung Quốc mà Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược.

Hà Nội hiện nay không muốn – hay không thể do áp lực từ Bắc Kinh – đưa ra những chính sách đối ngoại thân thiết hơn với Mỹ dù Mỹ từ thời Tổng thống Barack Obama đã nhận ra một Trung Quốc mạnh về kinh tế đang mở rộng quyền kiểm soát an ninh toàn cầu nên có chủ trương xoay trục về Đông Á để bảo đảm an ninh khu vực. Khi Tổng thống Donald Trump làm lãnh đạo, Hoa Kỳ đã tuyên chiến thương mại với Trung Quốc dẫn đến quan hệ Mỹ-Trung như đóng băng từ 6 năm qua.

Đã có những khảo sát ý kiến cho thấy dân Việt có nhiều cảm tình với Hoa Kỳ hơn là với Trung Quốc. Hà Nội sẽ có những chính sách phù hợp với lòng dân, hay vẫn theo ý đảng, chọn Trung Quốc dựa trên "4 tốt" là : "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt" và với phương châm "16 chữ vàng" là "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" mà hai Đảng cộng sản đã đồng thuận với nhau ?

Tháng 5 vừa qua Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến đi Mỹ, trong khi chờ gặp ngoại trưởng Antony Blinken, các thành viên của đoàn, gồm cả tướng Tô Lâm đã tán chuyện với nhau. Ông Chính bênh vực cho quan điểm ủng hộ Nga xâm lăng Ukraine của Việt Nam với câu nói : "Rõ ràng, sòng phẳng. M nó, sợ gì". Đoạn phim này đã được đưa lên trang mạng của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, trước khi được gỡ xuống.

Hà Nội muốn Tổng thống Joe Biden đến thăm Việt Nam. Nhưng đó là hy vọng xa vời vì sau những lần chuyển lời mời và nhiều vận động ngoại giao, một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa diễn ra. Với tình hình quan hệ hiện nay, lãnh đạo Mỹ có lẽ sẽ không sang thăm Việt Nam cho đến sau bầu cử 2024.

Quan hệ Mỹ-Việt đang chậm lại. Nhiều công ti Mỹ đã, đang rời Trung Quốc và tìm kiếm các quốc gia khác để thiết lập công xưởng. Với chính sách ngoại giao theo Trung Quốc và Nga như đã được Hà Nội thể hiện, liệu Việt Nam có phải là lựa chọn bền vững cho các công ti Hoa Kỳ ?

Chọn theo Nga và Trung Quốc, Hà Nội đang đánh mất những cơ hội đưa phát triển kinh tế của Việt Nam lên tầm cao để mau tiến bộ bằng Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan.

Bùi Văn Phú

(01/01/2023)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Bùi Văn Phú
Read 272 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)