Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/01/2023

Nga, Mỹ và Trung Quốc trong cuộc đọ sức tên lửa siêu thanh

Thanh Hà

Sau Trung Quốc, đến lượt Nga và Mỹ liên tục thông báo thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh. Công nghệ mới, một công cụ mới liệu có làm thay đổi các chiến dịch hải quân và sẽ đem lại những hệ quả nào về mặt địa chính trị ?

sieuthanh1

Nga thử tên lửa siêu thanh Zircon từ vùng biển Barents, gần Bắc Cực. Ảnh chụp màn ảnh truyền hình ngày 28/05/2022. © Ảnh cắt từ video

Philippe Langloit, chủ nhiệm các chương trình nghiên cứu thuộc Trung tâm Phân tích và dự báo về rủi ro (CAPRI – Centre D’Analyse et de Prévision des Risques) của Pháp trả lời câu hỏi trên trong bài viết đăng trên tạp chí chuyên đề Défense & Sécurité Internationale, số đặc biệt tháng 10-11/2022.

Trước hết, tác giả bài viết nhắc lại "tên lửa siêu thanh" là một loại vũ khí có tốc độ di chuyển cao hơn 5 lần so với âm thanh, có độ bay thấp hơn nên khó phát hiện hơn. Trong lĩnh vực phòng thủ, đây là hai điểm then chốt trong bối cảnh các loại tên lửa được sử dụng để tấn công đối phương càng lúc càng tinh vi. Tên lửa siêu thanh cho phép "vừa tiết kiệm sức lực, vừa nâng cao hiệu quả can thiệp của các lực lượng hải quân".

Nga và công nghệ tên lửa siêu thanh

Mùa hè 2021, Trung Quốc thông báo thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh có mang theo đầu đạn. Tiếp theo đó là nhiều lời bình luận rằng Bắc Kinh đi trước Nga và Mỹ. Nhưng trong bài viết trên báo quân sự Défense & Sécurité Internationale, Philippe Langloit nhắc lại cả một hành trình rất dài của Nga trong lĩnh vực này.

Từ đầu thập niên 2010, Moskva đã chế tạo tên lửa hành trình loại 3M22 Zircon, hay còn có tên gọi là SS-N-33, với mục đích sử dụng trong công tác "chống hạm". Tiếp theo đó là các đợt thử nghiệm 2012/2013 và cho đến tận cuộc thử nghiệm cuối 2021, tức chỉ vài tháng trước cuộc xâm lược Ukraine.

Ngày 19/02/2022 Moskva cho bắn thử tên lửa Zircon trong khuôn khổ chương trình diễn tập răn đe hạt nhân GROM. Tháng 5/2022, trong cuộc thử nghiệm cuối cùng, Bộ Quốc phòng Nga thông báo Zircon bắn trúng mục tiêu trên bộ cách xa 1.000 km. Vẫn theo các nguồn tin chính thức từ quân đội Nga, 3M22 Zircon/SS-N-33 có khả năng mang theo từ 300 đến 400 kg đầu đạn, kể cả đầu đạn hạt nhân. Loại vũ khí đời mới này được dự trù trang bị cho khinh hạm Gorshkov, Grigorovich, cho tàu hộ tống cỡ nhỏ Gremyashchiiy và tàu ngầm phóng tên lửa Yassen-M.

Song bên cạnh những thông tin chính thức đó, vẫn còn nhiều nghi vấn về "tên lửa hành trình siêu thanh" của Nga. Chuyên gia thuộc trung tâm nghiên cứu Pháp CAPRI Philippe Langloit nêu bật một vài điểm như sau :

Thứ nhất, đến nay, 3M22 Zircon/SS-N-33 mới chỉ được trông thấy qua các đoạn video thực hiện từ xa. Không có nhiều thông tin về kích cỡ chính xác của loại tên lửa đời mới này. Có nhiều phỏng đoán, hình dạng của 3M22 Zircon "gần giống với loại BrahMosII" do Nga và Ấn Độ đồng sản xuất. Vấn đề thứ hai liên quan đến hành trình khó "dự báo trước" : quân đội Nga đã nhấn mạnh đến "tốc độ" cao của 3M22 Zircon, nhưng lại rất kín đáo về mức độ "chính xác" của hành trình bay. Một nghi vấn khác nữa là liệu rằng "tầm bắn 1.000 km, có thể được nhân lên gấp 25 lần, có giúp ích gì cho các lực lược Hải quân Nga nếu như các mục tiêu nhắm tới không được xác định trước ?".

Sau cùng, tác giả bài viết không chắc rằng chính phủ Nga đã đặt mua trang thiết bị đời mới này và cũng không chắc là tập đoàn sản xuất 3M22 Zircon/SS-N-33 NPO Mashinostroyeniya có đủ phụ tùng cần thiết kể từ khi Nga bị Âu, Mỹ cấm vận, trừng phạt Moskva xâm chiếm Ukraine. Điện Kremlin xem đây là một trong những công cụ để cạnh tranh với Mỹ trong cuộc chạy đua vũ trang, nhưng "tương tự như vũ khí hạt nhân", tên lửa siêu thanh của Nga chỉ là lá bùa hộ mạng, khó có thể sử dụng trên thực địa, khi "trong vài phút tầm bắn của 3M22 Zircon có thể nhắm tới rất nhiều thành phố trên toàn Châu Âu".

CH-AS-X-13 của Trung Quốc đe dọa các căn cứ quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương 

Nhìn sang Trung Quốc, các chương trình phát triển vũ khí "siêu thanh và thậm chí là siêu thanh ở cấp độ cao" đã đem lại nhiều kết quả cụ thể.

Tên lửa địa đối địa DF-17 đã đi vào hoạt động, rồi DF-100 từ năm 2019. Giữa tháng 10/2020 Bắc Kinh cho công bố những hình ảnh đầu tiên của hệ thống tên lửa siêu thanh tầm xa trang bị cho loại máy bay ném bom H-6N. Các tài liệu của Mỹ đặt tên cho chương trình phát triển tên lửa siêu thanh của Trung Quốc là CH-AS-X-13.

Một lần nữa, tác giả bài viết lưu ý rằng có ít thông tin rò rỉ từ các loại vũ khí mới này của Trung Quốc. Chỉ biết rằng, tầm bắn của tên lửa siêu thanh "made in China" dao động từ 3.000 đến 3.500 km với đường bán kính khoảng từ 1.500 đến 2.000 km.

sieuthanh2

Máy bay ném bom Xian H-6N của Không quân Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo chống hạm CH-AS-X-13 trên Biển Đông

Về mức độ lợi hại của loại tên lửa này, Philippe Langloit nêu bật : Thượng Hải nằm cách đảo Guam, căn cứ quân sự của Mỹ trong vùng Thái Bình Dương hơn 3.000 km. CH-AS-X-13 có khả năng bắn trúng không chỉ Guam, mà còn "nhiều căn cứ quân sự Philippines, Singapore" nơi quân đội Mỹ thường xuyên hiện diện. Các hoạt động tuần tra của Hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông cũng bị đe dọa.

Với CH-AS-X-13, có thể Trung Quốc sẽ chiếm thế thượng phong trong trường hợp nổ ra một trận hải chiến, bởi trước mắt, Hải quân Hoa Kỳ chỉ được trang bị tên lửa Tomahawk với tầm bắn hơn 1.600 km. Hơn nữa, cùng với các chương trình phát triển hệ thống vũ khí siêu thanh, Bắc Kinh đã triển khai một hệ thống vệ tinh dẫn đường "dày đặc". Đó đơn giản là "tai, mắt" của tên lửa siêu thanh Trung Quốc.

Mỹ vẫn dành ưu tiên trên bộ

Vào lúc mà Trung Quốc và Nga đã "đổ bộ" đến mặt trận "siêu thanh", Anh, Pháp hai "quốc gia biển" tại Châu Âu vẫn im lặng. Mỹ đã không để mất thời gian và đã ghi được một bàn thắng quan trọng sau một loạt thất bại liên tiếp.

100520-F-9999B-111

Gên lửa siêu thanh X-51A Waverider đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm siêu thanh đầu tiên vào ngày 25/5/2022 sau khi được phóng từ một chiếc B-52 Stratofortress ngoài khơi bờ biển phía nam California.

Hải quân Hoa Kỳ đã cùng với bên Lục quân phát triển chương trình chế tạo thiết bị bay siêu thanh - CHGB (Common Hypersonic Glide Body), mục tiêu trong tương lai "nhằm trang bị CHGB cho các loại tên lửa siêu thanh CPS (Conventional Prompt Strike)". Nhưng khác với Trung Quốc hay Nga, Mỹ dường như ưu tiên cho các hoạt động phòng thủ trên bộ hơn là trên biển. Điều này, theo nhà nghiên cứu Philippe Langloit, giải thích vì sao Washington đã do dự trong một thời gian dài. Bởi tên lửa hành trình siêu thanh của Mỹ nếu để sử dụng trên bộ thì không thể phóng đi từ các bệ phóng tên lửa thẳng đứng VLS–Mk41. Vẫn theo tác giả bài viết trên tạp chí quân sự Défense & Sécurité Internationale, Washington đã "loại bỏ khả năng trang bị các thiết bị bay siêu thanh cho khinh hạm Arleigh Burke, nhưng duy trì khả năng vũ khí mới phải được sử dụng cho tàu ngầm thuộc lớp Virginia.

Trên nguyên tắc, từ 2028 tàu ngầm của Mỹ lớp Virginia sẽ được trang bị loại vũ khí tối tân này. Hải quân Hoa Kỳ dự trù "trang bị cho từ 63 đến 96 tàu chiến đủ loại" tên lửa siêu thanh. Đơn vị đầu tiên được trang bị loại vũ khí này bắt đầu hoạt động trong năm 2030 theo tài liệu của Quốc hội Mỹ được công bố hôm 29/08/2022.

Vẫn theo các tài liệu nói trên, hai tập đoàn được chọn để cung cấp là Huntington Ingalls và Gibbs & Cox. Còn rất nhiều chi tiết liên quan đến thiết bị của CPS và VLS vẫn chưa được công bố.

Song song với các dự án nói trên, Không quân Hoa Kỳ cũng có nhiều chương trình phát triển tên lửa siêu thanh riêng biệt, điển hình là AGM-18. Theo tin mới nhất trung tâm nghiên cứu CAPRI có được thì "tên lửa từ chương trình AGM-18 có mang theo thiết bị siêu thanh vừa được thử nghiệm. Đây là những công cụ trang bị cho máy bay ném bom B-52 và rất có thể là cả với loại B-1B. Mỗi chiếc có thể mang theo tới 31 tên lửa". Philippe Langloit không chắc là các thiết bị siêu thanh hiện đại của Hoa Kỳ chỉ nhằm phục vụ cho Hải quân, mà đây là những loại vũ khí sẽ được sử dụng cả trong công tác chống hạm lẫn phòng vệ trên bộ. Quân đội Mỹ chủ trương chiến lược phòng thủ "đa chiều". Chương trình HALO ( Hypersonic Air Launch Offensive Weapon ) củng cố cho giả thuyết này.

HALO là lá chủ bài của Mỹ trong các dự án phát triển tên lửa hành trình, chống hạm, đồng thời "bảo vệ môi trường tại các vùng ven biển".

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 02/01/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà
Read 325 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)