"Ai bàn lùi, lo ngại đấu tranh tham nhũng thì đứng sang một bên"…
Sáng 3/1/2023, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhằm tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kết luận của trung ương, Nghị quyết của Quốc hội Khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh : Trí Dũng –TTXVN
Tại hội nghị, Tổng bí thư tiếp tục đưa ra những mệnh lệnh quen thuộc trong suốt ba nhiệm kỳ ông là người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam, đó là, "công tác cán bộ cần làm tốt hơn nữa để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì nước, vì dân, vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người vướng vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn. Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức.
Có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Kỷ luật, kỷ cương cần được siết chặt cùng với việc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để "không thể, không dám, không muốn tham nhũng".
Bên cạnh đó, tư tưởng bàn lùi, lo ngại việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn" trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp… cần được chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ.
"Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm. Tất cả chúng ta, nhất là những người trực tiếp làm công tác tổ chức, cán bộ, phải có tấm lòng trong sáng, có con mắt tinh đời", Tổng bí thư nhấn mạnh, và chính nhấn mạnh này cho thấy có một mâu thuẫn ở đây: nếu "chúng ta" của ông Nguyễn Phú Trọng đều là "có con mắt tinh đời" vậy thì lời kêu gọi "Ai bàn lùi, lo ngại đấu tranh tham nhũng thì đứng sang một bên" là thừa thải.
Ngoài ra trong bài huấn thị của mình ở sáng ngày 3-1-2023 nói trên, Tổng bí thư không nêu cụ thể con số về chuyện có ai đã đứng sang một bên hay chưa?
Thử nhớ lại.
Sáng 30-12-2019, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2020.
Hội nghị có sự tham dự của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Ở hôm đó, ông Nguyễn Phú Trọng có bài diễn văn nội dung tương tự như lần dự Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhằm tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kết luận của trung ương, Nghị quyết của Quốc hội Khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023.
Ông Nguyễn Phú Trọng cũng đưa ra mệnh lệnh miệng là "cần làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn.
Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hoá, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để "không thể, không dám, không muốn tham nhũng".
Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn" trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tôi đã nhiều lần nói rồi; nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm!" (dừng trích)
Như vậy, chỉ mới xét về nội dung của cách diễn đạt trên cương vị là thủ lĩnh tối cao của đảng cộng sản Việt Nam, có thể thấy về sáo mòn của ngôn từ với sự thật đối lập những gì mà ông Nguyễn Phú Trọng đang ra sức hô hào, kêu gọi.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 04/01/2023