Với những thực tại như vậy mà đòi hỏi chip, robot, chất bán dẫn, thì đúng là đang vẽ viễn cảnh như New York hay Paris.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh cần phát triển chip, robot, chất bán dẫn…
Ông Trần Hoàng Ngân, trợ lý của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra khuyến cáo, "Không thể vẽ viễn cảnh như New York hay Paris trong khi nguồn lực có hạn".
Thảo luận tại kỳ họp Quốc hội bất thường đang diễn ra tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đưa ra đề bài : "Đặt vấn đề công nghiệp chế tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh là định hướng chiến lược trong phát triển vì giá trị gia tăng rất lớn và phù hợp xu hướng thời đại. Trong đó có vấn đề chip, robot, chất bán dẫn, chắc các đồng chí có ý tưởng rồi. Một đất nước không sản xuất khó phát triển, một đất nước phát triển mặt hàng giá trị gia tăng cao thì giải quyết được nhiều vấn đề".
Tranh luận ý kiến trên, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, "Mặc dù chúng ta học tập kinh nghiệm các nước, song khi thực hiện, vẽ ra đồ án thì phải đặt trong bối cảnh nguồn lực của Việt Nam. Ta không thể vẽ viễn cảnh như New York hay Paris trong khi nguồn lực của ta có hạn".
Đưa ra dẫn chứng với lĩnh vực công nghiệp, ông Ngân cho biết, quy hoạch hiện được xây dựng cũng chưa hình dung được sẽ ưu tiên ngành công nghiệp nào ? Bởi có rất nhiều ngành công nghiệp, bao gồm chế biến chế tạo, công nghiệp nền tảng, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, dệt may, cơ khí luyện kim, công nghiệp xanh được đưa ra nhưng lại không rõ trình tự ưu tiên cụ thể.
Chỉ rõ tình trạng quy hoạch "treo" là vấn đề đang đặt ra. Từ đó, ông Ngân cho rằng, xây dựng quy hoạch cần có tầm nhìn, với những dự án chưa thực hiện ngay nhưng đưa vào quy hoạch, cần đảm bảo quyền lợi người dân trong việc thực hiện quy hoạch.
"Đang là quy hoạch và ý tưởng, mà khu nhà dân đã được quy hoạch thì sẽ bị vướng quyền lợi, nên cần phải có tầm nhìn và phân đoạn. Người dân lo lắng là sẽ dính quy hoạch gì đây, nên khi thực hiện phải thông báo cho người dân" – ông Trần Hoàng Ngân diễn giải.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, sau dịch bệnh, Thành phố Hồ Chí Minh phục hồi với kết quả thể hiện tiềm năng, tiềm lực lớn. Đây chính là lý do thành phố trở thành đầu tàu kinh tế lớn của cả nước.
Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề bất cập chưa được tháo gỡ. "Đơn cử, hạ tầng đô thị phát triển chưa đồng bộ ; lao động thu nhập thấp, an sinh vẫn có vấn đề, lạm phát đang tăng cao nên bộ phận công chức viên chức khó khăn về đời sống. Nhà ở cho người thu nhập thấp đã bàn từ 20 – 30 năm qua nhưng đến nay phân khúc nhà ở chủ yếu là khu vực trung bình và cao" – luật sư Nghĩa nói rằng với những thực tại như vậy mà đòi hỏi chip, robot, chất bán dẫn, thì đúng là đang vẽ viễn cảnh như New York hay Paris.
Hồi tháng 4/2021, cũng tương tự chuyện ra "đề bài", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vai trò ảnh hưởng của Đà Nẵng – Quảng Nam với miền Trung không khác gì vai trò của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với hai cực nam, bắc của đất nước. Chính vì vậy, "Đà Nẵng – Quảng Nam phải là đầu tàu tăng trưởng miền Trung và là một cực tăng trưởng của cả nước" – ông Nguyễn Xuân Phúc nói.
Lúc đó, có một nhà báo đồng hương xứ Quảng nói rằng ông Phúc đang cố tình xỏ lá quê hương đồng liêu Nguyễn Bá Thanh (1953 – 2015), vì khi là đầu tàu thì Đà Nẵng buộc phải chạy ra Bắc, còn đầu tàu Quảng Nam thì hướng về Sài Gòn, nơi mà ông Phúc cho rằng phải là New York hay Paris trong nay mai.
"Tôi cho rằng các chính khách cần cẩn trọng trong phát biểu chỉ đạo với những từ mang tính hình ảnh như ‘đầu tàu’ chẳng hạn ; bởi ‘đầu tàu’ như Thành phố Hồ Chí Minh thì xem ra cũng chỉ có thể chạy theo chiều hướng ra Bắc, vì ga cuối đường sắt quốc gia đã kết thúc ở ga Hòa Hưng, Sài Gòn rồi. Vậy thì các tỉnh miền Tây Nam bộ hóa ra không có trạm nào để chuyến tàu lửa ấy ngang qua cho cùng đón – đưa khách à ?" – một nhà báo vốn là ông thầy giáo dạy văn, góp chuyện như vậy quanh luận bàn về tầm nhìn quan chức.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 07/01/2023