Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/01/2023

Bộ nào cũng ngại quản lý xăng dầu ?

Hàn Lam

Thượng tuần tháng 1/2023, Bộ Công thương đề xuất giao việc quản lý giá xăng dầu sang Bộ Tài chính.

xangdau1

Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè - Ảnh minh họa

Trước đó, hôm 28/10/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ đề nghị sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, trong đó "giao toàn diện phần xăng dầu về cho Bộ Công thương", gồm quyết định về giá, chi phí định mức, đảm bảo nguồn cung chủ động.

Cũng trong tháng mười năm ngoái, các đại biểu Quốc hội đề nghị hai cơ quan quản lý xăng dầu là Bộ Công thương, và Bộ Tài chính làm rõ chuyện "xăng dầu thiếu thật hay giả" trên thị trường và cần có giải pháp căn cơ, lâu dài xử lý tình trạng này.

Giải trình về việc này, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận, xảy ra hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ ở một số địa phương phía Nam, Thành phố Hồ Chí Minh là "điều rất đáng tiếc, bất thường". Ông một lần nữa khẳng định tổng nguồn cung không thiếu, khi đầu tháng 10 cả nước có khoảng 3 triệu m3 xăng dầu, gồm nguồn từ 2 nhà máy lọc dầu, dự trữ thương mại, nhập khẩu trong kỳ của 34 doanh nghiệp đầu mối đủ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng tới hết tháng 11/2022. Chưa kể các nhà máy đang sản xuất, nhập khẩu tiếp theo kế hoạch.

Thế nhưng theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, thì nguồn cung xăng dầu có thiếu hụt là có thật. Theo đó, nhu cầu xăng dầu cả nước mỗi năm khoảng 19,2 triệu tấn, sản lượng cung ứng từ hai nhà máy lọc đầu Dung Quất, Nghi Sơn đáp ứng khoảng 70%. Ở 3 quý đầu năm 2022, nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất 4,4 triệu tấn, còn Nghi Sơn 4,3 triệu tấn – tức thấp hơn sản lượng công suất của các nhà máy này.

Còn nguồn nhập khẩu cả năm dự kiến 6,2 triệu tấn, chiếm 32% nhu cầu tiêu dùng trong nước và phân bổ cho 34 đầu mối. Nhưng 9 tháng đầu năm 2022 mới nhập được 3,97 triệu tấn, không đạt kế hoạch. Quý III-2022, chỉ có 19 trong 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, giảm 40% với xăng và 35% với dầu so với quý trước.

Liên quan tới cấp vốn tín dụng cho doanh nghiệp xăng dầu như thắc mắc từ phía Bộ Tài chính, bà Nguyễn Thị Hồng – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công thương đánh giá chi tiết, cụ thể, phân tích nguyên nhân, giải pháp và khẳng định điều hành của ngành ngân hàng rất quan tâm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong đó có xăng dầu.

"Tháng 3/2020, trước sự biến động phức tạp của xăng dầu, chúng tôi cũng có công văn gửi các tổ chức tín dụng phải đáp ứng. Tổng hạn mức cấp cho 16 doanh nghiệp xăng dầu là 103.000 tỷ đồng và mới sử dụng đến khoảng 58.000 tỷ, hạn mức chưa sử dụng còn 44.000 tỷ đồng, chứ chưa phải là đã hết" – bà Hồng cho hay.

Với việc cung ứng ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước đảm bảo ổn định sản xuất trong nước, can thiệp ngoại tệ. Riêng 9 tháng đầu năm 2022 đối với một số doanh nghiệp xăng dầu như Nghi Sơn, Bình Sơn hay Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, theo Ngân hàng Nhà nước thì lượng ngoại tệ bán ra khoảng 10 tỷ USD cho các doanh nghiệp này.

Ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng vấn đề ở đây đúng là phần trách nhiệm của Bộ Tài chính, cụ thể như về thuế phí xăng dầu ; giá bán xăng dầu, chi phí trong công thức giá, quy định trong hình thành giá cơ sở…, phù hợp với tình hình thực tế kinh doanh xăng dầu hiện nay…

Như vậy việc đưa điều hành giá xăng dầu về Bộ Tài chính, theo Bộ Công thương là bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành đã được phân công.

"Quản lý điều hành giá về một đầu mối, và cũng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của Bộ Tài chính về lĩnh vực tài chính, do đó việc tính toán, hướng dẫn và công bố giá điều hành… sẽ chính xác theo chế độ hoạch toán, kế toán", Bộ Công thương nêu quan điểm.

Tuy nhiên, nếu Bộ Tài chính là đầu mối cũng có nhược điểm là điều hành giá và cung cầu thị trường sẽ "tách xa nhau", do quản lý nguồn cung thị trường vẫn do Bộ Công thương đảm trách, nên sẽ có những bất ổn khi lợi ích giữa các chủ thể trên thị trường không được hài hòa. Chưa kể, việc này cũng không có sự độc lập khách quan trong xác định, phản ánh các chi phí kinh doanh xăng dầu trong giá cơ sở.

Có lẽ yếu tố "định hướng xã hội chủ nghĩa" trong nền kinh tế thị trường, chính là "điểm chết" trong yêu cầu "điều hành xăng dầu", khiến cho bộ nào cũng ngần ngại khi ở vai trò ‘đầu lĩnh’.

Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 09/01/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hàn Lam
Read 272 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)