Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/01/2023

Con đường thỉnh kinh của ruột thừa ngàn dặm

Trương Văn Mai

Chỉ còn vài ngày nữa là Tết nguyên đán con Mèo. Từ cách đây một tuần, Việt kiều các nước đã náo nức về quê ăn Tết với gia đình khiến nhân viên các sân bay cười híp cả mắt. Chung niềm vui lớn lao với đồng bào nên các anh chị đợt này đùa thật nhiều, vui rộn rã cả sân bay từ Tân Sơn Nhất đến Nội Bài.

vietkieu1

Những người Việt từng là trẻ mồ côi ở Việt Nam nay là công dân Mỹ về sân bay Tân Sơn Nhất hồi năm 2005 (minh họa) - Reuters

Những người thích đùa

Như chị hải quan sân bay Tân Sơn Nhất nói với một người mới từ Úc về, có mang một số hàng hóa trong valy như sau : "Ví dụ bây giờ có nhiều thứ ông dán vào mắt tôi, tôi lờ cho ông đi. Ông dán bao nhiêu để tôi lờ ? Tôi nói rất rõ ràng cho ông hiểu".

Ông Nguyễn Hà Anh Nhật (hành khách nói trên) đã ghi âm và quay video từ đầu đến cuối đoạn trao đổi. Trong đó có một câu ông nói với chị nhân viên hải quan sân bay : "Nãy giờ chị đòi tôi 500 đô, tôi có bằng chứng hết rồi". Người này giải thích "Tôi chỉ hướng dẫn anh làm thủ tục thôi mà".

Sau đó một người xưng là quản lý nhân viên hải quan mời ông Nhật vào phòng làm việc. Người này xin lỗi, đồng thời để ông Nhật mang số hàng hóa về nhà không phải đóng phạt, cũng không lập biên bản, với điều kiện ông xóa hết các clip quay lại buổi trao đổi với hải quan. Ông Nhật đồng ý, đưa điện thoại cho cán bộ hải quan xóa clip và lấy hàng về nhà.

Vậy vì sao clip nói trên vẫn xuất hiện trên mạng xã hội ?
Ông Nhật nói với báo chí rằng sau vụ nhân viên hải quan ở sân bay Nội Bài đòi tiền tip của du khách Singgapore, ông thấy bức xúc nên lục trong thùng rác của điện thoại tìm được clip chưa bị xóa vĩnh viễn nên lấy ra phản ánh, với mong muốn cơ quan chức năng có biện pháp làm trong sạch đội ngũ cán bộ hải quan làm thủ tục ở cửa khẩu.

Hừ !

Ông Nhật thật không biết đùa. Sau khi clip đăng lên, báo chí ầm ầm, chị nhân viên hải quan kia bảo chị ấy chỉ đùa giỡn cho vui trong lúc xử lý công việc thôi. Hòa chung không khí phấn khởi đón chào Tết nguyên đán, ngay cả cán bộ nô bộc của dân người ta cũng đùa giỡn như thế, cảm động xiết bao. Tôi thấy ông Nhật cũng nên đùa lại cho vui, ví dụ chị ấy bảo ông dán 500 đô vào mắt để chị ấy lờ đi thì ông dán hẳn 1.000. Dán xong lại bóc ra bảo "Tôi cũng đùa giỡn cho vui trong lúc xử lý công việc thôi mà".

Ối giồi ôi thế thì cả sân bay không cần đốt pháo vẫn giòn tan đôm đốp, mỗi gương mặt là một hoa hồng chứ lị !

Nhưng cái ông Chi cục phó Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất lại không biết đùa. Thấy clip tung ra bèn tạm đình chỉ công việc với chị nhân viên hải quan kia, bảo "để làm rõ".

Đau hơn hoạn ! Cả năm, hải quan người ta chờ được mỗi dịp này để chung vui với kiều bào mà bị đóng cửa ngồi nhà thì mất (bố) cái Tết rồi giời ơi là giời ơi !

----

Quay lại chuyện Việt kiều. Hai năm vừa qua là năm xui xẻo của ngành ngoại giao, hàng không, và một tí hải quan. Cũng là năm Việt kiều muốn về nước phải trải qua 7749 kiếp nạn y như Đường Tăng đi thỉnh kinh, mà hải quan chỉ là một trong những cửa ải cuối cùng.

Kiếp nạn thứ nhất : Sứ quán

Có lẽ từ thời Việt kiều đồng nghĩa với "nhiều tiền", thì không ít nhân viên sứ quán Việt Nam ở nước ngoài chuyển từ trách nhiệm ngoại giao sang "cầm dao" với đồng bào mình.

Đầu tiên là xin visa, hoặc miễn thị thực về nước.

- Biên lai ghi tay, không có con dấu xác nhận.

- Tiền trực thu gấp nhiều lần mức quy định chính thức.

- Quát rất to. Thái độ rất thô lỗ hống hách.

- Hết phôi visa, hết mực in, mực in không tương thích nên không in ra được.

- Điện thoại không bao giờ hoạt động. Gởi mail không bao giờ hồi âm.

- Chuyến bay giải cứu không thể mua vé trực tiếp theo hướng dẫn trên web của Bộ Ngoại giao. Cũng không thể làm đúng thủ tục được quy định. Ví dụ phải được cha/mẹ/anh/chị/chú/bác/ông/bà ở Việt Nam đồng ý bảo lãnh. Chỉ nội trong những người này, còn con cái, cháu chắt thì không. Có ông bà cha mẹ bảo lãnh rồi thì phải làm đơn (theo mẫu) XIN phường xác nhận mối quan hệ. Làm giấy xác nhận nhân thân (dù đã có căn cước) rồi lên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch để được xét duyệt lần nữa. Tiếp đến là 7749 thủ tục giấy tờ tốn cả đống tiền nhưng chẳng ai làm được nữa.

Nhưng thuê dịch vụ (do chính Hãng hàng không Quốc gia gợi ý) thì bao nhiêu vé cũng có, thủ tục có người "hỗ trợ trọn gói". Tương tự với các dịch vụ ở sứ quán. Giá trao tiền trực tiếp chỉ cao gấp ba bốn lần quy định chính thức chứ mấy.

Chân lý rút ra là : Bà con tham khảo các thủ tục nêu công khai trong quy định cho vui thôi. Vì nó thường vô cùng phức tạp, lằng nhằng rắc rối và vô lý. Nhưng chúng ta không cần hiểu. Chúng ta chỉ cần "cái gì đó dán lên mắt" những người làm thủ tục-cái ấy thường có màu xanh xanh- thì mọi sự dễ dàng.

Như thần thoại kể phải cầm ngọc tị thủy mới rẽ được nước mà đi vậy. Ý nghĩa của nó rất rõ ràng. Quý vị nghĩ xem, nếu không cầm vàng, cầm ngọc mà chỉ cầm bản quy định của Nhà nước thì làm sao vượt nổi đại dương ?

Kiếp nạn thứ hai : hải quan sân bay

Về được đến nước nhà, phải vượt tiếp ải hải quan sân bay.

Ải này hai chiều. "Khi về thì bị hỏi tiền cà phê. Khi đi thì có cán bộ hỏi đi du lịch Việt Nam còn dư tiền Việt Nam không, có thì cho anh em. Nếu không xì tiền ra thì bị hỏi tới hỏi lui, giữ chân thật lâu và vì tránh phiền phức, mọi người kháo nhau là phải có chút tiền 10-20 đô thì đó mới qua cổng được, riết rồi thành luật bất thành văn luôn" - một người Mỹ gốc Việt nói trên báo chí.

"Ôi trời ơi họ xin đểu mình, mình bảo mình đi ra nước ngoài nên không mang tiền Việt làm gì cả cho nên mình không có tiền để cho, cán bộ vẫn trơ mặt bảo : "Không có tiền Việt thì tiền đô la". Khiếp hồn" - nick Thi Huong Nguyen, một người Việt sống ở Anh post trên diễn đàn Tôi và sứ quán.

Trong những luật bất thành văn để qua ải hải quan, còn có bí quyết ai cũng biết là mua nilon quấn cái valy thật chặt, nhiều lớp chồng chéo chằng chịt. Kẻo khi xuống sân bay, cái valy đựng quà cáp, hàng hóa "của Tây" (Tây cái gì cũng đắt !) mang về cho gia đình bạn bè có thể sẽ tự va vào bàn tay của nhân viên sân bay, một số vật có giá trị trong đó sẽ tự dịch chuyển vào túi họ. Kéo valy về đến nhà rồi mở ra mới biết bị moi ruột tự lúc nào. Kiện á ? Như con kiến kiện củ khoai. Củ khoai chả thèm nói tiếng nào, chỉ lăn một vòng là con kiến bẹp dí.

Toát hết mồ hôi mang được cả người lẫn hành lý ra khỏi cửa hải quan thì đến ải taxi.

Kiếp nạn thứ ba : Ải taxi

Trước kia, hành khách tự do mang hành lý ra các sảnh bắt xe của sân bay. Không có cửa nào cả, mọi thứ đều thông thống. Chỉ chia các làn đường cho các loại xe. Taxi, xe nhà, xe cơ quan cứ đóng phí vào cổng thì tự do trong thứ tự vào sân bay đón khách. Xe ôm thì hành khách chịu khó kéo ra thêm vài trăm mét. Lane nào có lane nấy nên tuy đông đúc nhưng rất nhịp nhàng trật tự. Chỉ trong ít phút, khách được đón đi hết.

Khoảng năm bảy năm nay, sân bay Tân Sơn Nhất thấy cửa này kiếm ăn thơm quá mà để tư nhân tự vào bắt khách thì phí hết của giời. Họ bèn dời sảnh bắt xe công nghệ lên trên ba tầng lầu. Khách muốn bắt thì chịu khó khiêng vali lên đấy. Có thang máy nhưng một lúc cả vài trăm khách ùa ra thì thang máy quá tải thường trực, chờ 30 phút chưa đến lượt. Sốt ruột quá, khách xuống đất gọi taxi đi cho lẹ…

Lẹ á hả ? Đúng là tấm chiếu mới. Thưa bác, mọi đường ra đều đã bịt kín. Chỉ còn một cửa duy nhất cho taxi tự do. Khách xếp hàng dài bằng đường lên mặt trăng. Nhân viên sân bay ở đây cực kỳ mẫn cán, họ đứng trực ngay bên ngoài cửa này để kéo bari-e, mỗi lần chỉ cho năm người khách ra đón xe. Khách lên xe hết họ mới kéo bari-e cho năm người khác tiếp lọt qua.
"Vướng" đề là để vào được đến đây, xe công nghệ phải đóng hai lần tiền vị chi 25.000 VND cho mỗi lượt đón khách. Số tiền này hành khách phải trả. Vì thế, nếu thấy cuốc xe ngắn, số tiền không đủ cho tài xế có lời hoặc hành khách thấy giá cao bất hợp lý, họ sẽ từ chối cuốc. Thứ hai, làn xe bố trí cho taxi công nghệ rất khó tìm, bảng báo rất nhỏ, chỉ có hai làn đường vào mà lại chung với xe buýt nên khách rất khó tìm tài xế, tài xế thì phải chôn chân và nhích từng tí, hết vài chục phút mới vào được bên trong đón khách. Bực bội quá nên vào giờ cao điểm, tài xế chẳng thèm vào sân bay nhận khách nữa. Khách ùn ứ càng thêm ứ ùn. Trung bình mất khoảng một tiếng mới đón được taxi ra khỏi sân bay. Việc này chưa bao giờ xảy ra trước khi sân bay sắp xếp lại các làn xe.

Nhiều năm nay, báo chí Việt Nam kêu ầm ĩ, hành khách phẫn nộ chửi cha mắng mẹ cả cái sân bay Tân Sơn Nhất. Nhiều nhà quản lý, nhà chuyên môn… nhiệt tình hướng dẫn chi tiết cách chia làn, làm bảng báo, khu vực chờ… hợp lý cho sân bay. Cơ khổ ! Có biết đâu rằng chính việc làm khó hành khách như thế mới là mục đích của họ.

Vì họ có bịt hết mọi đường ra của hành khách đâu. Ngay cạnh đấy họ chừa tận bốn, năm cửa khác cho các hãng xe dịch vụ có ký hợp đồng với sân bay. Các cửa đó đều to rộng hoành tráng, nhân viên chực sẵn chào mời đon đả, đi tuồn tuột chẳng ai phải bị xếp hàng. Vấn đề là giá xe ở đó cao hơn giá xe taxi tự do ít nhất hai lần. Ok fine, cụ già, em nhỏ, bà bầu, người ở xa, người sắp tới giờ hẹn, người đang đau bụng, người cần đi khám bệnh, người đau ruột thừa… ai muốn ra khỏi sân bay sớm thì cứ xì tiền. Không thì cứ việc vác hành lý đi bộ khoảng một cây số ra tận ngoài đường, taxi cứ gọi là đông như quân Nguyên.

Tại sao báo chí, lãnh đạo bộ giao thông vận tải "đe dọa" nhiều lần nhưng tình trạng rối loạn và hành… khách bên trong sân bay Tân Sơn Nhất vẫn tiếp diễn ?

Đoạn này phải viện dẫn văn học cổ điển một tí, chúng ta mới hiểu trọn vẹn được.

Những con yêu quái danh gia vọng tộc

Quý vị chắc có nhớ trên đường thỉnh kinh, Đường Tăng luôn luôn gặp phải những con yêu quái cực kỳ thần thông quảng đại, nhăm nhăm bắt Đường Tăng ăn thịt. Đến khi Ngộ Không mượn được bảo bối về bắt được nó toan đem chém đầu thì bỗng dưng trên không nhã nhạc vang lừng, mây lành rực rỡ. Từ cao xanh vọng xuống một tiếng :

- Hãy khoan !

…Hãy khoan ! Quái vật này là con trâu xanh thú cưỡi của Thái thượng Lão quân. Đồng tử chăn trâu ngủ quên nên nó ăn trộm Kim cang trát xuống trần làm yêu tinh bắt người ăn thịt.

...Hãy khoan ! Quái vật kia là con thỏ ngọc hàng ngày xay thuốc trên cung Quảng Hàn của Hằng Nga, trốn xuống trần biến thành người con gái xinh đẹp bắt Đường Tăng về làm chồng ; không được thì ăn thịt.

…Hãy khoan ! Quái vật nọ là con cá nuôi trong ao sen của Quán thế âm bồ tát, ngày ngày nghe giảng kinh nên học được phép thần, trốn xuống trần hóa phép dòng sông băng lừa bắt Đường Tăng ăn thịt.

Tóm lại, chỉ trừ vài con quái tẹp nhẹp là bị Ngộ Không ra oai đánh chết, còn đâu những yêu quái hung hãn cả gan nhất đến nỗi dám giả dạng cả những bậc tôn nghiêm nhất như Phật tổ Như Lai, thì đều xuất thân danh gia vọng tộc, là người trong nhà của các bậc tiên thánh cao nhất cả.

Thế nên yêu quái không thể chết. Chúng trốn xuống trần bắt dân lành ăn thịt đến hoang vắng cả xóm làng suốt nhiều năm, Thái thượng lão quân, Phật tổ Như Lai vân vân chả thèm nháy mắt lấy một cái. Nhưng khi Ngộ Không giơ gậy lên định kết liễu thì các cụ hiện ra ngay lập tức, cười hề hề bảo thôi thôi để ta xích chúng về nhà. Thế là bao nhiêu mạng người lành bị yêu quái ăn thịt trôi tuột vào hư không. Tội lỗi rũ sạch. Thầy trò cưỡi nhau phơi phới về thượng giới.

Quý vị hiểu rõ rồi chứ ? Làm gì có việc các lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất không thừa hiểu cái chuyện đơn giản như sắp xếp làn xe đón khách cho thuận tiện. Nhưng, làm thế thì tiền đâu mang về cho vợ ? Những đe nẹt của các cấp lãnh đạo khác cũng chỉ là cái cười hề hề xin lỗi của Thái thượng Lão quân với Ngộ Không mà thôi. Chúng ta bị họ xem như con khỉ, bắt xuôi bắt ngược, muốn hành muốn tỏi thế nào cũng phải chịu…

Cuối cùng cũng na được tám cái vali, ẵm mẹ già, con nhỏ, vợ bầu… lên taxi.

Đến đây thì xảy ra chuyện taxi đi lòng vòng mua đường hoặc chặt chém khách.

Không phải taxi nào cũng vậy. Nhưng Việt kiều, nhìn trăng trắng, mập mập, ngô ngố… lòng vòng với đám hành lý lỉnh kỉnh dán đầy thẻ lên máy bay thì dễ nhận ra, và dễ được lừa lắm.

Nhưng thôi.

Đường Tăng phải trải qua 81 kiếp nạn mới thỉnh được kinh. Kiều bào không có cửa nào so với Đường Tăng về sự từ bi thì vài ba cái kiếp nạn sứ quán, máy bay, hải quan, sân bay… đã nhằm nhò gì. Yên tâm đi đồng bào, ráng lết tới cuối cái ví thế nào cũng thỉnh được kinh.

Đó là những bộ kinh : kinh hãi, kinh hoàng, kinh sợ, kinh dị, kinh hoảng, kinh hồn, kinh khiếp, kinh thiên động địa… đó mấy khúc ruột thừa ngàn dặm !

Trương Văn Mai

Nguồn : RFA, 11/01/2023

Tham khảo :

https://tuoitre.vn/san-bay-tan-son-nhat-bat-nhao-tu-trong-ra-ngoai-giai-quyet-nhu-the-nao-2022072807593268.htm

https://tuoitre.vn/san-bay-tan-son-nhat-bat-nhao-tu-trong-ra-ngoai-giai-quyet-nhu-the-nao-2022072807593268.htm

https://congan.com.vn/doi-song/chan-chinh-tinh-trangbat-nhao-tai-san-bay-tan-son-nhat_135155.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trương Văn Mai
Read 617 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)