Covid-19 : Dịch bùng nổ, Trung Quốc vẫn công bố số tử vong cực thấp
Trọng Nghĩa, RFI, 12/01/2023
Cách nay gần đúng ba năm, ngày 11/01/2020, Trung Quốc thông báo ca tử vong đầu tiên vì Covid-19. Ba năm sau, bất chấp các dấu hiệu ngày càng nhiều về đà bùng phát chưa từng thấy của dịch bệnh, với hệ quả tất yếu là số người chết tăng vọt, thống kê chính thức của Bắc Kinh vẫn rất thấp so với các quốc gia khác.
Công nhân làm việc tại một cơ sở dịch vụ hỏa táng ở Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 22/12/2022. AP
Theo tổng hợp của Google, tính đến ngày 11/01/2023, Trung Quốc chỉ chính thức ghi nhận 5.273 trường hợp tử vong vì Covid-19, một con số cực kỳ thấp so rất nhiều nước khác (như Hoa Kỳ, hơn 1 triệu người, Brazil, gần 700.000 người, Ấn Độ, hơn 500.000 người, Pháp, hơn 160.000, Việt Nam, hơn 43.000…).
Theo bảng xếp hạng của trang tin Worldometers, tính đến ngày 12/01, Trung Quốc chỉ đứng thứ 89 về số tử vong vì Covid trên tổng số 231 quốc gia và vùng lãnh thổ được thống kê. Về tỷ lệ người chết theo tổng số dân, thứ hạng của Trung Quốc còn thấp hơn nữa, xếp thứ 220.
Số liệu chính thức của Bắc Kinh về các ca nhiễm cũng cực kỳ thấp, chỉ có hơn 500.000 người bị Covid-19 từ đầu dịch đến nay, đứng thứ 91 thế giới về số ca nhiễm, so với hơn 100 triệu ca tại Mỹ, gần 50 triều ca tại Ấn Độ, hay xấp xỉ 40 triệu ca tại Pháp. Ngay cả Viêt Nam cũng bị đến hơn 11 triệu ca nhiễm.
Lò thiêu quá tải, nhưng người chết không nhiều !
Trong một bài phân tích ngày 11/01/2023, thông tín viên RFI tại Bắc Kinh Stéphane Lagarde đã nêu bật nghịch lý về Covid-19 tại Trung Quốc, theo đó ngay cả khi các lò hỏa táng đang hoạt động hết công suất trở lại từ nhiều tuần lễ nay, về mặt chính thức, dịch bệnh vẫn tiếp tục không gây ra nhiều trường hợp tử vong, thậm chí còn không hề làm chết người, theo báo cáo trong những ngày gần đây.
Nghịch lý này được giải thích bằng việc chính quyền đã ngừng công bố các báo cáo hàng ngày về dịch bệnh. Nhiều siêu đô thị Trung Quốc cho biết đã vượt qua đỉnh dịch, nhưng những bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch vẫn tiếp tục đổ về các khoa hô hấp và chăm sóc đặc biệt của bệnh viện, trong lúc các lò hỏa táng đã quá tải.
Theo phóng viên RFI, số "khách hàng" tại các lò thiêu đông đến mức một số nhà tang lễ đã phải thuê người làm việc tạm thời. Một trong những công nhân tạm thời này ở Thượng Hải, vốn đã làm việc thêm hai tuần tại một trong những nhà tang lễ lớn nhất thành phố, đã kể lại như sau : "Thực sự là cơ sở đã đầy người ! Không còn chỗ trống ! Trong nhà tang lễ nơi tôi làm việc, chúng tôi có thể bảo quản tới 4.000 thi thể. Nhưng tốc độ thiêu không theo kịp. Đôi khi có từ 700 đến 800 xác chết được chuyển tới trong một ngày, trong lúc chỉ có thể hỏa táng từ 50 đến 60 thi thể. Tổng cộng có 10 lò thiêu, mỗi lò mỗi ngày chỉ đốt được 5-6 xác. Do đó, đôi khi đợi 15 ngày trước khi có chỗ".
Một nhân viên tang lễ tạm thời tâm sự : "Một trong những đồng nghiệp của tôi chỉ làm được nửa ngày,. Anh ấy không thể chịu được mùi của xác người đang phân hủy. Xác chết để quá lâu trong phòng lạnh, và chúng đang phân hủy. Mùi rất khó chịu. Chắc hẳn bạn đã từng nhìn thấy hình ảnh những người chết nằm trên mặt đất trong bệnh viện. Ở đó cũng không còn chỗ. Vào lúc cao điểm của dịch bệnh, có 60 đến 70 ca tử vong mỗi ngày tại một số bệnh viện, với thi thể nằm la liệt trên sàn nhà".
Nỗi lo ngại về số tử vong tăng vọt hiện dồn về nông thôn, với làn sóng về quê lớn vào dịp Tết Nguyên Đán. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết hệ thống y tế nông thôn và nguồn cung cấp thuốc đã được củng cố. Theo Tân Hoa Xã, 23.000 cơ sở y tế cấp quận, 35.000 bệnh viện thị trấn và 599.000 phòng khám ở các thôn làng tạo thành "một hệ thống bảo vệ sức khỏe hợp tác và hiệu quả, để bệnh nhân nông thôn có thể được hưởng các dịch vụ y tế ở nhiều cấp độ". Tuy nhiên, theo hãng tin Mỹ Bloomberg, điều đó không ngăn được một số làng bị ngập trong làn sóng Covid.
Không được chết vì Covid !
Một nguyên nhân khác khiến cho số liệu về các ca tử vong vì Covid-19 cực thấp tại Trung Quốc : Đó là việc khai nguyên nhân chết là vì dịch bệnh này đã trở thành điều cấm kỵ.
Ủy Ban Y Tế Quốc Gia không chỉ xếp loại trở lại căn bệnh mà còn xác định lại tiêu chí tử vong do hậu quả của Covid. Kể từ nay, chỉ những trường hợp tử vong liên quan đến suy hô hấp mới được coi là vì bệnh Covid. Còn chết vì các bệnh khác bị virus Covid làm trầm trọng thêm thì không được tính.
Theo thông tín viên RFI, chính vì thế mà hiện nay, Trung Quốc đã bị những dịch đau tim hay "viêm phổi thông thường". Một người bị mất một người bà 93 tuổi vào đầu tháng 12 vì biến chứng của những căn bệnh trước đó, ngay sau khi nhiễm Covid cho biết : "Tất nhiên bạn không thể nói đó là chết vì Covid... Tất cả các bệnh viện đều từ chối các nguyên nhân như Covid hay viêm phổi do virus. Họ không cấp giấy chứng tử cho bạn nếu bạn nói thế. Tốt hơn là nên tránh rắc rối, nhất là vào lúc này khi rất khó để tìm một nơi giữ người chết".
Covid không được nêu rõ trong giấy chứng tử, vì vậy thống kê các ca tử vong vì Covid đương nhiên rất thấp.
Về việc không công nhận người chết vì Covid, ngoài lý do chính trị, còn có nguyên nhân kinh tế. Bà Marie Holzman, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc giải thích : "Những người đã mua bảo hiểm y tế cho các chi phí y tế liên quan đến Covid không thể bị tuyên bố là đã chết vì Covid, mà chỉ vì bệnh viêm phổi, viêm màng phổi mà thôi".
Tổ chức Y tế Thế giới ngày 11/01 khuyên Châu Âu không nên lo lắng về dịch bệnh ở Trung Quốc, nhưng chỉ mới hai tuần trước đây, họ đã đề cập đến sự thiếu minh bạch của chính quyền Bắc Kinh.
Trung Quốc : khó thống kê số người chết vì Covid-19
Tại Trung Quốc, vẫn rất khó đánh giá số nạn nhân của Covid-19. Kể từ khi kết thúc chính sách zero Covid, số người chết có thể đã bùng nổ ở Trung Quốc. Bắc Kinh bị cáo buộc ngụy tạo số liệu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có một sự "đánh giá thấp" về số người mắc bệnh và tử vong.
Dù Bắc Kinh không cung cấp thông tin, chuyên gia Marie Holzman cho rằng kể từ tháng 12 vừa qua, số người chết vì Covid tại Trung Quốc có thể lên tới hàng triệu người. Là người từng cảnh báo ba năm trước đây về sự dối trá của chính quyền Trung Quốc trong việc thông tin về Covid, ngày nay, bà thẩm định : "Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy là trong thực tế sẽ có hai đến ba triệu người chết. Dân Trung Quốc không được miễn dịch chút nào và do đó quy mô đáng kể của làn sóng tử vong hiện tại đối với tôi dường như là điều hiển nhiên".
Theo kênh truyền thông Pháp Franceinfo, ước tính về hai hoặc ba triệu ca tử vong này phù hợp với một viện y tế của Mỹ và một viện khác của Anh. Bà Marie Holzman giải thích làn sóng vẫn chưa kết thúc. "Mọi người nói rằng trong bệnh viện, các bác sĩ và y tá đều bị nhiễm Covid, có vẻ như tất cả mọi người đều bị lây bệnh".
Trọng Nghĩa
***************************
Covid : Tổ chức Y tế Thế giới lại chỉ trích Trung Quốc thiếu minh bạch
Thùy Dương, RFI, 12/01/2023
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 11/01/2023 lại một lần nữa chỉ trích Bắc Kinh không chia sẻ các dữ liệu đáng tin cậy về đại dịch Covid-19 tại đất nước Trung Quốc 1,4 tỉ dân. Trái lại Tổ chức Y tế Thế giới khen ngợi Mỹ đã minh bạch thông tin trong cuộc chiến chống biến thể mới XBB.1.5.
Michael Ryan, Giám đốc đặc trách Chương trình Khẩn cấp Y tế, WHO, tại một cuộc họp ở Genève, ngày 14/12/2023. Reuters - Denis Balibouse
Trong một cuộc họp báo tại Genève, Mike Ryan, phụ trách tình hình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới, hôm 11/01 nhận định, cho dù Trung Quốc có sự hợp tác chặt chẽ hơn với WHO, Tổ chức Y tế Thế giới "vẫn không được cung cấp đủ các thông tin để đánh giá đầy đủ các nguy cơ". Do thiếu các dữ liệu chính thức đầy đủ của Trung Quốc, theo quan chức WHO, sẽ rất khó xử lý dịch Covid-19 trong dịp Tết cổ truyền tại Trung Quốc trong hơn một tuần nữa.
Đáp lại những chỉ trích của Tổ chức Y tế Thế giới, Bắc Kinh tuyên bố "không cần thiết" phải ngay lập tức công bố cụ thể số ca tử vong do virus corona. Theo AFP, nhà dịch tễ học Lương Vạn Niên (Liang Wannian), đứng đầu nhóm chuyên gia về Covid-19 của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, hôm 11/01/2023 khẳng định : "Hiện giờ tôi không nghĩ là cần phải điều tra về nguyên nhân (tử vong) của từng ca bệnh". Quan chức này nhấn mạnh "nhiệm vụ chính trong đại dịch là chăm sóc người bệnh".
Theo số liệu chính thức của Bắc Kinh, tính từ tháng 12/2022 cho đến nay, mới chỉ có 37 người chết vì Covid trong cả nước, trên tổng dân số 1,4 tỉ người. Theo cách tính của Bắc Kinh, chỉ những ai chết vì suy hô hấp do virus corona mới được tính là ca tử vong vì Covid-19. Nhà dịch tễ học Lương Vạn Niên nhấn mạnh mỗi nước có cách tính riêng "căn cứ vào tình hình riêng".
Đối với người dân trong nước, các chuyên gia y tế Trung Quốc khuyến cáo họ không nên đến thăm người cao tuổi trong kỳ nghỉ Tết. Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ nỗi lo ngại khi phải lựa chọn giữa việc trở về đoàn tụ gia đình, hay đặt sức khỏe của người cao tuổi lên trên hết. Kỳ nghỉ Tết cổ truyền là giai đoạn người dân Trung Quốc di chuyển nhiều nhất trong năm để sum họp với gia đình.
Thùy Dương
*************************
Mở cửa biên giới, Trung Quốc gấp rút gia hạn hộ chiếu cho dân xuất ngoại
Reuters, VOA, 10/01/2023
Mọi người xếp hàng dài bên ngoài các văn phòng xuất nhập cảnh ở Bắc Kinh hôm 9/1, mong muốn được gia hạn hộ chiếu sau khi Trung Quốc bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới do Covid-19 vốn đã ngăn cản phần lớn 1,4 tỷ dân đi du lịch trong ba năm.
Hành khách mang khẩu trang chờ lấy thẻ lên các chuyến bay quốc tế tại Phi trường Quốc tế Bắc Kinh ngày 29/12/2022.
Việc mở cửa trở lại vào Chủ nhật 8/1 là một trong những bước cuối cùng trong quá trình dỡ bỏ chính sách "zero-Covid" của Trung Quốc, bắt đầu vào tháng trước sau các cuộc biểu tình lịch sử chống lại các biện pháp hạn chế virus nhưng lại gây ra sự bất bình lan rộng trong người dân.
Đang chờ gia hạn hộ chiếu trong hàng dài hơn 100 người ở thủ đô Trung Quốc, ông Yang Jianguo, 67 tuổi, một người về hưu nói với Reuters rằng ông dự định tới Mỹ để gặp con gái lần đầu tiên sau 3 năm.
"Cháu kết hôn năm ngoái nhưng phải hoãn lễ cưới vì chúng tôi không thể đến dự. Chúng tôi rất vui vì giờ đã có thể đi", ông Yang nói khi đứng bên cạnh vợ.
Thị trường chứng khoán và tiền tệ của Trung Quốc mạnh lên vào ngày 9/1, khi các nhà đầu tư đặt cược rằng việc mở cửa trở lại có thể giúp khôi phục nền kinh tế trị giá 17 nghìn tỷ đô la đang chịu mức tăng trưởng thấp nhất trong gần nửa thế kỷ.
Động thái của Bắc Kinh bỏ các yêu cầu cách ly đối với du khách dự kiến sẽ thúc đẩy du lịch nước ngoài, vì người dân sẽ không phải đối mặt với những hạn chế đó khi họ quay trở lại.
Nhưng các chuyến bay khan hiếm và một số quốc gia đang yêu cầu các du khách đến từ Trung Quốc phải xét nghiệm Covid âm tính nhằm ngăn chặn một đợt bùng phát đang tràn ngập nhiều bệnh viện và lò thiêu của Trung Quốc. Trung Quốc cũng vậy, yêu cầu khách du lịch xét nghiệm Covid âm tính trước khi khởi hành.
Các quan chức y tế hàng đầu của Trung Quốc và truyền thông nhà nước đã nhiều lần nói rằng các ca nhiễm Covid đang lên đến cao điểm trên khắp đất nước và họ đang tìm cách hạ giảm tầm nguy hiểm do căn bệnh này gây ra.
"Cuộc sống lại tiến lên phía trước !", tờ báo chính thức của Đảng cộng sản, Nhân dân Nhật báo, đã viết trong một bài xã luận ca ngợi các chính sách chống virus của chính phủ vào cuối ngày 8/1 mà tờ báo này cho biết đã chuyển từ "ngăn ngừa lây nhiễm" sang "ngăn ngừa dịch bệnh nghiêm trọng".
"Hôm nay, virus yếu, chúng ta mạnh hơn".
Chính thức, Trung Quốc báo cáo chỉ có 5.272 trường hợp tử vong liên quan đến Covid tính tới ngày 8/1, một trong những tỷ lệ tử vong do lây nhiễm thấp nhất trên thế giới.
Nhưng Tổ chức Y tế Thế giới cho biết Trung Quốc báo cáo dưới mức của đợt bùng phát và các chuyên gia virus quốc tế ước tính hơn một triệu người ở nước này có thể chết vì căn bệnh này trong năm nay.
Bỏ qua những dự báo ảm đạm đó, cổ phiếu Châu Á đã tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng vào ngày 9/1 trong khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất so với đồng đô la kể từ giữa tháng 8 năm ngoái.
"Việc chấm dứt chính sách zero-Covid là… sẽ có tác động tích cực lớn đến chi tiêu trong nước", ông Ralph Hamers thuộc UBS nói tại hội nghị Greater China thường niên của ngân hàng Thụy Sĩ vào ngày 9/1.
"Chúng tôi tin rằng có rất nhiều cơ hội cho những người cam kết đầu tư vào Trung Quốc".
Nhẹ nhõm
Ông Michael Harrold, 61 tuổi, một biên tập viên ở Bắc Kinh nói với Reuters tại Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh vào Chủ nhật sau khi đáp chuyến bay từ Warsaw về : "Thật nhẹ nhõm khi có thể trở lại bình thường... chỉ cần quay lại Trung Quốc, xuống máy bay, gọi taxi và về nhà".
Ông Harrold cho biết ông đã lường trước việc phải cách ly và thực hiện nhiều vòng xét nghiệm khi trở về từ Châu Âu vào đầu tháng 12.
Đài truyền hình nhà nước CCTV đưa tin hôm 8/1 rằng các chuyến bay trực tiếp từ Hàn Quốc đến Trung Quốc gần như đã được bán hết. Báo cáo nhanh chóng trở thành mục được đọc nhiều nhất trên trang mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
Trong thời gian tới, nhu cầu tăng đột biến từ khách du lịch sẽ bị cản trở bởi số lượng chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc bị hạn chế, hiện chỉ bằng một phần nhỏ so với mức trước Covid.
Dữ liệu của Flight Master cho thấy vào ngày 8/1, Trung Quốc có tổng cộng 245 chuyến bay đến và đi quốc tế, so với 2.546 chuyến bay vào cùng ngày năm 2019 – giảm 91%.
Đầu tháng này, Korean Air cho biết họ đang tạm dừng kế hoạch tăng chuyến bay đến Trung Quốc do lập trường thận trọng của Seoul đối với du khách Trung Quốc. Hàn Quốc giống như nhiều quốc gia khác hiện yêu cầu du khách từ Trung Quốc, Ma Cao và Hong Kong cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính với Covid trước khi khởi hành.
Đài Loan, bắt đầu xét nghiệm những người đến từ Trung Quốc từ đầu năm nay, hôm 9/1 cho biết gần 20% trong số những du khách Trung Quốc được xét nghiệm cho đến nay là dương tính với Covid.
Doanh thu du lịch nội địa của Trung Quốc vào năm 2023 dự kiến sẽ phục hồi lên 70-75% so với mức trước Covid, nhưng số lượng chuyến đi trong và ngoài nước sẽ chỉ phục hồi từ 30 đến 40% ở mức trước Covid trong năm nay, China News loan tin ngày 8/1.
Nguồn : VOA, 10/01/2023