Kishida tại Tòa Bạch Ốc
Ngô Nhân Dụng, VOA, 15/01/2023
Khi ông Fumio Kishida đến Tòa Bạch Ốc tuần này, thủ tướng Nhật đã mang sẵn một món quà tặng Tổng thống Joe Biden. Đó là chiến lược quốc phòng mới của Nhật Bản, công bố vào tháng trước.
Nhật là nước Châu Á ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất. Họ muốn cảnh cáo các chế độ độc tài chuyên chế khác đừng bắt chước Putin.
Bắt đầu từ năm 2027, Nhật Bản sẽ dành 2% Tổng sản lượng nội địa (GDP) cho chi phí quốc phòng, gấp đôi tỷ lệ 1% vẫn tự giới hạn từ sau khi bại trận, chính thức xác nhận từ năm 1976. Ngân sách sẽ lên tới 73 tỷ mỹ kim một năm ; lớn hàng thứ ba trên thế giới sau Mỹ (649 tỷ) và Trung Quốc (261 tỷ).
Thay vì chỉ chú trọng việc phòng thủ, chiến lược mới nhấn mạnh đến khả năng "phản công đề phòng" trước khi bị quân địch tấn công. Để bảo đảm sức "phản công" coi là không thể nào thiếu được, ông Kishida sẽ yêu cầu ông Biden chấp thuận cung cấp cho Nhật Bản 500 hỏa tiễn Tomahawk, loại phóng ra rồi chạy ngang (cruise missiles) nhắm thẳng vào các giàn vũ khí của đối phương, khó bị chặn phá hơn loại phóng vòng lên trời. Hiện nay, Anh quốc là nước đồng minh duy nhất của Mỹ được mua Tomahawk. Ngoài Tomahawk, Nhật cần mua thêm 500 hỏa tiễn khác, và đang tiến hành việc tự chế và sản xuất các loại hỏa tiễn của mình.
Bán Tomahawk cho Nhật chính là bảo vệ quân Mỹ đang đóng ở Nhật. Nếu muốn bảo vệ Đài Loan khi bị Trung Quốc tấn công, Mỹ sẽ phải sử dụng căn cứ hải quân ở đảo Okinawa, cách Đài Loan hơn 600 cây số đường biển. Do đó, Trung Quốc sẽ phải đánh Okinawa trước. Khi Nhật Bản có hỏa tiễn Tomahawk, Bắc Kinh sẽ nghĩ lại.
Nhật Bản nói đến mối đe dọa từ Bắc Hàn để biện minh nhu cầu cần mua hỏa tiễn mới. Trong năm 2022, Kim Jong-un đã cho bắn hơn 90 hỏa tiễn, cả loại bắn thẳng (cruise missiles) lẫn loại bắn vòng cầu (ballistic missiles), nhắm vào vùng biển chung quanh nước Nhật. Nhưng Nhật cũng nhắc đến tên Trung Quốc, mà đó mới là mối đe dọa đáng ngại nhất. Trong tháng Tám, Trung Quốc đã phóng 5 hỏa tiễn vòng cầu trong vùng biển gần Nhật Bản. Nhật Bản đang cải thiện các hỏa tiễn Loại 2 nhắm bắn các tàu biển.
Chiến lược quốc phòng mới của nước Nhật đã bắt nguồn với cố Thủ tướng Abe Shinzo trong nhiệm kỳ đầu của ông, 2006-2007. Abe là người đầu tiên đưa cụm từ "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" (Indo-Pacific) trong ngôn ngữ ngoại giao quốc tế, thay thế khái niệm Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) quá mơ hồ. Năm 2006, ông đã đề nghị bốn nước trong vùng này, Ấn Độ, Úc, Nhật và Mỹ hợp tác trong các cuộc thao diễn quân sự, một liên minh mới thành hình, mang tên Quad. Khi trở lại vai trò thủ tướng năm 2012, ông Abe đưa ra các sáng kiến củng cố sự hợp tác giữa các nước Đông Á và Mỹ để bảo vệ một vùng "Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự do và Mở cửa" (Free and Open Indo-Pacific). Khái niệm FOIP này mới được hai ông Kishida và Biden lập lại trong bản thông cáo chung.
Năm 2017 ông Abe đã bảo vệ Thỏa hiệp Cộng tác Kinh tế TPP, mời 11 nước cùng ở lại sau khi Mỹ rút ra ngoài. Mục tiêu của thỏa hiệp là lập một hàng rào đối phó với chiến lược bành trướng của Trung Quốc trong vùng. Từ đó tới nay, các chính phủ Nhật Bản tiếp tục hợp tác kinh tế với các nước Đông Nam Á để lập thế cân bằng với Trung Quốc. Các vấn đề quân sự chỉ bắt đầu được đề cao sau khi Nga tấn công Ukraine.
Với chiến lược quốc phòng mới, Nhật Bản thắt chặt thêm mối quan hệ quân sự với Mỹ. Nhật Bản muốn bảo vệ một "trật tự thế giới" trong vùng Đông Á, mà nước Mỹ đóng vai chính. Nhưng trong thực tế, nước Nhật đóng vai chủ động xây dựng "trật tự mới" trong vùng và lôi kéo các chính phủ khác tham dự.
Khi công bố chiến lược mới, Thủ tướng Fumio Kishida mô tả đó là một "bước ngoặt" trong chính sách quốc phòng. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng dùng hình ảnh "bước ngoặt" khi gia tăng ngân sách quốc phòng thêm 100 tỷ mỹ kim, ba ngày sau khi quân Nga xâm lăng Ukraine đầu năm ngoái.
Nga đánh Ukraine đánh thức cả hoàn cầu về mối đe dọa của các chế độ độc tài chuyên chế, không tôn trọng luật pháp quốc tế. Những nước ở Đông Âu và Trung Á đều tự hỏi : Bao giờ nó đánh mình ? Các nước Đông Á và Đông Nam Á cũng giật mình lo lắng. Tập Cận Bình không hề lên tiếng phản đối cuộc xâm lăng của Nga ; sẽ coi đó là một tiền lệ, có ngày Trung Quốc sẽ đánh Đài Loan.
Trước đây Nhật đối với nước Nga có khuynh hướng hòa hoãn, dù vẫn tranh chấp đòi lại những quần đảo quân Nga đã chiếm trong những ngày cuối Đại chiến thứ hai, sau khi Nhật đã đầu hàng Mỹ. Sau ngày 24/2/2022, Nga đánh Ukraine, Thủ tướng Kishida đã thay đổi. Nhật là nước Châu Á ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất. Họ muốn cảnh cáo các chế độ độc tài chuyên chế khác đừng bắt chước Putin, ông Kishida nói với báoThe Washington Post. Ông báo động : "Bây giờ là Ukraine, tương lai sẽ đến lượt Châu Á !". Trước mối de dọa của Nga, Trung Quốc và Bắc Hàn, dân Nhật Bản ủng hộ quan điểm của chính phủ.
Mặc dù nuôi lý tưởng hòa bình từ sau năm 1945, mối quan tâm lớn của dân Nhật Bản là làm cách nào nước mình "không bị thua", ông Kishida nhận xét. Sau chiến tranh, họ cố gắng "không thua" trong cuộc chạy đua kinh tế. Bây giờ, họ nhất định "không chịu thua" trước áp lực của Trung Quốc. Tập Cận Bình đã từng dùng đòn kinh tế, thương mại để gây ảnh hưởng chính trị trên các nước Australia, Philippines, Malaysia, Campuchia, Lào, và đe dọa Việt Nam. Dân Nhật không chịu cúi đầu, phải tỏ thái độ cứng rắn trước.
Đại sứ Mỹ ở Tokyo, ông Rahm Emanuel nói rằng Mỹ sẽ hỗ trợ Nhật canh tân quân đội và phối hợp với Mỹ trong các lãnh vực chiến tranh tin học, dưới biển, trong không gian, và hệ thống tuần duyên. Một điểm quan trọng khác là hợp tác phòng thủ về kinh tế. Trong thời gian Covid, Trung Quốc nắm hầu hết nguồn cung cấp các dụng cụ y tế rẻ tiền ; họ từng "bắt chẹt" các nước khi bán các khoáng chất hiếm cần thiết cần cho công nghiệp điện tử và pin điện. Mỹ và Nhật sẽ cùng giúp cho kinh tế các nước tự do dân chủ không tùy thuộc vào việc nhập cảng hàng hóa của Trung Quốc.
Trước ngày ông Kishida đến, ông Yasutoshi Nishimura, bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật đã nói chuyện ở Washington, kêu gọi hai nước cộng tác trong các lãnh vực chế tạo chất bán dẫn, kỹ thuật y tế, trí khôn nhân tạo, khoa học lượng tử, bảo vệ sức mạnh công nghiệp không để mất ưu thế khoa học, kỹ thuật. Điểm cuối cùng này phản ảnh chính sách mới của chính phủ Mỹ, cấm bán các chất bán dẫn tối tân và dụng cụ làm chip mới cho Trung Quốc.
Mỹ và các đồng minh phải chống lại các chế độ độc tài chuyên chế, cùng tạo nên một "trật tự thế giới mới đặt trên nền tản tự do, dân chủ, tôn trọng quyền làm người và thượng tôn pháp luật". ông Yasutoshi Nishimura nói, báo trước mục tiêu cuộc công du của thủ tướng Fumio Kishida. Cuộc họp các nước G-7 vào tháng Năm, 2023 ở Hiroshima, quê của ông Kishida, sẽ khai triển "trật tự mới" này.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 15/01/2023
*****************************
Từ Anh, Ý đến Mỹ, Nhật Bản gia tăng các thỏa thuận an ninh trong mục tiêu đối phó với Trung Quốc
Trọng Nghĩa, RFI, 13/01/2023
Mở rộng quan hệ quốc phòng Nhật - Mỹ sang cả lãnh vực không gian, ký kết một thỏa thuận quân sự quan trọng với Luân Đôn, thúc đẩy kế hoạch chế tạo chiến đấu cơ thế hệ mới chung với Ý - Anh : vòng công du thần tốc của thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida qua 5 nước Châu Âu và Bắc Mỹ, kết thúc bằng cuộc gặp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ Joe Biden vào hôm 13/01/2023, là bằng chứng rõ nhất về chiến lược đối phó với Trung Quốc mà Tokyo đang triển khai.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tổ chức họp báo ngày 16/12/2022 tại Tokyo sau khi Nhật Bản thông qua chiến lược quốc phòng mới. AP - David Mareuil
Đó là tăng cường và nhân rộng các thỏa thuận quốc phòng và an ninh với các đồng minh.
Dĩ nhiên, nhân vòng công du qua Pháp, Anh, Ý, Canada và Mỹ, lãnh đạo Nhật Bản đã thảo luận về vô số chủ đề với những người đồng cấp thuộc nhóm G7. Thế nhưng, theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP vào hôm nay 13/01/2023, vấn đề quốc phòng và an ninh là điểm được ưu tiên trong chương trình nghị sự của ông.
Mục tiêu của mong muốn tăng cường hợp tác quốc phòng với các đồng minh dĩ nhiên là Trung Quốc, đã chính thức bị Tokyo coi là "thách thức chiến lược chưa từng có" đối với sự an toàn của Nhật Bản, như được nêu rõ trong học thuyết quốc phòng mới được công bố tháng 12/2022.
Hành vi của Trung Quốc bị tố cáo
Tại Anh, Canada hay tại Hoa Kỳ, Trung Quốc đã được nêu đích danh, còn tại Pháp, Ý, thủ tướng Nhật Bản cũng đã nhắc đến mối đe dọa từ Trung Quốc, khi cho rằng kêu gọi hợp tác để chống lại "các mưu toan đơn phương dùng võ lực để thay đổi nguyên trạng tại vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông".
Đối với giới phân tích, các thỏa thuận về quốc phòng mà Tokyo vừa đạt được với Luân Đôn và Washington trong những ngày gần đây là một minh họa mới cho thấy Tokyo mong muốn thắt chặt quan hệ với các đồng minh trước áp lực ngày càng tăng của Trung Quốc trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương.
Theo chuyên gia Amy King, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, thuộc Đại học Quốc gia Úc, ông Kishida đang cố gắng mở rộng mối quan hệ của Nhật Bản để bảo đảm an toàn cho nước này nếu chẳng may năng lực của Mỹ bị "suy yếu" đi. Ông đồng thời cố gắng "thu hút các nền dân chủ lớn khác đến Châu Á".
Vấn đề liên kết chặt chẽ với các quốc gia đồng chí hướng đang thực sự trở nên cần thiết. Theo giáo sư Mitsuru Fukuda, giáo sư tại Đại Học Nihon ở Tokyo : "Trong quá khứ, Nhật Bản có thể tách rời kinh tế và chính trị" bằng cách buôn bán với Trung Quốc và Nga, trong khi được hưởng sự bảo vệ đến hiệp ước an ninh với Hoa Kỳ. Thế nhưng, giờ đây, tình hình đã đổi khác, khi căng thẳng giữa các nền dân chủ và các nước độc tài ngày càng gia tăng kể từ khi Nga xâm lược Ukraina.
Các thỏa thuân an ninh, quốc phòng mới
Nhân vòng công du lần này của thủ tướng Kishida, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ và Nhật Bản đã gặp nhau ngày 12/01, với kết quả là chính thức hóa việc mở rộng phạm vị hiệu lực của hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ sang lĩnh vực không gian vũ trụ và không gian mạng, cũng như việc triển khai vào năm 2025 một đơn vị Thủy quân lục chiến cơ động hơn ở Okinawa, vùng lãnh thổ Nhật Bản gần Đài Loan và Trung Quốc nhất.
Trước đó một hôm, tại Luân Đôn, Nhật Bản và Vương quốc Anh cũng đã ký kết một Thỏa thuận Tiếp cận Hỗ tương, cho phép quân đội của hai nước triển khai trên lãnh thổ của nhau theo cách linh hoạt hơn nhiều so với cho đến nay. Nhật Bản đã ký một thỏa thuận tương tự với Úc vào năm ngoái và đang thảo luận một dự án tương tự với Philippines.
Còn tại Roma ngày 10/01, thủ tướng Nhật và đồng nhiệm Ý đã quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên hàng đối tác chiến lược, khởi động cơ chế đối thoại 2+2.
Vào năm ngoái, Tokyo cũng đã quyết định hợp tác phát triển một loại máy bay chiến đấu mới với Luân Đôn và Roma, đồng thời hợp tác trong lĩnh vực tình báo với Úc
Theo Daisuke Kawai, một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản, việc thiết lập mạng lưới liên minh "quả là một cách hiệu quả để chống lại hoặc cố gắng ngăn chặn Trung Quốc", không cho Bắc Kinh gây ra một cuộc khủng hoảng lớn ở Châu Á - Thái Bình Dương. Theo chuyên gia này, do việc những thỏa thuận như vậy không đi xa như các hiệp ước phòng thủ chung, nên vẫn "có thể chấp nhận được trong thời điểm hiện tại" đối với Trung Quốc.
Các cuộc thăm dò cho thấy là phần lớn dư luận Nhật Bản ủng hộ việc củng cố quốc phòng của đất nước, nhưng các ý kiến lại khác nhau về cách tài trợ cho một nỗ lực lớn như vậy.
Trọng Nghĩa