Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/01/2023

Vì sao sinh viên phải đi "học quân sự" ?

Thới Bình

Quân sự hóa học đường để phục vụ Nam tiến

Ngày 19/11/1958 Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng (chính quyền Hà Nội) đã ký Nghị định số 511-TTg Quy định những điểm cụ thể về chế độ của sĩ quan tại ngũ biệt phái nói trong Luật số 109-SL/L11 ngày 31/5/1958 của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó tại Điều 2 quy định nhiệm vụ của sĩ quan biệt phái đảm nhiệm nhiệm vụ huấn luyện viên quân sự tại các trường học.

hoc1

"Học quân sự" là cách nói vắn tắt của tín chỉ bắt buộc của môn "Giáo dục quốc phòng an ninh".

Nghị định này về sau được coi là đánh dấu sự ra đời môn học mới trong hệ thống giáo dục quốc dân – môn học quân sự, cơ sở của môn học Giáo dục quốc phòng an ninh ngày nay.

Đến ngày 28/12/1961, Hội đồng chính phủ của chính quyền ở miền Bắc đã ban hành Nghị định số 219/CP về việc huấn luyện quân sự cho quân nhân dự bị và dân quân tự vệ.

Nghị định ghi : "Trong các trường đại học và các trường chuyên nghiệp trung cấp, việc học tập quân sự phải đặt thành một môn học chính. Sinh viên các trường đại học được huấn luyện theo chương trình đào tạo sĩ quan, học sinh các trường chuyên nghiệp trung cấp được huấn luyện theo chương trình đào tạo hạ sĩ quan".

"Học quân sự" để luôn sẵn sàng chiến đấu

Năm 1980, chính phủ ban hành Thông tư liên Bộ Quốc phòng – Đại học và Trung học chuyên nghiệp số 107/LB-QP-ĐH ngày 21/1/1980 về việc huấn luyện sĩ quan dự bị trong học sinh các trường đại học và cao đẳng, nhằm bồi dưỡng cho sinh viên những kiến thức cơ bản về khoa học quân sự (lý thuyết và thực hành) để sau khi tốt nghiệp ra trường, khi cần thiết có thể hoàn thành tốt nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc với cương vị người sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày 1/5/2001, chính phủ ban hành Nghị định số 15/2001/NĐ-CP về Giáo dục quốc phòng. Nghị định đã xác định vị trí, tính chất của công tác Giáo dục quốc phòng thuộc nội dung của nền giáo dục quốc gia, là nội dung cơ bản trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Đồng thời Nghị định 15 cũng quy định Giáo dục quốc phòng là môn học chính khoá trong các trường, lớp đào tạo bậc đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, trung học phổ thông thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ; các trường chính trị, hành chính và đoàn thể.

Ngày 15/8/2001, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 119/2001/QĐ-TTg vể việc thành lập Hội đồng Giáo dục quốc phòng Trung ương với chức năng tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch hoạt động và những công tác quan trọng về giáo dục quốc phòng.

Năm 2007, thực hiện Chỉ thị số 12 – CT/TW ngày 3/5/2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới ; môn học giáo dục quốc phòng được chính thức đổi tên thành môn học Giáo dục quốc phòng – an ninh (lồng ghép kiến thức giáo dục an ninh trong giáo dục quốc phòng).

Ngày 10/7/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2007/NĐ-CP về Giáo dục quốc phòng – an ninh. Một lần nữa vị trí, tính chất của công tác Giáo dục quốc phòng – an ninh được xác định "là bộ phận của nền giáo dục quốc dân, một nội dung cơ bản trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân ; là môn học chính khoá trong chương trình giáo dục, đào tạo trung học phổ thông đến đại học và các trường chính trị, hành chính, đoàn thể.

Việc học tập, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh là quyền lợi và nghĩa vụ của cán bộ, công chức và của toàn dân. Kiến thức quốc phòng – an ninh tương ứng với chức danh cán bộ là một trong các tiêu chuẩn bắt buộc và là một trong những tiêu chí để xem xét, đề bạt, bổ nhiệm đối với người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, tổ chức các cấp, các ngành".

Cần có những phiên bản thích hợp hơn cho "giáo dục quốc phòng"

Hiện tại nếu vẫn bắt buộc sinh viên giả trang khi "học quân sự" trong màu áo lính, với những cung cách "học tập" quen thuộc như tập tháo lắp súng, tập ngắm bắn, tập quăng lựu đạn… cho thấy đây là hình mẫu của việc quân sự hóa học đường vốn chỉ phù hợp theo cách mà chính quyền miền Bắc đã áp dụng cho phục vụ Nam tiến.

Giáo dục quốc phòng ở bậc đại học, cần thiết có những thay đổi toàn diện, trong đó chấm dứt việc giả trang, chấm dứt việc bắt buộc tập trung trong một cơ sở huấn luyện quân đội nào đó – bởi khi cần thiết cho một lệnh tổng động viên, thì huấn luyện ở quân trường sẽ đáp ứng tức thời những yêu cầu đó.

Tuy nhiên quân trường khi ấy rất có thể sẽ khó khăn hơn nhiều trong yêu cầu huấn luyện của cuộc chiến được sử dụng bằng công nghệ kỹ thuật đòi hỏi kiến thức nền cơ bản từ phía các tân binh.

Một dẫn chứng dễ thấy nhất cho các nhà lãnh đạo dân sự lẫn quân sự của Việt Nam, đó là Internet cùng đội quân cyber (IT Army) đã làm tiêu tan hy vọng của Nga bắt Ukraine nhanh chóng đầu hàng. Ngay từ đầu cuộc chiến vệ quốc, Kiev đã cậy nhờ các tập đoàn "digital" của Mỹ hỗ trợ. Vậy là lần đầu tiên người ta chứng kiến một cách dễ dàng nhất chuyện ngành công nghệ cao trực tiếp "lên tuyến đầu" trong chiến tranh.

Nói một cách khác, công nghệ mới, những phương tiện kết nối trong thời đại kỹ thuật số đang làm đảo lộn cả từ chiến lược phòng thủ đến chiến thuật tấn công, và nhìn rộng ra hơn là "cục diện chiến tranh".

Không thể đánh đồng một tân binh trình độ văn hóa trung học với một sinh viên đại học trong yêu cầu huấn luyện quân sự.

Nhìn từ cuộc chiến Nga – Ukraine, cho thấy Việt Nam phải nhanh chóng thay đổi ngay trong năm nay về cách thức và nội dung của môn học giáo dục quốc phòng trong các trường đại học, qua đó còn giúp tránh được những tai tiếng liên quan vấn đề quấy rối tình dục lâu nay vẫn được râm ran ở các khóa huấn luyện sinh viên tập trung cho yêu cầu "học quân sự".

Thới Bình

Nguồn : VNTB, 16/01/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thới Bình
Read 314 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)