Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/01/2023

Ông Nguyễn Xuân Phúc xin từ nhiệm hay bị cách chức Chủ tịch nước ?

Phạm Trần - Thanh Phương - Viết Tuân

Tại sao Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bị cách chức ?

Phạm Trần, 17/01/2023

Đảng cộng sản Việt Nam ngày 17/01/2023 đã bãi nhiệm tất cả các chức vụ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vì "có trách nhiệm chính trị" trong vụ tham nhũng thuốc chích ngửa Covid-19 Việt Á và chuyến bay giải cứu công nhân Việt Nam ở nước ngoài tại Cục Lãnh sự Bô Ngoại giao.

nxp0

Ông Phúc sinh năm 1954 tại Quảng Nam, giữ chức Chủ tịch nước từ ngày 05/04/2021. Trước đó ông là Thủ tướng Chính phủ từ ngày 07/04/2016 đến ngày 05/04/2021.

Tin chính thức của Ban Chấp hành Trung ương ghi nhận ông Phúc đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhưng cũng nói :

ồng chí chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 đồng chí Phó Thủ tướng, 3 Bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng ; 2 đồng chí Phó Thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 Bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, đồng chí đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.

Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021 – 2026".

Khủng hoảng nội bộ

Quyết định để ông Phúc nghị việc xẩy ra 18 ngày sau khi
Ban chấp hành Trung ương đảng biểu quyết cho hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam nghỉ việc mà không cho biết lý do.

Ông Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, sinh năm 1959, là Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ. Ông Đam, sinh năm 1963, không giữ chức vụ rõ rệt, nhưng từng là Phó Trưởng ban Thường trực chỉ đạo phòng chống Covid-19 của Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy.

Hai ông từng được coi là "những ngôi sao sáng thân Tây phương của Việt Nam". Riêng ông Minh từng là Bộ trưởng Ngoại giao hơn 9 năm (3/8/2011 -7/4/2021. Cha của ông là cố Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (tên khai sinh là Phạm Văn Cương). Cả hai cha con ông đều là những người "chống chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông" khi đứng đầu Bộ Ngoại giao.

Phức tạp hơn

Như vậy, việc tìm người thay ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đảng lần thứ XIV đầu năm 2026 sẽ có những khó khăn mới. Trước đây, ông Nguyễn Xuân Phúc từng được coi là ứng viên sáng giá nhất để giữ chức Tổng bí thư. Nay ông Phúc không còn nữa thì cơ hội sẽ về tay ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội, sinh năm 1957 ở Nghệ An. Kế đến là Thủ tướng Phạm Minh Chính, sinh năm 1958 tại Thanh Hóa.

Ngoài ra dư luận cũng nhắc đến các ông ông Nguyễn Xuân Thắng, sinh ngày 18/2/1957 tại Nghệ An. Ông Thắng là Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Người thứ ba được nhắc đến là ông Phan Đình Trạc (sinh năm 1958 tại Nghệ An), Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Sau cùng là hai ông Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, sinh năm 1957 tại Hưng Yên, và Võ Văn Thưởng, Bí thư thường trực Trung ương đảng, sinh năm 1970 tại Hải Dương, nhưng lớn lên ở Vĩnh Long. Có tin nói ông Thưởng là con bà vợ kế của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Ai sẽ làm Chủ tịch nước ?

Trước hết là việc chọn người giữ chức Chủ tịch nước thay ông Nguyễn Xuân Phúc. Theo thông lệ thì đương kim Phó Chủ tịch nước, bà Võ Thị Ánh Xuân sinh ngày 8/1/1970 tại xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang sẽ có nhiều cơ hội kế vị ông Phúc.

Nhưng nếu ông Vương Đình Huệ được chọn thì chức danh Chủ tịch Quốc hội phải có người thay thế. Việc tranh chức Tổng bí thư đảng, vì vậy, sẽ gay gắt hơn giữa các địa phương.

Kinh nghiệm cho thấy nếu Tổng bí thư là người Bắc thì Chủ tịch Quốc hội hay Chú tịch nước phải là người miền Nam. Thủ tướng sẽ là người miền Trung. Nhưng chưa bao giờ có Tổng bí thư đảng là người miền Nam. Hai ông gốc miền Nam Nguyễn Minh Triết và Trương Tấn Sang từng giữ chức Chủ tịch nước.

Điều kiện để được bầu làm Chủ tịch nước

Theo Quy định 214-QĐ/TW ngày 02/01/2020 thì ứng viên Chủ tịch nước phải : "Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực : Có uy tín cao, là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân. Có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng ; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp. Là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước. Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương ; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên ; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định".

Viễn ảnh mờ mịt

Vì vậy, tất cả những diễn biến vừa kể xẩy ra trước kỳ họp thứ 7 dự trù vào tháng 6/2023, giữa nhiệm kỳ của khóa đảng XIII để bỏ phiếu tín nhiệm các chức lãnh đạo chủ chốt trong đảng và chính phủ đã phát sinh nhiều lời đồn thổi kẻ lên ngưởi xuống khó kiểm chứng. Sau đó, tại kỳ họp thứ 8, Trung ương đảng sẽ bàn về các báo cáo Kinh tế, Chính trị và Xã hội của khóa XIII sẽ trình ra Đại hội đảng XIV, dự trù trong năm 2015, và Danh sách dự kiến cho Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XIV.

Trong khoảng thời gian này, trong nội bộ Đảng sẽ diễn ra không khí "chạy hàng" sôi nổi, mặc dù Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyến bố quyết liệt chống chạy chức, chạy quyền để bảo đảm sự trong sạch và công khai trong sinh hoạt đảng.

Phạm Trần

(17/01/2023)

*************************

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc buộc từ chức

Thanh Phương, RFI, 17/01/2023

Theo tin từ báo chí trong nước, hôm 17/01/2023, chủ tịch nước của Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc đã buộc phải từ chức. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam một chủ tịch nước buộc phải rời khỏi chức vụ như vậy trong bối cảnh lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng để qua đó củng cố quyền lực. 

nxp1

Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh minh họa (Zing)

Cụ thể, trong một phiên họp bất thường chiều nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc "thôi giữ" các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, đồng thời "nghỉ công tác và nghỉ hưu". 

Theo thông cáo của Trung ương Đảng, lý do ông Phúc buộc phải từ chức như vậy là vì trong thời gian làm thủ tướng từ năm 2016 đến năm 2021, ông đã "để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng". Trong số này, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ "bị xử lý hình sự". Hai phó thủ tướng đã buộc phải "xin thôi" giữ chức vào cuối tháng 12 năm ngoái do bị dính líu đến các vụ tham nhũng là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam. 

Thông cáo nhấn mạnh : "Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, ông Phúc đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu".

Năm nay 68 tuổi, ông Nguyễn Xuân Phúc từng là phó thủ tướng và giữ nhiều chức vụ khác trước khi trở thành thủ tướng từ năm 2016 và sau đó lên giữ chức chủ tịch nước từ tháng 04/2021. Để có hiệu lực, việc ông Phúc từ chức chủ tịch nước sẽ còn phải được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn. Theo hãng tin Reuters, các đại biểu Quốc hội sẽ họp phiên bất thường trong tuần này. Hiện chưa biết là ai sẽ thay thế ông Phúc trong chức vụ chủ tịch nước. 

Theo nhận định của trang Nikkei Asia, với việc chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nhân vật đứng hàng thứ hai trong ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, từ chức, tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng củng cố thêm quyền lực chính trị.

Trả lời hãng tin AFP hôm nay, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, cho rằng việc ông Phúc buộc phải từ chức chủ yếu là liên quan đến tham nhũng, nhưng cũng có thể là do đấu đá nội bộ tranh giành quyền lực. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trên nguyên tắc phải rời khỏi chức vụ này vào năm 2026. Theo ông Lê Hồng Hiệp, các đối thủ chính trị của Nguyễn Xuân Phúc muốn loại bỏ ông để dọn đường cho một ứng viên khác giành vị trí lãnh đạo tối cao.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 17/01/2023

************************

Ông Nguyễn Xuân Phúc thôi làm Chủ tịch nước

Viết Tuân, VnExpress, 17/01/2023

Trung ương thống nhất để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, thôi giữ chức Chủ tịch nước theo nguyện vọng cá nhân.

nxp3

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, tháng 4/2021. Ảnh : Giang Huy

Tại cuộc họp bất thường chiều 17/1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã họp xem xét và cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của ông Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 13, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo thông cáo phát ngay sau cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Phúc là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng; được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị các khoá tín nhiệm phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước.

Trên cương vị Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021, ông đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả quan trọng. Tuy nhiên, ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai Phó Thủ tướng, ba bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng ; 2 Phó Thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự.

Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, ông Phúc đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.

Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của cá nhân, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 13, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc 69 tuổi, quê Quảng Nam, cử nhân kinh tế. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị ba khóa liên tiếp từ 11 đến 13 ; Ủy viên Trung ương Đảng bốn khóa liên tiếp từ 10 đến 13 ; đại biểu Quốc hội bốn khóa 11, 13, 14, 15.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, ông về quê làm cán bộ Ban Quản lý kinh tế tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Từ chuyên viên, phó văn phòng, chánh văn phòng UBND tỉnh, ông làm Giám đốc Sở Du lịch kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Khu du lịch Furama Đà Nẵng ; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Từ năm 1997 đến 2006, ông làm Phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam.

Tháng 3/2006, ông giữ chức Phó tổng Thanh tra Chính phủ, sau đó làm Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, rồi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Tháng 8/2011, ông được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng, 5 năm sau được Quốc hội bầu làm Thủ tướng.

Tại Đại hội 13 đầu năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một trong hai "trường hợp đặc biệt" Bộ Chính trị khóa XII tái cử. Tháng 4/2021, ông Phúc được bầu làm Chủ tịch nước.

Đầu nhiệm kỳ khóa 13, Bộ Chính trị có 18 ủy viên. Sau khi ông Phạm Bình Minh và Nguyễn Xuân Phúc thôi chức, Bộ Chính trị còn 16 ủy viên.

Nguồn : VNExpress, 17/01/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần, Thanh Phương, Viết Tuân
Read 1001 times

1 comment

  • Comment Link NVN jeudi, 19 janvier 2023 03:11 posted by NVN

    Ít nhất ông Phúc cũng được ... "hạ cánh mềm", mất chức nhưng không mất tự do, mất thể diện (ngồi tù) hoặc mất mạng.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)