Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/01/2023

Đảng cộng sản Việt Nam : Phe bảo thủ loại phe thân phương Tây

Nguyễn Huyền, Hoàng Anh, Thu Phương

‘Trách nhiệm chính trị’ của Tổng Bí thư đảng

Nguyễn Huyền, VNTB, 24/01/2023

Ông Nguyễn Xuân Phúc từ nhiệm với lý do chịu ‘trách nhiệm chính trị’ lúc ông còn giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ.

kytri1

Bốn cấp lãnh đạo cao nhất Đảng cộng sản Việt Nam bị miễn nhiệm hồi cuối năm Nhâm Dần

Tuần lễ đầu tháng 1/2023, ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh được cho là có lá đơn từ chức và được Bộ Chính trị chấp nhận để hai ông nghỉ hưu. Tuần lễ kế tiếp, đến lượt ông Nguyễn Xuân Phúc cũng được cho là có lá đơn từ chức tương tự, và Bộ Chính trị đồng ý với lý do đây là ‘trách nhiệm chính trị’ lúc ông Nguyễn Xuân Phúc còn là Thủ tướng. Hai cấp phó của ông Phúc ‘từ chức’, nên ‘trách nhiệm chính trị’ của ông Phúc là liên đới, nên ông… đành ‘từ chức’ theo.

Thử nhìn vấn đề ‘từ chức’ ở trên qua lăng kính của "công tác xây dựng Đảng", qua đó sẽ thấy nếu truy đến cùng thì ai mới đang cần kêu gọi sự tự trọng cho ‘văn hóa từ chức’.

Trong tiết học bắt buộc ở chương trình đào tạo đại học, có môn gọi là "Tư tưởng Hồ Chí Minh". Các trường chính trị cấp địa phương cũng dạy môn "Tư tưởng Hồ Chí Minh" cho đảng viên đang làm công tác quản lý tương ứng.

Vậy thì nếu căn cứ vào "Tư tưởng Hồ Chí Minh" sẽ thấy rõ trách nhiệm không thể chối từ của người đứng đầu Đảng khi để xảy ra việc biến động nhân sự cấp cao trong thời gian ngắn hồi hai tuần lễ đầu năm nay, như đã nêu ở phần đầu bài viết này.

Trong giáo trình môn "Tư tưởng Hồ Chí Minh" đại khái có viết rằng, sinh tiền, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích về tinh thần trách nhiệm và không có tinh thần trách nhiệm như sau : "Tinh thần trách nhiệm là gì ? Là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy là không có tinh thần trách nhiệm" (*).

Như vậy, có thể hiểu trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình, phải bảo đảm làm tròn nhiệm vụ, công việc, phần việc được giao, với sự ràng buộc đối với lời hứa của mình, nếu kết quả thực hiện không tốt, hoặc nếu thực hiện sai thì phải gánh chịu hậu quả. Tinh thần trách nhiệm chính là kết quả của một quá trình rèn luyện, nhận thức và hành động đúng đắn, tích cực, tự giác trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Bình giảng ở đây về huấn thị trên, người viết bài này cho rằng vấn đề quan trọng bậc nhất chính là phải có tính tự trọng cao.

Bởi vì có tự trọng thì mới nêu cao ý thức trách nhiệm, làm việc với tinh thần, thái độ công tâm, khách quan, vì lợi ích chung của cơ quan, đơn vị, tập thể và nhân dân, vì uy tín, danh dự của Đảng, Chính phủ, của cơ quan đơn vị và của chính bản thân mình. Mỗi cán bộ, viên chức ý thức được tính tự trọng thì làm công việc một cách trong sáng, cao thượng, không lồng động cơ cá nhân hoặc vì lợi ích của bản thân, của gia đình, hay lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, từ đó không gây thiệt hại hoặc làm phương hại đến quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Tiếp nữa, phải biết tự soát xét lại chính bản thân mình trong mọi việc. Mỗi đảng viên quan chức phải tự kiểm tra, kiểm soát lại công việc đã thực hiện đến đâu, với mức độ, kết quả như thế nào, có kết quả, sáng kiến gì để phát huy, những gì chưa làm được hay làm với kết quả chưa như mong muốn cần điều chỉnh.

Trong cụ thể với ba đảng viên Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, người viết cho rằng nếu thật sự không có những ẩn tình như đồn đoán, thì ở đây trên cương vị Tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng cần làm rõ nội hàm, khi chúng ta mắc phải thiếu sót, khuyết điểm phải tự giác nhận trách nhiệm cá nhân, xác định rõ nguyên nhân do đâu mà mắc phải để có biện pháp sửa chữa, khắc phục, phấn đấu vươn lên.

Nếu nội hàm trên vẫn còn là mập mờ cho những thuyết âm mưu, thì ‘trách nhiệm chính trị’ cuối cùng và ‘toàn diện’ trong nhiệm vụ xây dựng Đảng, căn cứ theo Điều 4, Hiến pháp 2013, đó chính là Tổng bí thư đương nhiệm.

Xin tạm kết chuyện lạm bàn ngày xuân ở trên bằng nhắc lại điều mà sinh tiền Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh : "Đảng là gồm các đảng viên mà tổ chức nên. Mọi công việc của Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết của Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện".

Nói như vậy để thấy rằng, chất lượng đội ngũ đảng viên quyết định chất lượng các tổ chức Đảng, cũng như năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng. Vai trò lãnh đạo, uy tín, danh dự của tổ chức Đảng, của toàn Đảng đối với xã hội cũng do phẩm chất, năng lực và trình độ của mỗi đảng viên tạo thành.

Và chính lẽ ấy nên rất cần sự thẳng thắn đặt vấn đề về ‘trách nhiệm chính trị’ của Tổng bí thư Đảng.

Nguyễn Huyền

Nguồn : VNTB, 24/01/2023

Chú thích :

(*) Hồ Chí Minh : Toàn tập, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, trang 345.

***************************

Đảng quyết tâm dẹp hết phái kỹ trị có xu hướng thân Tây

Hoàng Anh, Thoibao.de, 24/01/2023

Trong một bài viết mang tựa đề "Thẻ đỏ" cho Chủ tịch nước ? Màn kịch chính trị lớn nhất của Việt Nam trong nhiều thập kỷ" đăng trên Fulcrum ngày 17/1/2023, học giả Lê Hồng Hiệp, một nhà quan sát chính trị Việt Nam, thành viên Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, cho rằng, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong tương lai có thể sẽ gặp rắc rối do liên quan đến bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).

Bà Nhàn mới bị kết án 30 năm tù giam vắng mặt về hai tội danh "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "đưa hối lộ" trong vụ án tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Trước đó, hồi tháng 8/2022, Cơ quan Điều tra thuộc Bộ Công an Việt Nam đã ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC và Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh hồi năm 2012. Đó chính là khoảng thời gian ông Phạm Minh Chính làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.

kytri2

Ông Phúc và vợ

Hiện gia đình ông Nguyễn Xuân Phúc đang bị đồn đoán là "trùm cuối" của Việt Á. Chắc chắn công an đã nắm rõ nội tình, nhưng vì uy tín của Đảng mà họ vẫn chưa công khai hết mọi chuyện. Chuyện về gia đình ông Phúc đã râm ran dư luận trong một thời gian dài, đó là sự dính líu của vợ, con, và bà con họ hàng nhà ông trong vụ kit test Việt Á.

Chuyện đồn đoán đã trở nên rõ ràng hơn khi bà Nguyễn Bạch Thùy Linh, 45 tuổi bị bắt. Bà Linh là giám đốc công ty SNB Holdings, mà công ty này liên quan đến một loạt doanh nghiệp "họ" SNB, trong đó có công ty Thế Giới Tuổi Thơ và công ty Phân Phối SNB. Mà, cũng theo đồn đoán, công ty Thế Giới Tuổi Thơ là do bà Nguyễn Thị Xuân Trang, con gái ông Nguyễn Xuân Phúc, đứng sau và nắm quyền sở hữu. Như vậy, công an đã mò vào đến tận sân sau nhà ông Phúc.

Theo luật bất thành văn, xưa nay mọi đấu đá chốn cung đình của Đảng Cộng sản đều là thông tin mật, thiên hạ đồn đoán thì cứ đồn đoán, chưa bao giờ có thể kiểm chứng, mà chỉ có thể mò mẫm theo những hiện tượng. Kể cả trong cuộc chiến khốc liệt giữa ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyên Tấn Dũng thì dư luận cũng chỉ biết những thông tin do nội bộ tuồn ra ngoài, chứ không hề có những công bố chính thức.

Cho đến bây giờ, người dân có thể thấy một hiện tượng, đó là, hễ ông Nguyễn Phú Trọng định bồi dưỡng ai để trở thành người kế thừa, thì người đó không được Trung ương Đảng chấp nhận, thậm chí còn thân bại danh liệt. Có thể kể đến những trường hợp của Phạm Quang Nghị, Đinh Thế Huynh, Trần Quốc Vượng… tất cả đều lui về làm "người tử tế". Nhưng người dân không thể biết được, sự thật đằng sau là gì.

Lần này, chuẩn bị cho Đại hội 14 sẽ diễn ra vào năm 2026, dường như, ông Trọng đang quyết tâm dẹp bỏ tất cả những chướng ngại trên con đường tiến thân của những đệ tử đã lọt vào mắt xanh của ông. Đó là Vương Đình Huệ, là Tô Lâm, là Nguyễn Văn Thưởng và có thể còn những cái tên khác nữa.

Lần này, có lẽ vì quyết tâm dẹp bỏ chướng ngại mà Đảng phá lệ, hoặc vì cuộc đấu quá tàn khốc trong khi ông Trọng lại muốn đánh nhanh thắng nhanh, nên dù thông tin vẫn còn rất mù mờ, nhưng lần đầu tiên, Đảng công bố rằng, ông Phúc phải "chịu trách nhiệm".

Lực lượng phía ông Trọng, nhờ có trùm mật vụ Tô Lâm nắm trong tay "thóp" của tất cả các đối thủ, nên lúc này là thời cơ tốt nhất để dẹp bỏ đám không chịu vâng lời, đám đòi thân Tây, thân Mỹ, đám muốn cải cách thể chế để phát triển kinh tế. Những điều này làm ông Trọng khó chịu, làm ông lo ngại chúng sẽ gây nguy hiểm cho vị trí độc tôn của Đảng. Hơn nữa, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã căn dặn ông, cần phải giữ vững và thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa 2 đảng, 2 nhà nước, vì chúng ta có "chung tương lai".

Vậy nên, nếu để bọn thân Tây, thân Mỹ lộng hành, Chủ tịch Tập sẽ không vui và ông cũng mất đi vị trí quyền lực tuyệt đối. Những Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, những Nguyễn Xuân Phúc và cả Phạm Minh Chính là phải dẹp, dẹp hết.

Và cuộc đấu cung đình vẫn không có chỗ cho người dân.

Hoàng Anh (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 24/01/2023

****************************

Đảng thay đổi cách tiếp cận mới trước những lo ngại về tham nhũng

Thu Phương, Thoibao.de, 24/01/2023

Ngày 17/1, trang The Diplomat đã đăng bài của tác giả Quynh Le Tran với tựa đề tạm dịch là "Cách tiếp cận mới của Đảng Cộng sản Việt Nam về trách nhiệm giải trình". Phóng viên Quynh Le Tran là một nhà báo sống và làm việc ở London, với 20 năm kinh nghiệm làm việc cho BBC.

Thoibao.de xin lược dịch và giới thiệu đến quý khán thính giả bài báo này.

kytri3

Ông Phúc và ông Trọng trong lễ bàn giao chức Chủ tịch nước năm 2021

Tương tự nhận định của các phóng viên, nhà nghiên cứu nước ngoài khác, tác giả Quynh Le Tran cho rằng, những thay đổi về nhân sự của Việt Nam sẽ có tác động tiềm ẩn đối với các chính sách đối nội và đối ngoại của đất nước.

Những diễn biến gần đây dường như cho thấy một mô hình mới, trong đó Đảng cộng sản Việt Nam buộc các nhà lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về những vi phạm của họ, nhưng lại khoan hồng, cho phép họ từ chức trong danh dự để bảo vệ uy tín của toàn đảng.

Ngày 5/1, Quốc hội bỏ phiếu bãi nhiệm Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam khỏi chức vụ Phó Thủ tướng. Đáng chú ý, cặp đôi này đã được phép từ chức chứ không phải là sa thải, bắt giữ và truy tố như các quan chức khác.

Điều này đánh dấu một bước ngoặt trong chiến dịch "đốt lò" chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đảng đang cố tạo ra cái gọi là "văn hóa từ chức", để khi bạn bị phát hiện mắc sai lầm hoặc chịu trách nhiệm về một vụ bê bối xảy ra dưới thời bạn, bạn sẽ phải từ chức. Bạn không đợi Đảng hành động chống lại bạn.

Gần đây ông Trọng đã nói : "Trung ương Đảng phải có chính sách khuyến khích những người có sai phạm – nếu họ tự giác từ chức và giao nộp tiền tham nhũng thì sẽ được xử lý nhẹ, thậm chí miễn hình phạt. Sẽ không tốt nếu trừng phạt nghiêm khắc tất cả, hoặc cách chức tất cả".

Tuyên bố này thể hiện một sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận của Đảng cộng sản Việt Nam. Nó cho thấy sự thừa nhận rằng, không phải tất cả các quan chức tham nhũng đều bị trừng phạt nghiêm khắc.

Sự thay đổi chính sách này cho thấy, Đảng cộng sản Việt Nam sẵn sàng thực hiện một cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn để giải quyết nạn tham nhũng trong Đảng. Bằng cách khoan hồng cho các quan chức sẵn sàng đứng ra nhận trách nhiệm về hành động của mình, Đảng đang gửi đi thông điệp rằng, Đảng cam kết diệt trừ tận gốc tham nhũng, đồng thời thừa nhận rằng, không phải tất cả các quan chức tham nhũng đều phải bị trừng phạt như nhau.

Sự thay đổi chính sách này có thể là một động thái trước mối lo ngại ngày càng tăng của công chúng về tham nhũng ở Việt Nam. Mặc dù điều này có thể tạo ra văn hóa chịu trách nhiệm và linh hoạt hơn trong cơ chế nhân sự của Đảng, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là các lý do mơ hồ của những lần từ chức này có thể tạo ra những tác động ngoài ý muốn, chẳng hạn như ít trách nhiệm giải trình trước công chúng hơn và ít minh bạch hơn về lý do từ chức.

Trong các nhiệm kỳ Thủ tướng và Chủ tịch nước, ông Phúc được biết đến với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ông cũng ủng hộ các biện pháp cải thiện cơ sở hạ tầng của đất nước, xây dựng hệ thống luật pháp hiện đại, thúc đẩy nền kinh tế cởi mở và bền vững hơn. Quan điểm và chính sách chính trị của ông Phúc phù hợp với quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam và nhằm mục đích duy trì sự kiểm soát quyền lực của Đảng, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện mức sống cho người dân Việt Nam.

Việc ông Phúc từ chức có ý nghĩa quan trọng đối với chính trị và Chính phủ Việt Nam. Một tác động tiềm ẩn là khả năng xảy ra đấu tranh quyền lực trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam.

Quá trình chuyển đổi nhân sự ở vị trí Chủ tịch nước có thể đặt ra những thách thức, khi các phe phái khác nhau trong Đảng thích nghi với ban lãnh đạo mới. Ngoài ra, việc ông Phúc từ chức cũng có thể dẫn đến việc cải tổ các quan chức Chính phủ và hình thành các liên minh mới trong Đảng. Điều này có khả năng ảnh hưởng đến sự ổn định của đất nước và khả năng của Chính phủ trong việc điều hành hiệu quả và đưa ra các quyết định quan trọng.

Một hàm ý tiềm năng khác của việc ông Phúc từ chức là tác động đối với các chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ông Phúc là một nhà lãnh đạo nổi tiếng và đã thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia khác, bao gồm cả Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác. Với sự ra đi của ông, phương Tây có thể nóng lòng muốn tìm hiểu về ban lãnh đạo mới và các chính sách của họ.

Tuy nhiên, Đảng cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục là cơ quan ra quyết định chính, và Chủ tịch nước mới sẽ phải tuân theo đường lối của Đảng.

Việc ông Phúc từ chức diễn ra vào thời điểm Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức về kinh tế và xã hội quan trọng. Việt Nam đang phải đối mặt với những cơn gió ngược do suy thoái kinh tế toàn cầu và chi phí sinh hoạt gia tăng.

Trong bối cảnh đó, việc ông Phúc từ chức làm tăng thêm tính bấp bênh, khó lường của tình hình kinh tế đất nước. Việc bổ nhiệm Chủ tịch nước mới cũng sẽ là cơ hội để xem phương hướng mà Đảng cộng sản Việt Nam muốn vận động đất nước, và cách họ lên kế hoạch giải quyết những thách thức hiện tại và định vị đất nước cho sự tăng trưởng và phát triển trong tương lai.

Chiến dịch chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng đã làm cho nền chính trị Việt Nam trở nên thú vị và khó lường hơn. Điều này khiến việc theo dõi chặt chẽ diễn biến trong những tháng tới trở nên quan trọng hơn để hiểu được ý nghĩa đầy đủ của sự kiện này đối với các chính sách đối nội và đối ngoại, cũng như tương lai chính trị và kinh tế của đất nước. Với tư cách là người quan sát, đây là một cơ hội tuyệt vời để có cái nhìn sâu hơn về bối cảnh chính trị của Việt Nam, và hiểu được những thay đổi cũng như thách thức mà đất nước đang phải đối mặt.

Thu Phương (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 24/01/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Huyền, Hoàng Anh, Thu Phương
Read 355 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)