Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/01/2023

Điều tra vây bắt lung tung, Nguyễn Phú Trọng củng cố vấy cánh ?

Thu Phương

Có phải Việt Nam đang bước vào thời kỳ rối loạn chính trị ?

Thu Phương, Thoibao.de, 25/01/2023

Ngày 23/1/2023, VOA Tiếng Việt có bài viết tựa đề "Việt Nam đang có bất ổn chính trị ở thượng tầng, các cấp bất an, không hoạt động ?".

npt1

Ông Nguyễn Phú Trọng đọc thư chúc Tết đầu năm mới

Theo bài viết, "Công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam hay còn gọi là "đốt lò" đã và đang dẫn đến tình trạng bất ổn, khủng hoảng trong chính trị thượng tầng, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp và giáo sư Nguyễn Đình Cống đưa ra quan sát với VOA".

"Hai nhà trí thức cũng nhận xét rằng những hậu quả khác của "đốt lò" là tâm lý hoang mang, lo sợ trong các cấp của bộ máy nhà nước, dẫn đến tâm lý "không tích cực", "không muốn làm việc", "không dám hoạt động". Thực trạng đó cũng được nhiều người nói đến trên mạng xã hội, theo quan sát của VOA".

Trước đó, ngày 17/1, Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã quyết định cho ông Nguyễn Xuân Phúc thôi mọi chức vụ, và ngày 18/1, Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu cho ông Phúc thôi chức Chủ tịch nước.

VOA nhận xét, "Đón nhận thông tin kể trên, trong khi nhiều người dân hoan hỉ, cũng có nhiều người khác bày tỏ trên mạng xã hội rằng càng có nhiều vụ kỷ luật, bắt bớ quan chức, bầu không khí đất nước càng ngột ngạt, trì trệ, đi xuống".

VOA trích lời tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, đánh giá về tình hình chính trị thượng tầng của Việt Nam sau các diễn biến hồi cuối năm 2022 :

"Rõ ràng đang có sự bất ổn về chính trị ở Việt Nam. Cuộc chiến chống tham nhũng là đấu tranh nội bộ với nhau. Nó tạo ra bất ổn vì mọi người về mặt tâm lý mà nói là không tích cực. Mọi hoạt động bình thường bị xáo trộn. Hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương hiện làm việc không hiệu quả. Mọi người không muốn làm việc vì làm thì sợ bị sai. Nó là bất ổn chính trị ở tầng cao nhất".

Một nhà quan sát chính trị, một tiếng nói phản biện được nhiều người biết đến, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nêu đánh giá với VOA :

"Nói là trì trệ cũng được, là bất ổn cũng được. Thực chất của trạng thái này làm một số người lo sợ, không dám hoạt động gì. Không biết ngày hôm nay là ông Phúc, ngày mai đến lượt mình hay chưa. Đây là trạng thái bất bình thường. Có lẽ gọi là khủng hoảng thì đúng hơn".

Ở bất kỳ thể chế nào, bất kỳ quốc gia nào, khi mà có liên tục các thành viên trong bộ máy chính quyền bị bắt, bị buộc thôi chức vụ thì chắc chắn quốc gia đó đang ở trong tình trạng khủng hoảng chính trị. Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Điều khác biệt là, bất ổn chính trị ở các nước là do những quan điểm khác biệt của các đảng phái khác nhau, một khi không thể đạt được sự thỏa hiệp thì sẽ dẫn đến tình trạng đối đầu cứng rắn. Còn ở Việt Nam, quốc gia chỉ có độc đảng, bất ổn chính trị không phải do khác biệt về quan điểm, về tư tưởng, mà chỉ đơn thuần là quyền lợi. Các phe phái tranh chấp nhau để giành lấy quyền lợi về cho mình, cho phe của mình.

Bản chất cốt lõi của chính trị là có được chính quyền bằng việc nắm giữ quyền lực Nhà nước. Một nhà nước chính danh phải thỏa mãn 3 điều kiện :

1. Mọi hoạt động của nhà nước đó phải đúng với hiến pháp quốc gia.

2. Quốc hội và các chức danh lãnh đạo phải được người dân bầu chọn thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng.

3. Nhà nước đó được các quốc gia trên thế giới công nhận là hợp pháp.

Chỉ cần một trong ba điều trên vi phạm, thì có thể dẫn đến những bất ổn và mâu thuẫn nội tại triền miên. Mà ở Việt Nam thì vi phạm đến 2 điều là điều 1 và điều 2. Hiến pháp Việt Nam chỉ để làm cảnh, để cho đẹp mà khoe khoang với dân, với thế giới, chứ chính quyền Việt Nam thường xuyên chà đạp nó. Điều thứ 2 thì không cần bàn nhiều, ai cũng hiểu những cuộc bầu cử ở Việt Nam chỉ là "diễn", là dàn dựng, hoàn toàn không có thực chất.

Vậy nên, bất ổn chính trị xảy ra ở Việt Nam cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên.

Thu Phương (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 25/01/2023

**************************

Nếu khui tiêu cực Bộ Quốc phòng, Nguyễn Chí Vịnh và Nguyễn Tấn Dũng sẽ như trên đống lửa

Thu Phương, Thoibao.de, 25/01/2023

Ngày 20/1, ông Phan Đình Trạc phát biểu nhắm thẳng vào quân đội. Trong lời phát biểu, ngoài sự đe dọa với những người trong quân đội còn đương chức, còn đang nhúng chàm, thì ông còn xoáy, thậm chí xoáy rất sâu vào chuyện quá khứ. Mục đích là muốn khơi lại, quật lại những tiêu cực của các quan chức đã hạ cánh an toàn.

npt2

Nguyễn Chí Vịnh đóng vai trò không nhỏ trong hợp đồng mua 6 tàu ngầm Kilo

"Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ, việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, bí mật, được cho là "vùng cấm, nhạy cảm". Cùng với đó, cả khu vực công và khu vực tư đã được tham mưu chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm minh, cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả cán bộ cấp cao, cán bộ cấp tướng trong lực lượng vũ trang…", ông Phan Đình Trạc đã nói.

Quay lại câu chuyện cũ, hồi tháng 10/2022, trong buổi họp cử tri, ông Nguyễn Phú Trọng cũng phát biểu nhắm vào các quan chức đã hạ cánh an toàn, ông nói rằng "Mấy vụ sắp tới sẽ làm, vụ tồn tích đã lâu rồi, vụ nổi tiếng rồi. Thậm chí chạy trốn đi rồi. Thế mà trốn cũng không thể trốn được. Ngồi đấy chờ đi xem, trốn có được không ?"

Như vậy, lời của ông Phan Đình Trạc không khác mấy so với lời của ông Nguyễn Phú Trọng trước đó. Có điều, lần này ông Phan Đình Trạc lặp lại lời của ông Nguyễn Phú Trọng đối với quân đội, nơi mà không ai có thể chống tham nhũng nổi, trừ ông Trọng.

Vụ án Việt Á được xem là vụ án cực lớn, cả về mức độ trục lợi, mức độ tàn nhẫn và quy mô. Tuy nhiên, số tiền trục lợi của vụ án Việt Á dù có lớn đến đâu cũng không thể lớn bằng số tiền chia nhau trong các hợp đồng mua bán vũ khí. Tại Bộ Quốc phòng, đang có 2 vụ án khủng, một vụ án liên quan đến ông Thủ tướng hiện tại và một vụ án khác liên quan đến ông cựu Thủ tướng.

Vụ án hiện tại liên quan đến bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Tổng cục 2, hiện tại bà Nhàn là đầu mối vụ án đã cao chạy xa bay. Xem ra, vụ án này khó tóm được nhân vật quan trọng nhất để từ đó khui ra. Tuy nhiên, vụ án mua 6 tàu ngầm Kilo của Nga vẫn còn đó. Bao năm nay vẫn chưa ai đụng tới. Vụ này liên quan đến ông cựu Thủ tướng cầm quyền lúc đó và người đứng đầu Tổng cục 2.

Luật chơi lại quả 25% là con số rất lớn trên hợp đồng mua vũ khí. Trước mắt, có thể xác định, giá trị của tàu ngầm Kilo mà Việt Nam mua của Nga cao hơn giá Trung Quốc mua của Nga là 25%. Nếu Trung Quốc cũng có luật chơi kê giá để lại quả giống Việt Nam, thì con số thật các quan chức Việt Nam kê lên không phải là 25%, mà còn cao hơn. Con số 25% này là con số được đưa ra bởi quan chức Mỹ giấu tên, tiết lộ cho tờ báo Shephard Media, chứ thực chất, nó có phải như thế với phía Nga hay không thì chưa rõ. Với Nga, có thể con số còn cao hơn, bởi phía Nga không như phía Mỹ, phía Nga sẵn sàng lại quả cao, miễn sao họ bán được hàng.

Từ ông Nguyễn Chí Vịnh trước đây cho đến ông Phạm Ngọc Hùng hiện nay, đều là những người đạo diễn cho những màn thỏa thuận làm ăn của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, Phạm Ngọc Hùng có lợi thế là còn quyền lực trong tay và người đỡ đầu cho ông Hùng cũng đang có quyền lực. Nhưng ông Nguyễn Chí Vịnh đã không còn quyền lực, và người kết nối với Nguyễn Chí Vịnh khi xưa là Nguyễn Tấn Dũng cũng đã không còn quyền lực. Vậy thì, nếu đánh lớn ở Bộ Quốc phòng, có khả năng ông Trọng sẽ khui ra vụ hợp đồng kinh tế mua tàu ngầm.

npt3

Ông Nguyễn Tấn Dũng dính đến rất nhiều vụ tiêu cực nhưng vẫn vững như bàn thạch

Ông Nguyễn Phú Trọng là người thù dai và khó quên, ông đã tuyên bố sẽ đánh vụ "Chạy trốn rồi" thì ông quyết đánh. Với những nhân vật lớn, chưa đánh được thì ông củng cố, đợi thời điểm chín muồi rồi ra tay. Cho nên, một khi ông Trọng đã nói "Ngồi đấy chờ xem đi, trốn có được không ?" thì ắt ông bám đuôi tới cùng. Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Chí Vịnh lo gia cố thành trì để nghênh chiến là vừa.

Thu Phương (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 25/01/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Phương
Read 389 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)