Những ảnh hưởng từ công cuộc chống tham nhũng của Việt Nam đối với môi trường kinh doanh
Trang báo tiếng Anh Geopolitical Monitor vừa mới có một bài viết đánh giá tác động của vụ Đảng cộng sản Việt Nam cho Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về nghỉ hưu. Bài viết của tác giả Randall Puah với tựa đề tạm dịch "Môi trường đầu tư sẽ thận trọng hơn sau khi Chủ tịch nước Việt Nam bị miễn nhiệm".
"Môi trường đầu tư sẽ thận trọng hơn sau khi Chủ tịch nước Việt Nam bị miễn nhiệm".
Tác giả Randall Puah cho rằng, vị trí Chủ tịch nước không liên quan đến việc điều hành kinh tế Việt Nam, nên việc thay ông Phúc sẽ "không thay đổi nhiều dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng".
Theo tác giả Randall Puah, dù ai lên thay cũng không ảnh hưởng đến đường lối kinh tế vĩ mô, cho dù đó có là những người xuất thân từ an ninh, chứ không phải giới kỹ trị. Tuy nhiên, việc loại bỏ các chính trị gia hàng đầu như ông Phúc là một dấu hiệu cho thấy Đảng không tin tưởng vào phái kỹ trị và muốn loại bỏ tham nhũng, vì nó đe dọa tính chính danh của Đảng.
Cũng theo Randall Puah, công cuộc chống tham nhũng sẽ có những tác động tiếp tục đến giới làm ăn, nên họ cần biết về ba điều sau.
1. Môi trường chính trị của Việt Nam sẽ thận trọng hơn, vì các chính trị gia rút ra bài học từ những diễn biến gần đây, khiến cho các thỏa thuận làm ăn, cũng như thủ tục cấp phép của Chính phủ sẽ chậm hơn.
2. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị để tránh xa, hoặc giảm thiểu rủi ro trước làn sóng điều tra chống tham nhũng, có thể có động cơ chính trị sẽ ập tới trong những tuần, những tháng sau Tết Nguyên đán.
3. Các doanh nghiệp cần thận trọng với xu thế lâu dài có thể xảy ra, khi Đảng Cộng sản tập trung hơn vào kiểm soát nội bộ, thể hiện qua các vụ thanh trừng để loại đối thủ chính trị. Việc kiểm duyệt bên trong cũng tạo rủi ro cho cách hoạt động, các quy định và danh tiếng cho các doanh nghiệp.
Trong tuần qua, vụ ông Phúc phải rời ghế Chủ tịch nước khi chưa hết nhiệm kỳ Đại hội Đảng đã thu hút nhiều bình luận quốc tế.
Nhà bình luận từ Hoa Kỳ Zachary Abuza cho rằng, những người như ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam là ‘những nhà kỹ trị thực dụng quyết tâm đưa Việt Nam vào quỹ đạo kinh tế vĩ mô ổn định" nhưng họ cũng có nhiều kẻ thù, ông viết trên Nikkei Asia.
Reuters dẫn lời tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một thành viên cấp cao của Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore, cho rằng sự ra đi của ông Phúc có thể khiến các nhà đầu tư lo lắng.
Trái ngược, Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát Việt Nam lâu năm từ Úc, trả lời RFA rằng, việc chỉ đạo chung các vấn đề đối ngoại là do Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam quyết định, nên việc ông Phúc xuống chức hay các thay đổi nhân sự cao cấp nhất chỉ có tác động nhỏ tới chính sách chung. Ông cho rằng, chính sách đối ngoại của Việt Nam sẽ không thay đổi, vẫn là tăng cường quan hệ một cách thận trọng với Hoa Kỳ và không để Trung Quốc mất lòng.
200 ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra mắt Đại hội
Nền kinh tế Việt Nam từ lâu đã lệ thuộc vào mối quan hệ quan chức – sân sau của hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế, gắn liền dịch vụ công, bao gồm cả y tế, xây dựng, bất động sản… Với công cuộc chống tham nhũng của Đảng cộng sản, các công ty tư nhân sẽ lo sợ bị dính vào án tham nhũng và họ sẽ thu hẹp phạm vi hoạt động.
Khi kinh tế thị trường dẫn dắt, các quan chức khó cưỡng lại sức hấp dẫn của lợi nhuận kiếm được quá dễ dàng, với quyền lực trong tay họ. Việc độc quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản khiến cho mọi thông tin bị bưng bít, thiếu minh bạch và việc xử lý tham nhũng là theo ý Đảng, chứ không phải theo quy trình của pháp luật. Việc tạo ra một môi trường minh bạch, thượng tôn pháp luật là khó khả thi. Ngoài ra, Việt Nam thiếu cơ chế kiểm tra chéo, cân bằng và giám sát quyền lực nên việc phát hiện tham nhũng, làm trong sạch bộ máy là khá khó khăn.
Chống tham nhũng chỉ là chuyện hô hào của Đảng, và là cái cớ để Đảng thanh trừng nội bộ, chứ không thật sự vì đất nước, vì người dân.
Thu Phương (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 27/01/2023