Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/01/2023

Trao chiến xa hạng nặng cho Kiev

Thanh Hà

Hệ quả chiến lược và chính trị đối với phương Tây

Không dễ để trao chiến xa hạng nặng - main battle tanks- cho Ukraine bởi ở đây đặt ra cùng lúc ba vấn đề : hiệu quả về mặt tác chiến của các loại "vũ khí hạng nặng" đó và những tác động chiến lược, chính trị từ cuộc chiến Ukraine do Nga khởi động.

chienxa1

Leopard2 xe tăng hiện đại của Đức : Berlin thông báo cuối tháng 3 đầu tháng 4/2023 những chiếc đầu tiên sẽ được chuyển tới Ukraine. © Commons.creative

Trong bài tham luận đặng trên trang mạng của Viện Quan hệ quốc tế và Chiến lược hôm 19/01/2023, Jean-Pierre Maulny phó giám đốc IRIS đặc trách về vấn đề quốc phòng thuộc trung tâm nghiên cứu này tập trung vào những hệ quả về mặt "Chiến lược và Chính trị" một khi phương Tây chuyển giao chiến xa hạng nặng cho Ukraine.

Tại sao Đức và nhất là Mỹ đã mất nhiều tuần lễ để cân nhắc trước khi đồng ý cung cấp Leopard 2 và hay Abrams M1, những loại xe tăng hiện đại nhất hiện nay ?

Phương Tây tránh né Nga

Tác giả bài viết không vòng vo : Âu, Mỹ, NATO đều có một mối băn khoan duy nhất, đó là Nga. "Mọi người thấy rõ là từ đầu xung đột, phương Tây cố gắng kềm chế trong các quyết định chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Liên Minh Bắc Đại Tây Dương cố ý chứng minh rằng tổ chức quân sự này không là một bên tham chiến, quân đội của các nước phương Tây đứng ngoài giao tranh". Các khoản viện trợ vũ khí cho Ukraine nhằm giúp nước này tự vệ.

Song ở đây phân biệt "vũ khí tấn công với vũ khí tự vệ" là điều không có cơ sở, như ghi nhận của chuyên gia Pháp, bởi "vũ khí tự vệ" được dùng để tiêu hủy trang thiết bị quân sự của đối phương do vậy "một cách trực tiếp hay gián tiếp" vũ khí của Âu, Mỹ cũng nhằm "hỗ trợ một hành động tấn công". Trong chiều ngược lại, một loại "vũ khí tấn công" cũng có thể là một công cụ để tự vệ, để bảo vệ lãnh thổ trước những hành vi xâm lược. 

Ngoài ra khi nhìn vào thực chất "trang thiết bị quân sự" mà phương Tây cung cấp cho chính quyền Kiev, thì rõ ràng là đã có một sự leo thang. Một cột mốc quan trọng là thời điểm Mỹ giao hệ thống pháo phản lực cơ động cao Himars và các hệ thống phòng thủ chống tên lửa tối tân Patriot. Đương nhiên, theo ông Maulny ẩn số duy nhất là Ukraine dùng các loại vũ khí đó như thế nào. Phương Tây, đứng đầu là Mỹ, tuyệt đối muốn tránh để các loại vũ khí đó đe dọa "toàn vẹn lãnh thổ của Nga".

Thế rồi trong tháng Giêng 2023, Pháp thông báo cấp xe bọc thép hạng nhẹ AMX 10RC, lập tức Mỹ và Đức phụ họa theo với những thông báo Bradley và Marder cũng sẽ hiện diện trên chiến trường Ukraine. Đương nhiên về "hỏa lực và khả năng phòng thủ" các loại xe bọc thép này không thể sánh bằng chiến xa hạng nặng … Lập tức tổng thống Zelensky, đòi có được "vũ khí nặng hơn". Ba Lan, rồi Phần Lan ủng hộ quan điểm của Kiev và hưởng ứng đòi hỏi này. Anh Quốc cũng đã sốt sắng thông báo cấp cho Ukraine 14 chiếc xe tăng chiến đấu Challenger2. Luân Đôn thậm chí thúc hối Berlin cấp Leopard2 giúp Ukraine tự vệ.

Nhà Trắng muốn tránh tạo cảm tưởng, Mỹ phải một mình gánh vác trọng trách giúp Ukraine

Berlin đã chần chừ và chờ đợi phản ứng của Mỹ. Tại Washington chính quyền Biden cũng cần có thời gian để cân nhắc. Thứ trưởng quốc phòng Colin Kahl phản đối ý tưởng cung cấp xe tăng AbramsM1 cho Ukraine.

Phó giám đốc viện IRIS giải thích : thái độ thận trọng đó của chính quyền Biden cũng dễ hiểu vì những yếu tố chính trị của nội bộ Hoa Kỳ. Washington muốn rằng Châu Âu phải tham gia nhiều hơn vào nỗ lực quân sự, tránh để công luận Mỹ nhận thấy rằng, mọi nỗ lực yểm trợ Ukraine chỉ do một mình Hoa Kỳ gánh vác. 

Thế nhưng trước Mỹ, Luân Đôn thông báo giao 14 chiếc Challenger2 của Anh cho Ukraine. Bộ trưởng quốc phòng Anh Ben Wallace kêu gọi Berlin noi gương mình bởi Luân Đôn biết rằng, 14 chiếc xe tăng dù là hạng nặng và thuộc dòng "hiện đại nhất" là quá ít để cho phép Ukraine đảo ngược thế cờ trên trận địa. Bản thân nước Anh cũng chỉ có chừng 200 chiếc – mà không ít trong số đó đang trong giai đoạn "trùng tu" và "hiện đại hóa", tức là không thể hoạt động, và Luân Đôn dù có muốn cũng không thể cấp nhiều hơn Chellenger2 cho Ukraine.

Tuy nhiên về mặt chính trị, theo phó giám đốc Viện Quan hệ quốc tế và Chiến lược của Pháp, Jean–Pierre Maulny, cử chỉ của Anh mang nhiều ý nghĩa : một là để chứng minh rằng, Anh Quốc là điểm tựa lớn của Ukraine, hai là chứng tỏ "dù đã ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, Anh Quốc vẫn rất gắn bó với khối này, vẫn là đồng minh thân thiết nhất của các nước Bắc và Đông Âu". Thông điệp thứ ba của Luân Đôn có thể là một tín hiệu nhắn gửi đến Pháp : Anh có Challenger2 thì Pháp có xe tăng hạng nặng Leclerc, với số lượng tương tự như của Anh và hiện tại thì cũng có cả trăm chiếc Leclerc đang được sửa chữa. Cả hai cùng thuộc dòng hiện đại và nếu có cấp cho Ukraine loại chiến xa này, theo nhà nghiên cứu Maulny, Paris cũng sẽ bị hạn chế từ 10 đến 12 chiếc mà thôi. Hơn một chục chiếc xe tăng hạng nặng giúp Ukraine đánh đuổi quân Nga ra khỏi bờ cõi và số này quá ít có thể Anh hay Pháp có thể bị Moskva coi là một mối "đe dọa". Vả lại, đến nay, Paris chủ trương hỗ trợ Ukraine một cách "hiệu quả" nhưng đồng thời Pháp cũng muốn "kín đáo", tránh khiêu khích Nga. Jean- Pierre Maulny dự báo "có nhiều khả năng, Paris dừng lại ở việc cung cấp xe bọc thép AMX 10 RC" .

Berlin trong thế tiến thoái lưỡng nan

Đối với Đức, bài toán khó hơn nhiều do yếu tố chính trị quá lớn. Trên thế giới hiện có 2.700 chiếc xe tăng loại Leopard2 mà Berlin đang nắm giữ hoặc đã bán cho nhiều đối tác Châu Âu và kể cả là cho Thổ Nhĩ Kỳ, Canada... Chính quyền của thủ tướng Olaf Scholz đã chịu áp lực của cả công luận trong nước lẫn từ phía các đối tác Châu Âu để cung cấp chiến xa hạng nặng cho Ukraine. Nếu noi gương Luân Đôn mỗi quốc gia đang có Leopard2 cũng dành ra đến 5 % khối lượng xe tăng đang có của mình để chia cho Kiev, thì có nghĩa là chỉ nay mai, sẽ có tới khoảng 150 chiếc Leopart2 do Đức chế tạo được điều sang các mặt trận khác nhau trên chiến trường Ukraine. Đây là một con số rất lớn – hơn hẳn 31 chiếc AbramsM1 của Mỹ, hay chỉ 14 chiếc Challenger2 của Anh… Chuyên gia về các vấn đề quốc phòng thuộc viện IRIS kết luận "150 chiếc xe tăng hạng nặng sẽ đóng một vai trò nhất định về mặt tác chiến, đây không còn đơn thuần là một sự yểm trợ mang tính tượng trưng".

Tác giả gián tiếp chỉ ra rằng : Chấp thuận để các quốc gia đang sở hữu Leopard2 tùy nghi sử dụng thì hậu quả kèm theo là đẩy Berlin vào thế kẹt với Moskva. Trái lại, ngăn cản các khách hàng của Đức huy động xe tăng hiện đại này sang trận địa Ukraine thì cũng không ổn bởi "ở đây đặt ra vấn đề liên quan đến ảnh hưởng của Đức tại Châu Âu về mặt phòng thủ". Phó giám đốc IRIS -Viện Quan Hệ Quốc Tế do vậy cho rằng : Berlin sẽ chỉ quyết định giao xe tăng hạng nặng cho Ukraine "nếu như về mặt quân sự tình hình có thể xấu đi và có chiều hướng bất lợi cho phía Ukraine". Khi đó hành động này được hiểu như là một cử chỉ để "tự vệ" và chắc chắn là "Mỹ sẽ có tiếng nói quyết định" trên hồ sơ này.

Thêm vào đó, các bên – Âu, Mỹ, "cũng sẽ tìm cách trình bày vấn đề như thể đây chỉ là một bước tiếp theo sau khi Berlin, Washington và Paris đã đồng ý giao xe bọc thép Marder, Bradley và AMX 10 RC. Về mặt chính thức, phương Tây vẫn chủ trương kềm chế, tránh nói tới hiện tượng leo thang về mặt quân sự".

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 27/01/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà
Read 247 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)