2023 – Một năm mới đầy bất ổn cho dân tộc Việt
Hoàng Anh, Thoibao.de, 01/02/2023
Theo thường lệ, năm mới người ta chúc nhau an khang, thịnh vượng, hạnh phúc, và hy vọng một năm mới sẽ tốt đẹp hơn năm cũ.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng cộng sản Việt Nam họp tại Thủ đô Hà Nội, sau khi thảo luận các văn kiện do Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình - Ảnh minh họa
Nhưng Việt Nam, bước sang năm mới Quý Mão với đầy lo lắng, bất an. Những ngày cuối năm, nội bộ Đảng cộng sản đấu đá, tranh giành nhau một cách lộ liễu với hàng loạt quan chức cấp cao bị khởi tố, bị bãi nhiệm. Trong cuộc đấu này, phe thủ cựu đang nắm thế thượng phong và đang hừng hực khí thế truy quét khắp nơi. Tuy vậy, phe "kỹ trị" chưa chắc đã thua cuộc. Có thể, họ đang âm thầm hành động để giành lại quyền hành. Có thể, các bên sẽ lại đạt được các thỏa hiệp mới nên chỉ có dân là thua thiệt trong cuộc đấu quyền lực của họ.
Đảng cộng sản Việt Nam vẫn luôn coi đất nước như tài sản riêng của họ. Họ coi lịch sử, truyền thống nghìn đời của dân tộc cũng chỉ là truyền thừa riêng của họ. Họ coi dân như thần dân, họ buộc dân phải cúi đầu, phải cam chịu. Họ lừa bịp bằng những lời hoa mỹ như "quyền làm chủ của nhân dân", bằng những "thành tựu nổi bật", bằng những "tăng trưởng ngoạn mục". Trong khi người dân mất việc làm dẫn đến thiếu đói phải đi bới thùng rác, thì Đảng trưởng vẫn không biết ngượng mồm mà hô hào, "Toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm, bản lĩnh, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, với nhiều dấu ấn nổi bật…" trong lời chúc đầu năm.
Những vụ tham nhũng đình đám như Việt Á, chuyến bay giải cứu, cục đăng kiểm, AIC, những vụ lừa đảo kinh hoàng như SCB, Vạn Thịnh Phát, FLC, Tân Hoàng Minh… thì Đảng lờ tịt, thậm chí coi đó là "thành tích chống tham nhũng". Đảng không hề thừa nhận nhưng những vụ việc này đã làm Đảng lộ nguyên hình là một tổ chức tội phạm, tạo điều kiện cho giới gian thương lũng đoạn.
Đảng không hề xấu hổ mà công bố con số tăng trưởng hơn 8%, con số lạm phát dưới 4%, dù những con số này chẳng ai tin, từ dân đen cho đến chuyên gia. Các chuyên gia thì phân tích dựa trên sự mâu thuẫn giữa các số liệu do chính Đảng cung cấp, người dân thì căn cứ ngay trong kinh tế gia đình họ, tất cả đều chỉ đến một kết quả chung : Đảng đang nói dối.
Đảng chỉ mải mê trong cuộc đấu quyền lực của mình mà không thèm quan tâm đến hiện tính đất nước cũng như đời sống cùng khổ của người dân, đặc biệt là giới công nhân.
Xu hướng đấu đá nội bộ sẽ còn kéo dài trong năm 2023 này, bởi mới đầu năm mà nhiều lãnh đạo Đảng đã bày tỏ quyết tâm chống tham nhũng đến cùng, đầy trên báo chí. Cái quyết tâm này của Đảng sẽ kéo theo sự tuột dốc của nền kinh tế vốn đã bết bát vào cuối năm 2022, vì cuộc đấu đá nội bộ đã làm tê liệt toàn bộ bộ máy hành chính. Quan chức từ lớn đến nhỏ không còn muốn làm việc vì lo sợ sẽ bị biến thành củi.
Khủng hoảng chính trị đã khiến giới đầu tư nước ngoài e ngại, những nhà lãnh đạo mới lên thay thế không đủ kiến thức và kinh nghiệm để làm việc khiến nhiều nhà đầu tư đã chuyển hướng đầu tư sang các quốc gia khác khi họ chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Hệ thống tài chính ngân hàng, thị trường bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu… đã bất ổn kéo dài từ giữa năm 2022, đến nay vẫn chỉ loay hoay trong các giải pháp ngắn hạn và tạm thời. Tình trạng thiếu hụt thanh khoản ngân hàng chỉ được giải quyết bằng cách bơm tiền và bơm tiền. Sự mất lòng tin đã khiến người gửi tiền, nhà đầu tư, tìm cách bảo quản tài sản của mình bằng những phương thức khác, thay vì gửi ngân hàng và cổ phiếu, trái phiếu. Kinh tế càng suy thoái thì niềm tin lại càng mất thêm, niềm tin càng mất thì thị trường càng khó phục hồi… Cái vòng xoáy cứ thế mà đi xuống.
Biện pháp duy nhất để giải quyết dứt điểm tình trạng này là sự minh bạch, sự minh bạch từ chính quyền cho đến các doanh nghiệp. Chỉ có sự minh bạch mới có thể lấy lại lòng tin của người dân và từ đó giúp nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, sự minh bạch chính là tử huyệt của Đảng cộng sản. Một khi tất cả mọi thứ đều công khai, Đảng như ông vua cởi truồng trước mắt công chúng, bao nhiêu tội lỗi, bao nhiêu xấu xa đều phơi bày thì Đảng đâu còn chính danh để tiếp tục cầm quyền.
Chưa kể, người mơ hồ nhất cũng nhận ra, Đảng của ông Trọng đang lún sâu vào quỹ đạo của Trung Quốc, một quỹ đạo có nguy cơ dẫn đến mất nước.
Năm 2023, một năm mới đầy bất ổn cho dân tộc Việt Nam và chưa rõ sẽ kéo dài đến bao giờ, chưa rõ, liệu sự bất ổn này có dẫn tới một biến động lớn hơn hay không ?
Hoàng Anh (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 01/022/2023
*********************
Những hậu quả của cuộc thanh trừng trong nội bộ Đảng
Thu Phương, Thoibao.de, 01/02/2023
Trong vòng chưa tới ba tuần, từ ngày 30/12 đến ngày 18/1, ba lãnh đạo kỹ trị chủ chốt của Việt Nam đã đồng loạt rời chính trường vì "chịu trách nhiệm chính trị". Đây là một sự kiện "chưa từng có" trong lịch sử cầm quyền của Đảng cộng sản. Vì vậy, nó gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước.
Ba lãnh đạo phải "chịu trách nhiệm chính trị"
Đảng cộng sản công bố rằng, những vị lãnh đạo này phải "chịu trách nhiệm chính trị" về tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực được Đảng phân công. Đây có thể xem là cách mà Đảng làm dịu sự bất mãn của công chúng về quốc nạn tham nhũng.
Việt Nam không có văn hóa từ chức, cán bộ Đảng lại càng không. Năm 2013, ông Dương Trung Quốc, nguyên Đại biểu Quốc hội đã từng phát biểu về "văn hóa từ chức" tại nghị trường. Ông ám chỉ đến việc, do sự điều hành yếu kém của Chính phủ đã dẫn đến tình trạng "bất ổn kinh tế vĩ mô", nhưng quan chức lại chỉ "xin lỗi" là xong, tuy nhiên, đây cũng chỉ là một ý kiến cá nhân.
Đảng cộng sản hoạt động dựa trên tư tưởng Marx Lenin và chủ nghĩa tập thể, loại bỏ chủ nghĩa cá nhân. Các thành viên của Đảng phải cam kết trung thành và "nguyện suốt đời phấn đấu hy sinh cho lý tưởng cộng sản". Bởi vậy, họ không có khái niệm từ chức, vì mọi việc họ làm đều là theo "chủ trương, đường lối của Đảng".
Từ sau khi Đảng thực hiện "Đổi mới", chấp nhận kinh tế tư nhân, thì sự mâu thuẫn giữa hai hệ thống giá trị, một bên là thị trường tự do, đi theo quy luật cung cầu của chủ nghĩa tư bản, và một bên là lý tưởng cộng sản, ngày càng trở nên gay gắt, khiến sự lãnh đạo thống nhất và duy nhất của Đảng cộng sản bị phá vỡ.
Điều này dẫn đến nội bộ Đảng chia làm hai phe : phe Chính phủ đi theo hướng "kỹ trị" đối lập với phe Đảng vẫn muốn duy trì tư tưởng và hệ thống lãnh đạo theo quan điểm của Chủ nghĩa Marx Lenin.
Sự mâu thuẫn này đã từng bùng lên trong những năm 2010, với sự đối đầu giữa ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Nguyễn Phú Trọng, kết thúc với việc ông Dũng về làm "người tử tế" vào năm 2016.
Sau giai đoạn đối đầu gay gắt này, Việt Nam quay lại một mô hình toàn trị mới, đó là mô hình Đảng – Nhà nước mạnh. Tuy nhiên, trong mô hình này, tham nhũng không hề suy giảm, mà ngược lại, còn có xu hướng gia tăng cả về mức độ và số lượng.
Do đó, Đảng đã đẩy các lãnh đạo "kỹ trị" ra để "chịu trách nhiệm chính trị", để giữ cho Đảng bộ mặt "sạch sẽ" và duy trì tính chính danh. Tuy nhiên, hành động này có thể gây ra những hậu quả khó lường.
Thứ nhất, việc hàng loạt quan chức phải rời nhiệm sở đã tạo ra những khoảng trống trong bộ máy nhà nước. Việc điều hành kinh tế theo quy luật thị trường cần phải có những lãnh đạo có kiến thức và kỹ năng quản trị, xử lý vấn đề linh hoạt ; chứ không phải là bất kỳ ai được Đảng giao phó như phương pháp quản lý kế hoạch hóa tập trung cứng nhắc.
Phe thủ cựu đang thắng thế
Trong quan hệ ngoại giao quốc tế và trong quan hệ đối với các nhà đầu tư nước ngoài, ba lãnh đạo vừa bị loại khỏi chính trường là những người được đánh giá cao. Ông Phúc, ông Minh và ông Đam đều được đánh giá là có năng lực, có kinh nghiệm và thân thiện với phương Tây.
Việt Nam muốn phát triển kinh tế thì không thể bỏ qua việc kêu gọi đầu tư nước ngoài, nhưng với môi trường kinh doanh còn thiếu minh bạch, thì mối quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo và các nhà đầu tư là điều rất quan trọng. Thay vì đặt niềm tin vào hệ thống chính trị, các nhà đầu tư sẽ đặt niềm tin vào người lãnh đạo.
Hậu quả thứ hai là bộ máy hành chính dường như bị "đóng băng" bởi nỗi bất an từ chiến dịch chống tham nhũng, nay còn tăng thêm bởi khái niệm "chịu trách nhiệm chính trị".
Cuối cùng, việc không có các quy định, các chuẩn mực cho hành động "chịu trách nhiệm này", việc không công khai, thiếu minh bạch dẫn đến tình trạng tù mù và mất niềm tin trong dân chúng. Người dân không thấy Đảng trong sạch hơn sau khi loại bỏ quan tham, mà họ chỉ thấy càng ngày càng có nhiều quan tham hơn.
Thu Phương (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 01/02/2023
**************************
Tổng công quá "rát", Thủ Chính vội vã "vái tứ phương" ?
Tú Ngọc, Thoibao.de, 01/02/2023
Sau cú ngã ngựa của ông Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 18/1, thì ông Phạm Minh Chính đã tới nhà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thắp nhang, vái lạy trước ảnh thờ của ông này. Cũng ngay ngày hôm đó, ông Chính cũng đến nhà riêng của ông Đại tướng Võ Nguyên Giáp thắp nhang khấn vái. Tất nhiên ông Phạm Minh Chính lấy lý do là dịp cận Tết đến thắp hương tưởng nhớ.
Ông Phạm Minh Chính dâng hương tưởng nhớ các cố lãnh đạo Chính phủ - Ảnh minh họa
Hai ngày sau, ông Phạm Minh Chính lại bay vào Sài Gòn, tiếp tục lặp lại hành động thắp nhang khấn vái các vị cựu lãnh đạo cộng sản đã qua đời. Cụ thể như sau : Ông Chính đến nhà riêng của ông Phạm Hùng – cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng – ở quận 3 Thành phố Hồ Chí Minh, thắp nhang và khấn vái ông này. Xong ông Chính đến nhà ông Võ Văn Kiệt – cố Thủ tướng – cũng tại quận 3 Thành phố Hồ Chí Minh, và cũng thắp nhang khấn vái. Ngoài ra ông Phạm Minh Chính cũng mò đến tận Củ Chi để thắp nhang khấn vái trước ảnh thờ tại tư gia ông Phan Văn Khải – cố Thủ tướng.
Ngày mùng 6 Tết, ông Phạm Minh Chính đốt nhang khấn vái ông Hồ Chí Minh tại Khu di tích K9 – Đá Chông, huyện Ba Vì, Hà Nội, trong ngày lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ". Không biết ông khấn gì và liệu Bác Hồ của ông có độ cho ông hay không, tuy nhiên, đến ngày mồng 7 Tết ông lại đốt nhang khấn tiếp. Lần này ông đến Khu di tích Kim Liên tại Nghệ An để thắp nhang cầu khấn ông Hồ Chí Minh một lần nữa. Ngoài ra, nửa đêm, ông cùng đoàn tùy tùng đến Ngã ba Đồng Lộc, thắp nhang khấn vái các trinh nữ công binh đã mất mạng vì bom đạn tại đây.
Cũng có những quan chức đi khấn vái thắp nhang trong dịp Tết Nguyên đán, tuy nhiên, không ai thắp nhang và khấn nhiều như ông Phạm Minh Chính trong những ngày trước và sau Tết. Không biết ông Phạm Minh Chính có lòng biết ơn những người đã khuất của chế độ cộng sản không, hay ông thắp nhanh để cầu xin điều gì ?
Những ngày Tết, tệ nạn mê tín dị đoan xảy ra công khai tại các chùa chiền quốc doanh. Điều này đã trở thành chuyện bình thường của chế độ này. Thực tế thì các quan chức cộng sản cũng rất mê tín, tuy nhiên, một nhà quan sát cho rằng, cách mê tín của quan chức cộng sản là mê tín cao cấp. Tức là họ không chịu đến các tụ điểm hành nghề mê tín dị đoan của các chùa quốc doanh, vì nơi này đông người và dân biết mặt họ. Những nơi này chỉ để cho dân đen cúng vái cầu xin, còn họ thì đi những nơi "sang chảnh" hơn để cầu cúng.
Không ít quan chức cộng sản đã đến tận Ấn Độ, nơi được cho là khởi nguồn của đạo Phật để cầu xin. Trong số đó, có thể kể đến như Nguyễn Tấn Dũng, Trần Bắc Hà và Trần Đại Quang. Đấy là những nơi thờ đạo Phật thực sự, chứ không phải mê tín. Tuy nhiên, các quan chức cộng sản thì lại đem lòng mê tín của mình đến đất Phật mà xin.
Thực tế, đạo Phật của chính đạo không hề có chuyện cầu xin Phật ban phước. Với đạo Phật đúng nghĩa, anh muốn có phước báo thì anh phải hành thiện, thế thôi. Anh đã ác với dân thì dù anh có cầu xin Phật cạn nước bọt, anh cũng chẳng thoát được kiếp nạn.
Có một bạn đọc chia sẻ với cộng tác viên của Thoibao một ý kiến rằng, không biết các ông lãnh đạo cộng sản đã chết có quyền năng gì hay không ? Những ông này chưa chắc gì là thánh thần, mà có khi đang ở địa ngục. Vậy thì, nếu cầu xin các vị này chưa chắc gì họ có đủ quyền năng để ban phước lành.
Thực ra câu chuyện tâm linh là có, nhưng nó chẳng liên quan gì đến chuyện cầu xin cả. Hãy làm thiện thì tự nhiên điều thiện sẽ tới. Làm chính trị chia phe đấu nhau rồi giành quyền lực, giành tiền bạc phải đi đến đối đầu và sống mái với nhau trên chính trường, thì điều tất yếu là có kẻ bị đánh bại và có kẻ chiến thắng. Nếu không tham thì đâu thể xảy ra họa bị tấn công để đến giờ phải xin ? Đạo lý đơn giản đó có lẽ người cộng sản không bao giờ nhận ra. Lòng tham là một trong bộ tam gồm "tham sân si" là thứ mà đạo Phật bảo phải diệt bỏ. Không diệt mà còn nuôi lòng tham cho lớn, thì khấn vái làm gì cho mất công ?
Tú Ngọc (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 01/02/2023
*************************
Chống tham nhũng, ‘phía bên kia’ bắt đầu phản công ?
Trân Văn, VOA, 01/02/2023
Sau những Trần Thị Nguyệt Thu, Nguyễn Thị Xuân Trang, Vương Hà My, mới đây, công chúng bắt đầu thảo luận sôi nổi về Tô Hà Linh (ái nữ của ông Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an Việt Nam),...
Ông Tô Lâm.
Sau những Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Huỳnh Tấn Việt, Bùi Nhật Quang, Nguyễn Thành Phong, Phạm Xuân Thăng, Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Trần Văn Nam – những Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã thôi... "phục vụ", mạng xã hội và một số cơ quan truyền thông bắt đầu nhắc đến danh tính những cá nhân là thân nhân giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam.
Sau những Trần Thị Nguyệt Thu (phu nhân của ông Nguyễn Xuân Phúc – cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Nguyễn Thị Xuân Trang (ái nữ của ông Nguyễn Xuân Phúc), Vương Hà My (ái nữ của ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), mới đây, công chúng bắt đầu thảo luận sôi nổi về Tô Hà Linh (ái nữ của ông Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an Việt Nam)...
Giống như cô My đột nhiên nổi như cồn sau khi khoe vừa tốt nghiệp Oberlin College - một trường đại học tọa lạc ở tiểu bang Ohio, Mỹ (1) - khiến thiên hạ thắc mắc vợ chồng ông Huệ đã làm gì để có thể trang trải chi phí được ước đoán tối thiểu cũng phải 85.000 Mỹ kim/năm (2), cô Linh cũng đang nổi như cồn vì với mức thu nhập chính thức của ông Tô Lâm (khoảng 7.860 Mỹ kim một năm), ông lấy tiền từ đâu để trả khoản học phí khoảng 25.000 Mỹ kim/năm cho ái nữ (3) để theo học tại SOAS ?
SOAS (School of Oriental and African Studies) tọa lạc ở London, Vương quốc Anh - một nơi vốn nổi tiếng là đắt đỏ nên khoản học phí 25.000 Mỹ kim/năm là chưa đúng và chưa đủ. Nếu kể cả chi phí ăn, ở, sách vở... cho ái nữ mỗi năm thì con số thực chi chắc phải gấp năm, bảy lần mức thu nhập chính thức/năm của ông Tô Lâm. Nhân vật đang chỉ đạo điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự hàng loạt viên chức tham nhũng moi từ đâu ra khoản tiền ấy để lo cho ái nữ ?
Không cần trả lời thì ai cũng biết vì sao ông Tô Lâm có thể cho con gái du học. Bởi ai cũng biết nên mới có chuyện cô Linh tốt nghiệp SOAS nổi như cồn. Có một điểm đáng chú ý là cô Linh khoe việc cô tốt nghiệp SOAS trên trang facebook của cô từ tháng 7 năm ngoái nhưng tháng giêng năm nay – lúc cha cô đang chỉ đạo mở rộng cuộc tấn công tham nhũng - chuyện cô du học tại Vương quốc Anh mới được giới thiệu với công chúng và vì vậy, cô phải vội vội, vàng vàng đóng trang facebook của cô (4).
Tô Hà Linh còn quá trẻ nên có lẽ cô chẳng đắc tội với ai đến mức phải vội vàng "mai danh, ẩn tích" trên mạng xã hội nhưng thân phụ của cô thì ngược lại. Điều đó cho thấy cuộc chiến được dán nhãn "chống tham nhũng" ở Việt Nam đã bước vào giai đoạn hết sức khốc liệt. Những cá nhân, những nhóm bị tấn công vì tham nhũng đang phản công. Có bên cố gắng bày ra để thiên hạ tường, vợ con Chủ tịch Nhà nước tham tàn đến mức nào. Có bên cố gắng minh họa Thủ tướng dính líu đến "sâu dân, mọt nước" ra sao. Cũng có bên chứng tỏ Chủ tịch Quốc hội chẳng sạch sẽ gì hơn và Bộ trưởng Công an cũng thế ! Chống tham nhũng càng quyết liệt thì thiên hạ càng có thêm nhiều thông tin, bằng chứng để nhận ra, tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chẳng có "bàn tay" nào "sạch" !
***
Thu nhập chính thức của các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam chỉ dao động trong khoảng từ 5.000 Mỹ kim/năm đến 8.000 Mỹ kim/năm nhưng khó mà đếm xuể đã và đang có bao nhiêu viên chức cho con du học ở ngoại quốc. Ai cũng biết tại sao lại thế và các hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương xem đó như điều đương nhiên, thậm chí còn xem việc tốt nghiệp đại học ở ngoại quốc của con các viên chức như một "điểm son" để tuyển dụng, cất nhắc, chưa kể còn dựa vào yếu tố này để quảng cáo về "năng lực" của đội ngũ kế thừa, thành ra chẳng khó khăn gì khi tìm ví dụ cho thực trạng trái khoáy này.
Đâu phải tự nhiên mà tất cả viên chức từ Tổng bí thư trở xuống thẳng tay gạt bỏ đề nghị hình sự hóa "giàu có bất thường" (điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự, tịch thu tài sản của những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản của họ) khi sửa Luật Hình sự (5) vào các năm 2015 và 2017, Luật Phòng – chống tham nhũng vào năm 2018 [6]. Nên hiểu thế nào khi ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam từng tuyên bố rất nhiều lần, ở nhiều nơi rằng chống tham nhũng tại Việt Nam "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai" nhưng cũng chính ông Trọng cương quyết từ chối công bố tờ khai tài sản của những cá nhân được đảng lựa chọn bởi "nhạy cảm và khó vì liên quan đến các quyền về đời tư" (7) ?
Nếu không gạt bỏ đề nghị hình sự hóa "giàu có bất thường" khi sửa Luật Hình sự và Luật Phòng – chống tham nhũng, không ngại "nhạy cảm và khó" rồi bác bỏ đề nghị công bố công bố tờ khai tài sản của những cá nhân được đảng lựa chọn thì ắt không có chuyện trong cuộc chiến chống tham nhũng, "phía bên kia" khai thác chuyện con cái "phía bên này" du học và tốt nghiệp những đại học mà toàn bộ chi phí cho mỗi năm học xấp xỉ hàng trăm ngàn Mỹ kim/năm. Thu nhập chính thức chưa tới chục ngàn Mỹ kim/năm nhưng đủ khả năng tài chính để chi hàng trăm ngàn Mỹ kim/năm cho con cái du học thì làm sao đủ "sạch" để tẩy rửa hệ thống ? Theo logic thì phải thắc mắc như thế chứ chấp nhận hình sự hóa "giàu có bất thường" thì còn gì các hệ thống ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 01/02/2023
Chú thích
(1) https://thoibao.de/blog/2022/08/20/chu-tich-quoc-hoi-da-ho-suon-chinh-phuc-co-tan-dung-de-ha-guc/
(2) https://www.oberlin.edu/admissions-and-aid/tuition-and-fees
(5) http://dantri.com.vn/phap-luat/giau-bat-thuong-co-the-bi-tich-thu-tai-san-1386181152.htm
*************************
Loạt các lãnh đạo "kỹ trị" buộc phải từ chức và những hiệu ứng ngược khó lường
Phạm Quý Thọ, RFA, 30/01/2023
Ông Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, nhân vật thứ hai sau Tổng bí thư trong cơ chế lãnh đạo "tôn ty trật tự", đã xin từ chức, và được Đảng cộng sản chuẩn thuận công khai ngày 17/1/2023. Trong thông cáo của hội nghị bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng có nêu : "nhận thức rõ trách nhiệm của mình, ông Phúc quyết định từ chức và nghỉ hưu" và đồng thời nhấn mạnh ông Phúc phải chịu trách nhiệm về việc "để một số cán bộ, trong đó có hai phó thủ tướng và ba bộ trưởng có sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng".
FP
Như vậy, trong vòng hơn một tuần, ba lãnh đạo kỹ trị chủ chốt, nguyên và đương nhiệm của Chính phủ đồng loạt rời chính trường với cách thức như trên. Ông Nguyễn Xuân Phúc từng là Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021, các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam từng là phó Thủ tướng cho ông Phúc là những lãnh đạo được phân nhiệm điều hành kinh tế - xã hội.
Đây là sự kiện "chưa từng có" trong lịch sử cầm quyền của Đảng cộng sản, bởi vậy nó thu hút sự chú ý của các nhà quan sát chính trị trong và ngoài nước cũng như sự quan tâm của dư luận trong nước. Khi đặt sự kiện này trong bối cảnh Đảng cộng sản cam kết chống tham nhũng "không vùng cấm" để củng cố quyền lực bài viết trình bày ba nội dung sau : Một, các vị lãnh đạo trên buộc phải từ chức vì cùng lý do ; Hai, lý giải vì sao họ là đối tượng chống suy thoái chính trị của Đảng cộng sản ; Ba, việc thanh lọc họ gây ra những hiệu ứng ngược khó lường.
Một
Các vị lãnh đạo trên buộc phải từ chức thay vì tự nguyện và, Đảng cộng sản cho rằng họ phải "chịu trách nhiệm chính trị" về tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực được Đảng phân công. Đảng quyết định như vậy nhằm đạt ba mục đích chủ yếu : phá vỡ thế bế tắc chống tham nhũng trong "vùng cấm", cam kết diệt trừ "tận gốc" tham nhũng và làm dịu sự bất mãn của công chúng về quốc nạn này.
Họ buộc phải từ chức vì hành vi "từ chức" không có trong văn hóa chính trị của Đảng cộng sản. Để minh họa xin nêu hai ví dụ điển hình. Một là, việc ông Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ Giáo dục và đào tạo) xin từ chức năm 2001 với lý do bất đồng về chương trình cải cách giáo dục. Vụ việc được coi là "lạ lẫm", gây chút ồn ào và nhanh chóng bị quên lãng. Hai là, năm 2013 ông Dương Trung Quốc, nguyên Đại biểu Quốc hội đã nêu "văn hóa từ chức" tại nghị trường, ám chỉ về sự điều hành của Chính phủ có liên quan tới sự "bất ổn kinh tế vĩ mô" trong giai đoạn này. Xin trích : "Thủ tướng có tán thành sẽ khởi đầu cho một sự tiến bộ của Chính phủ, hướng tới một văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không ?" Lời phát biểu này cho dù làm thị trường nóng lên, nhưng cũng chỉ là ý kiến.
Đảng cộng sản dựa trên tư tưởng Mác – Lênin và chủ nghĩa tập thể, trong đó thứ bậc quyền lực với tôn sùng lãnh tụ được đề cao trong tập thể lãnh đạo về hình thức, đối nghịch với chủ nghĩa cá nhân, coi các thành viên là bộ phận cấu thành tổ chức, họ cam kết trung thành và "nguyện suốt đời phấn đấu hy sinh cho lý tưởng cộng sản". Bởi vậy, từ chức, như một phạm trù đạo đức, có thể bị coi là không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí vi phạm nguyên tắc đảng gây tổn hại uy tín, thể diện của tổ chức đảng.
Sự kiện này là "khác thường" đang dẫn dắt công chúng trong nước đồn đoán về "trùm cuối" hay sự dính líu của người nhà của các lãnh đạo trên trong các vụ đại án tham nhũng "bộ kít xét nghiệm" và "các chuyến bay giải cứu" (vẫn tiếp tục điều tra, chưa xét xử), và hơn thế, dư luận đặt nghi vấn ai sẽ là lãnh đạo tiếp theo.
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp Quốc hội Khóa XV ngày 20/10/2022. Ảnh Nguyễn Nhạc/AFP
Hai
Nội các Chính phủ, các lãnh đạo "kỹ trị", bị coi là "đối tượng" chống suy thoái chính trị của Đảng cộng sản. Họ là những trí thức am hiểu chuyên môn, thị trường trước khi chuyển sang làm quản lý, do đó họ có quan điểm điều hành dựa trên cơ sở thống kê hay bằng chứng thực tế thay vì cảm tính, ảo tưởng. Và, cán bộ kỹ trị được cho là có "ưu thế tương đối", "có quyền và gần tiền" trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế sang thị trường và vẫn duy trì chế độ Đảng cộng sản lãnh đạo về chủ trương, đường lối. Mâu thuẫn giữa hai hệ thống giá trị : thị trường, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản ngày càng trở nên căng thẳng khiến sự thống nhất lãnh đạo của Đảng cộng sản bị phá vỡ. Sự chia rẽ thành hai phe : Chính phủ, "kỹ trị" đối lập với Đảng, "chính trị".
Thực tế ở Việt Nam cho thấy, sự chia rẽ bùng phát, đặc biệt nóng trong những năm 2010, thời kỳ ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư và ông Nguyễn Tấn Dũng là Thủ tướng Chính phủ. Sự bất ổn kinh tế vĩ mô và thể chế đã xảy ra, và Bộ Chính trị cho rằng ông Dũng phải "chịu trách nhiệm chính trị", nhưng đã không đồng nhận được sự đồng thuận của Ban Chấp hành trung ương. Như đã biết, ông nguyên Thủ tướng Dũng đã cho rằng trong hơn 50 năm theo Đảng ông ta luôn chấp hành sự phân công của tổ chức, và không xin chức quyền… Không thể bị kỷ luật, ông Dũng chỉ nghỉ hưu về làm người "tử tế" khi nhiệm kỳ 2011-2016 kết thúc.
Đó là bài học đắt giá đối với sự lãnh đạo của Đảng cộng sản và cá nhân người đứng đầu. Hai nhiệm kỳ tiếp theo 2016-2021 và 2021-đến nay cương vị Tổng bí thư vẫn do ông Nguyễn Phú Trọng "đặc cách" nắm giữ. Và, bài học trên đã là "cú huých" quay lại chế độ toàn trị mới, theo đó mô hình Đảng – Nhà nước mạnh đang được thử nghiệm vận hành, trong đó quan chức chính phủ "kỹ trị" có nguy cơ suy thoái cao. Ông ấy từng nhận định, rằng sau 10 năm phát động công tác phòng chống tham nhũng mặc dù có "chuyển biến tích cực" nhưng "chưa đạt kết quả như mong muốn". Cách tiếp cận "chịu trách nhiệm chính trị" áp dụng đối với các lãnh đạo "kỹ trị" ở "vùng cấm" như một bước đột phá, phá vỡ thế bế tắc này, trong đó các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam từng là phó Thủ tướng dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng.
Cựu Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (trái) và Vũ Đức Đam (phải). Ảnh AFP-RFA edited
Ba
Dường như có lý do biện minh để Đảng phán xét các lãnh đạo kỹ trị trên phải "chịu trách nhiệm chính trị", nhưng việc thanh lọc họ gây ra những hiệu ứng ngược khó lường. Trước hết, việc họ buộc phải từ nhiệm sẽ gây ra "khoảng trống" năng lực điều hành. Chuyển đổi sang thị trường càng sâu rộng càng đòi hỏi kiến thức và kỹ năng quản trị phù hợp, nghĩa là vai trò của họ cần được coi trọng chứ không phải ngược lại.
Ngoài ra, trong con mắt các nhà đầu tư, họ là các nhà "kỹ trị" có năng lực điều hành kinh tế. Ông Phúc đã tạo được hình ảnh thân thiện, có thái độ khá cởi mở trong ngoại giao nhà nước, các ông Minh, ông Đam là được cho là có năng lực, kinh nghiệm thực tế… Đây là yếu tố quan trọng giúp các nhà đầu tư vượt qua những rào cản của môi trường kinh doanh còn thiếu minh bạch. Họ có vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển khu vực kinh tế này như một trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh. Cạnh tranh thể chế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài đang là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn.
Hiệu ứng ngược tiếp theo là bộ máy hành chính dường như bị "đóng băng" bởi nỗi bất an từ các hồ sơ chống tham nhũng trong quá khứ, và nay sẽ tăng thêm bởi sự mơ hồ về chuẩn mực "chịu trách nhiệm chính trị". Hơn thế, việc áp dụng tuỳ tiện mang tính độc đoán có thể gieo rắc nỗi sợ hãi, sản sinh ra những kẻ cơ hội, chờ thời… Đây là nguy cơ tiềm ẩn bất ổn về công tác nhân sự.
Sau cùng, như hệ quả, việc giải trình trách nhiệm trước công chúng thêm tồi tệ và quá trình dân chủ hóa trong đảng và ngoài xã hội bị kìm hãm. Mặc dù mới đây Đảng nhận định "nhiều vụ tham nhũng được cho là 'vùng cấm, nhạy cảm' đã được xử lý nghiêm", nhưng từ sự kiện loạt các lãnh đạo buộc phải từ nhiệm cho thấy sự công khai hoá, minh bạch hóa và bình đẳng trước pháp luật đang là đòi hỏi cấp thiết từ phòng chống tham nhũng để có được niềm tin và sự ủng hộ của người dân.
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 30/01/2023
Tiến sĩ Phạm Quý Thọ là Giáo sư Tiến sĩ, nguyên Trưởng khoa Chính sách công, Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Việt Nam