Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/02/2023

Công cụ của Mỹ chống cạnh tranh xuất khẩu vũ khí

Minh Anh

ITAR, EAR : Công cụ của Mỹ để chống các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu vũ khí ?

Ngày 20 /01/2023, trong bài diễn văn chúc mừng năm mới 2023 gởi đến quân đội tại căn cứ không quân 118 ở Mont-de-Marsan, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố rằng các nền công nghiệp quốc phòng là "một thành phần chủ chốt cho chủ quyền quốc gia". Tuy nhiên, trên thực tế, chủ quyền này của Pháp phải đối mặt với đạo luật ITAR và EAR, những quy chế kiểm soát vũ khí khắt khe của Mỹ.

ear1

Công xưởng sản xuất nòng đại bác Caesar 155 ly của nhà sản xuất vũ khí Nexter, tại Bourges, miền trung nước Pháp, ngày 04/07/2022. AFP – Guillaume Souvant

Trang mạng La Tribune của Pháp ngày 02/02/2023 cho biết, trong một báo cáo gần đây liên quan đến "chương trình hỗ trợ xuất khẩu thiết bị quân sự", Thẩm Kế Viện của Pháp đánh giá rằng "các doanh nghiệp quốc phòng của Pháp, những ngành công nghiệp quan trọng nhất, mỗi ngành, mỗi năm phải nộp từ 800 đến 1.000 đơn tại Cục Kiểm soát Thương mại Quốc phòng – DDTC tại Mỹ" để có được giấy phép xuất khẩu vũ khí chiếu theo các quy chế ITAR và EAR. Điều đáng lo cho ngành công nghiệp vũ khí Pháp là chỉ cần một linh kiện phải tuân theo quy định của ITAR là có nguy cơ cả một hệ thống vũ khí cũng bị đặt dưới quy chế "ITAR" và điều này dẫn đến nhiều rủi ro cho bí mật công nghệ quốc phòng, như lưu ý của Thẩm Kế Viện.

Trước sự áp đặt này của Mỹ, phải chăng là khả năng tự chủ công nghiệp của Pháp đang bị suy giảm ? ITAR và EAR có nghĩa là gì và nhằm mục đích gì mà Pháp và các nhà công nghiệp vũ khí có nghĩa vụ phải tuân thủ ? Liệu đó có là những công cụ để Mỹ chống lại các đối thủ cạnh tranh trong lãnh vực xuất khẩu vũ khí hay không ?

Để giải đáp những thắc mắc này, RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà kinh tế học Claude Serfati, chuyên gia về công nghiệp vũ khí, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội (IRES). Ông cũng là tác giả tập sách "L'État radicalisé, La France à l'ère de la mondialisation armée – Tạm dịch là Nhà nước trở nên cực đoan, nước Pháp trong kỷ nguyên toàn cầu hóa vũ trang", do nhà xuất bản La Fabrique phát hành vào cuối năm 2022.

**********

RFI tiếng Việt : Trước hết, ông có thể giải thích giúp ITAR, EAR là gì ? Và nhằm mục đích gì ?

Claude Serfati : ITAR là tên viết tắt của International Traffic In Arms Regulations, tức là Quy định về Buôn bán Vũ khí Quốc tế. Còn EAR có nghĩa là Export Administration Regulations, Quy chế Quản lý Xuất khẩu. Quy chế thứ nhất được chính phủ Mỹ ban hành năm 1976 nhằm kiểm soát các hoạt động xuất khẩu vũ khí sang các nước bị coi là thù địch. Do vậy, chính phủ Mỹ yêu cầu những ngành công nghiệp nào của mình muốn xuất khẩu vũ khí phải nộp cho chính quyền một danh mục để chứng minh rằng các loại vũ khí xuất khẩu của Mỹ không chứa các thành phần, hay những hệ thống phụ nguy hiểm, nghĩa là chúng có thể sẽ bị các nước mua sử dụng để chống lại Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, điều phổ biến và không chỉ riêng trong vấn đề vũ khí, Mỹ thường có thói quen áp dụng điều mà người ta gọi là luật ngoài lãnh thổ, tức là họ áp dụng những quy định đó không những cho chính ngành công nghiệp Mỹ, đương nhiên kể cả những doanh nghiệp có vốn cổ phần nước ngoài nằm trên lãnh thổ Mỹ, mà còn (và đây là điều quan trọng nhất) đối với những doanh nghiệp nằm ngoài nước Mỹ có nhiều khả năng sử dụng những thành phần nhạy cảm mà Hoa Kỳ không muốn được xuất khẩu sang các nước bị coi là thù địch. Những nước thù địch này được ghi trong một danh sách, được sửa đổi định kỳ, chẳng hạn chúng ta có thể thấy một số nước như Trung Quốc, Venezuela, Cuba, v.v… 

RFI : Từ lúc nào Pháp phải tuân thủ quy định này ? Và những lĩnh vực nào bị ảnh hưởng nhiều nhất ?

Claude Serfati : Từ năm 1976, Pháp cũng như tất cả các nước khác phải tuân theo luật này ngay khi các doanh nghiệp Pháp đánh giá có nguy cơ hiện diện những linh kiện Mỹ trong các loại vũ khí xuất khẩu.

Đối với các lĩnh vực liên quan, về cơ bản đó là những loại hàng hóa, vũ khí hay những sản phẩm có thể được sử dụng cho mục đích thù địch chống lại Hoa Kỳ, tức bao gồm một số loại sản phẩm dân sự được đánh giá là lưỡng dụng, những loại hàng hóa có nguy cơ chứa những thành phần nhạy cảm như tôi trình bày ở trên.

RFI : Những ràng buộc này có khả năng đặt ra một thách thức, rắc rối thậm chí là những rủi ro, cho ngành công nghiệp quốc phòng Pháp ?

Claude Serfati : Quy định này đặt ra nhiều vấn đề cho tất cả các nước xuất khẩu vũ khí, các nước phương Tây là chính, những nước nào có nhiều khả năng sử dụng các linh kiện do Mỹ sản xuất và hiện diện trong danh sách do chính quyền Mỹ thiết lập. Vì vậy, Pháp không là mục tiêu đặc biệt duy nhất, mà là toàn bộ các nước bị nhắm đến.

Tôi xin lưu ý là vào năm 2020, một báo cáo của Quốc hội Pháp về xuất khẩu vũ khí của Pháp có nhắc lại một tuyên bố từ phái bộ quốc phòng Pháp tại Mỹ cho rằng phía Pháp chưa hẳn bị tác động nhiều hơn là các doanh nghiệp Mỹ. Do quy định này cũng áp dụng tại Mỹ, nên các doanh nghiệp Mỹ cũng bị ảnh hưởng.

Hiện tại, đúng là các nhà xuất khẩu Pháp bị bất lợi bởi vì có một kiểu phải từ bỏ chủ quyền, bởi vì Pháp buộc phải đệ trình các khoản xuất khẩu vũ khí ngay khi họ nghĩ rằng có sự hiện diện các loại linh kiện nhạy cảm. Bởi vì, nếu các doanh nghiệp Pháp không khai báo và khi chính quyền Mỹ phát hiện có những thành phần nhạy cảm, những nhà sản xuất của Pháp có nguy cơ bị truy tố với những án hình sự và dân sự nặng nề.

RFI : Vậy Pháp có cách nào thoát khỏi những ràng buộc trên của Mỹ ? Chẳng hạn như Pháp có thể liên hệ trực tiếp với các nhà cung cấp linh kiện bán dẫn khác như Đài Loan, Hàn Quốc… ?

Claude Serfati : Quý đài đang đặt ra một vấn đề còn rộng hơn nữa có liên quan đến khả năng tự chủ công nghiệp Châu Âu. Nhưng vấn đề này là phức tạp. Để thấy được sự tinh tế của những quy định ITAR và EAR, giả sử Pháp phải nhập khẩu các linh kiện đến từ TSMC của Đài Loan, đương nhiên điều này là hoàn toàn hợp pháp, nhưng nếu những thành phần đó bản thân chúng cũng chứa những trang thiết bị sản xuất, những lớp điện tử đến từ Hoa Kỳ, chúng ta sẽ chẳng có vấn đề gì nếu như đó là một ngành công nghiệp Pháp xuất khẩu các sản phẩm dân dụng.

Nhưng nếu như những thành phần này đến từ Đài Loan, được sản xuất tại Đài Loan một phần nhờ vào những trang thiết bị chẳng hạn như sản xuất ở Mỹ, và nếu như những linh kiện đó được lắp đặt trong một hệ thống vũ khí nào đó của Pháp, thì điều đó sẽ bị cấm. Quý đài thấy đấy, đây là một lệnh cấm theo kiểu dây chuyền đã được Mỹ sắp đặt.

RFI : Tại sao Pháp hay Châu Âu không tìm cách tự sản xuất để tránh bị lệ thuộc vào Mỹ ?

Claude Serfati : Đây là một vấn đề khả năng tự chủ công nghiệp. Tất cả các ngành công nghiệp Pháp và chính phủ Pháp đều trả lời rằng trong mọi trường hợp, việc phi hóa "ITAR", nghĩa là khả năng bỏ qua ITAR, là điều tuyệt đối bất khả ở cấp độ quốc gia. Hơn nữa, nghiên cứu nhiều về ngành công nghiệp Pháp, tôi có thể nói với quý đài rằng tình trạng rất, rất tầm thường của nền công nghiệp Pháp đang cản trở mọi giải pháp ở cấp độ quốc gia.

Liệu rằng có một giải pháp ở cấp Châu Âu hay không ? Giải pháp này có thể chỉ là một phần, vì nhiều lý do. Thứ nhất, Liên Hiệp Châu Âu kém đoàn kết hơn nhiều như những gì thể hiện ở bên ngoài trong chính sách công nghiệp. Bởi vì sự thống trị của Đức so với các nước Châu Âu khác, so với các nước thành viên khác, cho thấy là Đức không phải lúc nào cũng quan tâm đến các chiến lược thuần túy bảo vệ thị trường chung Châu Âu, bởi vì Đức có những mối quan hệ rất chặt chẽ với Trung Quốc và nhiều nước Châu Á khác.

Điểm thứ hai là trên bình diện công nghệ. Khó thể hình dung được rằng Châu Âu có thể hoàn toàn có chủ quyền. Sự phát triển công nghệ đang diễn ra quá nhanh đến mức Châu Âu không có phương tiện nào để theo kịp nhịp độ do Mỹ, Trung Quốc, thậm chí trong một số trường hợp là Đài Loan hay Hàn Quốc, áp đặt. Rõ ràng là ngay cả khi có thể có những tiến bộ trong lĩnh vực "phi ITAR", thì đó cũng chỉ là những tiến bộ rất, rất hạn chế.

RFI : Nhưng báo cáo của Thẩm Kế Viện cũng chỉ ra một nghịch lý là việc tuân thủ hay tìm cách tự chủ đối với ITAR đều khiến ngành công nghiệp vũ khí Pháp phải trả giá đắt ?

Claude Serfati : Đúng vậy, đạo luật ITAR đã hai lần gây bất lợi cho ngành công nghiệp Pháp. Tôi đơn cử vài ví dụ. Thứ nhất, vụ bán chiến đấu cơ Rafale cho Ai Cập vào năm 2015 đã bị cản trở, bị trì hoãn bởi vì cùng với Rafale, còn có những chiếc tên lửa gọi là SCALP. Những chiếc tên lửa này có chứa các sản phẩm nằm trong danh sách ITAR, do vậy, trong vòng nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm, Hoa Kỳ đã từ chối chấp nhận việc giao những loại vũ khí và chiến đấu cơ Rafale cho Ai Cập. Hệ quả là, trong quãng thời gian đó, chính quyền Cairo đã chuyển hướng sang Nga. Cuối cùng thì Ai Cập cũng mua Rafale của Pháp, nhưng sự việc cũng cho thấy nước này tỏ ra khó chịu trước tình trạng trên.

Rồi còn có một trường hợp thứ hai. Tổng cục Vũ khí Pháp – DGA, tức cánh tay công nghiệp của bộ quốc phòng Pháp, từng thẩm định rằng, việc "phi ITAR", tức là thoát khỏi các chuẩn mực của ITAR bằng cách sản xuất những loại linh kiện không có trong danh sách của Mỹ cho loại tên lửa không – không Meteor, vốn dĩ đã bị Hoa Kỳ cản trở xuất khẩu, có nguy cơ tốn đến 900 triệu euro và phải mất đến 10 năm sản xuất. Đây là những con số do chính DGA cung cấp. Điều đó có nghĩa là trên thực tế, rõ ràng đây là điều bất khả, bởi vì với mức chi phí 900 triệu và thời gian là 10 năm, chúng ta sẽ chẳng bán được chúng nữa.

RFI : Tuy nhiên, vì sao ngành công nghiệp vũ khí Pháp bị ảnh hưởng nhiều nhất so với các nước khác ? Liệu chúng ta có thể xem ITAR, EAR như là một công cụ cạnh tranh thương mại không lành mạnh của Mỹ trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí ?

Claude Serfati : Thứ nhất, Pháp bị ảnh hưởng nhiều nhất là vì Pháp phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu vũ khí. Từ năm 1960, Tổng cục Vũ khí DGA đã nói rằng cần phải xuất khẩu 1/3 sản lượng. Để cho ngân sách quốc phòng tăng, thì cần phải tăng mức xuất khẩu, do vậy ở đây có kiểu "bị nghiện", nghiện bán vũ khí. Pháp bị phụ thuộc vào việc bán vũ khí nhiều hơn những nước Châu Âu khác. Trong chiều hướng này, Pháp bị ảnh hưởng nhiều trước các biện pháp ITAR, EAR.

Hơn nữa, đây không là một biện pháp trực tiếp chống lại Pháp, mà đơn giản là một biện pháp chống tất cả những nước nào muốn cạnh tranh với ngành xuất khẩu vũ khí của Mỹ. Điểm lưu ý thứ hai, chính là đạo luật này áp dụng cho cả những nhà sản xuất của Mỹ. Tuy nhiên, điều này không làm giảm nhẹ lưu ý của quý đài cho rằng Hoa Kỳ dùng các tiêu chuẩn quy định như là một thứ vũ khí thương mại.

RFI : RFI tiếng Việt xin cảm ơn nhà nghiên cứu Claude Serfati, chuyên gia kinh tế, công nghiệp vũ khí Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội (IRES).

Minh Anh

Nguồn : RFI, 09/02/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh
Read 319 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)