Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/02/2023

Nhà nước Việt Nam là Nhà nước ăn hại và dối trá ?

Nguyễn Nam - Kim Giang - Bích Nhung

Nhà nước đại diện nhưng Nhà nước là ai ?

Nguyễn Nam, VNTB, 14/02/2023

Đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện, nhưng nhà nước là ai, cách thức sử dụng quyền đại diện của Nhà nước, đại diện cho sở hữu toàn dân thì luật quy định chứ Hiến pháp không quy định.

nhanuoc01

Nhà nước vận hành từ tiền thuế của dân. Đảng cũng hoạt động bằng tiền thuế của dân

Nhà nước được hiểu là Quốc hội, là cơ quan ban hành điều lệ ; Nhà nước cũng là Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp, các bộ ngành vì đó cũng là các cơ quan Nhà nước sử dụng quyền lực Nhà nước để thực hiện chức năng đại diện cho sở hữu toàn dân.

"Bản chất có thật vậy không ? Ví dụ, Hội đồng Nhân dân có thẩm quyền quyết định quy hoạch và thay đổi quyền sử dụng đất. Nhưng nếu Hội động nhân dân vận hành theo ý chí cá nhân, chủ quan của một ông Bí thư tỉnh uỷ hay Chủ tịch tỉnh lộng hành quyền lực thì đó không phải là ý chí Nhà nước mà là sự tiếm quyền của cá nhân nhân danh Nhà nước" – đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân thắc mắc.

Với những gì diễn ra lâu nay trên chính trường cho thấy có phải Nhà nước là thuộc quyền sở hữu của Bộ Chính trị với ‘hoàng đế không ngai’ là tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam ?

Nhà nước vận hành từ tiền thuế của dân. Đảng cũng hoạt động bằng tiền thuế của dân. Vậy thì phải chăng cùng lúc người dân đang có đến hai gã ‘đầy tớ’ phải tốn tiền bạc để nuôi nấng ?

Nguy cơ về sự tha hóa của quyền lực nhà nước hay quyền lực công được nhắc đến lâu nay không mấy e dè, thế nhưng sự tha hóa ngay trong cái gọi là "cấu trúc quyền lực" độc đảng chính trị kéo dài suốt từ thời kỳ chiến tranh vệ quốc, đến nội chiến Bắc – Nam và sau đó là giai đoạn thống nhất đất nước, cho thấy sự tha hóa quyền lực nhà nước cần được gọi đúng tên là "tha hóa quyền lực của một đảng độc tài toàn trị".

Điều này càng lộ rõ bản chất hơn khi quy định của đảng là người được tín nhiệm bầu chọn làm tổng bí thư, sẽ không quá hai nhiệm kỳ, thế nhưng những gì đang diễn ra bất chấp điều lệ đảng, cho thấy sự tha hóa quyền lực giờ là nghiễm nhiên.

Công tâm mà nói, về mặt truyền thông đối ngoại, đảng luôn cho rằng sau hơn 30 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, sự phát triển của nền kinh tế đã đặt ra nhu cầu cần đổi mới cả hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền. Có nghĩa là, hệ thống thể chế ban hành chủ trương chính trị, hoạch định và thực thi chính sách công cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp với sự biến đổi của thể chế kinh tế.

Sự thay đổi còn là để có thể phát huy vai trò của các động lực thị trường và sức mạnh của mọi lực lượng xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển đất nước. Như vậy thì để giảm thiểu nguy cơ lạm quyền, cần phải thông qua các cơ chế và biện pháp kiểm soát quyền lực nhà nước là một nhu cầu tất yếu.

Nếu có đánh giá về kiểm soát quyền lực trong mối quan hệ đảng – nhà nước, ví dụ như Thủ tướng chính phủ chẳng hạn, khi giữ hai vai của một chính khách, đó là về mặt đảng, họ là ủy viên trung ương chịu sự quản lý của Tổng bí thư ; ở vị trí đứng đầu Nhà nước, thì chính khách đó chỉ chịu mỗi trách nhiệm trước lá phiếu tín nhiệm của dân chúng.

"Đề cao sự thống nhất của quyền lực nhà nước tức là chúng ta không hoàn toàn thực hiện nguyên lý "phân tán để kiểm soát quyền lực" như ở các nước phương Tây và Mỹ. Các nhánh quyền lực nhà nước cũng được phân chia và tổ chức với chức năng và ranh giới rõ ràng nhưng không vận hành độc lập riêng rẽ, kiểu "việc ai người ấy làm", rồi "nhòm ngó canh nhau".

Thay vào đó, các nhánh quyền lực nhà nước được cho rằng luôn phải phối hợp với nhau, là đối tác chứ không phải đối trọng để kiềm chế nhau như trong mô hình quyền lực phân tán độc lập hoàn toàn.

Những đặc điểm nêu trên khiến cho việc kiểm soát quyền lực ở nước ta không được thực hiện dựa trên cơ chế "cân bằng và kiểm soát" lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực nhà nước. Thay vào đó, kiểm soát quyền lực sẽ được thực hiện với 2 cơ chế : tự kiểm soát, tức là trông đợi vào khả năng người nắm giữ quyền lực tự giác tuân thủ các quy định của đảng và pháp luật của Nhà nước ; và các phản ứng kiểm tra, giám sát bởi các đơn vị chức năng nhằm bảo đảm sự nhất quán của cả hệ thống quyền lực nhà nước trong hoạch định và thực thi chính sách công.

Hàng loạt vụ tham nhũng vừa qua là hệ lụy tất yếu của yêu cầu kiểm soát quyền lực trong quản trị quốc gia mà tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn đang loay hoay với những lý luận, lập luận kiểu đèn cù…" – luật sư P.V.T., nhận xét.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 14/02/2023

*************************

Đảng nuôi dưỡng một hệ thống truyền thông dối trá

Kim Giang, Thoibao.de, 12/02/2023

Ngày 8/2, trang tin RFA tiếng Việt có đăng tải một bài bình luận của tác giả Bích Nhung về việc Tuyên giáo Đảng cho cắt đoạn cuối trong lời phát biểu của cựu Chủ tịch nước tại Lễ bàn giao công tác. Tác giả cho rằng, việc làm này để lại nhiều hệ quả. Hệ quả đầu tiên là công luận hết tin vào truyền thông "lề phải" và hệ quả cuối cùng là nuôi dưỡng một loại truyền thông không chuyên nghiệp.

nhanuoc2

Tuyên giáo Đảng cho cắt đoạn cuối trong lời phát biểu của cựu Chủ tịch nước tại Lễ bàn giao công tác

Thoibao.de xin giới thiệu bài bình luận này đến quý khán thính giả :

Việc cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu lần cuối tại Phủ Chủ tịch chiều 4/2 rõ ràng đã có hàng triệu triệu người biết, cả trong nước lẫn quốc tế. Thật ra, lễ bàn giao công tác giữa nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tại Văn phòng Chủ tịch nước ngay từ đầu đã là một sự lạ. Bao năm trước đây, lúc Trần Đức Lương chuyển qua Nguyễn Minh Triết, rồi ông Triết chuyển qua Trương Tấn Sang… nào có thấy lễ lạt "bàn giao bàn thớt" gì đâu. Lần này, để tỏ ra mọi chuyện trên "cung đình" diễn ra suôn sẻ, "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn ca bài ca "Kết đoàn" bấy lâu nay, Đảng cộng sản Việt Nam nghĩ ra kế chia tay, bàn giao giữa cũ và mới. Ngày 4/2, tất cả mấy trăm tờ báo giấy và báo mạng trong nước nhất loạt giật tít nổi bật về buổi lễ đầy cờ hoa được mô tả là long trọng ấy.

Cũng có những cái tít khá ẩn ý trên "Tuổi Trẻ", "Thanh Niên"… là những tờ báo có khối lượng bạn đọc khá lớn, nhấn mạnh lý do xin thôi các chức vụ của ông Phúc. Nhưng điều bất ngờ cho tất cả những người làm báo lẫn bạn đọc là những lời cuối cùng của ông Phúc trước khi dứt mạch diễn thuyết : "Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á…" Trước đó, nghe cả bài diễn văn lê thê ông Phúc cám ơn Đảng, Nhà nước và đồng nghiệp, thậm chí cám ơn cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – là người chủ mưu và ép ông phải rời ghế trước Tết nguyên đán – mọi người gần như ngủ gật, vì biết ông Phúc chỉ nói lấy lệ, không thật lòng. Ai lại đi cám ơn kẻ đã làm sụp đổ toàn bộ tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của mình, danh giá của địa phương mình, gia tộc mình… Nghe vô lý đùng đùng !

Dù vậy, ngay hôm 4/2 đã diễn ra sự "tách đôi" khá ngoạn mục. Những trang chính thống của Đảng cộng sản Việt Nam, của TTXVN kể cả báo Tuyên giáo, nhờ "ý thức cảnh giác cách mạng cao" đã nhất quyết không đăng lời thanh minh đầy kinh ngạc của cựu Chủ tịch nước. Trong khi những tờ báo nhiều bạn đọc nhất, nhờ "ý thức phục vụ độc giả cao" đã đăng nguyên văn đoạn cuối lời tường trình của ông Phúc. Tuy chưa thật chuyên nghiệp, vì các báo đều đặt thông tin có giá trị nhất xuống dưới "tận đáy bài". Tuy nhiên, bóng ma trong bữa tiệc thịnh soạn chiều hôm trước đã lập tức xuất hiện ngay vào ngày hôm sau (ngày 5/2). Theo lệnh của Ban Tuyên giáo, những báo đã "chót" đăng lời cuối của ông Phúc đều bị gỡ xuống hết ! Kiểm tra lại các trang như "Thanh Niên", "Tiền Phong"… đoạn nội dung ông Phúc bảo vệ gia đình chỉ còn xuất hiện dưới dạng tìm kiếm của Google, bấm vào thì nội dung này đều đã bị delete.

 "Đăng bài rồi lại gỡ/ Thật là xạo quá đi/ Nói thật loại báo ấy/ Hèn và không ra gì". "Hơn nữa dù có gỡ/ Người ta cũng lưu rồi ?/ Tức vẫn còn bằng chứng/ Gỡ cũng hòa mà thôi"… Trên mạng xã hội lập tức xuất hiện thể thơ năm chữ, một dạng thơ đặc thù của thầy Thái Bá Tân. Cũng có tờ báo "bám trụ" đến phút cuối. Ví dụ cho đến đến khoảng 17 giờ 30 giờ Việt Nam cùng ngày 6/2, tuy đã có lệnh từ Tuyên giáo, nhưng báo của Tỉnh ủy Quảng Nam vẫn để nguyên lời phát ngôn của cựu Chủ tịch Phúc, người quê từ tỉnh này. Nhưng rồi không chống được lệnh "triều đình", mãi đến ngày hôm sau (7/2), đoạn cuối trong phát biểu của ông Phúc mới bị gỡ bỏ. Quảng Nam vẫn là địa phương "pro" ông Phúc. Nhân Tết nguyên đán mà tỉnh này dám không cho hai thành phố là Tam Kỳ và Hội An (trong địa bàn tỉnh) bắn pháo hoa vào đêm giao thừa, với ý nghĩa là để "phân ưu" với người con của tỉnh nhà.

Tựu trung lại, việc xóa đoạn cuối trong phát biểu của Nguyễn Xuân Phúc hôm 4/2 chắc chắn sẽ để lại nhiều hậu quả. Công luận ngày càng hết tin vào truyền thông "lề phải". Kế đến là Đảng, Nhà nước và Chính phủ sẽ không thể giải thích được vụ việc theo logic thông thường. Đoạn cuối trong phát ngôn của cựu Chủ tịch nước đã khiến cho công luận giật mình. Vậy "trùm cuối" là ai ? Ông Phúc bác bỏ tin đồn liên quan đến vợ con ông, nghĩa là ông phải biết "trùm cuối" là ai. Vậy tại sao ông không được phép nói trắng ra ? Hay bởi vì, "trùm cuối" là một "siêu nhân", một "siêu quyền lực" và không nằm ở Việt Nam ? Hệ quả cuối cùng là nuôi dưỡng một loại truyền thông không chuyên nghiệp. Cho nên cũng như từ trước tới nay, càng ngày người dân càng phải đi tìm các thông tin "ngoài luồng" để có chút hiểu biết về hiện tình đất nước.

Kim Giang (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 12/02/2023

***************************

Hệ quả của việc xóa đoạn cuối trong phát biểu của Nguyễn Xuân Phúc

Bích Nhung, RFA, 08/02/2023

Hệ quả đầu tiên là công luận ngày càng hết tin vào truyền thông "lề phải". Sau đó Đảng, Nhà nước và Chính phủ sẽ không thể giải thích được vụ việc theo logic thông thường. Hệ quả cuối cùng là nuôi dưỡng một loại truyền thông không chuyên nghiệp. Cho nên cũng như từ trước tới nay, càng ngày người dân càng phải đi tìm các thông tin "ngoài luồng" để có chút hiểu biết về hiện tình đất nước.

nhanuoc3

Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc dự Đối thoại Lãnh đạo APEC với ABAC tại Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương ở Bangkok hôm 18/11/2022 - AFP

______________

Việc cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu lần cuối tại Phủ Chủ tịch chiều 4/2 rõ ràng đã có hàng triệu triệu người biết, cả trong nước lẫn quốc tế. Thật ra, lễ bàn giao công tác giữa nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tại Văn phòng Chủ tịch nước ngay từ đầu đã là một sự lạ. Bao năm trước đây, lúc Trần Đức Lương chuyển qua Nguyễn Minh Triết, rồi ông Triết chuyển qua Trương Tấn Sang… nào có thấy lễ lạt "bàn giao bàn thớt" gì đâu. Lần này, để tỏ ra mọi chuyện trên "cung đình" diễn ra suôn sẻ, "trên dười đồng lòng, dọc ngang thông suốt" như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn ca bài ca "Kết đoàn" bấy lâu nay, Đảng cộng sản Việt Nam nghĩ ra kế chia tay, bàn giao giữa cũ và mới. Ngày 4/2, tất cả mấy trăm tờ báo giấy và báo mạng trong nước nhất loạt giật tít nổi bật về buổi lễ đầy cờ hoa được mô tả là long trọng ấy.

Cũng có những cái tít khá ẩn ý trên "Tuổi Trẻ", "Thanh Niên"… là những tờ báo có khối lượng bạn đọc khá lớn, nhấn mạnh lý do xin thôi các chức vụ của ông Phúc (1 ). Nhưng điều bất ngờ cho tất cả những người làm báo lẫn bạn đọc là những lời cuối cùng của ông Phúc trước khi dứt mạch diễn thuyết : "Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á…" Trước đó, nghe cả bài diễn văn lê thê ông Phúc cám ơn Đảng, Nhà nước và đồng nghiệp, thậm chí cám ơn cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – là người chủ mưu và ép ông phải rời ghế trước Tết nguyên đán – mọi người gần như ngủ gật, vì biết ông Phúc chỉ nói lấy lệ, không thật lòng. Ai lại đi cám ơn kẻ đã làm sụp đổ toàn bộ tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của mình, danh giá của địa phương mình, gia tộc mình… Nghe vô lý đùng đùng !

Dù vậy, ngay hôm 4/2 đã diễn ra sự "tách đôi" khá ngoạn mục. Những trang chính thống của Đảng cộng sản Việt Nam, của TTXVN kể cả báo Tuyên giáo, nhờ "ý thức cảnh giác cách mạng cao" đã nhất quyết không đăng lời thanh minh đầy kinh ngạc của cựu Chủ tịch nước. Trong khi những tờ báo nhiều bạn đọc nhất, nhờ "ý thức phục vụ độc giả cao" đã đăng nguyên văn đoạn cuối lời tường trình của ông Phúc. Tuy chưa thật chuyên nghiệp, vì các báo đều đặt thông tin có giá trị nhất xuống dưới "tận đáy bài". Tuy nhiên, bóng ma trong bữa tiệc thịnh soạn chiều hôm trước đã lập tức xuất hiện ngay vào ngày hôm sau (ngày 5/2). Theo lệnh của Ban Tuyên giáo, những báo đã "chót" đăng lời cuối của ông Phúc đều bị gỡ xuống hết ! Kiểm tra lại các trang như "Thanh Niên", "Tiền Phong"… đoạn nội dung ông Phúc bảo vệ gia đình chỉ còn xuất hiện dưới dạng tìm kiếm của Google, bấm vào thì nội dung này đều đã bị delete (2)

"Đăng bài rồi lại gỡ

Thật là sạo quá đi

Nói thật loại báo ấy

Hèn và không ra gì".

"Hơn nữa dù có gỡ

Người ta cũng lưu rồi ?

Tức vẫn còn bằng chứng

Gỡ cũng hòa mà thôi"…

Trên mạng xã hội lập tức xuất hiện thể thơ năm chữ, một dạng thơ đặc thù của thầy Thái Bá Tân. Cũng có tờ báo "bám trụ" đến phút cuối. Ví dụ cho đến đến khoảng 17 giờ 30 giờ Việt Nam cùng ngày 6/2, tuy đã có lệnh từ Tuyên giáo, nhưng báo của Tỉnh ủy Quảng Nam vẫn để nguyên lời phát ngôn của cựu Chủ tịch Phúc, người quê từ tỉnh này. Nhưng rồi không chống được lệnh "triều đình", mãi đến ngày hôm sau (7/2), đoạn cuối trong phát biểu của ông Phúc mới bị gỡ bỏ. Quảng Nam vẫn là địa phương "pro" ông Phúc. Nhân Tết nguyên đán mà tỉnh này dám không cho hai thành phố là Tam Kỳ và Hội An (trong địa bàn tỉnh) bắn pháo hoa vào đêm giao thừa, với ý nghĩa là để "phân ưu" với người con của tỉnh nhà (3 ). 

Tựu trung lại, việc xóa đoạn cuối trong phát biểu của Nguyễn Xuân Phúc hôm 4/2 chắc chắn sẽ để lại nhiều hậu quả. Công luận ngày càng hết tin vào truyền thông "lề phải". Kế đến là Đảng, Nhà nước và Chính phủ sẽ không thể giải thích được vụ việc theo logic thông thường. Đoạn cuối trong phát ngôn của cựu Chủ tịch nước đã khiến cho công luận giật mình. Vậy "trùm cuối" là ai ? Ông Phúc bác bỏ tin đồn liên quan đến vợ con ông, nghĩa là ông phải biết "trùm cuối" là ai. Vậy tại sao ông không được phép nói trắng ra ? Hay bời vì, "trùm cuối" là một "siêu nhân", một "siêu quyền lực" và không nằm ở Việt Nam ? Hệ quả cuối cùng là nuôi dưỡng một loại truyền thông không chuyên nghiệp. Cho nên cũng như từ trước tới nay, càng ngày người dân càng phải đi tìm các thông tin "ngoài luồng" để có chút hiểu biết về hiện tình đất nước (4)

Bích Nhung

Nguồn : RFA, 08/02/2023

Tham khảo :

1. https://tuoitre.vn/nguyen-chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-noi-ve-ly-do-xin-thoi-nhiem-vu/20230204164137368.htm

2. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/state-media-took-down-reports-about-former-president-s-remark-of-his-family-involved-in-viet-a-scandal-02072023084607.html

3. https://tuoitre.vn/quang-nam-khong-cho-ban-phao-hoa-dem-giao-thua-tai-hoi-an-va-tam-ky/20230114183320233.htm

4. https://www.voatiengviet.com/a/ha-noi-rung-dong-vi-tuyen-bo-cua-cuu-chu-tich-nuoc-/6950379.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Nam, Kim Giang, Bích Nhung
Read 240 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)