Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/02/2023

Đang đấu đá nội bộ, Đảng cộng sản lèo lái dư luận sang xăng dầu

Phạm Đình Bá, Hoàng Mai, Lê Tự Do, Hàn Lam

Làm sao để xăng dầu nhiều và giá rẻ ? 

Phạm Đình Bá, VNTB, 16/02/2023

Trên trang Việt Nam Thời Báo ngày 14/02/2023, Hoàng Mai thảo luận về những bế tắc trong thị trường xăng dầu và việc Bộ Công thương có khuynh hướng muốn quản trị thị trường xăng dầu bằng phương thức của ông chủ nhà nước độc quyền [1].

xangdau1

Loại bỏ cạnh tranh thông qua quy định giá, trong khi làm cho giá cả ổn định hơn, không dẫn đến giá nhiên liệu thấp hơn cho người tiêu dùng.

Hoàng Mai cho rằng chính sự thiếu nhất quán trong việc nhà nước ráng sức quản trị thị trường đã gây ra những hệ quả rối loạn thị trường xăng dầu ở thời gian qua. Tác giả gợi ý là thị trường xăng dầu cần được quản lý mang tính cạnh tranh.

Cách gợi ý của Hoàng Mai về thị trường xăng dầu với tính cạnh tranh là cách vận hành của thị trường tự do trong hầu hết các nước phát triển. Dưới đây là một ví dụ để minh họa cách làm nầy.

Sau một thời gian ngắn áp dụng các quy định, Gia Nã Đại ngày nay cam kết áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên thị trường để xác định giá dầu thô và nhiên liệu như xăng [2]. Mặc dù một số tỉnh đã chọn điều chỉnh giá xăng dầu và các loại nhiên liệu khác, nhưng cách tiếp cận này không dẫn đến giảm giá cho người tiêu dùng. Các quy định về giá của các tỉnh thường được áp dụng để cung cấp giá ổn định hơn.

Mặc dù ngày nay Gia Nã Đại dựa vào các thị trường cạnh tranh để xác định mức giá mà dân phải trả cho các loại nhiên liệu như xăng, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy [2]. Từ những năm 1970 đến đầu những năm 80, giá tiêu dùng của Gia Nã Đại đối với xăng và các loại nhiên liệu khác chịu sự kiểm soát giá của chính phủ. Một thỏa thuận quan trọng đạt được vào năm 1985 đã loại bỏ các biện pháp kiểm soát đó để đảm bảo có đủ nguồn cung cấp các sản phẩm dầu mỏ với mức giá cạnh tranh nhất.

1974-1985 : Gia Nã Đại điều tiết dầu thô

Trong giai đoạn này, luật pháp liên bang và các thỏa thuận với các tỉnh sản xuất dầu đã đặt giá dầu thô dưới sự điều tiết của chính phủ [2]. Quy định này yêu cầu một hệ thống kiểm soát xuất khẩu dầu phức tạp, thuế xuất khẩu và trợ cấp nhập khẩu dầu cho các nhà máy lọc dầu của Gia Nã Đại. Kết quả là, có ít động lực hơn cho đầu tư kinh doanh vào nguồn cung cấp dầu thô mới và cho người tiêu dùng và doanh nghiệp để tiêu thụ nhiên liệu hiệu quả hơn.

1985 : Hiệp ước loại bỏ kiểm soát giá dầu thô

Theo các điều khoản của Hiệp định năm 1985, chính phủ Gia Nã Đại, và chính phủ các tỉnh Alberta, Saskatchewan và British Columbia đã đồng ý dỡ bỏ kiểm soát giá dầu thô. Việc bãi bỏ quy định đã làm tăng dòng đầu tư vào ngành dầu khí của Gia Nã Đại, hỗ trợ sự phát triển của ngành nầy.

Gia Nã Đại hiện cam kết thực hiện cách tiếp cận dựa trên thị trường đối với giá dầu và nhiên liệu. Điều này có nghĩa là chính phủ dựa vào thị trường cạnh tranh để xác định giá cả. Giá thiết lập trong thị trường tự do và cạnh tranh :

– Cung cấp thông tin chính xác hơn cho người sản xuất về quyết định đầu tư của họ

– Thông báo cho người tiêu dùng về giá trị của nhiên liệu họ sử dụng và liệu họ có cần điều chỉnh mức tiêu thụ nhiên liệu hay không

Nhìn chung, cách tiếp cận dựa trên thị trường giúp đảm bảo rằng lượng nhiên liệu sẵn có và lượng mà người tiêu dùng và doanh nghiệp cần được cân bằng ở một mức giá cạnh tranh.

Hầu hết các bằng chứng cho thấy rằng loại bỏ cạnh tranh thông qua quy định giá, trong khi làm cho giá cả ổn định hơn, không dẫn đến giá nhiên liệu thấp hơn cho người tiêu dùng [2].

Phạm Đình Bá

Nguồn : VNTB, 16/02/2023

Nguồn :

1. Xem bài tiếp theo dưới đây.

2. Government of Canada. Why Canada Doesn't Regulate Crude Oil and Fuel Prices. Accessed 14/02/2023https://natural-resources.canada.ca/our-natural-resources/domestic-and-international-markets/transportation-fuel-prices/questions-and-answers/why-canada-doesnt-regulate-crude-oil-and-fuel-prices/4601 .

************************

Thị trường xăng dầu cần được quản lý mang tính cạnh tranh

Hoàng Mai, VNTB, 15/02/2023

Phía Bộ Công thương dường như vẫn muốn quản trị thị trường xăng dầu bằng phương thức của ông chủ nhà nước độc quyền, thiếu tính cạnh tranh hệt như đảng phái chính trị hiện tại…

xangdau2

Chính sự thiếu nhất quán trong chính sách đã gây ra những hệ quả rối loạn thị trường xăng dầu ở thời gian qua.

Trong phương thức điều hành giá, Bộ Công thương đưa ra hai phương án. Phương án 1 là Nhà nước tiếp tục định giá xăng dầu và sửa đổi công thức tính giá để bảo đảm tính đúng, tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở. Công thức tính cụ thể sẽ do Bộ Tài chính đề xuất.

Phương án 2 là Nhà nước không định giá xăng dầu mà sẽ do cung cầu của thị trường quyết định. Tại văn bản số 288/BCT-TTTN ngày 18/01/2023, Bộ Công thương ưu tiên lựa chọn phương án 1.

Trong văn bản số 288/BCT-TTTN kể trên, Bộ Công thương đề nghị trước mắt sẽ chỉ sửa đổi một số nội dung để khắc phục bất cập, hạn chế trong triển khai Nghị định 95 và Nghị định 83 và về lâu dài thì sẽ cân nhắc sửa đổi một cách căn bản tư duy quản lý điều hành, thực hiện việc quản lý điều hành giá theo cơ chế thị trường, tăng tính chủ động của doanh nghiệp trong việc xác định giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường.

Tuy nhiên, Công văn 288 chưa xác định rõ khi nào sẽ thực hiện việc trên. Nếu tiếp tục kéo dài thì các vướng mắc căn bản của phương thức Nhà nước định giá sẽ không được xử lý.

Rất cần một thái độ dứt khoát của Bộ Công thương về việc xác định thời điểm và lộ trình thay đổi phương thức quản lý giá xăng dầu theo hướng thị trường ngay trong Tờ trình xây dựng Nghị định sửa đổi lần này lúc trình Chính phủ.

Sự lừng khừng đó còn tiếp tục thể hiện rõ ở vấn đề chiết khấu tối thiểu trong bán lẻ xăng dầu từ phía Bộ Công thương.

Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp bán lẻ phản ánh tình trạng chiết khấu bán lẻ bằng 0 hoặc thậm chí âm. Điều này khiến các cửa hàng bán lẻ không muốn bán hàng, nhưng buộc phải bán vì nếu không sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt.

Cần lưu ý rằng, trong trường hợp giá bán lẻ điều hành thấp hơn toàn bộ chi phí của chuỗi cung ứng thì các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sẽ không có động lực để kinh doanh. Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp buộc phải kinh doanh để cung cấp xăng dầu cho nền kinh tế thì khoản âm chi phí lớn hơn giá bán này chắc chắn sẽ do một chủ thể nào đó trong chuỗi cung ứng gánh chịu.

Với cách thiết kế quy định như hiện nay, khi giá bán lẻ điều hành thấp hơn chi phí thì khoản âm này chủ yếu sẽ đổ vào doanh nghiệp bán lẻ bởi doanh nghiệp bán buôn có quyền chủ động giá bán buôn và không bị xử phạt khi ngừng bán hàng. Do đó, mấu chốt vấn đề vẫn là xử lý cơ chế giá bán lẻ xăng dầu.

Nhiều doanh nghiệp lên tiếng kiến nghị Chính phủ và Bộ Công thương là phải quy định mức chiết khấu tối thiểu cho các cửa hàng bán lẻ.

Về vấn đề này, Bộ Công thương đưa ra hai phương án : Phương án 1 là không quy định cụ thể mức chiết khấu. Phương án 2 là quy định mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu. Bộ Công thương lựa chọn phương án 1 với lý do đây là quan hệ dân sự, dành quyền chủ động cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cần thấy rõ rằng, với cách thức này thì Nhà nước đang can thiệp vào thị trường một cách nửa vời.

Một mặt Nhà nước nói rằng tôn trọng quan hệ dân sự, bằng cách không quy định chiết khấu tối thiểu hay giá bán buôn tối đa và không xử phạt bên bán buôn khi dừng bán hàng. Thế nhưng mặt khác, Nhà nước lại can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ, bằng cách quy định giá bán lẻ tối đa và xử phạt khi cửa hàng bán lẻ ngừng bán.

Chính sự thiếu nhất quán trong chính sách như vừa viện dẫn đã gây ra những hệ quả rối loạn thị trường xăng dầu ở thời gian qua.

Từ góc nhìn trên, có các ý kiến rằng trong trường hợp Nhà nước không can thiệp vào giá, để cung cầu thị trường quyết định giá, thì không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu.

Trong trường hợp Nhà nước tiếp tục can thiệp vào giá bán lẻ thì cần đồng thời điều hành chiết khấu tối thiểu, hoặc giá bán buôn tối đa để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý, tránh nửa vời như lâu nay.

Hoàng Mai

Nguồn : VNTB, 15/02/2023

*************************

Lại loay hoay định hướng xã hội chủ nghĩa với ngành xăng dầu ?

Lê Tự Do, VNTB, 15/02/2023

Bộ Công thương đang đưa ra dự thảo sửa đổi nghị định 95 và nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Một trong những nội dung sửa đổi của nghị định là quyền được mua hàng của các thương nhân phân phối, theo dự thảo là chỉ giới hạn trong ba thương nhân đầu mối.

canvamai - 1

Thương nhân phân phối chỉ được lấy hàng tối đa ở ba đầu mối kinh doanh xăng dầu

Phương thức điều hành giá không thể là mệnh lệnh duy ý chí

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu lan rộng trên cả nước trong thời gian qua xuất phát chủ yếu từ phương thức quản lý giá của Nhà nước đặt trong bối cảnh biến động trên thế giới.

Thứ nhất, ngay trước mỗi kỳ điều chỉnh giá có tình trạng găm hàng hoặc cố tình nhập hàng nhỏ giọt dẫn đến thiếu hụt đã diễn ra từ lâu. Sự thiếu hụt này chỉ diễn ra vài ngày trước mỗi kỳ điều hành giá và hết ngay khi giá trong nước được điều chỉnh theo giá thế giới.

Trước đây, khi giá xăng dầu thế giới ít biến động, giá điều hành không khác nhiều so với giá thế giới nên sự thiếu hụt xăng trước mỗi kỳ điều chỉnh diễn ra không phổ biến. Tuy nhiên, khi giá thế giới biến động mạnh như trong nửa cuối năm 2022 thì tình trạng này lan rộng và gây tác động lớn đến xã hội.

Thứ hai, gần đây bắt đầu xuất hiện tình trạng thiếu hụt xăng dầu ngay cả sau khi điều hành giá. Điều này là do các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng (premium, chi phí vận chuyển, chi phí bảo hiểm, chi phí lãi vay, và các chi phí phát sinh khác) trong năm 2022 nhưng chưa kịp phản ánh trong giá điều hành.

Thời gian qua, Bộ Công thương ngăn chặn tình trạng thiếu xăng bán lẻ bằng cách xử phạt cây xăng đóng cửa. Các cây xăng có thể vì sợ bị phạt mà vẫn chấp nhận mở cửa nhưng cố tình bán nhỏ giọt cho người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng phải xếp hàng mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế và chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Nếu tình trạng giá bán thấp hơn chi phí kéo dài thì các doanh nghiệp sẽ không chỉ bán hàng nhỏ giọt trước mắt mà sẽ không đầu tư mới, thậm chí rời bỏ thị trường trong dài hạn. Khi đó, hạ tầng năng lượng của quốc gia sẽ bị xuống cấp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống sinh hoạt của người dân và an ninh năng lượng quốc gia.

Quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối và tổng đại lý

Bộ Công thương dự định sẽ bổ sung quy định thương nhân phân phối chỉ được phép nhập hàng của 03 thương nhân đầu mối và không được lấy hàng từ thương nhân phân phối khác. Quy định này được thuyết minh là nhằm gắn trách nhiệm của thương nhân đầu mối cung cấp hàng cho các thương nhân phân phối khi nguồn cung xăng dầu khó khăn.

VCCI cho rằng lo ngại này là không thực sự cần thiết. Nếu bối cảnh nguồn cung xăng dầu gặp khó khăn thì việc các thương nhân đầu mối ưu tiên bán hàng trong hệ thống của mình hay bán cho các thương nhân phân phối khác cũng không làm thay đổi tổng thể nguồn cung trên thị trường.

Để xử lý vấn đề các bên găm hàng thì cần tăng tính linh hoạt của thị trường nhằm tạo thuận lợi cho các thương nhân chuyển hàng từ nơi thừa đến nơi thiếu, chứ không nên hạn chế, cản trở chuỗi phân phối. Quan trọng hơn là chính sách cần xử lý vấn đề giá cả để các bên có động lực kinh doanh. Còn nếu nguồn cung thế giới đã thiếu hoặc giá bị định quá thấp thì thương nhân đầu mối bán hàng cho ai cũng không có nhiều khác biệt.

Ông Hoàng Trung Dũng, giám đốc điều hành Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP), cho rằng nếu chỉ cho thương nhân phân phối mua từ ba đầu mối là vi phạm Luật thương mại, Luật cạnh tranh.

"Mọi doanh nghiệp có quyền bình đẳng, mua bán những gì pháp luật không cấm. Anh không thể cấm tôi mua chỉ ba ông, trường hợp các đầu mối này bắt tay với nhau, trong khi hiện nay chỉ có 33 đầu mối. Sửa đổi như vậy thì coi như không sửa, trao cho thương nhân đầu mối nhiều đặc quyền, đặc lợi vô hình, có thể dẫn tới méo mó thị trường xăng dầu", ông Dũng nêu.

Công ty TNHH đầu tư và phát triển xuất nhập khẩu Toàn Thắng cũng cho rằng việc buộc thương nhân phân phối chỉ được lấy hàng tối đa ở ba đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ ảnh hưởng tới việc tạo nguồn cung, chưa đảm bảo sự cạnh tranh.

"Nếu các đầu mối này bị cơ quan quản lý xử phạt, đình chỉ giấy phép khi xảy ra sai phạm như thời gian qua sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung cấp do bị đứt nguồn", đơn vị này bày tỏ lo ngại.

Theo Công ty TNHH Petro-SG, với việc chỉ được lấy hàng từ ba đầu mối, mức chiết khấu sẽ bị thương nhân đầu mối áp đặt, ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu, tạo sự cạnh tranh không bình đẳng.

Công ty BK Petro cho rằng việc buộc thương nhân phân phối chỉ được lấy hàng từ ba nguồn là đi ngược lại chủ trương chống độc quyền, thúc đẩy cạnh tranh.

Do đó, các doanh nghiệp phân phối kiến nghị cần giữ nguyên quy định thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ nhiều nguồn, giữ thời gian điều chỉnh giá là 15 ngày. Kéo dài thời gian sửa đổi bổ sung nghị định, lấy ý kiến rộng rãi các doanh nghiệp để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Thương nhân phân phối chỉ được lấy hàng tối đa ở ba đầu mối kinh doanh xăng dầu. Đó là một đề xuất được kiến giải là tuân thủ thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa (! ?)

Lê Tự Do

Nguồn : VNTB, 15/02/2023

****************************

Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang làm méo mó thị trường ?

Hàn Lam, VNTB, 15/02/2023

Theo thuyết minh của Bộ Công thương, mục tiêu của Quỹ bình ổn là nhằm khiến giá xăng dầu không tăng và giảm quá mạnh, từ đó giúp tránh lạm phát kỳ vọng, lạm phát tâm lý.

xangdau4

Nên gọi Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ gây bất ổn xăng dầu thì đúng hơn, vì nguyên tắc hoạt động quỹ không đảm bảo bình ổn giá xăng dầu…

Bộ Công thương tin rằng nếu không có Quỹ thì khi giá xăng tăng sẽ khiến giá cả hàng hóa khác tăng theo, nhưng khi giá xăng giảm thì giá cả hàng hóa khác không giảm theo. Vậy là cơ quan Nhà nước này kỳ vọng rằng Quỹ bình ổn sẽ giúp làm giảm biên độ biến động giá xăng dầu trong nước. Đây là mong muốn nghe khá hợp lý.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của ông Phạm Thế Anh – Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân, thì việc điều hành Quỹ thời gian qua đã không đạt được mục tiêu này bởi sự biến động giá của xăng dầu sau khi sử dụng Quỹ không có sự khác biệt lớn khi so sánh với trường hợp không sử dụng Quỹ.

Cụ thể cách tính toán cho so sánh này như sau : Kết quả tính toán hệ số biến thiên (coefficient of variation), một thước đo mức độ biến động giá của các loại xăng dầu cho thấy sau khi sử dụng quỹ, hệ số biến thiên của xăng E5RON92 là 0.2296 ; xăng RON95 là 0.2310 ; dầu Diesel là 0.2494 ; dầu hỏa là 0.2840 ; dầu mazut là 0.2204.

Nếu không sử dụng quỹ, hệ số biến thiên tương ứng của các loại xăng dầu kể trên lần lượt là : 0.2230 ; 0.2379 ; 0.2735 ; 0.3017 ; 0.2200. Như vậy, việc điều hành quỹ làm giảm biến động giá RON95, dầu diesel, và dầu hỏa, nhưng lại làm tăng biến động giá E5RON92 và dầu mazut. Tuy nhiên, chênh lệch giữa biến động giá nếu sử dụng quỹ và không sử dụng quỹ là khá nhỏ.

Lý giải cho sự khác biệt giữa kỳ vọng của nhà làm chính sách và thực tiễn này, ông Phạm Thế Anh cho rằng nguyên nhân là do nhà điều hành không thể tiên đoán được giá xăng dầu trong tương lai.

Nếu muốn giảm được biên độ biến động giá, nhà điều hành cần dự đoán được giá xăng dầu thế giới. Ví dụ, nếu tại kỳ điều hành thứ nhất, giá thế giới tăng so với trước đó, nhà điều hành xả Quỹ để giá trong nước không tăng mạnh so với trước đó.

Nếu tại kỳ điều hành thứ hai, giá thế giới giảm so với kỳ trước đó, thì quyết định xả Quỹ này có tác dụng giảm biến động giá. Tuy nhiên, nếu tại kỳ điều hành thứ hai, giá thế giới lại tiếp tục tăng thì quyết định xả Quỹ tại kỳ điều hành thứ nhất lại khiến giá biến động mạnh hơn tại kỳ thứ hai. Nhà điều hành luôn rơi vào tình trạng không thể dự đoán được giá thế giới sẽ diễn biến thế nào vào kỳ sau để có quyết định trích hay xả Quỹ đúng đắn.

Vẫn theo ông Phạm Thế Anh, thì qua khảo sát của khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân, trong 3 năm gần đây cho thấy, mức độ biến động (đo bằng lệch chuẩn) của giá xăng dầu sau khi sử dụng quỹ có xu hướng cao hơn.

Còn đối với vấn đề tái phân phối thu nhập, giá xăng E5RON92 có số lần chi quỹ nhiều hơn hẳn so với số lần trích lập, cụ thể có 46 lần chi quỹ, 35 lần trích lập. Dầu hỏa có 25 chi quỹ, 46 lần trích lập. Xăng RON95 có 36 lần chi quỹ và 41 lần trích lập. Dầu mazut có 22 lần chi quỹ, 50 lần trích lập.

"Qua thống kê này cho thấy, vấn đề tái phân phối thu nhập trong sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang làm gia tăng bất bình đẳng, khi người sử dụng dầu đang phải 'trợ giá' cho những người dùng xăng", ông Anh nói.

Như vậy, cả lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy Quỹ bình ổn không đạt được mục tiêu giúp bình ổn giá như mong muốn của Nhà nước. Do đó, cần thiết chấm dứt việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 15/02/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Đình Bá, Hoàng Mai, Lê Tự Do, Hàn Lam
Read 185 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)