Lại thêm một "án oan" ?
Gần tới ngày kỷ niệm cuộc Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979 , cũng là đề tài của bộ phim tài liệu đồ sộ, Phản bội, do Đạo diễn-Nghệ sĩ nhân dân Trần Văn Thủy thực hiện, tôi lại có dịp liên lạc và gặp lại ông, trong đám tang thầy guitar của tôi, Nghệ sĩ ưu tú Văn Vượng .
AFP
Trượt giải thưởng
Từ năm ngoái, tôi đã đem thắc mắc việc báo chí loan tin đạo diễn Trần Văn Thủy "trượt" Giải thưởng Hồ Chí Minh ra hỏi ông, không biết lý do bên trong vì sao. Có không ít bài viết cùng ý kiến của những người trong nghề lấy làm tiếc về sự việc này .
Trong cụm tác phẩm của ông để xét giải thưởng gồm các phim : Những người dân quê tôi (Giải Bồ câu Bạc, Liên hoan phim Quốc tế Leipzig, Cộng hòa Dân chủ Đức, 1970), Phản bội (Giải Vàng, Liên hoan phim Việt Nam 1980), Hà Nội trong mắt ai (Giải Vàng, Liên hoan phim Việt Nam 1988), Chuyện tử tế (Giải Bồ câu Bạc, Liên hoan phim Quốc tế Leipzig 1988), Chuyện từ góc công viên (Giải Vàng Liên hoan phim Hội Điện ảnh 1996) và Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai (Giải thưởng Phim ngắn hay nhất tại Liên hoan Phim Châu Á – Thái Bình Dương năm 1999).
Qua báo chí, chỉ biết theo quy định mỗi hồ sơ trình lên Hội đồng xét duyệt giải phải có được tối thiểu 80% số phiếu đồng ý thì mới trúng. Thế nhưng kết cục, do không hội đủ số phiếu, nên ông bị "trượt" giải thưởng. Chẳng có báo nào nói rõ đằng sau đó, những người bỏ phiếu chống có lý do gì không, trong lúc từ nhiều năm qua, có không biết bao nhiêu bài báo ca ngợi tất cả các bộ phim trong cụm tác phẩm đó, không thấy một lời chê bai. Sự bất hợp lý, thiếu minh bạch của hình thức xét giải thưởng này đến độ chính báo quốc doanh cũng đã phải đặt dấu hỏi lớn "Giải thưởng trong tay ai ? ", bởi không phải chỉ Trần Văn Thủy mới là "nạn nhân" của nó.
Nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn Trần Văn Thủy. Hình : Báo Giao Thông
Ẩn khuất
Theo đạo diễn Trần Văn Thủy, ông cũng hoàn toàn không được ai cho biết lý do thực đằng sau việc không hội đủ số phiếu và không trúng giải thưởng.
Thực tình, khi nghe tin không trúng giải, ông lại có một cảm giác lẫn lộn, vừa nhẹ nhõm, vừa ngờ vực. Nhẹ nhõm như trút được một gánh nặng, bởi ông từng phải miễn cưỡng khi bị thúc giục làm hồ sơ xét nhận giải. Ngờ vực bởi đơn giản là ông không biết mình hay các tác phẩm của mình lại có thêm một "án oan" nào nữa hay không, sau những "án oan" cũ.
Tuy nhiên ông được một thân hữu gửi cho bản chụp một phần tài liệu nội bộ của cơ quan chức năng, trong đó có đoạn : "Ngày 18/01/2021, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch nhận được thư của ông Nguyễn Lương Đức (thư đề ngày 14/01/2021) có ý kiến về việc bộ phim Phản bội do đạo diễn Trần Văn Thủy là người đại diện làm hồ sơ đăng ký xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh : 'nguyên bản là phim của Liên Xô sản xuất những năm 70 của thế kỷ trước, đạo diễn Trần Văn Thủy đã lấy gần như nguyên xi bản gốc, dịch lại và thuyết minh tiếng Việt' …"
Theo báo chí, Nguyễn Lương Đức là một đạo diễn phim khoa học, có danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, từng du học ở Đức.
Đạo diễn Trần Văn Thủy cho là nếu quả thực có bức thư nói trên và nó chính là lý do dẫn đến có những người trong Hội đồng xét giải thưởng bỏ phiếu chống, thì đó là một việc làm quá tắc trách và phi lý. Một bộ phim được thực hiện công phu, vạch trần bản chất của bọn bành trướng Bắc Kinh, với sự giúp đỡ tận tình và như "bảo chứng" của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch và Bộ Ngoại giao khi đó, đã nhận được giải Bông sen vàng và giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên Hoan Phim Việt Nam năm 1980 và còn được gửi đi dự nhiều Liên hoan phim quốc tế. Đặc biệt, phim còn được chiếu trong Liên hoan phim Á-Phi-Mỹ La tinh tại Liên Xô. Đó là minh chứng rõ nhất cho giá trị và tính minh bạch của bộ phim. Như vậy, dẫu sau đó có ý kiến trái chiều như bức thư nói trên, thì các cơ quan có trách nhiệm cũng không thể dễ dàng tin là đúng và bỏ lửng như vậy được. Thậm chí họ còn cần phải làm rõ có hay không sự vu khống, bịa đặt trắng trợn, xúc phạm đến tất cả những người làm phim và liên quan, cần phải nghiêm trị.
Phỏng đoán
Tuy nhiên, bản thân tôi, ngoài việc tán thành những đánh giá của ông về lối làm việc của Hội đồng xét giải thưởng, lại có những nhìn nhận và nghi vấn khác nữa.
Nhìn nhận khác của tôi ở chỗ, có lẽ bộ phim có sử dụng một số tư liệu của Liên Xô ; với phim tài liệu, đó là chuyện bình thường. Đồng thời, nếu trở ngược thời gian, vào thời điểm ra đời phim và trình chiếu, 1979-1980, nó thực sự phản ánh và phục vụ mục đích chính trị của chính quyền Việt Nam trong quan hệ Việt-Trung-Xô, với thái độ chống "bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược" rất đậm nét, được ghi hẳn vào Hiến pháp 1980. Dó đó, nó đương nhiên sẽ được bỏ qua những nguyên tắc gọi là "bản quyền" theo quan niệm của thời nay. Không lẽ những người trong hội đồng xét giải thưởng lại không chấp nhận một sản phẩm phục vụ chính trị của chính chế độ mình một thời hay sao ? Họ cũng vô tư không thấy rằng chính cái tên của giải thưởng cũng rất … "chính trị" hay sao ?
Nghi vấn khác của tôi ở chỗ, trong Hội nghị Thành Đô, dẫn đến bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, có lẽ hai đảng đã có những thỏa thuận "ngầm", ràng buộc trong quan hệ ngoại giao, ví như hai bên không "khơi lại" quá khứ xung đột đẫm máu 1979 và nhiều năm sau đó. Trong khi bộ phim Phản bội lại là một tác phẩm điện ảnh mạnh mẽ tố cáo Trung Quốc xâm lược, nhằm mục đích phục vụ cuộc chiến đấu của quân và dân ta những năm đó.
Về phía các cơ quan quản lý, tuyên giáo, có thể họ cho rằng nếu cho công khai bộ phim này thì sẽ bị phía Trung Quốc phản đối, coi là đã vi phạm những thỏa thuận giữa hai đảng. Trong khi trên thực tế, nội dung của cuộc họp và thỏa thuận Thành Đô, cho đến nay hai bên vẫn chưa công bố cho nhân dân nước mình biết.
Vì vậy, các cơ quan chức năng Việt Nam đã rơi vào tình trạng khó xử, không thể giải thích nổi tại sao một bộ phim quý giá về lịch sử như thế mà lại bị … "giấu nhẹm" trong suốt hơn 40 năm qua. Họ buộc phải im lặng, cùng lắm là cho rò rỉ thông tin không chính thức, với lý do mơ hồ, thiếu thuyết phục, thậm chí là ngụy tạo (như bức thư của Nguyễn Lương Đức nêu trên, chẳng hạn).
Có "thông cảm" theo kiểu đó mới có thể giải thích nổi vì sao bộ phim Phản bội cho tới nay vẫn hoàn toàn được "giấu" kỹ, không thể tìm thấy trên mạng, kể cả những bài báo trong nhiều năm viết về nó. Đến chính tác giả của nó muốn xem lại cũng không biết kiếm đâu ra.
Ngoài ra, với bản chất của nền chính trị Việt Nam lâu nay, không thể loại trừ khả năng vẫn còn có những thế lực bảo thủ, không ưa gì con người cũng như những tác phẩm sắc bén, bộc trực của Trần Văn Thủy, trong đó còn có cả những tác phẩm viết, như Chuyện nghề của Thủy , Trong đống tro tàn, hay những cuộc phỏng vấn của báo chí, gặp gỡ công chúng, nhưng họ chẳng có cách gì để chặn đứng ông, nên phải tìm cách hạn chế ảnh hưởng.
Vậy mà vẫn chưa hết nghi vấn, khi tôi chợt phát hiện bộ phim Chuyện từ góc công viên đã không được một báo nào đề cập, khi đưa tin bài, trong cụm tác phẩm của Trần Văn Thủy gửi Hội đồng xét giải thưởng. Bộ phim kể về cảnh ngộ một gia đình có hai cha con từng trong quân ngũ, vào sinh ra tử qua hai cuộc chiến, nhưng nay có cuộc sống tận cùng bất hạnh, đã nghèo túng lại còn có hai trẻ tật nguyền. May thay, cả gia đình cùng hai đứa con mù lòa đó đã tìm thấy ánh sáng soi đường cho cuộc đời từ nơi … Thiên Chúa. Phim được giải vào năm 1996, là thời dư âm "Đổi mới" vẫn còn rơi rớt, nhưng nay xem lại, liệu những người làm tuyên giáo có vui không, khi đoán được nó sẽ lấy đi không ít nước mắt của khán giả ?
Buồn vui
Là người nghệ sĩ hết lòng với tác phẩm của mình, đạo diễn Trần Văn Thủy không vui trước nghi vấn một "án oan" tiếp nữa, sau những "án oan" của phim Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế, mà phải nhiều năm sau mới được "giải oan".
Còn riêng tôi, đã "an ủi" ông rằng trong cái rủi cũng luôn có cái may, để ta tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Đó là việc ông không được giải thưởng của nhà nước, hoặc có thể có chuyện "án oan" cho bộ phim Phản bội, thì trong lòng người dân, ông vẫn đang và sẽ còn được tưởng thưởng, cho những tác phẩm rút ruột từ tài năng và lòng yêu nước ; mà dù có gian nan khổ ải vì nó, ông cũng quyết không chịu cúi đầu để làm ra những tác phẩm kiểu "cúng cụ".
Danh hiệu và phần thưởng của dân chúng mới là đích thực và trường tồn, giữa lúc những thứ đó của nhà nước ngày càng bị tai tiếng, "mất giá" bởi lối chính trị hóa và quốc nạn tham nhũng.
Như các nhà văn Vũ Thư Hiên, Bùi Ngọc Tấn, họ không những không có danh hiệu, giải thưởng gì do chế độ ban phát, mà còn phải chịu tù đày, sách bị cấm lưu hành, nhưng ngược lại, mỗi người đã có một tác phẩm để đời - được chứng thực qua sức cuốn hút độc giả – đóng góp vô giá cho kho tàng lịch sử, văn học Việt Nam.
Trong lễ tang nghệ sĩ Văn Vượng, Trần Văn Thủy đã hai lần rơi nước mắt. Lần thứ hai là khi ông chia sẻ với tôi, rằng quỹ thời gian còn lại của mình quá ngắn, chắc không còn được nhìn thấy đất nước đổi thay theo như những gì mà ông đã truyền tải qua các tác phẩm của mình.
Hà Nội ngày 16/02/2023
JB Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 16/02/2023
Ghi chú :
+ Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979 (Wikipedia)
+ Nghệ sĩ khiếm thị Văn Vượng của 'Hà Nội trong mắt ai' qua đời (Tuổi Trẻ online)
+ Văn Vượng (Wikipedia)
+ Giới điện ảnh xót xa Nghệ sĩ nhân dân Trần Văn Thủy trượt Giải thưởng Hồ Chí Minh (Thanh Niên online)
+ Hà Nội trong mắt ai (Wikipedia)
+ Chuyện tử tế (Wikipedia)
+ Chuyện từ góc công viên (YouTube)
+ Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai (Wikipedia)
+ Giải thưởng trong tay ai ? (Thanh Niên online)
+ Hiến pháp 1980 (Thư viện pháp luật)
+ Hội nghị Thành Đô (Wikipedia)
+ Chuyện nghề của Thủy (Tiki)
+ Trong đống tro tàn (Amazon)
+ Đạo diễn Trần Văn Thủy : Nếu không dùng người tài là thiệt thòi lớn (Tuổi Trẻ online)