Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/02/2023

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga có phần gốc rễ từ Cách mạng Cam

Françoise Thom, Anh Vũ

Một năm sau khi phát động cuộc xâm lược Ukraine, tổng thống Vladimir Putin luôn biện minh cho cuộc chiến bằng những phát ngôn chống phương Tây kịch liệt. Theo quan sát của giới sử học, căn nguyên của cuộc xâm lược này bắt nguồn từ các cuộc cách mạng màu từ những năm 2000.

cam1

Búp bê Nga mang hình dáng của Vladimir Putin. © Ảnh miễn phí bản quyền Istock / FMM Graphic Studio

Ngày 24/02/2022, bài diễn văn tuyên bố mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Vladimir Putin được phát trên truyền hình, cùng lúc đó, các đơn vị quân đội Nga tràn vào Ukraine khởi sự một chiến dịch quân sự lớn nhất trên đất Châu Âu kể từ Đệ nhị Thế chiến.

Trong bài diễn văn, tổng thống Nga biện minh cho cuộc xâm lược bằng việc công kích dữ dội đối với Kiev, bị coi là "phát xít mới" và là vì mối đe dọa của NATO và Hoa Kỳ đối với nước Nga. Luận điệu không có gì mới này nằm trong một câu chuyện dài, từ cuộc Cách mạng Maidan năm 2014 và cuộc cách mạng Cam 2004.

*

RFI giới thiệu bài phỏng vấn của đài France 24 với nhà sử học Pháp Françoise Thom, chuyên gia hậu Xô Viết, giải mã một phần lý do của cuộc chiến tranh tại Ukraine.

France 24 : Tháng 2 năm 2022, Vladimir Putin đã biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine là để bảo vệ nước Nga trước mối đe dọa của NATO và phương Tây. Luận điệu đó của Kremlin có từ khi nào ?

Françoise Thom : Luận điệu chống phương Tây của Vladimir Putin đã có từ rất lâu nay. Người ta có thể đánh dấu bước ngoặt trong cách diễn văn của Kremlin từ các cuộc cách mạng màu ở đông Âu trong khoảng từ 2003-2004. Vào thời kỳ đó, các cuộc cách mạng chống tham nhũng, ủng hộ dân chủ tự do nổ ra trong nhiều quốc gia hậu Xô Viết, đáng chú ý là tại Gruzia, người ta nói đến cuộc Cách mạng Hoa hồng còn ở Ukraine thì có Cách mạng Cam, nổ ra hồi 2004.

Theo tôi, cuộc chiến tranh hiện nay có gốc rễ từ trong cuộc Cách mạng Cam, sự kiện được ông Putin nhìn nhận như là một sự sỉ nhục. Trong cuộc bầu cử tổng thống Ukraine năm 2004, ứng cử viên được Vladimir Putin ủng hộ là Viktor Ianoukovitch đã thất bại trước ứng viên thân Châu Âu, Viktor Iouchtchenko.

Ông Putin đã chứng kiến cảnh tượng đó như là một sỉ nhục với cá nhân và từ đó càng làm tăng thêm sự thù hằn với đất nước và con người Ukraine. Ông đã diễn giải tình hình đó bắt nguồn từ sự thao túng của người Mỹ. Với một cựu nhân viên tình báo KGB như ông, thất bại của ứng viên do ông hậu thuẫn ở Ukraine chỉ có thế bắt nguồn từ mưu mô của Mỹ.

Luận điệu đa nghi hoang tưởng của ông ta xuất phát từ đó. Ngay từ năm 2004, ông Vladislav Sourkov, một nhà tư tưởng của điện Kremlin đã có bài viết với nội dung chính là "kẻ thù đang ở cửa nhà chúng ta, cần phải bảo vệ từng người Nga, từng ngôi nhà trước phương Tây".

Đến năm 2007, tại Hội nghị An ninh Munich, ông Putin đã thách thức phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Ông đã phát động chương trình hiện đại hóa quân đội Nga năm 2008. Cuộc chiến chống Ukraine như vậy đã có nguồn gốc rất lâu rồi, chứ không phải là bộc phát và cuộc chiến tranh này nằm trong bối cảnh rộng hơn nhiều, đó là cuộc đối đầu với phương Tây.

France 24 : Các quỹ của Mỹ tuy nhiên cũng đã hoạt động tại Ukraine và Gruzia trong những năm 1990-2000. Vai trò của các tổ chức này là gì, theo như tố cáo của ông Putin ?

Françoise Thom : Quả thực là đã có các quỹ của Mỹ tại Ukraine cũng như tại Gruzia trong lúc các cuộc cách mạng màu nổ ra. Các tổ chức này chú trọng vào việc đào tạo một thế hệ lãnh đạo mới được chuẩn bị để thay thế cho những thành phần cốt cán của kỷ nguyên cộng sản. Nhưng không nên nhìn những tổ chức đó là nơi phổ biến chính sách của Nhà nước Mỹ : Các quỹ đó không hẳn có cùng đường lối chính trị với tổng thống đương quyền.

Các quỹ đó đóng vai trò trong các cuộc cách mạng màu ở mức độ họ dạy cho những nhân vật tinh hoa ở những nước đó các kỹ thuật đấu tranh bằng tuyển cử và cách tổ chức tại thực địa để tạo dựng cơ sở phát triển cho các đảng phái chính trị theo mô hình tự do. Nhưng các phong trào cách mạng đã nổ ra trong khoảng từ 2003-2004 tuyệt nhiên không hề giả tạo : dân chúng nổi dậy chống lại tệ tham nhũng thời hậu Cộng sản và bản thân giới tinh hoa cũng có dính dáng.

Hành động của các quỹ của Mỹ trong các cuộc cách mạng màu đã được Vladimir Putin thổi phồng quá mức. Ông cũng gán cho các tổ chức này khuynh hướng chống Nga mà không hẳn họ đã có. Mục tiêu trên hết của họ là giúp chấm các nước thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản, mười năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, và xây dựng các nền dân chủ tự do.

France 24 : Còn mối quan hệ của Kremlin với Liên minh Châu Âu thì sao ? Việc chiếm Crimea năm 2014 có đánh dấu một sự chuyển hướng ?

Françoise Thom : Năm 2013, chính đề xuất quy chế quốc gia liên kết của Liên Hiệp Châu Âu đối với các nước trong không gian hậu Xô Viết, trong đó có Ukraine và nhiều nước khu vực Kavkaz, đã châm ngòi nổ. Dự định của Liên Âu đã rơi vào xung đột với ý đồ của ông Putin muốn hội nhập Ukraine vào một Liên minh thuế quan, Liên minh Á-Âu do Nga lãnh đạo.

Ông Putin cố gắng xây dựng một không gian Châu Âu rộng lớn, từ Brest đến Vladivostok, nơi mà Nga sẽ có thể tạo lập được vị thế bá chủ của mình đồn thời xua đuổi ảnh hưởng của Mỹ. Dưới áp lực của điện Kremlin, năm 2013 tổng thống Ukraine thân Nga, Victor Ianoukovitch đã từ chối thỏa thuận liên kết với Liên Hiệp Châu Âu và chấp nhận để Ukraine gia nhập Liên Minh Á – Âu. Thế nhưng nhiều cuộc biểu tình lớn đã nổ ra ở Ukraine, sau đó trở thành cuộc "Cách mạng Maidan" năm 2014. Ông Victor Ianoukovitch đã nỗ lực trấn áp cuộc nổi dậy này nhưng cuối cùng đã không thoát được. Tổng thống Ukraine sau đó đã phải bỏ chạy và một chính phủ mới tại Ukraine được hình thành và lần đầu tiên chính phủ này đã bị ông Putin đánh giá là "phát xít".

Ít ngày sau cuộc cách mạng trên, Vladimir Putin sáp nhập Crimea vào Nga. Ông ta khẳng định làm việc đó để bảo vệ nước Nga trước NATO và Crimea vẫn luôn thuộc về nước Nga và năm 1954 do sai lầm Nikita Khrouchtchev đã trao bán đảo này cho Ukraine. Ông Putin cũng có ý đồ chinh phục phần đất phía nam và đông Ukraine, nhưng ông đành tạm hài lòng với việc lập ra hai nước cộng hòa ly khai ở miền đông. Cuộc xung đột này đã được giải quyết bằng việc ký kết thỏa thuận Monsk, ngày 05/09/2014.

Thái độ thù địch của Kremlin tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ : Dự định của Putin là làm dấy lên trở lại cuối cuộc chiến tranh lạnh, nhưng lần này ông phải thắng, mụv đích là phục hồi cường quốc Nga. Trong hoàn cảnh đó, nếu Putin có những phát ngôn chống Châu Âu, đó chủ yếu vì lý mối liên hệ chặt chẽ giữa Liên Hiệp Châu Âu với Hoa Kỳ và NATO.

Cho đến tháng Hai năm 2022, Châu Âu vẫn không bị Putin coi như là là chủ đề chính trị thực sự, mà ông coi như là một đối tượng để tranh cãi với Hoa Kỳ. Tổng thống Putin nghĩ sử dụng việc Châu Âu lệ thuộc vào khí đốt Nga để khuất phục Liên Âu. Điều này đã có tác dụng trong một thời gian, cho tới khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine năm 2022. Luận điệu của ông ta còn trở nên thù nghịch hơn với Liên Âu khi hồi tháng Hai 2022 Châu Âu rõ ràng đã siết chặt hàng ngũ xung quanh NATO.

Françoise Thom

Nguyên tác : La guerre "tire ses racines de la Révolution orange, vécue par Poutine comme une humiliation", France 24, 21/02/2023

Anh Vũ dịch

Nguồn : RFI, 22/02/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Françoise Thom, Anh Vũ
Read 238 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)