Đối với không ít người lao động, đặc biệt là những người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ du lịch hay hàng không, cho đến giờ, dù Việt Nam đã mở cửa trở lại sau Covid, thu nhập của họ vẫn bị cắt giảm hơn một nửa để bù vào những gì mà các doanh nghiệp đã phải trả cho họ trong suốt thời gian đình trệ vì đại dịch.
Một người bán hàng rong tại Hà Nội dịp cận Tết
Anh Nguyễn Thành Trung, một nhân viên làm việc trong lĩnh vực cung cấp hàng hoá miễn thuế ở sân bay Nội Bài, Hà Nội, cho biết hiện thu nhập hàng tháng của anh chỉ hơn 10 triệu đồng trong khi người vợ làm cùng ở sân bay trong suốt hơn 3 năm qua không có thu nhập nên đời sống gia đình vô cùng khó khăn.
"Lương của tôi đến giờ vẫn bị cắt 60%, tôi đã hồi lại lương đâu. Nhưng mình phải chấp nhận vì trong suốt hơn 2 năm người ta vẫn trả lương cho mình, dù là có cắt đi như thế nhưng vẫn trả đều vì người ta vẫn muốn giữ mình. Còn bà xã nhà tôi thì vẫn đang nghỉ không lương nhưng cũng xác định là nghỉ luôn công ty cũ rồi."
Ra Tết, vợ chồng anh hy vọng đời sống kinh tế khấm khá hơn và người vợ nghỉ ở nhà mở một cửa tiệm nhỏ bán một số loại hàng hoá nhập khẩu từ các đầu mối quen biết. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại thì việc bán buôn cũng vô cùng ế ẩm.
"Thật ra những dân thành phố như Hà Nội thì họ vẫn có tiền để chi tiêu trong việc ăn uống, nhưng đối với các chi phí khác thì họ cũng thắt lưng buộc bụng và hạn chế hơn rồi," anh Trung chia sẻ.
Bà Nguyễn Thu Hương có chồng là giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu thiết bị y tế tại Hà Nội. Bà cho biết trước chiến dịch ‘đốt lò‘ của ông Nguyễn Phú Trọng, các hoạt động kinh doanh-cung cấp thiết bị y tế và dược phẩm trong nước ngày càng khó khăn, không lãnh đạo bệnh viện công nào còn muốn liên doanh, đầu tư máy móc vì sợ sai phạm.
"Ông ấy liên doanh với cả bệnh viện. Kiểu như ông ấy bỏ tiền mua máy mang vào bệnh viện thì được chia đôi lợi nhuận. Nhưng bây giờ thì không làm được như thế nữa bởi vì bệnh viện họ không còn dám nhận. Giám đốc bệnh viện không dám nhận bởi vì cái tiền chia đôi đấy không biết ghi vào đâu… Nói chung quy chế kiểu gì nên giờ mang máy về thành đống sắt vụn, trong khi bệnh nhân thì không có máy mà dùng."
Bà Hương nói thậm chí việc nhập khẩu thuốc chữa bệnh cũng đang đình trệ vì những lãnh đạo mới trong Bộ Y Tế cũng không dám ký giấy phép.
Trước tình cảnh hoạt động kinh doanh của công ty sẽ còn khó khăn kéo dài, gia đình bà Hương chỉ còn biết hạn chế mọi khoản chi tiêu để chờ cho đến khi những ngày khó khăn này qua đi.
"Tất nhiên là nó sẽ bị hạn chế một số vấn đề. Ví dụ như quan hệ xã hội chẳng hạn, mình phải hạn chế đi. Ngày xưa làm ăn được thì xông xênh khao người này người kia. Còn bây giờ thì thôi, mình phải sống với những gì mình có thôi," bà Hương than thở.
Anh N.T.P, một nhà báo làm việc lâu năm cho một số cơ quan báo chí trung ương ở Hà Nội, cho biết cái Tết vừa rồi ảm đạm vì những khó khăn trong đời sống kinh tế - xã hội nhưng ra Tết tình hình cũng không sáng sủa gì hơn và khó khăn sẽ còn kéo dài.
"Tôi thấy còn ảm đạm lâu. Doanh nghiệp thì khó khăn, bất động sản thì đóng băng rồi. Còn nhìn vào các nhà hàng và khách sạn thì có khách khứa gì mấy đâu," anh P cho biết.
Cơ quan báo chí nơi anh công tác không còn thu hút được quảng cáo từ các doanh nghiệp như trước, mà giờ chủ yếu chỉ trông vào tiền ngân sách, nên thu nhập của nhân viên tòa soạn cũng bị giảm sút. Để đối phó với tình hình khó khăn, anh P phải nhận thêm công việc tay trái. Tuy vậy, đây cũng không phải là giải pháp khi mà vợ anh tiếp tục thất nghiệp, mọi chi tiêu đều trông vào đồng lương và ít tiền nhuận bút hàng tháng của anh.
"Tôi thì đang ký hợp đồng với hãng phim truyền hình để làm một bộ phim truyền hình. Nhưng kéo dài mà mất thời gian quá. Một tập thì ông cứ phải viết từ 5.000 cho tới 6.000 chữ mà từng đấy thì cũng chỉ được nhuận bút từ 5 đến 6 triệu. Thu nhập đấy thì chỉ bằng viết báo vặt thôi. Chả đáng bao nhiêu cả," anh P than thở và cho biết giờ anh phải đành chấp nhận hạn chế tối đa các khoản chi chứ thực sự cũng chẳng biết xoay vào đâu nữa.
Nguyễn Lại
Nguồn : VOA, 24/02/2023