Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/02/2023

Có hẹn với ve chai

Trần Châu

Cô H. bưng từng chồng sổ sách chật cứng trong kệ sách đem bày ra sân. Lật qua lật lại vài quyển, cô lắc đầu dứt khoát rồi cầm chiếc điện thoại lên, bấm số gọi cho cô ve chai quen biết.

vechai1

Học sinh và phụ huynh tìm sách giáo khoa cũ được bày bán trên vỉa hè ở Bắc Ninh hôm 30/8/2002 (minh họa). AFP

Mua rồi để đó

Hàng năm, mỗi giáo viên như cô H. đều bị bắt buộc mua 4-5 loại sổ dùng trong giảng dạy. Tiền mua những thứ này gọi là tiền văn phòng phẩm, do Nhà nước quy định, là một trong những khoản chi hoạt động chuyên môn thường xuyên của nhà trường. Tùy vào cấp học, các loại sổ nói chung gồm có :

1. Giáo án.

2. Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học).

3. Sổ chủ nhiệm (nếu làm giáo viên chủ nhiệm).

4. Sổ theo dõi và đánh giá học sinh.

Ngoài ra, ở từng cấp còn có các loại sổ khác như Sổ theo dõi tài sản, thiết bị, đồ chơi của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ; Sổ dự giờ, Sổ công tác Đội… Chưa kể ở các tổ chuyên môn còn có Sổ Kế hoạch hoạt động, Sổ Kế hoạch giáo dục, Sổ ghi chép nội dung sinh hoạt chuyên môn.

Với giáo viên phổ thông trung học như cô H, dạy ba lớp, mỗi lớp 45 học sinh, sổ theo dõi và đánh giá học sinh phải ghi đầy đủ tên họ và các nhận xét của giáo viên bộ môn. Nhưng thực tế chẳng giáo viên nào làm nổi điều này vì không thể đủ thời gian.

Các quyển sổ hầu hết đều in khổ to và rất dày, hết một năm học giáo viên có khi chỉ dùng độ vài chục trang, hết ½ đến ¾ còn lại là giấy trắng chưa dùng một lần. Nhưng theo quy định của Bộ Giáo dục, mỗi năm đều phải thay mới toàn bộ sổ sách. Nội dung vẫn y sì năm cũ nhưng thiết kế các cuốn sổ đều thay đổi một chút, ví dụ từ sổ ngang biến thành sổ dọc, từ sổ dọc thành sổ ngang. Hay nhãn sổ in bên trái thì chuyển sang phải, ở trên tụt xuống dưới. Giáo viên nói vụ thay đổi các chi tiết in ấn này của Nhà Xuất bản Giáo dục là để chống in giả !

Vâng, rất chống !

Do thế, tuy biết là lãng phí nhưng giáo viên không thể dùng lại sổ của năm trước cho năm sau, dù giấy còn rất nhiều. Nên cứ đến cuối năm học thì cô ve chai quen của giáo viên như cô H. hạnh phúc lắm. Nội trong một trường học đã quơ về hàng xe sổ sách, quyển nào bìa cũng còn mới cứng, giấy trắng khổ rộng, bán cho học trò làm nháp thì thôi rồi.

Đồng hoàn cảnh với giáo viên là học sinh và phụ huynh. Năm nào cũng thế, học sinh các cấp phải mua rất nhiều những loại sách mà cả năm không dùng đến. Ví dụ môn Toán gồm sách giáo khoa, hai quyển bài tập, một quyển tham khảo và một quyển tập đề. Môn Tiếng Việt cũng tương tự. Rồi dụng cụ học tiếng Việt, dụng cụ học Toán… đều phải mua. Học sinh lớp Một cũng phải mua sách Thể dục, sách Hoạt động ngoại khóa, Hát nhạc Mỹ thuật, Đạo đức… các thể loại. Thậm chí là sách Giáo dục quyền và bổn phận trẻ em, Giáo dục nếp sống thanh lịch cho học sinh Hà Nội, Giáo dục an toàn giao thông, Thực hành kỹ năng sống…

Nếu mua đủ các loại sách theo danh mục hướng dẫn của nhà trường gửi phụ huynh vào đầu năm học thì mỗi học sinh trung bình có 4-5 quyển không dùng đến trong cả năm học, chưa kể các loại dụng cụ học tập đều được chỉ định bắt buộc. Nếu phụ huynh không mua đủ, giáo viên nói họ sẽ không chịu trách nhiệm về chất lượng học của học sinh khi phụ huynh không tuân thủ đúng hướng dẫn của nhà trường.

Một số giáo viên thừa nhận danh mục sách đầu năm "nhiều khi có sự định hướng" nên dù biết không dùng hết sách tham khảo nhưng nhà trường vẫn gửi cho phụ huynh.

Năm học 2021-2022, Nhà xuất bản Giáo dục giới thiệu danh mục sách tham khảo dùng cho các thư viện trường học với 327 tên sách, ngoài ra hàng tháng đều có thêm từ vài chục đến cả trăm đầu sách tham khảo mới. Cách đó hai năm, nhà xuất bản này còn từng công bố danh mục gần 730 cuốn sách tham khảo.

Và đến cuối năm, tất cả đều có hẹn với ve chai.

Nhưng đó là một phần kế hoạch của Nhà Xuất bản Giáo dục - kế hoạch làm giàu cho… ve chai và cho các lãnh đạo của họ.

Kế hoạch làm giàu

Dưới đây là một số nội dung trong Kết luận Thanh tra công bố vào cuối tháng 12/2022 liên quan đến Nhà Xuất bản Giáo dục và Bộ Giáo dục-Đào tạo.

1. Bộ Giáo dục và đào tạo không cung cấp được bản thảo mẫu sách giáo khoa được Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo phê duyệt để làm cơ sở đối chiếu sách giáo khoa hiện hành.

2. Khi biên soạn sách giáo khoa đã thiết kế những phần để học sinh có thể viết/vẽ vào (trả lời câu hỏi, trắc nghiệm, v.v). Số lượng lên tới 79/193 cuốn.

Tuy sau đó Bộ Giáo dục có ban hành ba văn bản trong đó có nội dung hướng dẫn các trường và giáo viên giữ gìn, không viết vẽ vào sách để có thể sử dụng lại, nhưng chỉ là nói suông chứ không có cơ chế, chính sách quy định sử dụng lại sách giáo khoa nên tỷ lệ tái sử dụng chỉ đạt khoảng 35% (chủ yếu ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa-NV).

3. Từ năm 2014 đến hết tháng 8/2019 đã bán ra hơn 303 triệu bản sách giáo khoa không thể tái sử dụng. Nếu chỉ tính 65% sách giáo khoa không tái sử dụng được thì đã gây lãng phí cho gia đình học sinh và xã hội gần 2.400 tỷ đồng.

4. Sách bài tập (để học sinh làm bài tập vào luôn) chỉ là dạng xuất bản phẩm tham khảo, nhưng vào năm 2013, Bộ Giáo dục đã ban hành văn bản có nội dung lập lờ khiến các cơ sở giáo dục hiểu rằng đây là sách bắt buộc mua. Do đó hầu hết gia đình học sinh khi mua sách giáo khoa đều mua sách bài tập kèm theo. Thanh tra Chính phủ nhận định đây là dấu hiệu lợi ích nhóm giữa Bộ Giáo dục và Nhà Xuất bản Giáo dục.

5. Trong quá trình tăng giá sách lần ba, Nhà Xuất bản Giáo dục đã tự ý tăng giá sách lên đến 17%.

6. Tại Nhà Xuất bản Giáo dục, tồn kho giấy in rất lớn làm tăng chi phí lãi vay, dự phòng giảm giá hàng tồn kho dẫn đến giảm hiệu quả sử dụng vốn.

7. Sử dụng giấy in định lượng thấp (tức chất lượng thấp) hơn định lượng giấy in sách thường theo Tiêu chuẩn quốc gia, chiếm 36,64% tổng số giấy in ruột sách giáo khoa.

8. Từ trước năm 2014 và trong giai đoạn từ 2014 đến 2019, Nhà Xuất bản Giáo dục chỉ thu thập báo giá của hai đến ba nhà thầu cung cấp giấy in lặp đi lặp lại trong nhiều năm. Trong giai đoạn 2014-2019, Công ty cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng được lựa chọn cung cấp hơn 83% số lượng giấy.

9. Lập lờ thuế của các loại giấy in và lãi vay dẫn đến gia đình học sinh phải mua sách giáo khoa cao hơn so với giá đăng ký với Bộ. Riêng khoản này trong thời gian trên là hơn 15 tỷ đồng.

10. Tự xây dựng định mức công in căn cứ vào văn bản đã hết hiệu lực mà không thu thập báo giá của các nhà in để xác định đơn giá. Chia gói thầu in sách thành nhiều gói thầu nhỏ làm tăng chi phí in ấn. Giao in gia công cho các nhà in là công ty con của Nhà Xuất bản Giáo dục khiến giá thành in tăng cao.

11. Chiết khấu phát hành quá cao cho các kênh phát hành : công ty Cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục miền (Bắc, Trung, Nam, Cửu Long) là đại lý cấp 1 của Nhà Xuất bản Giáo dục được hưởng 5%, các công ty Sách và thiết bị trường học địa phương trong khu vực là đại lý cấp 2 hưởng từ 7% đến 8% ; các đại lý, cửa hàng sách, các trường học là đại lý cấp 3, hưởng từ 12% đến 13%. Tổng chiết khấu (chi phí phát hành) là 25% giá bìa. Theo Thanh tra Chính phủ, mức chiết khấu này là quá cao và không hợp lý, trong khi các công ty Sách và thiết bị đều là công ty con của Nhà Xuất bản Giáo dục, có nhiệm vụ phát hành và kinh doanh sách.

12. Phân bổ chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp vào giá thành sách giáo khoa không hợp lý khiến tăng chi phí phân bổ chung cho sách giáo khoa cao hơn so với thực tế gần 70 tỷ đồng. Đây cũng là số tiền chênh lệch so với giá bán được đăng ký mà gia đình học sinh phải mua.

13. Là doanh nghiệp độc quyền biên tập, thiết kế, chế bản, xuất bản, in, phát hành, kinh doanh sách giáo khoa, Nhà Xuất bản Giáo dục đã có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo quy định của Luật cạnh tranh, vi phạm quy định trong vực giá và đăng ký giá sách giáo khoa.

Thời điểm thanh tra (trong năm 2022), Nhà Xuất bản Giáo dục đã kê khai giá bốn bộ sách giáo khoa lớp Một mới với Bộ Tài chính. Giá kê khai cao gấp 2-2,5 lần so với giá bộ sách giáo khoa lớp Một của năm học 2019-2020 trước đó.

Vừa qua, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ông Nguyễn Đức Thái, nguyên Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị bắt tạm giam cùng với Trưởng, Phó ban kế hoạch marketing và Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng.

Vụ án đang bắt đầu được điều tra nhưng đã có câu trả lời rõ ràng cho mối quan hệ gắn bó giữa vựa ve chai và các cơ sở giáo dục toàn quốc. Những phát ngôn về việc "Nhà Xuất bản lỗ nặng khi bán sách giáo khoa" của các lãnh đạo trước cũng được đào lại. Kịch hay còn dài, kính mời quý vị xem tiếp.

Tuy nhiên, cũng xin hỏi các quý ngài thanh tra một câu. Dư luận xã hội đã vạch rõ cái mỏ vàng từ mánh khóe bôi ít mực vào giấy rồi đem bán giá cao cho toàn bộ các gia đình có con em đi học, toàn bộ các giáo viên, các nhà trường trong cả nước…. từ rất lâu. Thế nhưng chẳng hiểu sao mãi cả mười mấy năm nay Thanh tra Chính phủ mới có thể thực hiện cuộc thanh tra này ? 

Trần Châu

Nguồn : RFA, 21/02/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Châu
Read 274 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)