Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/02/2023

Cuộc chiến tại Ukraine thay đổi cục diện thế giới như thế nào ?

Raymond Kuo, Isabelle Lasserre, France 24

Chiến tranh Ukraine ảnh hưởng như thế nào đến các nước chuyên quyền

Mercy A. Kuo, Chi Phương, RFI, 27/02/2023

Sau một năm Nga xâm lược Ukraine, tác động của cuộc chiến đối với các nước theo chế độ chuyên quyền, Trung Quốc Nga, Iran, Bắc Triều Tiên, như thế nào ?

ukwar1

Tượng nhỏ bằng giấy được trưng bày tại lễ hội Fallas ở Valencia. Từ trái sang phải : Tổng thống Mỹ Joe Biden, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin. AFP-Jose Jordan

RFI xin trích dịch, giới thiệu bài phân tích của Raymond Kuo, nhà nghiên cứu về chính trị tại viện tư vấn RAND Corporation, tác giả của cuốn "Following the Leader" (2021) and "Contests of Initiative" (2021).

Mercy A. Kuo : Chiến tranh Ukraine có củng cố quyền lực cho các quốc gia chuyên quyền như Trung Quốc, Nga, Iran và Bắc Triều Tiên hay không ?

Raymond Kuo : Tôi không nghĩ rằng cuộc chiến mà Nga tiến hành ở Ukraine, củng cố quyền lực cho các nước chuyên quyền. Nếu có tác động nào, thì cuộc chiến này đã làm nổi bật mức độ nguy hiểm của các quốc gia theo chủ nghĩa xét lại, độc tài. Các chế độ lãnh đạo bởi các cá nhân độc tài như chế độ của Putin, thường bị bao phủ bởi sự thiếu thông tin và lối tư duy tập thể (groupthink), dẫn đến việc chính sách đối ngoại dễ thay đổi và xung đột quốc tế. Hành động của Nga đã làm suy giảm sức hấp dẫn của hình thái chính phủ chuyên chế, cũng như là uy tín và vị thế toàn cầu của Moskva.

Sự kháng cự của Ukraine đã đánh bại quân đội Nga, làm lộ rõ những điểm yếu nghiêm trọng về chỉ huy và tác chiến của một lực lượng quân sự, từng được coi là hàng đầu. Moskva là một trong những nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu nhưng nay lại cần những vũ khí đó cho lực lượng của mình. Điều này đã hạn chế một trong những công cụ ngoại giao chính của Nga và hiệu quả yếu kém của các loại vũ khí đó trên chiến trường đã khiến Ấn Độ hủy bỏ việc mua máy bay trực thăng Ka-3.

Mercy A. Kuo : Những hành động của 4 quốc gia Trung Quốc Nga, Iran, Bắc Triều Tiên đã làm tổn hại an ninh toàn cầu như thế nào ?

Raymond Kuo : Chiến tranh đã cho thấy là trật tự an ninh toàn cầu mong manh đến mức nào, thôi thúc các nước Châu Âu và Châu Á tăng cường quốc phòng và siết chặt các liên minh. Đáng chú ý là những đối tác lớn của Hoa Kỳ : Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), Hàn Quốc, Úc… đã gia tăng hợp tác chính sách để đối phó lại với Nga và Trung Quốc, gợi mở ra mối quan tâm lớn hơn đối với an ninh toàn cầu, bởi vì chế độ Nga và Trung Quốc-hai thách thức nổi bật nhất.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng có một hạn chế về mức độ áp dụng và hữu íchkhi xem xét dưới góc độ chế độ dân chủ so với chế độ chuyên quyền để hiểu tác động toàn cầu của cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine. Trong khi có ít nghi ngờ về cấu trúc chính trị trong chính sách của nước Nga, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các quyết định tiến hành cuộc chiến của Putin, việc vi phạm chủ quyền lãnh thổ dường như đã kích động phản ứng toàn cầu, chứ không nhất thiết là phải do mô hình chế độ.

Các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc hầu hết đều đã bỏ phiếu lên án hành động xâm lược của Nga và việc sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine. Có thể thấy một sự đa dạng về chế độ của các nước đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết này : dân chủ, quân chủ chuyên chế, đảng cầm quyền chuyên chế… Đúng là những nước đã bỏ phiếu trắng hoặc bỏ phiếu phản đối những nghị quyết đó hầu như là các nước độc tài.

Nhưng các nước này cũng có xu hướng trở thành những nước bị tẩy chay, cô lập, do vậy chủ nghĩa xét lại, chứ không phải mô hình chế độ, là động cơ khiến họ có lập trường như vậy.

ukwar0

Sự kháng cự của Ukraine đã đánh bại quân đội Nga, làm lộ rõ những điểm yếu nghiêm trọng về chỉ huy và tác chiến của một lực lượng quân sự, từng được coi là hàng đầu. 

Mercy A. Kuo : Lãnh đạo của các nước này sử dụng chiến tranh Ukraine để thúc đẩy kế hoạch hành động của họ như thế nào ?

Raymond Kuo : Chiến tranh đã thắt chặt quan hệ giữa Nga, Trung Quốc, Iran và Bắc Triều Tiên. Moskva đã mua vũ khí từ Iran và Bắc Triều Tiên và triển khai ở Ukraine. Bình Nhưỡng đã ủng hộ Nga về mặt ngoại giao, ví dụ như bỏ phiếu phản đối hai nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc như đã nêu ở trên. Bắc Kinh cũng hỗ trợ Matcơva về mặt ngoại giao và đặc biệt là đã làm suy yếu các trừng phạt Nga từ Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản.

Hơn nữa cũng dễ hiểu là việc Washington dồn mối quan tâm vào Châu Âu và Đông Á đã tạo ra một mối lo ngại ở các khu vực khác về mức độ ưu tiên của các vùng này trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Điều này đã mang lại cơ hội cho Trung Quốc, gia tăng quan hệ, ví dụ với Ả Rập Xê Út và các quốc gia khác thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GGC).

Bốn quốc gia Iran, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Nga đã thống nhất đổ lỗi chiến tranh xảy ra (ít nhất là một phần) là do sự bành trướng của Hoa Kỳ và NATO. Lập luận này có thể đã tạo chút tiếng vang ở Châu Mỹ La Tinh và Châu Phi. Tuy nhiên đại đa số các quốc gia trong số 28 nước ủng hộ Ukraine, mặc dù thậm chí có nhiều nước hơn, muốn đứng ngoài cuộc chiến.

Điều này có thể chỉ ra một hạn chế quan trọng đối với khả năng của các nước chuyên chế. Có một mối lo ngại và chính đáng về các chiến dịch xuyên tạc thông tin của 4 nước này. Tuy nhiên lý do Nga xâm lược Ukraine thường không được chấp nhận. Các quốc gia này có thể đạt được hiệu quả, làm trầm trọng thêm các chia rẽ vốn có giữa các phe phái trong một nền dân chủ mà họ nhắm tới. Nhưng cả bốn nước này đều gặp khó khăn trong việc thúc đẩy và kiểm soát các thông tin "tích cực" của chính các nước này. Điều này phản ánh hạn chế trong quyền lực mềm của 4 nước.

Mercy A. Kuo : Hoạt động của các nước chuyên quyền này thách thức và ảnh hưởng ra sao đến vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ ?

Raymond Kuo : Nếu như Nga giành chiến thắng quyết định và nhanh chóng tại Ukraine, thì chúng ta có thể chứng kiến một sự chuyển hướng lớn ở nhiều nước đối với Moskva và có thể là cả với Bắc Kinh. Chiến thắng đó có thể củng cố quyền lực của Nga ở Châu Âu hoặc gần lục địa này, nâng cao uy tín của Nga và làm Hoa Kỳ bị bẽ mặt vì bất lực trong việc ngăn cản Nga xâm chiếm Ukraine. Điều này cũng có lẽ đã mở ra một cánh cửa rộng lớn đối với chủ nghĩa xét lại về lãnh thổ bởi vì các quốc gia đã nhận thấy rằng Hoa Kỳ ít có khả năng và/ hoặc ít sẵn sàng ngăn cản sự đã rồi (Nga xâm lược Ukraine). Một vài đối tác của Hoa Kỳ ở Châu Âu và Đông Á có thể sẽ tăng cường các chuẩn bị về mặt an ninh, giống như những gì mà họ đang làm hiện nay. Tuy nhiên, một số khác thì sẽ cố gắng thích nghi với Moskva và Bắc Kinh, làm suy yếu sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.

Dĩ nhiên là điều đó không phải là những gì đang xảy ra hiện nay. Nga, Trung Quốc, Iran, và Bắc Triều Tiên, nhìn chung, đang tuân theo chính sách đối ngoại đã có từ trước, nhưng các nước này phải đối mặt với một nhóm gồm các đối tác Châu Âu và Đông Á có sự phối hợp chặt chẽ hơn. Đặc biệt là Moskva đã phải đối mặt với mọi thứ mà nước này muốn tránh đó là : NATO hồi sinh, Châu Âu giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga, kinh tế và quân sự bị tàn phá. Sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Moskva đã làm tổn hại đến mối quan hệ của Trung Quốc với Châu Âu. Châu lục này gần đây đã bắt đầu đánh giá lại lập trường của mình đối với tình hình an ninh ở Đông Á.

Thêm vào đó, 4 nước này đang phải đối mặt với những cơn gió thổi ngược khác. Một trong số đó là sự mất cân bằng trong nền kinh tế của Trung Quốc, đe doạ đến khả năng tiếp tục tài trợ cho các dự án hạ tầng lớn và mở rộng sức ảnh hưởng về kinh tế của nước này. Nhìn chung, chúng ta đang chứng kiến sự suy yếu trong các nỗ lực của các nước chuyên quyền để thách thức Hoa Kỳ, và sự ủng hộ mạnh mẽ ngoài mong đợi đối với các chuẩn mực làm nền tảng cho trật tự quốc tế, như là chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia.

Mercy A. Kuo : Làm sao có thể đánh giá tác động của các hành động chuyên quyền lôi kéo các nước Nam Bán Cầu chấp nhận giải pháp thay thế, đi theo chế độ quản trị phi tự do ?

Raymond Kuo : Tôi đã vẽ ra một bức tranh nhìn chung là tích cực về tác động toàn cầu của cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine. Tuy nhiên có hai thứ có thể làm giảm các tác động tích cực đó. Đầu tiên, Ukraine vẫn chưa giành được một chiến thắng mang tính quyết định mặc dù có sự hỗ trợ không ngừng nghỉ từ bên ngoài, nhưng điều này có thể thay đổi.

Thứ hai, chiến tranh và các xu hướng lớn hơn, như là tôi đã đề cập ở trên, đã làm giảm đi phần nào sức hấp dẫn của các mô hình chế độ độc tài. Tuy nhiên, Hoa Kỳ và các nước khác, không nhất thiết phải cung cấp một giải pháp thay thế tích cực. Việc người ta muốn thoát khỏi một thứ gì đó thì vẫn chưa đủ mà phải được đưa ra cái gì đó để hướng mục tiêu tới đó. Đó là lý do tại sao mà tôi thấy rằng sự thay đổi trong nước được chính quyền Biden nêu ra trong Chiến lược An ninh Quốc gia là yếu tố quan trọng nhất và cũng là khó khăn nhất để đạt được. Nếu không có điều này, thì các quốc gia, đặc biệt là ở Nam Bán Cầu sẽ tiếp tục đứng ngoài cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc lớn, vì có ít lợi ích tích cực khi chọn phe.

Mercy A. Kuo

Nguyên tác : "Autocrats and the Ukraine War: China, Russia, Iran, North Korea - Insights from Raymond Kuo", The Diplomat, 21/02/2023.

Chi Phương bên dịch

Nguồn : RFI, 27/02/2023

************************

Chiến tranh Ukraine : Điều gì sẽ xẩy ra, từ Moskva đến Siberia, nếu Ukraine thắng lợi ?

Isabelle Lasserre, Đức Tâm, RFI, 27/02/2026

Kể từ đầu những năm 1990, hiếm khi nào nguy cơ tan rã Liên bang Nga lại lớn đến như vậy. Đó là nhận định của nhà báo Isabelle Lasserre, trong bài phân tích đăng trên báo Le Figaro, ngày 23/02/2023. Nỗi lo sợ hỗn loạn sẽ xẩy ra khi chế độ Vladimir Putn sụp đổ. Đó là kịch bản mà nhiều lãnh đạo phương Tây e ngại và cũng chính vì muốn tránh tái lập các sai lần của những người tiền nhiệm mà các nước phương Tây lưỡng lự cung cấp nhanh và nhiều vũ khí cho Ukraine.

cucdien2

Tổng thống Volodymyr Zelensky phát biểu qua truyền hình trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 24/8/2022 tại New York. Lev Radin/Pacific Press/LightRocket via Getty Images

Ngay năm 1991, tổng thống Pháp François Mitterrand đã báo động nguy cơ hỗn loạn, mà theo ông, sẽ xẩy ra khi Liên Xô sụp đổ, cho dù lúc đó, quá trình sụp đổ đã bắt đầu. Ông Mitterrand nói rõ với lãnh đạo Liên Xô Gorbachev : "Việc Liên Bang Xô Viết tan rã sẽ là một thảm họa lịch sử đi ngược lại lợi ích của nước Pháp". Chính nhân danh mối lo ngại này mà vị tổng thống thuộc đảng Xã Hội Pháp đã tìm cách cứu Liên Xô. Cũng nhân danh mối lo này mà các lãnh đạo phương Tây, trong một thời gian rất dài, đã nhắm mắt làm ngơ trước các tội ác của Vladimir Putin và bây giờ thì họ đang mơ ước là hòa bình sẽ nhanh chóng tái lập. 

Đương nhiên, vẫn có các kịch bản về sự hỗn loạn. Một thất bại quân sự nghiêm trọng của Nga tại Ukraine có thể dẫn đến sự hỗn loạn về chính trị nội bộ, có thể làm tê liệt quyền lực ở Moskva. Nếu Vladimir Putin bị gạt ra khỏi bộ máy quyền lực, thì người thay thế hoặc những người thay thế có thể còn "tệ hại hơn". Trong mọi trường hợp, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tin là như vậy khi đối chiếu với Evgueni Prigogine, ông chủ vô luân thường trái đạo lý của công ty đánh thuê Wagner, hoặc Nikolai Patrushev, "diều hâu" trong Hội đồng An ninh Nga. Có nhiều tổ chức vũ trang, thường do những kẻ dân tộc chủ nghĩa cực đoan lãnh đạo, ủng hộ tiến hành chiến tranh : Wagner, các tổ chức dân quân Chechnya của Kadyrov, quân đội chính quy, quân đội tư nhân đứng trên luật pháp… Tình trạng vô chính phủ, hỗn loạn rập rình, trong trường hợp trống vắng quyền lực ở Moskva.

Tình trạng này cũng rập rình ở các vùng mà nguồn tài nguyên và nhân lực đã bị các lãnh đạo ở Moskva vắt kiệt và ở các vùng xa xôi của nước Nga, nơi cận kề với những nước láng giềng luôn có ý định thoát ra sự giám hộ phũ phàng và độc đoán của Kremlin. Kazakhstan bắt đầu giữ khoảng cách với Nga. Tadjikistan, Kirghizstan và Armenia đã ghi nhận sự vắng mặt của Nga trong các cuộc khủng hoảng hoặc xung đột gần đây làm rung chuyển các nước này. Đây là kịch bản đế chế Nga tan rã một lần nữa, một cái chết thứ hai của Liên Xô sau cái chết dang dở đầu tiên. Hoặc theo theo cách nói của nhà cựu ngoại giao Gerard Araud, "chiến tranh kế thừa Liên Xô lần hai".

Hiếm khi nào các nguy cơ tan rã lại lớn như vậy kể từ đầu những năm 1990. Cựu lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Zbigniew Brzezinski thường nói : "Không có Ukraine, nước Nga không còn là một đế chế". Phải chăng chủ nghĩa đế quốc Nga đang trôi dần vào hoàng hôn ? Một số người cho rằng, ngược lại, chính việc duy trì Vladimir Putin trong bộ máy quyền lực là mầm mống của tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ, nội chiến ở nước Nga. Akhmed Zakayev, lãnh đạo chính phủ Chechnya lưu vong, nghĩ rằng, "nếu nước Nga sụp đổ, sẽ không xẩy ra chuyện gì cả". Trái lại, "chừng nào đế chế Nga còn tồn tại thì không ai tránh được mối đe dọa Nga".

Phần lớn các chuyên gia cho rằng việc duy trì Vladimir Putin trong bộ máy quyền lực, thắng lợi của Kremlin tại Ukraine hoặc tình trạng "đóng băng" cuộc xung đột ở Ukraine, là mối nguy gây ra tình trạng hỗn loạn còn lớn hơn cả việc sụp đổ quyền lực tại Nga. Chuyên gia Françoise Thom, trong một bài viết về Nga, cảnh báo, "chế độ Vladimir Putin tồn tại càng lâu thì nguy cơ hỗn loạn càng lớn : người ta có thể mường tượng được các toán lính ô hợp quen cướp phá và bạo lực kéo về nước Nga. Một thắng lợi nhanh chóng của Ukraine kéo theo sự sụp đổ của chính quyền Putin có lợi cho phương Tây và cả nước Nga".

Một số người nêu kịch bản Bắc Triều Tiên đối với Nga. Một chế độ khép kín và biến thành pháo đài, duy trì đế chế và người dân sống tự cung tự cấp dưới sự lãnh đạo độc tài của Vladimir Putin, đến mức tạo thành một "cơ thể đông cứng", theo như cách gọi của Françoise Thom. Về phần mình, chuyên gia phân tích chính trị Bruno Tertrais không loại trừ kịch bản "Mordor – Quốc gia hắc ám", có nghĩa là "một đất nước đen tối, một vùng điêu tàn, ở đó, cái Ác đang chuẩn bị trả thù". Một "thời rối loạn" mới đánh dấu bằng việc nước Nga trở nên man dại, tội phạm và tiến trình chảy máu chất xám và di dân của tầng lớp trung lưu tiếp tục diễn ra. 

Tuy nhiên có một kịch bản lạc quan bao gồm việc Vladimir Putin ra đi. Đó là kịch bản của nhà đối lập, cựu vô địch cờ tướng thế giới Garry Kasparov. Không bác bỏ những nguy hiểm của tình trạng trống vắng quyền lực sau khi Putin ra đi, ví dụ, Ukraine lấy lại được Crimea, ông không tin là nước Nga sẽ tan rã. "Ví dụ Nam Tư là một ví dụ tồi. Tất cả sẽ phụ thuộc vào khả năng của một chính phủ mới trong việc quản lý quá trình chuyển giao quyền lực. Nước Nga đã biết đến các quy định dân chủ và có thể lại áp dụng các quy định này nếu như phương Tây giúp đỡ Nga soạn thảo một dự án. Cần biến đổi các quan hệ giữa trung tâm và các vùng".

Nhiều nhà đối lập, như ông Kasparov, đấu tranh cho việc tiến hành tản quyền của một nước Nga rộng lớn. Đó là trường hợp Leonid Gozman : Các xu hướng phân chia quyền lực tồn tại ở Nga là do việc cướp bóc một cách có hệ thống các nguồn tài nguyên của đất nước bởi phe nhóm vần vũ quanh điện Kremlin hơn là do các mưu mô của ngoại bang. Nếu các vùng được phép giữ lại các nguồn của cải mà họ tạo ra, lắp đặt hệ thống nước, khí đốt, họ sẽ đồng ý áp dụng các cải cách của tân chính phủ. Đây cũng là dự án của cựu tài phiệt Mikhail Khodorkovski, hiện đang sống lưu vong sau 10 năm bị giam giữ trong nhà tù của chế độ Putin : Nếu Vladimir Putin nhanh chóng thua về quân sự, ông ta sẽ buộc phải rời bỏ quyền lực. Người kế nhiệm sẽ tái lập quan hệ với phương Tây hoặc đến lượt người này cũng sẽ bị lật đổ. Trong một đất nước rộng lớn như Nga, tùy theo từng vùng, dân chủ sẽ phải có những hình thái khác nhau. Người thuộc các vùng Châu Âu của Nga sẽ không có cái nhìn về dân chủ giống như người ở các vùng Trung Á. Nhưng trong mọi trường hợp, các nước Baltic đã thành công trong việc biến đổi các cơ quan an ninh của họ. Tại sao Nga không làm được ?

Đức Tâm

**************************

Cuộc chiến Ukraine làm biến đổi cục diện thế giới như thế nào ?

Trọng Thành, RFI, 15/02/2023

Ngày 24/02/2022 là tròn một năm ngày Nga mở màn cuộc tấn công Ukraine. Cuộc can thiệp quân sự, mà chính quyền Putin dự kiến tiến hành chớp nhoáng, rút cục đã kéo dài và chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt. Hậu thuẫn mạnh mẽ của phương Tây đã giúp cho Ukraine kháng cự, nhưng các hệ quả của chiến tranh tại Ukraine vượt xa cuộc xung đột vũ trang giữa hai nước láng giềng.

cucdien1

Đối đầu Mỹ-Trung gia tăng với cuộc chiến Ukraine © Reuters/Dado Ruvic

Theo nhiều nhà quan sát, cuộc chiến Nga – Ukraine đã và đang "thay đổi cục diện địa chính trị toàn cầu". Hãng tin Pháp AFP có bài tổng hợp đáng chú ý về chủ đề này. Bài viết được đăng tải trên trang France 24 ngày 14/02/2023 nhấn mạnh đến cuộc chiến tranh tại Châu Âu đã một mặt làm gia tăng xung đột tại nhiều nơi, mặt khác "củng cố thế đối đầu giữa hai khối lớn", một bên với trung tâm là Hoa Kỳ, bên kia là Trung Quốc.

Đẩy nhanh thế giới đến thế lưỡng cực Mỹ-Trung

Hồi tháng 12/2022, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Joseph Borrell thừa nhận thế giới đang bước vào cục diện "đa cực trong hỗn loạn", nơi "mọi thứ đều có thể trở thành vũ khí", từ năng lượng, dữ liệu, cho đến cơ sở hạ tầng, di dân... Tất cả đều có thể biến thành vấn đề "địa chính trị", hay nói cách khác sự cạnh tranh, đối đầu giữa các khối, các nhóm, các liên minh.

Gần như tất cả các khu vực trên thế giới, từ Trung Á, vùng Kavkaz, bán đảo Balkan ở Châu Âu, Châu Phi, vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, vốn đã là các địa bàn đọ sức, tranh giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc, Liên Âu, Hoa Kỳ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ (trên các phương diện đầu tư cho cơ sở hạ tầng, thỏa thuận thương mại, quân sự, hay ngoại giao). Cuộc xâm lăng Ukraine của Nga làm lung lay thế cân bằng vốn đã mong manh nói trên của các quan hệ quốc tế, và đặc biệt làm suy yếu vị thế của Nga tại khu vực ảnh hưởng truyền thống tại các nước cộng hòa Liên Xô cũ ở Trung Á, mang lại cho cường quốc khu vực Thổ Nhĩ Kỳ một vị thế quan trọng hơn. 

Tuy nhiên, đối với một số chuyên gia, tình trạng "tái phối trí trong hỗn loạn" hiện nay chỉ mang tính chất quá độ, cuộc chiến tại Ukraine rút cục sẽ dẫn đến "sự suy yếu của Nga và của Châu Âu", và "hai bên hưởng lợi chủ yếu từ cục diện này có thể chính là Mỹ và Trung Quốc".

Chiến lược bắt cá hai tay của Bắc Kinh giai đoạn quá độ

Chiến lược bắt cá hai tay của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh tại Ukraine hiện tại là điểm nổi bật của cục diện quốc tế, đang dẫn đến việc củng cố thế lưỡng cực của thế giới. Bắc Kinh một mặt ủng hộ Moskva, nhưng mặt khác cố gắng "làm sao cho việc ủng hộ Nga ở mức độ chấp nhận được với phương Tây", để hai bên không trở thành thù địch. Quan hệ Trung – Nga đa chiều và phức tạp được nhiều chuyên gia tìm cách soi sáng. Chuyên gia về Châu Á Alice Ekman, Viện Nghiên cứu An ninh Liên Âu (EUISS), tác giả cuốn "Dernier vol pour Pékin" (Editions de L’Observatoire), vạch rõ việc Trung Quốc siết chặt quan hệ với Nga. Trao đổi mậu dịch Trung-Nga trong năm qua tăng hơn 30%, đạt mức kỷ lục 190 tỉ đô la.

Tuy siết chặt quan hệ kinh tế với Nga, Trung Quốc cũng chú ý giữ một khoảng cách đủ lớn để không tự biến thành địch thủ của phương Tây. Bắc Kinh không hậu thuẫn Moskva giống như các nước đồng minh và đối tác ủng hộ Kiev trong cuộc kháng chiến chống xâm lăng Nga. Bắc Kinh không cung cấp cho Moskva nhiều vũ khí và trang thiết bị quân sự như mong muốn của Nga.

Nga vùng vẫy tránh rớt xuống vị thế "chư hầu"

Theo chuyên gia Agathe Demarais, giám đốc trung tâm phân tích rủi ro kinh tế EUI của tập đoàn truyền thông Anh quốc The Economist, Trung Quốc ở thế thượng phong trong quan hệ với Nga, Bắc Kinh có thể nhận được những gì mình cần, nhưng Moskva thì không. Cái giá phải trả với Nga là, đánh đổi lấy sự đồng thuận "về ý thức hệ" với Trung Quốc, Nga bị buộc phải chấp nhận thua thiệt về kinh tế.

Tuy nhiên, thế yếu tương đối của Nga trong quan hệ với Trung Quốc cũng được Moskva điều chỉnh với nỗ lực mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong các quan hệ kinh tế, chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực Trung Đông, Iran, Châu Phi, để tránh bị biến thành chư hầu của Trung Quốc "về mặt kinh tế và chiến lược", theo ghi nhận của chuyên gia chính trị quốc tế Pierre Razoux.

Xét về nhiều mặt, cuộc chiến xâm lăng Ukraine của Nga đẩy nhanh thế giới đến thế lưỡng cực, với một bên có trung tâm là Mỹ, bên kia là Trung Quốc. Trong xu thế này, vị thế của Liên Âu đang còn là một dấu hỏi lớn. Bài tổng hợp của AFP đặt câu hỏi : "cuộc chiến này liệu có cho phép Liên Hiệp Châu Âu khẳng định như một tác nhân chủ chốt hay đẩy Liên Âu xuống hàng nhân vật phụ", một trợ thủ của Washington. Hiện tại đây là một vấn đề còn để ngỏ.

Vị thế của Liên Âu - câu hỏi để ngỏ

Theo một giới chức cao cấp của Liên Âu, từng tham gia vào các quyết định lớn của Liên Hiệp ngay từ đầu chiến tranh, Liên Hiệp đã chứng tỏ "khả năng kháng cự, khả năng phản ứng rất nhanh chóng", trong việc hậu thuẫn Ukraine về quân sự, tiếp đón người tị nạn, giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga… Liên Âu đã đáp ứng được các đòi hỏi của tình thế trong hiện tại, nhưng việc Liên Âu có chuẩn bị cho tương lai của mình và vị trí trên bàn cờ thế giới hay không vẫn là câu hỏi lớn để ngỏ. Chuyên gia Agathe Demarais đặt câu hỏi : liệu Liên Âu sẽ trở thành "một khối thứ ba" hay đi theo Hoa Kỳ ?

Hiện tại Liên Âu dồn lực cùng với nước Mỹ và các đồng minh đối tác khác, ủng hộ mạnh mẽ Ukraine trong cuộc kháng chiến, nhưng rõ ràng quan hệ mật thiết với Mỹ sẽ không thể tiếp tục như với chính quyền Biden hiện nay. Liên Âu buộc phải chuẩn bị cho kịch bản phe cực đoan trong đảng Cộng hòa có quan điểm nước Mỹ trên hết như kiểu Donald Trump lên nắm quyền, thay đổi lớn có thể sẽ sớm xảy ra trong một hoặc hai nhiệm kỳ tổng thống Mỹ.

Cuộc chiến tại Ukraine - bước đệm cho chiến tranh khốc liệt hơn ở Châu Á

Nếu như Châu Âu là tâm điểm của xung đột toàn cầu trong thời điểm hiện tại với cuộc chiến tranh tại Ukraine, thế đối đầu chủ yếu của thế giới trong thời gian tới sẽ là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Cuộc chiến tại Ukraine được xem như một bước chuẩn bị cho một cuộc chiến tương lai hứa hẹn sẽ khốc liệt hơn.

Theo tướng James Bierman - tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, trong một phát biểu trên báo Anh Financial Times mới đây, cuộc chiến chống xâm lăng Nga của người Ukraine hiện tại cho phép chuẩn bị cho một cuộc xung đột với Trung Quốc liên quan đến Đài Loan. Tướng Mỹ James Bierman cho biết rõ là ngay từ năm 2014, Mỹ đã chuẩn bị cho xung đột tương lai, huấn luyện quân đội Ukraine, dự trữ các phương tiện… Và đây là điều Hoa Kỳ đang làm cùng với Nhật Bản, Philippines hay các đồng minh, đối tác khác.

Tóm lại cuộc kháng chiến chống xâm lược Nga tại Ukraine được Hoa Kỳ và các đồng minh coi như một bước đệm quan trọng để chuẩn bị cho cuộc đối đầu với Trung Quốc tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, với tâm điểm là Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh khẳng định nếu cần sẽ dùng sức mạnh để "thu hồi".

Khởi đầu cho "sự cáo chung của thị trường toàn cầu" ?

Bên cạnh phương diện quân sự, các trừng phạt kinh tế quyết liệt của phương Tây chống Nga – do cuộc xâm lăng Ukraine – cũng đang làm định hình một tình thế quốc tế hoàn toàn khác trước. Lãnh đạo tập đoàn năng lượng Pháp Total Energies Patrick Pouyanné nói đến "sự cáo chung của thị trường toàn cầu". Việc khối G7 áp giá trần đối với dầu mỏ để siết chặt trừng phạt Nga là một trong những biện pháp không thể có trước đó đối với nền kinh tế thị trường toàn cầu hóa dựa trên luật pháp quốc tế.

Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi : phải chăng tiến trình toàn cầu hóa đã đem lại sự thịnh vượng cho thế giới từ hàng chục năm qua sắp cáo chung ? Theo chuyên gia Agathe Demarais, xu thế thị trường toàn cầu bị "xé nhỏ" vốn đã bắt đầu trước chiến tranh Ukraine, nhưng đại dịch Covid và cuộc chiến tại Ukraine đã làm "tăng tốc" xu thế này.

Nghèo đói gia tăng – hậu quả địa chính trị khó lường

Hậu quả trực tiếp của chiến tranh Ukraine là giá cả thực phẩm, năng lượng để sưởi, để có ánh sáng, các nhu cầu căn bản của xã hội con người, tăng vọt. Và tác động của thực trạng này đến các khối nước khác nhau là rất khác biệt. Khó khăn thêm chồng chất với khối các nước nghèo. Đây cũng là một hệ quả lớn và khó lường khác về địa chính trị của cuộc chiến tranh tại Ukraine. Theo một nghiên cứu của Quỹ Friedrich Ebert (Đức), các phong trào phản kháng liên quan đến "các dịch vụ thiết yếu và nhu yếu phẩm" đang trỗi dậy chưa từng có ở nhiều nơi trong năm 2022 vừa qua.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Marcy A. Kuo, Raymond Kuo, Isabelle Lasserre, France 24, Chi Phương, Đức Tâm, Trọng Thành
Read 275 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)