"Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn nhất nguyên chính trị, một đảng cầm quyền, dựa trên nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…".
Ảnh minh họa tượng bán thân Hồ Chí Minh và chân dung Lý Quang Diệu (Singapore)
"Chính trị nhất nguyên" và "độc tài toàn trị"
Phía tuyên giáo đảng lâu nay vẫn sử dụng mẫu câu đại khái rằng, "nhân dân Việt Nam đã lựa chọn nhất nguyên chính trị, một đảng cầm quyền, dựa trên nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội".
Tuyên giáo đảng cũng cho rằng cần nhận diện và đấu tranh với một số luận điểm sai trái, thù địch cơ bản như nhất nguyên chính trị, một đảng cầm quyền sẽ dẫn đến đất nước chậm phát triển. Ở Việt Nam, không có các đảng chính trị đối lập nên không có sự cạnh tranh quyền lực, dẫn đến chủ quan, tự mãn, kiêu căng, thiếu đổi mới, sáng tạo, cản trở sự phát triển đất nước ? !
"Đây là một quan điểm hoàn toàn sai trái, phản động nhằm mục đích xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, xóa bỏ vai trò cầm quyền của đảng" – Tuyên giáo đảng luôn mặc định với những từ – ngữ mang tính ‘chụp mũ’ như vậy với sau đó có thể là điều luật hình sự 117.
Vấn đề ở đây là nên hiểu thế nào là "các đảng chính trị đối lập" mà tuyên giáo đảng "mặc cảm" cho rằng đang đe dọa sự hiện diện của đảng cộng sản Việt Nam trong lòng dân chúng – bởi nếu thật sự "nhân dân Việt Nam đã lựa chọn", thì sao lại ngần ngại với những "tự diễn biến – tự chuyển hóa" ?
Nhìn từ đảo quốc sư tử
Singapore là một hình mẫu có thể dùng làm phản biện cho bảo thủ nhất nguyên chính trị của Việt Nam.
Singapore rời khỏi Malaysia trong tháng 8 năm 1965. Đảng Hành động Nhân dân (viết tắt theo tiếng Anh : PAP) của Singapore ban đầu tuân theo kiểu một tổ chức đảng Leninist truyền thống, với lực lượng tiên phong từ những nhà hoạt động trong phong trào công nhân và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Ban chấp hành Đảng sau đó trục xuất phái tả khuynh vào năm 1958, đưa ý thức hệ cơ bản của đảng chuyển sang trung dung, và sau đó trong thập niên 1960 thì chuyển xa hơn về hữu khuynh.
Vào lúc đầu, có khoảng 500 "cán bộ nòng cốt lâm thời" được bổ nhiệm, song hiện nay không rõ về số lượng cán bộ nòng cốt và đăng ký cán bộ nòng cốt được giữ trong bí mật. Các thành viên nòng cốt có quyền tham dự các đại hội đảng và bầu cử cùng ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương (CEC), thể chế tối cao của đảng.
Để trở thành một cán bộ nòng cốt, một đảng viên đầu tiên cần phải được nghị viên trong chi bộ đề cử. Ứng cử viên sai đó trải qua ba phiên phỏng vấn, mỗi phiên với bốn hoặc năm bộ trưởng hoặc nghị viên, và sau đó được Ban Chấp hành Trung ương bổ nhiệm. Khoảng 100 ứng cử viên được đề cử mỗi năm.
Quyền lực chính trị trong đảng tập trung tại Ban Chấp hành Trung ương (CEC), do Tổng bí thư lãnh đạo, nhân vật này là thủ lĩnh của đảng. Do Đảng Hành động Nhân dân thắng cử trong một kỳ tổng tuyển cử kể từ năm 1959, Thủ tướng Singapore luôn là Tổng bí thư của Đảng Hành động Nhân dân kể từ đó.
Hầu hết thành viên của Ban chấp hành Trung ương cũng là các thành viên nội các. Từ năm 1957 trở đi, quy tắc được đưa ra là Ban chấp hành Trung ương sắp mãn nhiệm sẽ tiến cử một danh sách các ứng cử viên, từ đó các thành viên nòng cốt có thể bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Trung ương khóa tới. Điều này bị cải biến gần đây khi Ban Chấp hành Trung ương đề cử tám thành viên và hội nghị đảng đoàn chọn mười thành viên còn lại.
Trên phương diện lịch sử, vị trí Tổng bí thư không đương nhiên là giữ chức Thủ tướng. Thay vào đó, Ban Chấp hành Trung ương tổ chức một cuộc bầu cử để lựa chọn Thủ tướng. Từng có một cuộc tranh đua giữa Tổng bí thư Lý Quang Diệu và thủ quỹ ngân sách của PAP là Vương Vĩnh Nguyên. Lý Quang Diệu giành chiến thắng và trở thành thủ tướng đầu tiên của Singapore.
Kể từ đó, theo truyền thống thì thủ tướng của Singapore là tổng bí thư của đảng.
Tôn trọng xã hội dân sự
Trong tháng 1 năm 1991, Đảng Hành động Nhân dân giới thiệu Sách trắng về giá trị chung, theo đó nỗ lực thiết lập một ý thức hệ quốc gia và thể chế hóa các giá trị Châu Á.
Đảng cũng nói họ "bác bỏ" điều mà họ cho cho là dân chủ tự do kiểu phương Tây, bất chấp sự hiện diện của nhiều khía cạnh dân chủ tự do trong chính sách công của Singapore như công nhận các thể chế dân chủ.
Ý thức hệ kinh tế của đảng luôn chấp thuận sự cần thiết đối với một số chi tiêu phúc lợi, can thiệp kinh tế thực dụng và chính sách kinh tế. Tuy nhiên, các chính sách thị trường tự do trở nên phổ biến từ thập niên 1980, nằm trong thi hành quy mô lớn hơn chính trị tinh anh trong xã hội dân sự, và Singapore thường được xếp hạng rất cao về các chỉ số "tự do kinh tế" theo đánh giá của các tổ chức như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Ở Singapore, các ghế trong Hội đồng lập pháp, cũng như ở Quốc hội phần lớn thuộc về Đảng Hành động Nhân dân. Hiểu theo cách nào đó, họ khá gần với mô hình nhất nguyên chính trị.
Tại bầu cử 2020, ngoài PAP, có ít nhất các đảng như Workers’ Party, Peoples Voice, Progress Singapore Party… tham gia. Singapore không phải là nước có hệ thống đa đảng đầy đủ như Mỹ, Anh, nhưng cũng không phải là nước độc tài toàn trị như Việt Nam.
Do vậy nên nếu mang so về đời sống kinh tế giữa Việt Nam và Singapore thì người ta dễ nhận ra rằng quả thật khó tương đồng đại lượng. Dường như ở đây là chuyện thiếu động lực cạnh tranh của tinh thần ái quốc và sự liêm chính từ cấp lãnh đạo cao nhất ?
Đề xuất thử đặt ra thay cho lời kết của bài viết này : người dân Singapore ủng hộ có các đảng đối lập được tồn tại là nhằm để làm tăng minh bạch, gây sức ép nhất định cho đảng PAP. Tại sao Việt Nam không học hỏi mô hình này thay cho việc cứ loay hoay bảo thủ của "đốt lò" mong quan chức vì sợ hãi mà buộc phải liêm chính…
Hồng Dân
Nguồn : VNTB, 27/02/2023