Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/03/2023

Giấc mơ đại học

Mai Lan

Ăn mày quá khứ

Ước vọng học vấn đại học dường như đang tỷ lệ nghịch với những hô hào về thành tích của lãnh đạo.

daihoc1

Đằng sau kết quả học tập của con là sự hi sinh thầm lặng của người mẹ 

Trong bài phát biểu nhậm chức Chủ tịch nước hôm sáng ngày 2/3/2023 của ông Võ Văn Thưởng, có đoạn mang tính hô hào thành tích của lãnh đạo :

"Trong giờ phút đặc biệt quan trọng này, tôi xin bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh – anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người sáng lập và là chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nguyện không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

Mãi mãi ghi ơn những hy sinh, công lao to lớn của các bậc lãnh đạo tiền bối, của các thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và người Việt Nam yêu nước, để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế uy tín quốc tế như ngày nay.

Tự hào về cơ đồ tiềm lực vị thế uy tín của đất nước, càng nhận thức sâu sắc về yêu cầu, nhiệm vụ khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, càng quyết tâm để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc ; phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Cũng trong bài diễn văn này, ông Võ Văn Thưởng kể lể :

"Trong hành trình từ một sinh viên và là chủ nhiệm Câu lạc bộ Lý luận trẻ của Khoa Triết học, trường đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh cho đến hôm nay, được vinh dự tuyên thệ trước Quốc hội, đồng chí, đồng bào, cử tri cả nước, tôi đã từng chứng kiến nhiều người dao động, rời hàng ngũ khi các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ và từng bước nhận thức được đầy đủ, sâu sắc hơn về tầm quan trọng của lòng trung thành, sự kiên định về mục tiêu lý tưởng và con đường đi tới của dân tộc mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Tôi may mắn được trưởng thành trong nghĩa Đảng, tình dân, được truyền cảm hứng từ bàn tay, khối óc, sự cần cù, chịu thương chịu khó và nỗ lực vươn lên của người dân ở cả 3 miền đất nước. Tôi luôn tâm niệm phải nỗ lực, cố gắng để làm nhiều hơn nữa những điều có ích, kiên trì theo đuổi những giá trị tốt đẹp".

Nghèo quá, tiền đâu đi học, thưa ông tân chủ tịch

Từ hai đoạn trích dẫn trên cho thấy cái thời sinh viên với những phong trào đoàn hội mà ông tân Chủ tịch nước từng là thủ lĩnh để từ đó đi lên đến đỉnh cao quyền lực như lúc này, giờ đây gần như chỉ dành cho những gia đình giàu có, bởi rất đơn giản, học phí bậc đại học công lập ngày càng đắt đỏ, trong khi dân chúng ngày càng nghèo thì "bồ lúa" còn không đủ ăn thì lấy đâu sắm "bồ chữ" cho con cháu mình như lời của ông, bà để lại.

Xin dẫn chứng. Tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra chiều 4/3/2023, ông Mai Thanh Phong – hiệu trưởng trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) – cho rằng trong bối cảnh các trường đại học tự chủ, học phí tăng lên khiến nhiều thí sinh khó vào đại học. Do đó, tín dụng cho sinh viên rất quan trọng và kiến nghị lãnh đạo thành phố xem xét đề án tín dụng sinh viên đã gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

"Tín dụng sinh viên có hơn chục năm nay vay qua ngân hàng chính sách nhưng điều kiện vay, bảo lãnh, thời gian vay, hỗ trợ lãi suất hiện có nhiều bất cập", ông Phong nói thêm.

Theo báo cáo của Trưởng ban Kế hoạch Tài chính, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, học phí tăng đã có ảnh hưởng đến sinh viên. Khảo sát cuối năm 2021 đối với trên 39.000 sinh viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy có 46% sinh viên trong hoàn cảnh gia đình bị mất nguồn thu, 53% sinh viên gặp khó khăn về học phí và có 5% sinh viên nợ học phí.

Ông Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận việc tăng học phí trong các trường đại học công lập tự chủ có thể làm giảm cơ hội được đến trường của các sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ đại học.

Ông Quân đưa ra dữ liệu, thống kê năm 2016 của Ngân hàng Thế giới cho thấy tỉ lệ sinh viên đại học đến từ các gia đình có mức thu nhập cao là 52%, trong khi chỉ có 19% sinh viên đến từ các gia đình có mức thu nhập thấp, nhất là trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19.

Tín dụng sinh viên đang là ‘son phấn’ để phục vụ tuyên truyền ?

Tín dụng dành cho sinh viên cần có những "phiên bản cập nhật" mang tính thực chất hơn so với những hô hào mang tính cổ động chính trị. Ngoài ra vấn đề đầu tư ngân sách quốc gia vào giáo dục bậc đại học cần phải được duy trì, chứ không thể vin vào chuyện "tự chủ tài chính" rồi phó mặc các trường mang tiếng công lập, nhưng lại có mức học phí đắt đỏ so mức sống phổ quát chung của dân chúng.

Theo đề xuất của ông Vũ Hải Quân thì cần có lộ trình điều tiết ngân sách nhà nước đối với các trường đại học tự chủ, theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường đại học đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4-5 năm), để đảm bảo việc tăng học phí của các trường đại học tự chủ phải theo lộ trình.

Cùng với đó là sớm hoàn thiện các thể chế, chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác cũng như nghiên cứu chuyển giao khoa học và công nghệ, thúc đẩy văn hóa hiến tặng… Ngoài ra, cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sinh viên, cũng như điều chỉnh mức cho vay nhằm đảm bảo cho sinh viên có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí.

Đồng thời, cũng cần nghiên cứu giảm mức lãi suất cho vay đối với sinh viên vay vốn là 3%-4%/ năm hoặc chia theo lộ trình trong thời gian đi học được áp dụng lãi suất vay ưu đãi là 3%-4%/ năm ; sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ áp dụng lãi suất cao hơn.

Điều chỉnh thời gian vay tối thiểu 15 năm hoặc gấp ba lần thời gian vay (ví dụ, học bốn năm được vay và trả nợ vay tối đa là 12 năm ; học bảy năm được vay và trả nợ vay tối đa là 21 năm). Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành chính sách tín dụng cho vay thương mại dành cho sinh viên… để tạo những hỗ trợ tối đa cho sinh viên trong quá trình đi học.

…Mai này, rồi sẽ có người nhắc về một kỳ tích của bà mẹ bán hàng bông hay người cha ngư dân nuôi được con thành tài là tiến sĩ nổi tiếng hay bác sĩ y khoa có bàn tay vàng. Song đừng quên gánh nặng đổ lên vai những người cha người mẹ của họ, hy sinh cả đời mình cho con, chấp nhận mất mát, thiệt thòi.

Xem chừng "phúc lợi xã hội" trong quyền được đi học ở xứ Việt chỉ là trò bỡn cợt của những nhà làm chính trị xứ Việt – kiểu như hô hào ở bài phát biểu lúc nhậm chức Chủ tịch nước chẳng hạn…

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 06/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai Lan
Read 281 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)