Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/03/2023

Sử xưa không đáng học, đáng nhớ ?

Diệp Chi

Đi thi đại học đề thi sử toàn là những trận chiến của thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ

suviet1

Lịch sử là một môn học rất quan trọng nhưng vẫn chưa được chú ý nhiều mà chỉ học để ứng phó

Giữa tháng 7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông mới. Thay vì là môn lựa chọn, lịch sử trở thành môn bắt buộc với 52 tiết mỗi năm ở lớp 10, 11, 12.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, trong phương án thi Tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, học sinh sẽ phải thi 4 môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ, lịch sử. Lý do là theo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh từ lớp 10 đã học các môn bắt buộc và tự chọn, trong các môn bắt buộc có môn lịch sử.

Dẫn theo một thông tin từ báo chí, "Một công dân tốt nghiệp lớp 12, không học đại học, không làm chuyên gia… thì cũng phải biết tối thiểu về lịch sử của đất nước. Chỉ học sử phổ thông sơ sơ ở cấp 1, cấp 2 thì không đủ cho nên các em phải thi môn Lịch sử trước khi làm người. Đây là kiến thức phổ thông căn bản các em cần phải biết" – Nhà giáo ưu tú, Giáo sư Tiến sĩ Võ Văn Sen.

"Mình cảm thấy rất tốt khi nghe được tin này, rõ ràng lịch sử là một môn học rất quan trọng nhưng vẫn chưa được chú ý nhiều mà chỉ học để ứng phó, thêm nữa do một phần cách dạy cũng làm giảm đi tính hấp dẫn và thú vị của nó.

Đối với mình về mặt nào đó thì lịch sử còn quan trọng hơn hẳn khi so sánh với các môn bên trên. Mục đích lớn nhất của việc học lịch sử là giúp chúng ta biết "bản thân" là ai giữa vô vàn "người", không quên nguồn gốc dân tộc mình trong dòng sông lịch sử, việc lơ là lịch sử không khéo sẽ làm mất đi bản sắc dân tộc, hoà nhập nhanh hóa lại thành hoà tan, mất nhiều hơn được", một ý kiến chia sẻ.

"Biết về lịch sử của đất nước, để không phải "chuyện ngoài ngõ thì tỏ, chuyện nhà thì không" theo mình là điều vô cùng chính đáng. Nhưng câu hỏi đặt ra, Sử đã và đang biết có đúng thật sự là "chuyện nhà" không ?", Ngọc, một cựu sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh ý kiến.

"Câu chuyện của cách đây hơn chục năm trước, khi còn là hai kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đại học, tôi là học sinh thi vào khối C. Thời điểm đó, thi tốt nghiệp, ngoài toán, văn, ngoại ngữ thì ba môn còn lại vẫn là một ẩn số, lựa chọn của lý, hóa, sinh, sử, địa.

Trước khi có kết quả năm đó sẽ thi môn nào thì năm môn nói trên, sau khi thi xong học kỳ 2 của lớp 12, vẫn phải "học ngày học đêm". Sử khi đó, theo quan điểm của tôi, học bài đến mức khô khan, cứng nhắc. Trận chiến nào cũng phe địch thiệt hại, phe ta thiệt hại bao nhiêu rồi sau mỗi trận chiến rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc…. Học sinh thì học ngày học đêm, giáo viên thì cứ đến tiết là chia ra, một hàng kiểm tra giấy, ba đứa lên bảng, rồi vài đứa lên trả bài. Ai không thuộc thì cấm túc, riết rồi đâm ra ám ảnh, hỏi ai thích cho nổi ?

Rồi đi thi đại học, ra cái gì ? Toàn là những trận chiến của thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Trong khi cả một thời gian dài của sử từ Lạc Long Quân cùng Âu Cơ thành lập họ Hồng Bàng cho đến Nguyễn Huệ rồi Gia Long, chẳng thấy đâu. Không có "tiền nhân" sao có "hậu nhân" ? Vì sao toán, lý, hóa khi đó là hệ thống kiến thức của 11 và 12, còn sử thì không ? Vì sao phải buộc học sinh chuyên ngành xã hội chỉ phải nhớ mỗi thời kỳ từ 1858 đến 1975 ?", Minh, cựu sinh viên một ngành xã hội lắc đầu nói.

Tựu trung lại, việc đưa môn lịch sử vào thi bắt buộc ở bậc trung học phổ thông, có thể là một điều nên làm, hy vọng phần nào đem đến niềm hứng khởi cho các bạn trẻ tuổi học đường khi học môn này.

Song, nếu sử vẫn thuộc về "bên thắng cuộc" ; bậc "tiền nhân" vẫn bị lãng quên như trường hợp của Tổng trấn Lê Văn Duyệt, của chúa Nguyễn Ánh… cho dù có chú trọng vào môn lịch sử, thì nó cũng chỉ là thêm một gánh nặng học hành cho các em học sinh mà thôi…

Diệp Chi

Nguồn : VNTB, 05/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diệp Chi
Read 258 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)