Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/03/2023

Cảnh báo về hệ lụy từ "đảo chiều" chính sách

Phạm Quý Thọ

Tập đoàn bất động sản FLC sụp đổ cảnh báo về hệ lụy từ "đảo chiều" chính sách

Theo đuổi tăng trưởng nhanh thường làm cho nền kinh tế nóng lên, trong đó lĩnh vực bất động sản (bất động sản) là dư địa lớn. Là một trụ cột của nền kinh tế sau chu kỳ tăng nóng, lĩnh vực bất động sản cần thiết cú "hạ cánh mềm" (tiếng Anh là Soft Landing) bởi sự điều hành chính sách để tránh suy thoái. Tuy nhiên, sự đảo chiều chính sách đột ngột, trong đó có việc bắt giam một loạt các đại gia bất động sản, khiến nền kinh tế đang hứng chịu những hệ luỵ khó lường. Tập đoàn FLC đang sụp đổ là một điển hình được trình bày dưới đây.

flc1

Tỷ phú Trịnh Văn Quyết trong một lần trả lời phỏng vấn ở văn phòng tại Hà Nội hôm 30/7/2018 (minh họa) - AFP

Sự sụp đổ hiện hữu

Bắt giữ một ‘đại gia’ có thể dẫn đến sụp đổ một tập đoàn. Ngày 29/3/2022, ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch tập đoàn FLC - bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi "thao túng thị trường chứng khoán" và "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán". Kể từ đó đến nay, đã một năm trôi qua, nhiều ‘xáo trộn’ đã diễn ra khiến nguy cơ FLC sụp đổ hiện hữu.

Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Mã chứng khoán HOSE:FLC) là một doanh nghiệp tư nhân chủ yếu kinh doanh bất động sản, được thành lập vào ngày 25 tháng 10 năm 2011. Tiền thân của FLC là Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Trường phú Fortune được thành lập năm 2001 với số vốn ban đầu là 18 tỷ đồng. Trước thời điểm ông Quyết bị bắt, FLC là một tập đoàn "đình đám", gồm 17 công ty thành viên hoạt động chủ yếu liên quan đến bất động sản nhưng đã dần mở rộng sang một số lĩnh vực khác, trong đó có hàng không dân dụng với hãng Bamboo Airways. Sản phẩm của FLC gồm nhiều công trình, dự án bất động sản, nghỉ dưỡng, du lịch lớn nhỏ đang vận hành và còn dở dang. Năm 2015 vốn điều lệ tăng lên gần 8.400 tỷ đồng, gấp hơn 50 lần vốn đăng ký…

Tuy nhiên, Tập đoàn này đang đứng trước bờ vực sụp đổ và, dường như, khó tránh khỏi. Ngày 8/3/2023 Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) có quyết định chuyển cổ phiếu KLF của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS sang diện bị đình chỉ giao dịch kể từ ngày 14/3. Như vậy, đây là cổ phiếu cuối cùng liên quan đến FLC trên sàn chứng khoán sẽ không còn được giao dịch. Được biết, trước đó, sàn HOSE cũng đã quyết định đưa hơn cổ phiếu AMD của Công ty cổ phần Đầu tư và khoáng sản FLC Stone vào diện đình chỉ giao dịch. Nguyên nhân của các quyết định trên là do quá hạn nộp báo cáo tài chính năm 2022. Như vậy, "họ FLC" gồm FLC, AMD, KLF, ART, HAI, ROS và GAB đến nay đã không còn mã nào được giao dịch trên thị trường niêm yết.

Các lĩnh vực kinh doanh khác cũng đang rất khó khăn. Ngoài khủng hoảng nhân sự lãnh đạo, theo thông tin từ Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 của FLC được tổ chức ngày 04/03/2023 với nhiều nội dung đáng chú ý xoay quanh chủ trương "tái cơ cấu toàn diện" như Tái cấu trúc nguồn vốn, sử dụng tài sản của Tập đoàn để xử lý các khoản vay trái phiếu, vay tại các tổ chức, cá nhân ; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án, liên doanh/liên kết với các đối tác để đầu tư, triển khai dự án..., trong đó có cả bán cổ phần tại Hãng hàng không Bamboo Airways.

Ngoài ra, nhiều đối tác và địa phương đã và đang "quay lưng lại" với tập đoàn. Chẳng hạn, UBND tỉnh Bình Định ngày 8/12/2022 đã chấm dứt hoạt động dự án Eo Gió của FLC. Cũng trong tháng này, UBND tỉnh Hòa Bình giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án Quần thể du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf của Tập đoàn FLC tại huyện Yên Thủy. Lý do đưa ra là để tìm nhà đầu tư khác có năng lực hơn thực hiện các dự án…

Đảo chiều chính sách

"Chính phủ kiến tạo" là phương châm điều hành với cam kết khuyến khích thay vì mệnh lệnh hành chính đặt trọng tâm vào các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong môi trường thể chế đang chuyển đổi với nhiều khiếm khuyết do quan điểm cải cách cũng như chính sách điều hành, ở trung ương cũng như các điạ phương được phân quyền. Chính sách khuyến khích kinh doanh đã tạo ra động lực to lớn cho các doanh nhân "vượt qua" nhiều rào cản pháp lý và thể chế và, chính quyền vẫn "nhượng bộ" để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Tập đoàn FLC đã có quá trình tăng trưởng "thần tốc" nhưng cũng hơn một lần "dính đến" pháp lý. Tuy nhiên, đã "thoát" bởi cách tiếp cận giải quyết "vấn đề" không thống nhất giữa các cơ quan chức năng. Chẳng hạn, từ năm 2016 FLC đã từng bị Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra một số sai phạm, trong đó quy hoạch xây dựng và thực hiện dự án khi chưa có giấy phép, tại hai địa phương đối với hai dự án du lịch nghỉ dưỡng tại Tp. Sầm Sơn, Thanh Hóa và Quy Nhơn, Bình Định. Tuy nhiên, lãnh đạo của hai tỉnh trên đã phản hồi về kết quả thanh tra, rằng những vi phạm được nêu tại văn bản thanh tra đều không nghiêm trọng, không gây thiệt hại và đều đã được khắc phục, điều chỉnh ; đồng thời không những không gây hậu quả nghiêm trọng, ngược lại còn tác động tích cực đến kinh tế đất nước và địa phương nên "cần được cân nhắc trong việc xử lý". Chính quyền địa phương cho rằng đối với những tỉnh nghèo, khó khăn thì việc thu hút nguồn vốn từ tư nhân vào phát triển kinh tế là đặc biệt quan trọng và cần tạo điều kiện thông thoáng và môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, "đó chính là mục tiêu của Chính phủ kiến tạo, phục vụ. Và vai trò của các địa phương trong vấn đề này là hết sức quan trọng".

Các nhà điều hành chính sách kinh tế cả ở trung ương và địa phương đã không lường được điều gì xảy ra khi cải cách kinh tế đã không được được cải cách chính trị đồng hành. Và, sự đảo chiều chính sách đã diễn ra sau Đại hội 13 năm 2021, trong đó yếu tố quyền lực thắng thế nghiêng về cách tiếp cận với các giải pháp mang tính chính trị, thậm chí hình sự hóa để củng cố vai trò của Đảng Cộng sản. Từ đầu năm 2022 một loạt các đại gia của các tập đoàn lớn như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, FLC và nhiều doanh nghiệp bất động sản đã bị bắt giam, trong đó các hành vi thao túng thị trường chứng khoán và trái phiếu bất động sản bị cho là phạm tội chỉ là khởi đầu.

"Hệ lụy"

Những cảnh báo rằng "ông Chủ tịch Tập đoàn bị bắt nhưng đừng ‘bắt’ FLC sụp đổ" đã tỏ ra "yếu ớt" bởi vì động thái "mạnh" như trên không chỉ mang tính răn đe, mà hơn thế phản ánh bản chất chuyên chế của chế độ trước sự thách thức của ‘tư bản" ! Thực tế cho thấy, sau một năm kể từ ngày ông Trịnh Văn Quyết và nhiều lãnh đạo của một số tập đoàn bị bắt giam, "khủng hoảng" lĩnh vực bất động sản đã không những không ngăn chặn được mà ngược lại, còn thêm trầm trọng. Nền kinh tế như một cơ thể sống với các quan hệ mật thiết đang chịu tác động nặng nề do sụp đổ mang tính đô-mi-nô, không chỉ hơn 50% số doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường mà hiệu ứng còn lan sang tài chính, ngân hàng, việc làm, thu nhập của hàng trăm ngàn lao động bị cắt giảm… Người ta không chỉ "bi quan" về thời kỳ hoàng kim tăng trưởng nhờ trụ cột bất động sản đang dần khép lại, mà còn lo lắng về sụt giảm tăng trưởng kinh tế.

Những biện pháp hình sự hóa kinh tế từng bị coi là "ấu trĩ", chỉ áp dụng trong thời kỳ bao cấp, nhưng dường như đang "hồi sinh" trong bối cảnh tái thiết lập chế độ toàn trị. Hơn cả "hạ cánh cứng" bởi các chính sách kinh tế, sự đảo chiều chính sách đột ngột mang tính chính trị, can thiệp hành chính vào các quan hệ kinh tế, trấn áp tư bản "bành trướng vô trật tự" khiến giới doanh nhân hoang mang, ‘đình trệ kinh doanh lấy đâu ra tăng trưởng’ ? Và, giai đoạn trì trệ của nền kinh tế là hệ lụy nhãn tiền.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 14/03/2023

Phạm Quý Thọ là Phó Giáo sư Tiến sĩ, nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ
Read 341 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)