Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/03/2023

Tại sao phải đưa cả trẻ em vào dự thảo sửa đổi Luật Đất đai ?

Nguyễn Ngọc Già - Viết từ Sài Gòn

Những nguy hại khi sửa Luật Đất đai

Nguyễn Ngọc Già, RFA, 14/03/2023

Báo Người Lao Động ra ngày 10 tháng Ba năm 2023 có bài [1] "Xôn xao hội nghị lấy ý kiến của trẻ em vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi". Bài báo cho biết, nhiều người cho rằng, ngay cả người lớn chưa chắc đã đủ khả năng để hiểu về Luật Đất đai. Cho nên, lấy ý kiến của trẻ em là một câu chuyện trào phúng - vốn chỉ nên xuất hiện trên sân khấu hài kịch.

datdai1

Hình ảnh lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gây xôn xao (Ảnh : Kinh tế đô thị).

Càng đáng kinh ngạc về trình độ của những người có "sáng kiến" đưa trẻ em vào diện lấy ý kiến về Luật Đất đai, khi trang thuvienphapluat [2] trả lời thắc mắc của độc giả băn khoăn về câu chuyện "lấy ý kiến trẻ em", vốn "có một không hai" trong suốt gần nửa thế kỷ, kể từ 1975.

(Trích nguyên văn)

Hỏi : Trẻ em có phải là đối tượng lấy ý kiến về dự thảo luật đất đai ?

Trả lời : Theo khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 671/NQ-UBTVQH15 năm 2022, các đối tượng lấy ý kiến dự thảo luật đất đai bao gồm :

- Các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài ;

- Các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương ; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội ;

- Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác ;

- Các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.

Như vậy, trẻ em là đối tượng thuộc tầng lớp Nhân dân ở Việt Nam nên sẽ được lấy ý kiến về dự thảo luật đất đai.

(hết trích).

Định nghĩa khôi hài từ trang thuvienphapluat - trẻ em là đối tượng thuộc tầng lớp nhân dân - được "gia cố chắc chắn" thêm, từ ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, thương binh và xã hội) bằng cách trả lời với phóng viên Vietnamnet rằng [3] : "Luật quy định lấy ý kiến toàn dân, tức là không loại trừ đối tượng nào".

Theo cách giải thích của "con nhà luật" như thượng dẫn, khi Hiến pháp 2013 được đưa ra để "lấy ý kiến nhân dân", người ta không thấy trẻ em nằm trong diện cần lấy ý kiến cho Hiến pháp [4], đang được sửa đổi vào lúc bấy giờ (!).

Quả thật, Luật và các định nghĩa xoay quanh Luật - khi "rơi vào tay" những "nhà luật học" được dạy dỗ hàng chục năm "dưới mái trường xã hội chủ nghĩa", bỗng trở thành một thứ hổ lốn - hỗn tạp. Bất kỳ một "luật gia" hay "luật sư" nào cũng có thể tạo ra một thứ gọi là "định nghĩa luật". Trong khi đó, khoản 2 điều 159 Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật đã quy định rõ ràng "Ủy ban thường vụ Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh".

Nguy hại hơn và quan trọng nhứt trong Luật Đất đai sửa đổi là việc ghi tên tất cả các thành viên hộ gia đình vào trong "sổ đỏ" :

1. Không có "sổ hộ khẩu" tức không có "hộ gia đình". Nguy hại này đồng nghĩa buộc Chính phủ phải tốn rất nhiều công sức và ngân sách để "tái sinh" lại "sổ hộ khẩu", vốn vừa được hủy bỏ, để thay bằng cách quản lý văn minh - hiện đại hơn.

2. Mảnh đất (dù là đất nông nghiệp hay phi nông nghiệp), lại được căn cứ vào "hộ gia đình" mà chắc chắn có những thành viên trong gia đình không hề góp công - góp của vào hình thành nên mảnh đất đó, như : con ruột (cha mẹ nuôi nấng từ tấm bé đến khi trưởng thành), con dâu - con rể (chuyển khẩu về ở chung), các cháu nội - ngoại (hoàn toàn phụ thuộc vào ông bà - cha mẹ chúng) và các trường hợp khác (như bà con xin được nhập khẩu cho tiện việc sinh hoạt, làm việc, đi lại v.v.). Nếu ghi tất cả những người này vào trong "sổ đỏ", mặc nhiên, công nhận họ có quyền và lợi ích gọi là "hợp pháp" theo quy định của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

3. Từ lý do thứ nhì (kể trên), rất dễ dàng sinh ra tranh chấp và tranh giành mảnh đất, vốn họ không hề có công - có của gì trong đó.

4. Phát sinh những nguy hại khôn lường về các quyền khác, như : quyền thừa kế, quyền cho - tặng mà luật pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định từ lâu. Điều này có nghĩa, một khi ghi tên tất cả thành viên trong "hộ gia đình", tức là buộc Quốc hội phải sửa đổi các luật có liên quan về quyền thừa kế - cho tặng, ví dụ như Bộ luật Dân sự.

5. Từ nguy hại thứ ba và thứ tư kể trên, một khi phát sinh sẽ phá hủy dễ dàng văn hóa vốn được nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam xác định "phải giữ gìn bản sắc băn hóa đậm đà bản sắc dân tộc" và phong trào học và làm theo tư tưởng - đạo đức - phong cách Hồ Chí Minh càng thất bại và phô bày một xã hội rữa nát, bởi lợi ích cá nhơn với "chuẩn mực" đồng tiền ngự trị rộng khắp và chính nó sẽ ngang nhiên bước vào phá nát gia cang từng "hộ gia đình".

Dù Luật Đất đai đang được sửa đổi (chưa biết toàn bộ thành viên "hộ gia đình" có được ghi tên trong "sổ đỏ" hay không) nhưng vụ án rúng động nhân tâm vào ngày 14/12/2022, vẫn con gây kinh hoàng trong "nhân dân" như báo Lao Động kể rằng [5] :

Tại tỉnh Hưng Yên, một ngày "đẹp trời" nọ, có ba cô con gái của một bà mẹ, đã cùng nhau xách xăng qua đốt nhà mẹ đẻ, chỉ vì bà mẹ này phân chia không công bằng các mảnh đất (do người cha đã khuất để lại) mà lại ưu ái quá nhiều cho người con trai. Kết quả, bà mẹ và hai cô con ruột đã chết vì phỏng quá nặng. Cô con gái còn lại bị khởi tố vì tội giết người !

Vụ án mạng nói trên xảy ra, rồi chìm vào quên lãng như cây cau già mục gốc ngã quỵ với văn hóa nông nghiệp lạc hậu cùng tục ngữ "đất lề quê thói". Giả sử, Luật Đất đai sửa đổi đã thông qua với việc ghi tên tất cả thành viên trong "hộ gia đình" vào các mảnh đất, thì ba cô con gái kia và bà mẹ già nọ cùng đứng tên trong vài ba cái "sổ đỏ", chuyện ly kỳ gì sẽ xảy ra (?!)

Ôi ! Luật ! Luật của xứ thiên đàng vẫn mãi âm u như cánh rừng già hoang dại từ ngàn năm trước !

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 14/03/2023

[1] https://nld.com.vn/thoi-su/xon-xao-hoi-nghi-lay-y-kien-cua-tre-em-vao-du...

[2] https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat...

[3] https://vietnamnet.vn/hoi-nghi-lay-y-kien-tre-em-ve-du-thao-luat-dat-dai...

[4] https://hcmcpv.org.vn/van-ban/nghi-quyet/nghi-quyet-to-chuc-lay-y-kien-n...

[5] https://laodong.vn/phap-luat/vu/3-con-gai-mang-xang-dot-nha-me-de-o-hung...

***************************

Lấy ý kiến trẻ em trong dự thảo luật đất đai, dân chủ hay đầu độc ?

Viết từ Sài Gòn, RFA, 13/03/2023

Từ ngày 10/903/2023, mặc dù đậm tính hình thức (chả biết để làm gì !), Quốc hội Việt Nam đã thông qua việc lấy ý kiến trẻ em trong dự thảo luật đất đai sửa đổi. Trước đó, ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà đã có đề xuất "ghi tất cả các thành viên gia đình vào sổ hồng" (cũng xin nói thêm, hiện tại, Việt Nam tồn tại hai cuốn sổ hồng, một sổ hồng cấp quyền sử dụng đất lâu dài, tức đất ở, và các loại đất trồng cây gồm lâm, nông nghiệp có thời hạn 60 năm và một sổ hồng của Bộ Xây dựng cấp cho công trình xây dựng trên mảnh đất mà Bộ Tài nguyên và môi trường đã cấp), sau đề nghị gây sóng đó chưa lâu thì có thêm việc lấy ý kiến trẻ em vì "đây là việc làm đúng luật".

datdai2

Theo dự thảo, thửa đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình thì sẽ cấp một sổ hồng ghi đầy đủ tên thành viên trên sổ và trao cho người đại diện.

Thử đặt câu hỏi : Việc ghi tên tất cả các thành viên trong gia đình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có hợp lý ? Và việc lấy ý kiến trẻ em trong dự thảo luật đất đai sửa đổi có hợp lý ?

Ở vấn đề thứ nhất, việc ghi tên các thành viên trong gia đình vào sổ hồng (tức giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) mới nhìn vào giống như một giải pháp cứu bồ cho Bộ Công an sau khi bộ này chuyển qua quản lý công dân bằng mã định danh nhưng lại có quá nhiều bất cập, thông tin đầu vào chưa chuẩn, gặp nhiều trục trặc về mã số định danh cho dù việc này diễn ra đã gần một năm nhưng các điều chỉnh về hộ khẩu gần như tắc tị. Quyết định bỏ hộ khẩu, nghĩa là việc kết nối các thành viên trong gia đình thông qua quản lý điện tử, mọi thông tin cá nhân sẽ dung chứa các vấn đề huyết hệ, gia đình, quyền thừa kế, con nuôi… Thế nhưng, các thông tin tưởng như rất thông minh và chỉ cần sau một cú nhấp chuột đã hiện ra đầy đủ này lại rất mong manh, dễ vỡ trước các hacker, chỉ cần một cú nhấp chuột của hacker thì mọi thứ trở nên thay đổi, thậm chí trắng xóa, mà với các hacker thì ai biết được, lường được giờ nào họ sẽ ra tay ! Đó là chưa kể đến các hacker quốc tế, khu vực.

Bên cạnh đó, việc thu thập thông tin đầu vào của Bộ Công an cũng gặp trục trặc thấy rõ, các mã số định danh và thông tin cá nhân do cán bộ thôn, cán bộ xã thu thập, mà chuyên môn của các nhân viên cấp thôn, cấp xã thì rất đỗi ầu ơ, họ làm vì ngày công, vì bữa nhậu trưa và vì được chỉ định thì làm chứ họ không có kiến thức pháp luật để hướng dẫn người dân điền thông tin đầy đủ, thế nên hầu hết các thông tin trong mã định danh cá nhân hiện tại rất có vấn đề nếu thử tra xét, test lại. Chính vì vậy, việc ghi tên các thành viên gia đình vào sổ hồng cũng là cách biến sổ hồng thành cái sổ mang chức năng kép, vừa là sổ hồng, vừa là sổ hộ khẩu, nó nhằm che đi cái lỗ hổng quản lý từ mã số định danh mà gần năm nay các lỗi đang hiện rõ dần.

Nhưng, nếu biến sổ hồng thành sổ hộ khẩu thì câu chuyện sẽ đi đến đâu ? Thứ nhất, khi đăng ký sổ hồng, chưa chắc các thành viên trong gia đình đã đầy đủ. Ví dụ như một cặp vợ chồng cưới nhau, có một đứa con, dành dụm được tiền để mua đất, xây nhà. Vậy là trong quá trình khai, có đứa con trong sổ hồng. Sau đó, cặp vợ chồng này tiếp tục sinh thêm một hoặc hai đứa con nữa, lúc này, phải mang sổ hồng đi điều chỉnh, mỗi lần đẻ mỗi lần điều chỉnh sổ hồng (đó là trường hợp trang 4 của sổ còn chỗ để điều chỉnh hoặc nhà nước đồng ý cho điều chỉnh). Như vậy, việc ghi tên con vào sổ hồng vô hình trung biến cuốn sổ hồng thành cục đá đè nặng lên các giao dịch, ví dụ như các đứa trẻ ghi tên trong sổ hồng còn nhỏ, chưa đủ tuổi thành niên, chưa đủ năng lực hành vi dân sự và chưa được phép ký đấm giao dịch theo luật hiện hành, nhưng cha mẹ của chúng muốn bán căn nhà này để mua một căn nhà khác thuận lợi hơn, lúc này phải đợi đến khi chúng đủ 18 tuổi chúng mới cùng ra công chứng để ký mà giao dịch. Như vậy, khác nào cầm tù đồng vốn và lấy mất cơ hội của người dân ?

Và cho đến lúc này, có vắt nát óc, tôi cũng không thể hiểu ra được tại sao lại nghĩ ra được cái ý tưởng ghi toàn bộ các thành viên trong gia đình vào sổ hồng ? Cho dù đó là cách thay thế sổ hộ khẩu, thì tại sao không trở lại cái thời quản lý bằng hộ khẩu, tức là tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu nếu bị đuối về mã định danh, từ từ chỉnh sửa tiếp cho nó phù hợp, không bị lỗi ? Vì làm như vậy thì còn khả năng khắc phục lỗi, chứ đẩy từ lỗi mã số định danh sang lỗi sổ hồng nữa thì mọi thứ càng thêm rắc rối, chẳng những không mang lại lợi ích, thuận tiện khoa học mà đẩy guồng máy kinh tế vào chỗ bế tắc. Bởi nói gì thì nói, thị trường nhà đất tại Việt Nam là một mũi nhọn kinh tế khó thay thế, cho đến thời điểm này, cuốn sổ hồng được xem như một loại thẻ siêu chứng khoán, nó vừa hàm chứa những đợt sóng ảo của tiền tệ vừa mang thế vật thực tế bằng tài sản cụ thể, đó là mảnh đất. Và nếu thị trường nhà đất đứng hoặc đóng băng thì kinh tế sụp đổ, khó lường !

Nhưng chuyện đâu chỉ dừng ở lời đề xuất ngớ ngẩn của ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nó tiếp tục trong một pha khác được cho rằng hợp pháp và được định nghĩa một cách "hợp pháp" nhưng kì thực nó đang sai luật trầm trọng, đó là việc lấy ý kiến trẻ em trong dự thảo luật đất đai sửa đổi. Vấn đề lấy ý kiến này được các quan chức và cả các luật sư cho rằng nó đúng luật với cách giải thích nôm na rằng trong dự thảo, theo qui định thì phải lấy ý kiến của toàn dân, và trẻ em cũng là toàn dân nên lấy ý kiến trẻ em là đúng pháp luật. Có một số trường hợp còn dẫn cả luật Bảo vệ trẻ em vào, đại ý là trẻ em được quyền nói lên nguyện vọng của chúng… Xin trích dẫn lời của ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, thương binh và xã hội) trên Vietnamnet.vn : "Ông Hà Đình Bốn nhấn mạnh, việc tổ chức lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) là hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Cụ thể như sau :

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua vào ngày 22/6/2015) tại Điều 76. Trình tự xem xét, thông qua dự án luật tại ba kỳ họp Quốc hội. Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật tại ba kỳ họp theo trình tự sau đây :

Khoản 2 : Trong thời gian giữa kỳ họp thứ nhất và kỳ họp thứ hai của Quốc hội, việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật được thực hiện theo trình tự : Điểm b) Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự án luật theo quyết định của Ủy ban thường vụ Quốc hội (nếu có) ;

Khoản 3. Tại kỳ họp thứ hai : Điểm a) Đại diện cơ quan, tổ chức, đại diện Quốc hội trình dự án luật trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án luật (nếu có)".

Căn cứ Luật Trẻ em 2016, Điều 34 quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp có nêu rõ : "Trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em ; được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em ; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng".

Điều 74, Luật Trẻ em 2016 nêu rõ : Phạm vi, hình thức trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em".

datdai3

Ông Hà Đình Bốn phát biểu tại hội thảo : ‘Lấy ý kiến trẻ em về Dự thảo Luật Đất đai hoàn toàn đúng pháp luật’

Nói như vậy xem như các ông đã làm đúng, chuẩn, các luật sư cũng giải thích cụ thể, cặn kẽ rằng hợp pháp rồi còn gì ! Nhưng, xin thưa là trong các quyền phát biểu của trẻ em, chúng cần được lắng nghe những yêu cầu, nguyện vọng, mong muốn của độ tuổi chúng đang là, tức là phát biểu trong khuôn khổ quyền trẻ em, không bị đối xử bạo lực, không bị ngược đãi, không bị lấy mất quyền đến trường, không được hành hạ trẻ em… Và khi các quyền trẻ em bị ai đó lấy mất, kể cả cha mẹ chúng, thì chúng có quyền được phát biểu và được lắng nghe, được bảo vệ nhằm giúp trẻ có đầy đủ các quyền trẻ em theo hiến định. Điều này khác hẳn với việc vơ đũa cả nắm rằng lấy ý kiến Toàn Dân thì bao gồm cả trẻ em, vì trẻ em cũng là Toàn Dân.

Xin thưa, việc lấy ý kiến trẻ em mà chưa có sự đồng ý của cha mẹ chúng (những người giám hộ hợp pháp) đã là một sự vi phạm pháp luật. Hơn nữa, trẻ em, tức độ tuổi vị thành niên đến trẻ sơ sinh, chúng chỉ có một phần năng lực hành vi dân sự bởi nhận thức về xã hội chưa đầy đủ, cho đến khi 18 tuổi, đầy đủ sức khỏe, trí tuệ, trí lực và kiến thức (đã học hết 12, chuẩn xóa mù chữ theo định nghĩa của giáo dục Việt Nam) thì chúng mới có đủ năng lực hành vi dân sự để tham gia đóng góp ý kiến.

Hiện tại, việc lấy ý kiến của trẻ em mà chưa có sự đồng ý của người giám hộ, cha mẹ là hoàn toàn sai về mặt pháp luật. Mà giả sử đã xin ý kiến cha mẹ, giám hộ đồng ý chăng nữa thì việc này cũng vượt quá khả năng nhận thức của chúng. Bởi ở độ tuổi này, trẻ em chỉ biết ăn, học, chơi, nghe cha mẹ hướng dẫn, dặn dò, dạy bảo, nghe thầy cô dạy bảo, giáo huấn, chúng có quan tâm gì đến quyền thừa kế, quyền sở hữu, quyền này quyền khác mà gieo rắc vào não trạng chúng những chuyện nặng nề đó !

Trẻ em Việt Nam bị đánh mất hồn nhiên và thân thiện kể từ khi những cánh đồng hẹp dần, những cánh rừng biến mất, các nhà máy mọc lên và đi đâu cũng gặp cò đất mà chẳng nhìn thấy con cò trắng trong ca dao thuở nào.

Trẻ em Việt Nam trở nên chai sạn tâm hồn bởi trong tác phẩm văn chương, văn học ngày càng vắng bóng thiên nhiên, mẹ thiên nhiên bị tùng xẻo không thương tiếc và các rung động thi ca, các xúc cảm văn học mang màu sắc của thế giới kim tiền, của bầu khí quyển công nghiệp và của những điều thuộc về mối quan hệ giữa con người với con người đầy rẫy bất công, thô bạo và lòng trắc ẩn bị biến mất.

Trẻ em Việt Nam chưa đủ đau, chưa đủ thiệt thòi, chưa đủ thô bạo hay sao mà những quan chức, các ông lớn lại gieo rắc vào đầu óc non nớt của chúng những suy nghĩ thuộc về quyền lợi, thiệt hơn và cả yếu tố tranh đoạt ngầm chứa bên trong ?

Rõ ràng, việc lôi kéo trẻ em tham gia lấy ý kiến trong dự thảo luật đất đai sửa đổi là một việc làm không những sai quy định pháp luật mà còn vô bổ, thậm chí đầu độc trẻ em, lấy mất khoản hồn nhiên còn sót lại trong tâm hồn vốn mỏng manh, yếu đuối, dễ vỡ của chúng. Nên dừng càng sớm càng tốt !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 13/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Ngọc Già, Viết từ Sài Gòn
Read 240 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)