Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/03/2023

Điều gì sẽ đến sau những xáo trộn trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng

Zachary Abuza

Mọi việc dường như đã trở lại bình thường sau những xáo trộn trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam với việc Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng được bầu làm Chủ tịch nước.

xaotron1

Ông Võ Văn Thưởng tuyên thệ nhận chức Chủ tịch nước tại Quốc hội hôm 2/3/2023 - AFP

Vào cuối tháng 12 năm ngoái, hai phó thủ tướng là Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh bị buộc phải từ chức. Ông Phạm Bình Minh sau đó bị buộc phải rời khỏi Bộ Chính trị. Chỉ vài ngày trước Tết, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ nhiệm và cũng rời khỏi Bộ Chính trị.

Đối với một chính quyền thích khoe mình là ít chuyên chế nhưng lại ổn định về chính trị giống Trung Quốc, những xáo trộn vừa qua là một biến động lớn.

Tất cả đều liên quan đến chiến dịch chống tham nhũng hay còn được biết đến với cái tên "đốt lò" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh bị cho là phải chịu trách nhiệm đối với các vụ bê bối liên quan đến thời kỳ đại dịch covid-19 ở các bộ mà hai ông phụ trách, mặc dù cả hai đều không liên quan trực tiếp. Điều này ít gây tranh cãi hơn trong trường hợp của ông Nguyễn Xuân Phúc, người đã bác bỏ những liên quan dù là bản thân hay gia đình trong vụ Việt Á và các giao dịch kinh doanh khác.

Dẫu vậy, vẫn cần phải đặt ra ba câu hỏi : Thứ nhất, ai sẽ là Chủ tịch và việc bổ nhiệm người mới này có quan trọng không ? Thứ hai, liệu có thêm người nào bị "kỷ luật" ? Thứ ba, liệu điều này có báo hiệu gì cho những vị trí trong Đại hội 14 sẽ diễn ra vào tháng 1 năm 2026 ?

Võ Văn Thưởng là ai ?

Võ Văn Thưởng là người trẻ nhất trong Bộ Chính trị, và mới chỉ đang ở nhiệm kỳ thứ hai. Ông được cho là người trung thành với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Kể từ năm 2016, ông Võ Văn Thưởng đã thuộc trong hàng ngũ cấp cao của Đảng, là người đứng đầu về ý thức hệ. Ông là người đứng đầu Ban Tuyên giáo.

Đây là lý do vì sao nhiều người gọi ông là "một lãnh đạo của Đảng". Nhưng trước năm 2016, con đường sự nghiệp của ông ít mang tính lý luận hơn khi ông là một quan chức cấp cao của Đảng tại thành phố Hồ Chí Minh.

Việc bổ nhiệm ông Thưởng sẽ không có nhiều ý nghĩa về chính sách đối ngoại của Việt Nam vốn bị ràng buộc bởi nhu cầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong khi vẫn phải duy trì vai trò độc quyền lãnh đạo của Đảng. Chính sách đối ngoại được quyết định bởi trung ương Đảng do Bộ Chính trị lãnh đạo. Vai trò Chủ tịch nước mang tính hình thức và ông Thưởng không có kinh nghiệm về đối ngoại.

Nhưng đối với cộng đồng kinh doanh quốc tế, ông là một gương mặt mới. Mặc dù ông Phúc có ít quyền lực hơn khi ở vị trí Chủ tịch nước so với thời ông làm Thủ tướng, ông là một gương mặt đảm bảo đối với giới đầu tư và lãnh đạo nước ngoài.

Trong khi những đồn đãi về việc Bộ trưởng Công an Tô Lâm có thể trở thành Chủ tịch nước thì nhiệm kỳ phục vụ của ông sẽ bị giới hạn trong vai trò mới, và có thể ông đã tìm cách thoái thác khỏi vị trí Chủ tịch nước. Ông cũng không nhận được đủ sự hậu thuẫn.

Và cuối cùng thì người đứng đầu ngành công an mật và các cuộc điều tra tham nhũng lại không phải là nhân vật được yêu thích nhất.

Liệu có thêm ai bị "xử lý" ?

Các cáo buộc tham nhũng vây quanh Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gia tăng thời gian qua. Các lời đồn kết nối ông với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – một chủ doanh nghiệp đang bỏ trốn (người đứng đầu Công ty cổ phần Quốc tế Tiến bộ - AIC). Bà này bị tòa tuyên có tội trong vụ án gian lận lên đến 6,3 triệu đô la.

Nhưng trong môi trường truyền thông bị che phủ của Việt Nam, lời đồn này đơn giản cũng có thể là do những đối thủ của ông Chính đưa ra.

Trong khi khả năng ông Chính bị đẩy ra có thể xảy ra, ông cũng rất có thể sẽ vẫn phục vụ hết nhiệm kỳ của mình bởi ba lý do : Thứ nhất, thị trường sẽ bị rối loạn với bất cứ biến động nào. Đã có những bực bội thực sự khi việc đưa ra quyết định tại các ngành chủ chốt như y tế, bất động sản, ngân hàng, và năng lượng đang bị chững lại. Một thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo sẽ đẩy lùi mọi thứ lại.

Người đứng đầu Quốc hội, ông Vương Đình Huệ, là một trong hai ứng viên cho vị trị Tổng bí thư. Với tuổi tác và sức khỏe của ông Trọng, ông có nhiều khả năng sẽ tiếp tục ở lại.

Người cần chú ý là Phó thủ tướng thường trực mới được bổ nhiệm Trần Lưu Quang (thường trực nghĩa là ông có thể đảm nhận vị trí thủ tướng khi cần). Cuộc họp của Bộ Chính trị mới đây đã quyết định đưa ông Quang lên. Mặc dù là ngôi sao đang lên, ông Quang vẫn không có nhiều kinh nghiệm ở tầm quốc gia và vị trí cao nhất mà ông đảm nhận là Bí thư Hải Phòng. Ông có thể được đề bạt tại Đại hội 14 sắp tới.

Thứ ba là ông Trọng phải quan ngại về một tác động ngược. Tại Đại hội 13 năm 2021, ông đã không thể đưa được người mình chọn là Trần Quốc Vượng – người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng – lên. Ông Vượng đặt ra một mối nguy lớn cho những người còn lại trong Bộ Chính trị và đã phải nghỉ khỏi Bộ Chính trị, và đó là lý do ông Trọng ở lại thêm nhiệm kỳ ba.

Có những dấu hiệu cho thấy có những phản ứng lại đối với ông Trọng người đã thâu tóm một quyền lực chưa từng có và khiến những đối thủ của mình như ông nguyễn Xuân Phúc phải ra đi và đưa những người thân cận của mình vào các vị trí quyền lực.

Điều này không có nghĩa là sẽ không có những người mới bị kỷ luật. Năm 2022 đã chứng kiến một con số chưa từng thấy những quan chức cấp cao, bao gồm cả ủy viên Trung ương bị truy tố, khiển trách và khai trừ đảng.

Cuộc họp bất thường của Bộ Chính trị đã chọn ra ba người mới của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm điều tra chống tham nhũng và kỷ luật. Sẽ có thêm các điều tra mới tiếp theo sau hội nghị giữa kỳ của Đảng diễn ra vào tháng tư tới.

Báo hiệu điều gì ?

Đảng tìm kiếm sự ổn định và có thể dự đoán được. Mỗi kỳ họp năm năm của Đảng chứng kiến sự thay đổi của 1/3 Bộ Chính trị để đảm bảo tính kế thừa.

Vào lúc này chỉ có năm trong số 16 ủy viên Bộ Chính trị đã phục vụ đủ hai nhiệm kỳ bắt buộc nhưng ba trong số này là Phạm Minh Chính, Tô Lâm và Trương Thị Mai khó có khả năng là các ứng viên tiếp theo.

Bà Mai vừa tiếp nhận vị trí Thường trực Ban Bí thư của ông Thưởng. Đây là vị trí cao cấp và tốn nhiều thời gian.

Còn lại hai người là ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Ở tuổi 52, ông Thưởng đủ trẻ để ở lại cho hai nhiệm kỳ mà không cần phải miễn trừ vấn đề tuổi tác. Công việc trong Đảng của ông, ngoài lĩnh vực quản lý chính phủ, là một lợi thế cho ông. Ông Huệ lớn tuổi hơn, bây giờ đã 65, và sẽ cần miễn trừ tuổi tác để được trở thành Tổng bí thư.

Nhưng ông Thưởng có một số khúc mắc. Thứ nhất là dù ông sinh ra ở vùng đồng bằng Sông Hồng, gia đình ông là người Nam và tập kết ra bắc sau năm 1954, hầu như toàn bộ sự nghiệp của ông là ở phía Nam và ông tự nhận là người Nam. Vị trí Tổng bí thư thường là người Bắc, nhưng ông Thưởng có thể là một nhân vật chuyển đổi.

Thứ hai là vị trí Chủ tịch nước chỉ là công việc "hưu" thay vì là một bước đệm để tiến lên.

Ông Nguyễn Phú Trọng, nếu trong trường hợp phải nghỉ giữa chừng vì sức khỏe kém, sẽ không để lại cơ hội nào cho Đại hội 14. Với những người như ông Thưởng và Huệ ở vị trí sẵn sàng, ông Trọng đang lặng lẽ bảo vệ những di sản của mình và đảm bảo là sẽ không có sự lặp lại như trường hợp người được ông chọn trong Đại hội 13 lại không được bầu.

Zachary Abuza

Nguồn : RFA, 13/03/2023

Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Zachary Abuza
Read 385 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)