Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/03/2023

Kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa mất định hướng

Hàn Lam

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sắp bị đe dọa bởi các doanh nghiệp Mỹ ?

Hàn Lam, VNTB, 20/03/2023

Tuần này, từ 21-23/3, Việt Nam sẽ đón hơn 50 doanh nghiệp Mỹ thuộc nhiều lĩnh vực quốc phòng, dược phẩm, công nghệ… đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh.

kinhte0

Trong tháng 12/2022, các nhà sản xuất hàng không vũ trụ Boeing, Lockheed Martin và Bell đã đàm phán với phía Việt Nam về khả năng bán máy bay trực thăng và máy bay không người lái.

Doanh nghiệp Mỹ muốn gì ở Việt Nam ?

Ông Vũ Tú Thành, đại diện của Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN tại Việt Nam cho biết : "Đây là phái đoàn lớn nhất từ ​​trước đến nay đến Vit Nam", và lưu ý rng cơ quan này đã tổ chức các sự kiện này trong ba thập kỷ.

Phần lớn các công ty tham gia phái đoàn kinh doanh đã có hoạt động kinh doanh hoặc sản xuất tại Việt Nam và có kế hoạch mở rộng, bao gồm Apple, Coca-Cola và PepsiCo, ông Thành cho biết.

Theo ông Thành, một số công ty đang đặc biệt quan tâm đến Việt Nam với vai trò là một trung tâm sản xuất và cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng ngày càng giàu có khi GDP tại đây đạt hơn 8% vào năm 2022. Trong số đó có SpaceX được cho là đang tìm cách bán dịch vụ internet vệ tinh của mình cho Việt Nam và các nước trong khu vực.

Phái đoàn cũng sẽ bao gồm các công ty bán dẫn, gã khổng lồ dược phẩm Pfizer và Johnson & Johnson, nhà sản xuất thiết bị y tế Abbott, công ty tài chính Visa và Citibank, các công ty internet và điện toán đám mây Meta và Amazon Web Services.

Trước đó, tại triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam tổ chức vào tháng 12/2022, các nhà sản xuất hàng không vũ trụ Boeing, Lockheed Martin và Bell đã đàm phán với phía Việt Nam về khả năng bán máy bay trực thăng và máy bay không người lái.

Sau gần 28 năm chính thức tuyên bố bình thường hóa, thiết lập quan hệ ngoại giao, kể từ năm 1995 cho đến nay, hàng loạt các công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ đã đến Việt Nam để đặt nền móng đầu tiên cho cơ hội phát triển dài hạn như Pepsico, Coca-Cola, Intel, P&G, Procter & Gamble (P&G), General Electric (GE)… Tính đến 20/12/2022, tổng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam đạt 11,42 tỷ USD với 1.216 dự án, Mỹ hiện xếp thứ 11 trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.

FDI của Mỹ chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn, có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối thuận lợi. Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, các tỉnh, thành phố nhận vốn đầu tư từ Mỹ nhiều nhất gồm : Bà Rịa – Vũng Tàu (45,8%), Thành phố Hồ Chí Minh (12,4%), Bình Dương (9%).

Xét về lĩnh vực đầu tư, vốn đầu tư của Mỹ tập trung chủ yếu vào các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống (42,5%) ; công nghiệp chế biến, chế tạo (32%), cấp nước và xử lý chất thải (5,2%).

Thời gian gần đây, các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ tiếp tục thể hiện sự quan tâm, đầu tư lớn vào thị trường Việt Nam. Trong đó, Intel thông báo bổ sung đầu tư gần 500 triệu USD vào nhà máy tại Thành phố Hồ Chí Minh ; đối tác sản xuất chính của Apple (Foxconn) bổ sung đầu tư 270 triệu USD tại Bắc Giang…

Đặc biệt, tại lễ công bố Báo cáo thường niên vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2022 do Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức mới đây, ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, nhà đầu tư Hoa Kỳ rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực tăng trưởng xanh.

Theo Chủ tịch Amcham, hiện có hàng nghìn tỷ USD từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ đang chờ đợi chảy vào các lĩnh vực năng lượng xanh, logistics, cơ sở hạ tầng của Việt Nam.

kinhte01

Việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm 2023 sẽ gặp thách thức không nhỏ.

Doanh nghiệp Mỹ liệu có đe dọa "thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa" ?

Theo Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), với những tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm, thu hút FDI năm 2023 có thể đạt từ 36-38 tỷ USD, trong đó, vốn giải ngân đạt khoảng 22-23 tỷ USD. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch VAFIE, việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm 2023 sẽ gặp thách thức không nhỏ.

Cụ thể, khi Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu (EU) thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), Việt Nam đã kỳ vọng thu hút được nguồn vốn lớn, chất lượng cao từ các nước này. Song, trên thực tế, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra phức tạp đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp của các nước khi muốn đầu tư ra nước ngoài. Vì vậy, để thu hút FDI từ EU và Mỹ là rất khó khăn trong thời gian qua cũng như thời gian tới.

Cũng theo ông Toàn, ở khu vực Châu Á, thậm chí là trên toàn cầu, Trung Quốc là địa điểm đầu tư và sản xuất hấp dẫn. Do đó, khi Trung Quốc mở cửa trở lại, vốn sẽ chảy vào thị trường này, hạn chế vào Việt Nam và các nền kinh tế khác trong khu vực.

Không chỉ cạnh tranh với Trung Quốc, theo ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh đến từ nhiều nước như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Lào và Campuchia.

Theo đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc không chỉ đầu tư vào Việt Nam mà còn đầu tư vào rất nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, ngoài việc ưu đãi về thuế, doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư công nghệ cao còn được chiết khấu 50% đầu tư cơ sở vật chất.

"Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư hàng tỷ USD cho máy móc thiết bị thì đây là một chính sách rất hấp dẫn", đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc nêu rõ.

Đáng chú ý, gần đây một dự án từ Hàn Quốc hơn 10 tỷ USD đã nghiên cứu đầu tư vào một trong các nước Đông Nam Á. Tuy vậy, sau khi lựa chọn, họ đã không lựa chọn vào Việt Nam – đây là điều rất đáng tiếc.

"Luật đầu tư của Việt Nam cũng đã được sửa một lần nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn thu hút đầu tư quy mô lớn. Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ cùng các cơ quan liên quan cần nghiên cứu những chính sách mới, những ưu đãi hấp dẫn hơn để có thể cạnh tranh với các chính sách của các quốc gia khác", ông Hong Sun đề nghị.

Một nhà báo lên tiếng cảnh báo rằng các doanh nghiệp đến từ Mỹ, khi họ quyết định bỏ vốn vào Việt Nam, rất có thể họ sẽ "lobby" để thay đổi cách quản trị được gọi là "định hướng xã hội chủ nghĩa" đối với nền kinh tế thị trường. Điều này sẽ đi ngược lại với những tuyên bố của người đứng đầu Đảng, đe dọa việc tìm kiếm để đi lên con đường xã hội chủ nghĩa mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đưa vào nghị quyết.

Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 20/03/2023

**************************

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang vào hồi bế tắc…

Hàn Lam, VNTB, 16/03/2023

Kinh tế Việt Nam hiện đang gặp khủng hoảng trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường xăng dầu ; khủng hoảng y tế, giáo dục ; khủng hoảng dịch vụ kiểm định xe cơ giới

kinhte3

Kết quả khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đến cuối tháng 2/2023 cho thấy 83% số doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Có lẽ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cần bình tâm xem lại những dữ liệu lâu nay để ông chấp bút viết sách về kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa…

Sở dĩ phải coi lại, bởi vì nền kinh tế được định hướng đó tại Việt Nam mà ông là tác giả, đang vào hồi cùng cực.

Hệ lụy của chủ nghĩa giáo điều

Trong cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bao gồm các nội dung : Quan niệm về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam ; vai trò lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ; chủ thể trong nền kinh tế ; phân phối và giải quyết các vấn đề xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì, "mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự sáng tạo trong tư duy lý luận của Đảng ta, là lựa chọn tất yếu khách quan, khoa học và thực tiễn. Đó là sự lựa chọn kết hợp giá trị, tinh hoa nhân loại với đặc điểm và bản chất ưu việt riêng có của chế độ chính trị.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam, được hình thành từ quá trình đổi mới tư duy lý luận và thực tiễn trong công cuộc đổi mới đất nước.

Đây là kiểu tổ chức nền kinh tế dựa trên những nhận thức sâu sắc về tính quy luật khách quan với phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của chủ thể là chính Đảng, Nhà nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân lao động.

Quá trình hình thành tư duy toàn diện về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là quá trình tìm tòi, nghiên cứu để phát triển nhận thức, đồng thời là quá trình đúc rút kinh nghiệm từ hoạt động thực tiễn của đất nước. Đó là quá trình phát triển nhận thức từ thấp đến cao, từ chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện tới ngày càng đầy đủ, sâu sắc và hoàn thiện" (dừng trích nhận định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng).

Thực tế diễn ra ở Việt Nam ra sao ?

Kết quả khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đến cuối tháng 2/2023 cho thấy 83% số doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Trong đó, các khó khăn chủ yếu bao gồm lãi suất cao và biến động tỷ giá mạnh, thị trường bị thu hẹp, khó tiếp cận vốn, thủ tục vay vốn phức tạp, mất nhiều thời gian, hàng tồn kho nhiều, giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí nhân công tăng.

Trước những khó khăn nói trên, doanh nghiệp đang kinh doanh cầm chừng, tái cấu trúc ngành nghề kinh doanh, cố duy trì ở mức có thể nhất để hy vọng vượt qua. Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ huỷ bỏ các kế hoạch đầu tư mới hay mở rộng sản xuất kinh doanh.

"Năm 2022 được coi là một năm thành công của kinh tế Việt Nam với tăng trưởng cao, lạm phát thấp, vậy mà thị trường chứng khoán biến động và suy giảm mạnh ; từ đỉnh cao đầu năm với khoảng 1.520 điểm đã "rơi" xuống vực sâu giữa tháng 11/2022 còn hơn 900 điểm.

Kết quả là, năm 2022 thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm, mất khoảng 34% ; tức hơn 1/3 vốn hoá thị trường. Phần lớn công ty niêm yết đã bị giảm giá trị vốn hoá, hàng triệu nhà đầu tư thua lỗ, mất khoản thu nhập lớn.

Diễn biến hai tháng đầu năm 2023 cho thấy thị trường vẫn còn dao động mạnh. Hiện thị trường dao động khoảng trên 1000 điểm và chưa có dấu hiệu phục hồi vững chắc.

Thị trường trái phiếu phát triển nhanh chóng giai đoạn 2017 – 2021 với lượng phát hành tăng liên tục hàng năm ; đạt đỉnh vào năm 2021. Sang năm 2022, thị trường suy giảm mạnh với lượng phát hành chỉ bằng 39% lượng phát hành năm 2022 (giảm 61%).

Đáng lưu ý, kể từ tháng 11/2022 lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới, phát hành riêng lẻ gần như không có. Trái phiếu doanh nghiệp như một kênh huy động vốn đã bị đứt gãy và không thể tiếp tục sử dụng ; người đầu tư mất niềm tin ; thị trường mất thanh khoản nghiêm trọng.

Điều đáng lưu ý, số trái phiếu đáo hạn trong năm 2023 là khá cao, gần 303 nghìn tỷ đồng, tương đương 12,6 tỷ đô la Mỹ. Tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong 2023 – 2025 khoảng 697 nghìn tỷ đồng, tương đương 29 tỷ đô la Mỹ.

Trong bối cảnh, thị trường chứng khoán đóng băng, khô cạn thanh khoản ; tín dụng ngân hàng bị khống chế và khó tiếp cận ; phát hành mới trái phiếu doanh nghiệp cũng không khả thi, thì việc hoàn thành nghĩa vụ trả các khoản nợ nói trên đúng hạn đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản là thách thức khó vượt qua.

Khó khăn của một số doanh nghiệp bất động sản sẽ có nguy cơ tác động dây chuyền đến hệ thống tài chính, nhất là các ngân hàng thương mại có liên quan.

Cần phải khơi thông lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp để tránh rủi ro đối với thị trường tài chính và giảm áp lực đối với phát triển kinh tế xã hội năm nay và các năm tiếp theo" – ông Nguyễn Đình Cung, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, thẳng thắn nhận xét.

Thay lời kết

Nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang cố gắng ‘vun tròn’, theo như lời của ông Nguyễn Đình Cung thì đang chứng kiến những điều rất kỳ lạ.

Đó là sự sụt giảm nhanh và mạnh nhất thế giới của thị trường chứng khoán. Sự đứt gãy và mất thanh khoản nghiêm trọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Sự đứt gãy nghiêm trọng và kéo dài chưa từng có của thị trường xăng dầu.

Bên cạnh đó, sự đứt gãy kéo dài về cung cấp thiết bị và vật tư y tế làm giảm sút nghiêm trọng số lượng và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đối với người dân. Cuộc khủng hoảng dịch vụ kiểm định xe cơ giới và nhiều sự việc tương tự khác ở các địa phương.

Điều đáng nói, cách ứng xử và xử lý vấn đề của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Lẽ ra các cơ quan này cần phối hợp với nhau và tránh tình trạng không có cơ quan và cá nhân nào chịu trách nhiệm. Các cơ quan nhà nước phản ứng rất chậm trễ trước những quy định pháp luật quá bất hợp lý, không thể áp dụng trong nhiều công việc quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Câu hỏi không thể tránh né đang đặt ra với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng : vậy thì những lý thuyết hàn lâm mà tác giả cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", đã phạm sai lầm ở đâu, liệu sai lầm đó có mang tính hệ thống hay khôn g?

Vì rõ ràng ở đây sự hoài nghi có cơ sở từ việc tác giả không phải là một nhà kinh tế lý thuyết, lẫn thực hành trong quản trị.

Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 16/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hàn Lam
Read 184 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)