Hai người Châu Á chiếm giải Oscar
Ngô Nhân Dụng, VOA, 19/03/2023
Người dân và chính quyền Malaysia đều hân hoan chia vui với Michelle Yeoh, tức Dương Tử Quỳnh. Người Việt ở trong và ngoài nước, nhất là các thuyền nhân tị nạn, cũng phải chúc mừng Quan Kế Huy !
Gần một thế kỷ mới có hai người Châu Á cùng chiếm Giải Oscar một lần, cùng đóng phim Everything Everywhere All at Once. Hình : Michelle Yeoh thứ hai từ trái ; Ke Huy Quan bìa trái.
Gần một thế kỷ mới có hai người Châu Á cùng chiếm Giải Oscar một lần, cùng đóng phimEverything Everywhere All at Once. Cô Michelle Yeoh được trao giải nữ diễn viên chính số một ; ông Ke Huy Quan giải diễn viên phụ xuất sắc. Cô Yeoh người Malaysia gốc Trung Hoa ; ông Quan người Mỹ sanh ở Việt Nam, cha mẹ là người Việt gốc Hoa. Phản ứng tại hai nước Malaysia và Việt Nam hoàn toàn trái ngược nhau !
Dân Malaysia vui tưng bừng thấy một tài tử sanh trưởng ở nước mình trở thành người Châu Á đầu tiên đoạt giải thưởng điện ảnh uy tín nhất thế giới. Người ta coi cô là "Niềm hứng khởi cho phụ nữ Malaysia", theo báo Al Jazeera. Bà Janet Yeoh, mẹ cô đứng trước tấm bích chương in hình cô với hàng chữ : "Niềm Hãnh diện của Malaysia", nói, "Nó là đứa con gái làm việc cần mẫn, ai cũng thấy !"
Báo Al Jazeera, ở Qatar vùng Trung Đông, kể rằng Thủ tướng Anwar Ibrahim ca ngợi cô Yeoh trên Facebook của ông, "Chúng tôi vô cùng hãnh diện về sự thành công của cô". Ông Rozaidi Jamil, chủ tịch Hội Nghệ Sĩ Malaysia nói rằng đây là một tấm gương cho giới trẻ, "Thành công của cô Yeoh là niềm cảm hứng nhắc nhở ta rằng, với tài năng và làm việc cần cù các bạn có thể tiến rất xa, dù bạn xuất thân từ đâu, quá khứ thế nào".
Ông Jamil nói trong cuộc họp mặt cả trăm người, cùng với bà Janet Yeoh, mẹ cô Michelle, và các nghệ sĩ, các nhà chính trị, từ lúc 7 giờ sáng Thứ Hai ở Kuala Lumpur, để coi truyền hình lễ trao giải Oscar đêm Chủ Nhật ở California. BáoThe Guardian, Anh quốc, kể Michelle Yeoh đã điện thoại cho mẹ ngay sau khi nhận giải, trong lúc cả trăm người vỗ tay hoan hô. Bà Janet hô lên, bằng tiếng Mã Lai : "Malaysia Boleh !" Nghĩa là : "Malaysia có thể thắng" rồi nhắc lại, "Michelle Boleh !"
Cô Michelle, 60 tuổi, đã nổi tiếng từ lâu, người Việt còn nhớ cô thủ vai nữ hiệp trong phimHổ Phục Long Tàng, năm 2000, của đạo diễn Lý An (Ang Lee, Đài Loan), cùng với tài tử Hồng Kông Châu Nhuận Phát (Chow Yun-fat). Ở Mã Lai, báo chí thường gọi cô là Tan Sri Michelle Yeoh, vì năm 2013 cô đã được quốc vương phong tước Tan Sri, theo Al Jazeera. Đó là tước hiệu giống như Bảo Quốc Huân Chương hạng nhì, thấp hơn tước Tun, vốn dùng để gọi các hoàng thân, và cao hơn Datuk. Ông bố và một người chú tỷ phú của cô đã được phong Datuk và Tan Sri.
Thủ tướng Anwar Ibrahim và ông Rozaidi Jamil cũng như ông bộ trưởng Thể Thao bày tỏ lòng hãnh diện về cô Michelle Yeoh, một người sanh trưởng tại Malaysia, mà không ai nhắc đến chuyện cha mẹ cô vốn có gốc Trung Hoa ; đã đặt tên cô là Dương Tử Quỳnh (楊紫瓊).
Cha mẹ của tài tử Ke Huy Quan đặt tên con là Quan Kế Uy (關繼威) mà các vị làm giấy tờ hộ tịch ở Quận Năm Sài Gòn năm 1971 đã viết thành Quan Kế Huy, có lẽ vì không phân biệt được hai âm Huy và Uy.
Phản ứng của chính quyền Việt Nam khi chứng kiến Quan Kế Huy đoạt giải Oscar khác hẳn cảnh tượng ở Malaysia trước thành công của Dương Tử Quỳnh.
Bản tin tiếng Anh của đài BBC viết, "Ông ta là người gốc Việt Nam đầu tiên chiếm giải Oscar, một trong hai người (gốc Việt) được đề cử - người kia là cô Hong Chau, trong phimThe Whale… Nhưng phản ứng chính thức của nhà cầm quyền là im hơi lặng tiếng, … không ai trong chính quyền nói một lời nào... Các bản tin truyền thông, hầu hết do chính quyền kiểm soát, nói rất ít về Ke Huy Quan và quá khứ của ông".
Đài BBC hỏi "Tại sao họ ngần ngại không công nhận một diễn viên thành công được cả thế giới biết, mà ông ta công khai nói đến gốc gác Việt Nam của mình ?" Đài cho biết cả Huy và cô Hong Chau đều là những thuyền nhân tị nạn cộng sản. Chính quyền cộng sản không muốn ai nhớ tới hàng triệu người vượt biển, gần nửa triệu người đã chết trong những năm sau chiến tranh. Nhiều người đã hối lộ quan chức cộng sản để tổ chức vượt biên. Đảng cộng sản không muốn sự thành công của một cậu bé tị nạn lúc nhỏ tuổi khiến mọi người nhớ tới những cảnh thảm thương này.
Năm 1978 gia đình Quan Kế Huy đã xuống hai chuyến thuyền, ông bố và sáu người con đến Hồng Kông, bà mẹ và ba con qua Malaysia. Năm 1979 họ được nhận vào nước Mỹ. Khi kể chuyện gia đình vượt biển, Quan Kế Huy đã bật khóc. Người Việt Nam nào nhớ lại chuyện các thuyền nhân cũng phải khóc ! Chính quyền cộng sản chỉ muốn xóa lịch sử, cho mọi người quên đi !
Đài BBC cho biết các báo ở Sài Gòn, như tờ Thanh Niên, tường thuật chuyện giải Oscar đều nhấn mạnh rằng ông là người gốc Hoa, không phải hoàn toàn người Việt. Báo Tuổi Trẻ nói cha ông gốc từ lục địa, mẹ gốc Hồng Kông. VnExpress thì nói "cha mẹ ông là người Chợ Lớn".
Bị ảnh hưởng của thái độ thờ ơ của nhà nước, trên các mạng nhiều người cũng đặt câu hỏi Huy có phải là người Việt thật hay không ? Một độc giả viết cho Facebook của đài BBC quả quyết rằng "Ông ta (Huy) không phải người Việt mà là người Việt gốc Hoa sanh ở Việt Nam. Phải nói thẳng như vậy !" Một người khác viết : "Phải nói rõ ràng là ông ta là người Mỹ gốc Hoa, đã có lúc mang quốc tịch Việt Nam. Tôi không thấy có điều gì để bảo rằng ông là người gốc Việt !"
Chúng ta có thể hỏi tác giả các bức thư trên : Lý Bôn, người đầu tiên xưng hoàng đế chống lại Trung Quốc vào thế kỷ thứ 6 trong thời Bắc thuộc có thể gọi là "người Việt" không ? Tổ tiên ông là người Trung Hoa sang nước ta tị nạn ! Các vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, đã lãnh đạo cuộc chiến chống quân Nguyên có là "người Việt" hay không ? Ông tổ họ Trần là một di dân từ Phúc Kiến qua. Trước đó, một người gốc Phúc Kiến khác là Vũ Hồn, cũng tới sống làng Mộ Trạch, Hải Dương, Việt Nam, vào thế kỷ thứ tám. Đến thế kỷ thứ 17 có Vũ Phương Đề, tác giảCông Dư Tiệp Ký ; thế kỷ 18 đã có 30 người họ Vũ đậu tiến sĩ. Gia đình họ Mạc đã dâng đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn, có thể coi là người Việt hay không ? Trong thế kỷ 20, các nhà văn Hồ Dzếnh, Vương Hồng Sển, dịch giả Liêu Quốc Nhĩ, đều là di dân gốc Hoa đời thứ hai, có phải là người Việt hay không ?
Phần lớn báo chí quốc tế khi thuật chuyện Giải Oscar đều nói Huy là người gốc Việt. Bản tin AP viết, "Ke Huy Quan là người gốc Việt Nam đầu tiên chiếm giải Oscar". MạngEmpire cũng viết : "Jonathan Luke Ke Huy Quan là một diễn viên Mỹ sanh ở Việt Nam, được biết đến nhiều nhất trong các cuốn phim thời 1980 của Steven Spielberg …".
Nhiều người Việt trong nước cũng không chấp nhận thái độ kỳ thị thiển cận đối với Quan Kế Huy.
Báo The Guardian kể một người ở Sài Gòn theo dõi giải Oscar trong khi đang ăn sáng và dùng Twitter trên mạng, nghe tin Huy đoạt giải đã vui đến phát khóc. Cô Bui Khanh Minh viết, "Tôi không cần biết chuyện Ke Huy Quan có được coi là người Việt Nam hay không ! Bạn từ một nước khác đến Mỹ rồi tự lập thành công. Đó đúng là một nguồn phấn khích !"
Nhà văn Trần Tiến Dũng ngỏ ý trên Facebook rằng "Con người Quan Kế Huy là dân Sài Gòn - Chợ Lớn. Năng lực của anh là do nơi anh sinh ra, Sài Gòn - Chợ Lớn".
BBC kể một sinh viên tên Do Nguyen ở Sài Gòn viết trên mạng, "Tôi reo hò khi anh thắng giải. Câu chuyện đời anh ta rất xúc động và đầy cảm hứng. Anh đã trốn thoát khỏi Việt Nam, quê hương anh, năm 1979, … đã tranh đấu để tồn tại trong công nghệ điện ảnh Hollywood và đoạt thắng lợi chưa từng thấy !" Một người gửi thư cho đài BBC cũng viết, "Chúng ta phải gọi anh ta là người Việt Nam, vì anh sanh ở Việt Nam, (dù) cha mẹ là di dân gốc Hoa".
Thái độ cởi mở, bao dung đối với những người gốc ngoại quốc đến ở nước mình là một sức mạnh của dân tộc Việt. Trong lịch sử nước ta, các đế quốc từ nhà Hán đến nhà Đường muốn đồng hóa, biến người Việt thành người Trung Quốc. Nhưng họ thất bại. Ngược lại, di dân Trung Hoa qua Việt Nam đã được đồng hóa biến thành người Việt, trong hàng ngàn năm, kể từ thời Bắc thuộc !
Người dân và chính quyền Malaysia đều hân hoan chia vui với Michelle Yeoh, tức Dương Tử Quỳnh. Người Việt ở trong và ngoài nước, nhất là các thuyền nhân tị nạn, cũng phải chúc mừng Quan Kế Huy !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 19/03/2023
*******************************
Trường hợp Ke Huy Quan : ‘Ơn’ này Đảng ngại, không dám nhận
Trân Văn, VOA, 17/03/2023
Tuần này, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đồng loạt "đục bỏ" hai từ "gốc Việt" trong các tin, bài về sự kiện ông Ke Huy Quan được chon trao Oscar cho "Nam diễn viên đóng vai phụ xuất sắc nhất".
"Chẳng rõ tại sao báo chí Việt Nam khi viết về hai diễn viên Quan Kế Huy và Hồng Châu đều không hề đề cập đến nguồn gốc "tị nạn" của họ".
Ông Ke, 52 tuồi, sinh tại miền Nam Việt Nam dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Sau tháng 4/1975, cha ông dẫn ông đào thoát khỏi Việt Nam (1978).
Sau khi toan bơm ông Ke thành một loại biểu tượng để nâng cao yếu tố "tự hào" nhưng bất thành vì rõ ràng bơm mạnh chừng nào thì tác hại đối với đảng, nhà nước sẽ phình ra chừng đó bởi chẳng khó chút nào nếu muốn biết vì sao ông Huy và gia đình "di cư sang Mỹ" mà biết rồi ắt sẽ băn khoăn, tại sao đảng, nhà nước lại tàn tệ như vậy nên hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam hè nhau tháo hơi. "Gốc Việt" của ông Ke bị lột bỏ và một số cơ quan truyền thông chính thức kiếm nhãn "gốc Á" dán cho ông Ke.
Có thể vì thẹn quá hóa giận, trang facebook có tên là Phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên facebook nhắn :Báo chí cách mạng thì nên biết chọn lọc, đừng nên cái gì cũng vơ vào rồi cứ thấy "gốc Việt" là nở mũi (1).
Từ tranh cãi về chuyện có ông Ke gốc Việt hay không, Phong Nguyễn cho rằng : Về sắc tộc : Ổng 25% Việt, 75% Hoa. Về cá nhân : Ổng chọn tên "Quan Kế Huy" thì 99% là tiếng "chiều nay". Về nơi sinh : 1971 Sai Gon, 100% ViệtNam. Coi ổng là gốc me, gốc mít gì thì tùy nhưng quan trọng nhất là : Ổng sinh ra trong gia đình thường dân khá giả thời Việt Nam Cộng Hòa.Không sống nổi sau khi được "giải phóng", gia đình ổng phải vượt biên, tìm đường tị nạn – "Boat people" thì có 50% bị bắn/bịcướp/bị làm mồi cho cá, 50% sống trong các ổ chuột tị nạn và không biết sẽ đi về đâu, bao giờ. Nước Mỹ đã cứu vớt gia đình ổng và tạo môi trường cho ổng vươn lên. Đây cũng là điểm chung của hầu hết những "thuyền nhân" tị nạnở Mỹ(Lương Xuân Việt, Nguyễn Thanh Việt, Cung Le, Andrew Nguyen...). Chỉ có điều lạ là không thấy họ cảm ơn chính phủ "Chiều Nay" (cách mới nhất để chỉ Việt Nam trên mạng xã hội) đã tạo điều kiện cho họ được tị nạn ở nước ngoài. Thật là vô ơn(2) !
Cùng bàn về "gốc" của Ke Huy Quan, Mai Bá Kiếm viết : Báo chí "Chiều Nay" đưa tin tài tử Quan Kế Huy là người "gốc Việt đầu tiên giành giải Oscar" là dựa vào hai căn cứ :Giấy khai sanh của Quan Kế Huy ghi anh được sinh ra tại Sài Gòn, Việt Nam ngày 20 tháng 8 năm 1971. Năm 1978, Quan Kế Huy cùng cha và bốn anh em chính thức ra đi theo chương trình O.D.G đến trại "trung chuyển" Hongkong chờ sang Mỹ. Những người đi theo chương trình O.D.G sau đó được bảo lãnh thân nhân còn lại ở "Chiều Nay" ra đi theo chương trình O.D.P bắt đầu từ năm 1979.O.D.P viết tắt từ tiếng Anh "Orderly Departure Program" (Chương trình ra đi có trật tự). Còn O.D.G là viết tắt của tiếng Việt "Ô(ng) Đi Ghe". Vì vậy, báo chí chính thống không gọi Quan Kế Huy bằng tiếng Anh là "Boat People" hay bằng tiếng Việt "Người Tị Nạn".Tôi là cựu nhà báo rất tự hào về thuật biện ngữ của báo chí "Chiều Nay" (3) !
Từ sự thể hiện của các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam, Nguyễn Tuấn thắc mắc : "Tị nạn" là kỵ húy ? Theo Nguyễn Tuấn :Chẳng rõ tại sao báo chí Việt Nam khi viết về hai diễn viên Quan Kế Huy và Hồng Châu đều không hề đề cập đến nguồn gốc "tị nạn" của họ. Ít ai chú ý rằng trong danh sách được đề cử giải Oscar năm nay còn có tên của một minh tinh khác cũng gốc Việt- Hồng Châu. Cô ấy cũng là một người tị nạn. Theo các trang điện ảnh Mỹ, HồngChâu sanh ra ở trại tị nạn Thái Lan vào năm 1979. Trang wiki mô tả chuyến vượt biên đầy nguy hiểm : "Năm 1979, gia đình cô là một trong số những thuyền nhân rời bỏ đất nước, xuyên suốt chặng đường vượt biên, bố cô bị bắn đến suýt chết trong khi mẹ đã mang thai cô được sáu tháng". Gia đình Hồng Châu được một nhà thờ Công giáo bảo trợ và định cư ở New Orleans. Cô ấy theo học điện ảnh ở Đạihọc Boston và theo đuổi sự nghiệp màn bạc cho đến nay. Ngoài những giải thưởng lớn trước đây, được đề cử giải Oscar là một vinh dự và một thành tựu đối với Hồng Châu.
Báo chí Việt Nam có những bài viết về Hồng Châu và Quan Kế Huy, nhưng điều đáng chú ý là họ tránh đề cập đến nguồn gốc tị nạn của cảhai. Những bài viết nhân dịp cảhai được đề cử hay nhận giải thưởng chỉ viết chung chung như "sang Mĩ định cư". Chẳng hạn như đối với Quan Kế Huy, có báo viết như sau : "Quan Kế Huy là diễn viên gốc Việt, còn được biết đến với nghệ danh Jonathan Ke Quan. Nam diễn viên sinh ra tại Sài Gòn vào năm 1971 nhưng sớm cùng gia đình di cư sang Mỹ từ năm 1975" (thật ra, anh ta cùng thân phụ vượt biên vào năm 1978). Một số báo thoạt đầu đề cập đến Quan Kế Huy là "diễn viên gốc Việt" nhưng một ngày sau thì đổi thành "gốc Á" hay "gốc Hoa".
Động thái của báo chí Việt Nam liên quan đến Quan Kế Huy và Hồng Châu rất khác với trường hợp ca sĩ Sangeeta Kaur (Mai Xuân Loan), người mới được trao giải thưởng âm nhạc Grammy danh giá. Báo chí Việt Nam có vẻ rất tự hào về cô ấy như là một "người gốc Việt". Cha mẹ cô ấy là người Việt tị nạn và cô ấy sanh ra và lớn lên ở Mĩ. Có lẽ điều khác nhau giữa hai người là Quan Kế Huy nhắc đến thân phận tị nạn của mình trước thế giới. Câu chuyện thuyền nhân tị nạn vào thập niên 1970 và 1980 là một chương sử lớn và tang thương của dân tộc. Gần đây, chánh phủ Việt Nam kêu gọi mấy người làm phim ở Nam Hàn là hãy tôn trọng lịch sử. Tôi thiết nghĩ nếu mình kêu gọi người ngoài tôn trọng lịch sử thì mình trước tiên hãy tôn trọng lịch sử của nước mình.
Sự thật là báo chí phương Tây vẫn ghi anh ấy là một diễn viên Mỹ gốc Việt(Vietnamese-born American actor) có cha mẹ gốc Hoa. Anh ấy sanh ở Sài Gòn vào năm 1971, và chắc từng mang quốc tịch Việt Nam trước khi vượt biên tìm tự do. Anh ấy mang một cái tên rất Việt : Huy. Anh ấy nói tiếng Việt. Khi sang Mỹ, gia đình anh ấy sống trong khu đông người tị nạn gốc Việt. Do đó, cách báo chí Mỹ và phương Tây đề cập đến anh ấy như là một diễn viên Mỹ gốc Việt theo tôi là bình thường.
Những tranh cãi về "Người Mỹ gốc Việt" và "Người Mỹ gốc Hoa" không thể làm lu mờ sự thật : Anh ấy là người tị nạn từ Việt Nam.Tôi nghĩ thế giới chú ý đến anh ấy vì thân phận tị nạn, chứ không vì anh là người gốc Việt hay gốc Hoa. Tôi nghiệm ra là đối với người phương Tây, những chữ như "tị nạn" và "tìm tự do" có thể gây cảm xúc rất mạnh. Có lẽ từ trong tiềm thức, những người sanh ra và lớn lên trong những nước có lịch sử tương đối "trẻ" như Mỹ và Úc, họ nhìn người tị nạn đi tìm tự do như là tấm gương phản chiếu của thế hệ ông cha đầu tiên cũng đi tìm tự do và vươn lên từ nghịch cảnh.
Cuộc đời và sự nghiệp của Quan Kế Huy là khá tiêu biểu của những người đi tìm "Giấc mơ Mỹ". Đó là giấc mơ được sống trong một xã hội tôn trọng các giá trị như dân chủ, nhân quyền, tự do và bình đẳng ; là môi trường mà trong đó mọi người - bất kể xuất thân từ thành phần nào - đều có thể thành công, có cuộc sống tốt đẹp hơn, đầy đủ hơn, thịnh vượng hơn qua làm việc chăm chỉ. Tuyệt đại đa số người tị nạn Việt Nam, bất kể là người gốc Hoa hay "Việt thuần tuý" đến Mỹ thời thập niên 1970 và 1980 đều nghèo hay rất nghèo. Có rất nhiều người đến Mỹ với hai bàn tay trắng sau một cơn biến động lịch sử. Họ không biết tiếng Anh. Ấy vậy mà họ đã sống sót, ổn định, và vươn lên. Theo tôi biết, có nhiều văn nghệ sĩ gốc Việt tị nạn đã thành danh ở Mỹ dù họ ít khi nào nhắc đến quá khứ tị nạn của mình. Không nhắc đến không có nghĩa là quên.
Những người từ Việt Nam đến Mỹ sau này không thể nào cảm nhận được những khó khăn của người tị nạn thời đó - và điều này cũng dễ hiểu vì họ không được dạy về chương sử đau buồn thời đó. Nhưng họ nên biết rằng người ta có câu "Những kẻ nào quên lịch sử sẽ bị buộc lặp lại lịch sử" (Those who forget their history are condemned to repeat it). Ngày nay, có khá nhiều người Việt Nam xin đi định cư ở các nước như Mỹ, Úc, Canada bằng tiền. Những người có nhiều tiền có thể thành đạt ở nước ngoài nhưng họ không bao giờ nhận được sự ngưỡng phục như những thuyền nhân thành đạt như Quan Kế Huy. Điều này đặc biệt đúng ở các xã hội như Mỹ và Úc, có lẽ họ (những người vươn lên từ nghịch cảnh) là hiện thân của Giấc mơ Mỹ, còn những người giàu có thường bị công chúng nhìn với sự nghi ngờ của Honore de Balzac (Đằng sau mỗi tài sản kếch xù đều là một tội ác) (4).
***
Từ những gì đã thấy trên hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam qua sự kiện Ke Huy Quan được trao giải Oscar, Phạm Thị Hoài bày tỏ :Ước gì Dương Thu Hương được Nobel Văn chương để lòng tự hào đầy uẩn khúc của người Việt được một lần thẳng băng, khỏi lăn tăn gốc Hoa hay gốc Việt, Quốc gia hay Quốc cộng, tị nạn hay Việt kiều, thành danh ở trong hay ngoài nước. Để báo chí chính thống khỏi phải lo giật tít. Chỉ im lặng là xong (5).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 17/03/2023
Chú thích
(2) https://www.facebook.com/groups/2426060594206398/posts/3167988620013588/