Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/03/2023

Chiến tranh Nga-Ukraine bước vào giai đoạn vũ khí hạt nhân ?

Nhiều tác giả

Belarus sẽ đón tiếp vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga nhằm đáp trả áp lực của phương Tây

Minh Anh, RFI, 28/03/2023

Hai ngày sau thông báo của tổng thống Nga Vladimir Putin về việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus hôm 28/03/2023, chính quyền Minsk đã có phản ứng. Trong một thông cáo, bộ ngoại giao Belarus khẳng định sẽ nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật nhằm đáp trả các "áp lực chưa từng có" của phương Tây. 

hatnhan1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Belarus Alexander Lukashenko, cùng theo dõi một cuộc tập trận qua truyền hình trực tuyến tại Moskva, ngày 19/02/2022. AP -

Theo giải thích của bộ ngoại giao Belarus, "từ hai năm rưỡi qua, Belarus phải đối mặt với những áp lực lớn chưa từng có từ phía Mỹ, Anh và các nước đồng minh", đồng thời tố cáo những nước này "can thiệp trực tiếp và quá đáng" vào nội bộ của Minsk.  

Các lệnh trừng phạt kinh tế và chính trị chống lại cựu thành viên Liên Xô, đồng minh thân thiết với Nga, còn đi kèm với việc "tăng cường khả năng quân sự" của NATO trên lãnh thổ các nước láng giềng của Belarus, thành viên của liên minh NATO. 

Trong bối cảnh này, theo bộ ngoại giao Belarus, Minsk "buộc phải có những biện pháp đáp trả", đồng thời cũng bảo đảm rằng sẽ không kiểm soát những loại vũ khí này và việc triển khai chúng "không đi ngược dưới bất kỳ hình thức nào các điều khoản I và II của hiệp ước không phổ biến hạt nhân". 

Về phía Nga, hôm qua, điện Kremlin một lần nữa khẳng định sẽ không thay đổi kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật như dự trù tại Belarus bất chấp những lời chỉ trích từ phương Tây.

Minh Anh

***********************

Ukraine đã nhận được những chiến xa hạng nặng đầu tiên của phương Tây

Thùy Dương, RFI, 28/03/2023

Ukraine hôm 27/03/2023 thông báo đã nhận được những chiếc xe tăng chiến đấu hạng nặng đầu tiên của Anh và Đức. 

hatnhan02

Bộ trưởng quốc phòng Anh Ben Wallace (thứ hai phải) cùng các binh sĩ Ukraine đang học điều khiển xe tăng Challenger 2, tại Dorset, Anh Quốc, ngày 22/02/2023. AP - Ben Birchall

Trên Facebook, bộ trưởng quốc phòng Ukraine, Oleksiï Reznikov, thông báo những xe tăng "Chalenger của Anh, Stryker và Cougar của Mỹ, Marders của Đức" đã được trang bị bổ sung cho các đơn vị Ukraine. Bộ trưởng quốc phòng Ukraine cũng đăng tải một bức ảnh chụp các chiến xa nhưng không nêu rõ ngày các xe tăng này được chuyển đến Ukraine. 

Về phía Berlin, sau khi thủ tướng Olaf Scholz hôm qua thông báo chiến đấu cơ tối tân Leopard 2 của Đức đã được giao cho Kiev, bộ quốc phòng Đức nêu con số 18 chiến xa Leopard 2. 

Liên quan tới Pháp, trong bài phỏng vấn được Le Figaro hôm nay 28/03 đăng tải, bộ trưởng Quân Lực Sébastien Lecornu thông báo kể từ cuối tháng 3 này, Pháp tăng gấp đôi số đạn pháo 155 ly giao hàng tháng cho Ukraine lên thành 2.000/tháng. 

Về tình hình chiến sự, hôm nay chính quyền quân sự thành phố Kiev cho biết thủ đô Ukraine hôm qua lại hứng chịu một đợt oanh kích của Nga, nhưng không có thiệt hại nhân mạng. 

Trong khi đó, theo tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, đêm qua Nga đã phóng tổng cộng 15 drone chiến đấu vào Ukraine và không quân Ukraine đã tiêu diệt được 14 drone. 

Cũng trong ngày hôm qua, Nga đã phóng nhiều tên lửa vào thành phố Sloviansk, miền đông Ukraine, khiến 2 người thiệt mạng và 30 người khác bị thương, nhiều tòa nhà bị phá hủy.  

Thùy Dương

*************************

Chiến tranh Ukraine : Đạn pháo chứa uranium nghèo, thứ vũ khí gây tranh cãi

Anh Vũ, RFI, 27/03/2023

Anh Quốc cam kết cung cấp đạn pháo chứa uranium nghèo cho các loại xe tăng hiện đang được Ukraine sử dụng. Để đáp trả Moskva thông báo triển khai vũ khi hạt nhân chiến thuật tại Belerus. Các loại đạn này từ lâu nay vẫn gây tranh cãi vì chúng chứa các chất phóng xạ. Đầu đạn chứa uranium nghèo là thứ vũ khí đáng sợ để hủy diệt các các xe bọc thép.

hatnhan03

Binh sĩ Ukraine tập luyện sử dụng vũ khí đạn dược mới tại một căn cứ quân sự tại Anh Quốc (không rõ địa điểm), ngày 24/03/2023. AP - Kin Cheung

Ông Vladimir Putin đã chớp lấy cơ hội để chơi con bài leo thang hạt nhân. Thứ Ba ngày 21/03, tổng thống Nga đã cảnh cáo việc Vương quốc Anh cung cấp cho Ukraine loại đạn pháo gây tranh cãi "sẽ buộc Nga phải đáp trả tương ứng". Bốn ngày sau, 25/03, tổng thống Putin thông báo Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân " chiến thuật" trên lãnh thổ Belarus. Theo chủ nhân điện Kremlin, việc cung cấp đầu đạn chứa uranium nghèo, đã được Luân Đôn xác nhận, tức là các loại "vũ khí chứa thành phần hạt nhân" đã được đưa vào chiến trường.

Đạn uranium nghèo : Từ thời Đức Quốc Xã đến chiến tranh Nam Tư

Chính phủ Anh lên tiếng tố cáo "Nga bóp méo thông tin", đồng thời nhấn mạnh rằng quân đội Anh vẫn sử dụng một cách hợp pháp "từ hàng thập kỷ nay" những loại đạn pháo như vậy. Luân Đôn cho rằng các loại đạn pháo chứa uranium nghèo được phép sử dụng theo điều 36 về "vũ khí mới" của nghị định thư 1977 bổ sung cho Công ước Genève 1949.

Hôm 23/03, Washington lên tiếng ủng hộ ý định của Anh đồng thời bảo đảm rằng từ trước tới giờ đầu đạn uranium nghèoy "không hề gây nguy cơ phóng xạ cũng như không làm leo thang hạt nhân".

Thực tế, các loại đầu đạn đó được chế từ những thành phần phụ của công đoạn làm giàu uranium trong công nghiệp hạt nhân dân sự. Gọi là "nghèo" là bởi trong đạn chứa uranium nghèo có ít nguyên tố đồng vị phóng xạ thấp nhiều hơn uranium làm giàu.

Tuy nhiên, Jeff Hawn, chuyên gia về chiến tranh tại Ukraine, tư vấn cho viện nghiên cứu địa chính trị Mỹ, New Lines Institute khẳng định : "Rõ ràng là việc chuyển loại đạn pháo đó cho Kiev sẽ càng cung cấp thêm lập luận của những người vẫn đồng thanh với luận điệu của Nga rằng phương Tây phải chịu trách nhiệm trong việc làm trầm trọng thêm cuộc xung đột".

Bởi vì loại đạn pháo này vẫn mang tiếng xấu từ nhiều thập kỷ qua và các tranh cãi khoa học về mức độ nguy hiểm của việc tiếp xúc với phóng xạ liên quan đến loại đạn này "chưa bao giờ được giải quyết dứt điểm", chuyên gia người Mỹ cho biết thêm.

Các đầu đạn chứa uranium nghèo chủ yếu "được trang bị cho các chiến xa để tiêu diệt các xe bọc thép của địch", chuyên gia Jeff Hawn nhấn mạnh. Ý tưởng sử dụng loại vật liệu phóng xa này để chế tạo đạn đã có từ thời phát xít Đức. Năm 1943, bộ trưởng về vũ khí của Hitler, Albert Speer muốn dùng vật liệu này để giải quyết tình trạng khan hiếm volfram, một chất vốn dược dùng để chế tạo đạn pháo của xe tăng. Nhưng lịch sử không nói đến việc nước Đức Quốc Xã thực sự có dùng đến loại vật liệu này hay không.

Về sau, người Mỹ đã nắm lấy ý tưởng đó để triển khai các loại vũ khí "sát thủ xe tăng của Nga" trong những năm 1960. Chuyên gia Jeff Hawn nhắc lại, "Hoa Kỳ đã từng muốn có các loại vũ khí hiệu quả nhất để tiêu diệt các xe bọc thép Liên Xô trong trường hợp cuộc chiến xảy ra tại Châu Âu".

"Rất dễ cháy"

Uranium nghèo có một đặc tính lý tưởng để chống tăng : "Đó là một loại vật liệu có sức khoan phá lớn, rất hữu dụng để xuyên lớp giáp sắt bảo vệ" chiến xa, bộ quốc phòng Mỹ ghi nhận.

Chuyên gia quân sự Mỹ cho biết thêm, ưu điểm của nó so với các vật liệu khác là "rất dễ cháy". Cụ thể, những đầu đạn này dễ dàng xuyên vào buồng lái của xe tăng mục tiêu, rồi làm nóng lên, gây cháy nổ xe tăng.

Bất lợi chính của loại đạn này là gì ? Uranium dù đã được làm nghèo vẫn độc hại. Chính vì thế, dù có nhiều nước chế tạo được loại đạn pháo này (Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Pakistan, Nga), nhưng hiếm có nước nào chính thức sử dụng loại đạn này. Thực tế, chỉ có Hoa Kỳ và Anh Quốc sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần đầu năm 1990 và trong cuộc chiến tranh Nam Tư (1991-2001).

Sau đó, liên tục có các nghiên cứu khoa học nhằm đánh giá mức độ độc hại đối với sức khỏe con người. Riêng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) từ năm 2008 đến 2014 đã có nhiều báo cáo về vấn đề này. Năm 2001, Cơ quan Royal Society của Anh đã công bố một báo cáo hơn 300 trang và các bài viết mang tính khoa học cố gắng phân tích các rủi ro cho sức khỏe do các đầu đạn loại này gây ra.

Nguy hiểm không đáng kể cho sức khỏe ?

Các nghiên cứu khoa học trước hết tập trung vào các nguy hiểm đối với binh sĩ sử dụng thứ vũ khí này. Tiếp đó, nhiều nghiên cứu đã cố tìm hiểu nguy cơ ô nhiễm phóng xạ vào môi trường có nguy hiểm về lâu dài đối với dân cư khu vực sử dụng đạn. Chẳng hạn tại Iraq, nhiều nghiên cứu đã tìm cách thiết lập mối liên hệ, những không thành, giữa mức độ gia tăng các bệnh ung thư ghi nhận trong một số vùng với việc quân đội Mỹ sử dụng đầu đạn uranium nghèo hồi 1991.

Thực tế vẫn có nguy cơ kép. Thứ nhất, các mảnh đạn này vẫn mang phóng xạ, tiềm ẩn những nguy hiểm cho các trường hợp tiếp xúc lâu dài. Tiếp đó, khi tiếp cận mục tiêu, các loại đạn này sẽ làm phát tán các bụi phóng xạ vào môi trường. Đất và các mạch nước ngầm như vậy có thể bị ô nhiễm, kéo theo người dân trong khu vực đó bị nhiễm phóng xạ, theo ghi nhận trong báo cáo của Royal Society.

Hoa Kỳ và Anh Quốc từ nhiều năm qua vẫn khẳng định những hậu quả sử dụng loại đạn này đối với sức khỏe là không đáng kể. Cơ quan Royal Society đã kết luận rằng nguy cơ gây ung thư phổi có thể cao hơn một chút nhưng chỉ là trong trường hợp tiếp xúc trực tiếp thời gian dài với các loại đạn trên.

Mặc dù có khá nhiều tài liệu khoa học, về phần mình, Liên Hiệp Quốc nhận thấy cần phải tiếp tục đánh giá những hệ quả của các loại vũ khi này đối với sức khỏe, cũng như nhấn mạnh rằng cho đến giờ không có một bằng chứng nguy hiểm "đáng kể" nào đối với sức khỏe được xác nhận.

Tuy vậy, theo chuyên gia Jeff Hawn, "việc sử dụng các loại đạn dược đó ở Ukraine chắc hẳng sẽ dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường hàng thập kỷ". Trong những điều kiện như vậy dùng đến các đầu đạn uranium nghèo có thực sự là cần thiết khi mà Nga đã tổn thất một phần không nhỏ các chiến xa của họ ?

Ông Jeff Hawn nhận định, dẫu sao cũng có thể biện minh được cho quyết định của Anh. Trước hết là "do tình trạng khan hiếm đạn và các loại đạn pháo này đang ứ đọng trong kho, chúng lại có thể sử dụng được đối với các mẫu xe tăng mà Ukraine đang có". Loại đạn này lại bắn được xa hơn so với đa số các loại đạn pháo cho xe tăng. "Quân đội Ukraine càng có thể bắn xã bao nhiêu thì họ càng an toàn và càng bảo vệ được quân của mình. Đây là điều cốt lõi cho một quân đội thấp hơn nhiêu về số lượng", chuyên gia Jeff Hawn nhận định. Đó có lẽ cũng là lý do chủ yếu khiến Nga phản ứng dữ dội. Có thể Moskva không mấy quan tâm đến độc nhiều hay ít mà chủ yếu là họ thấy loại đạn này giúp cho đối thủ Ukraine giành được ưu thế trên chiến trường.

(Theo france24.com)

Anh Vũ

****************************

Phương Tây lên án Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus

Minh Anh, RFI, 27/03/2023

Hôm 26/03/2023, ngay sau thông báo của tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ cho triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, phía Ukraine đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn nhằm chống lại hành động "dọa dẫm hạt nhân" của Nga. Trong khi đó, nhiều nước phương Tây cũng có phản ứng mạnh mẽ.

hatnhan4

Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Belarus Alexander Lukashenko tại Moskva, ngày 19/02/2022. AP - Alexei Nikolsky

Bộ ngoại giao Ukraine ra thông cáo yêu cầu các nước "Anh, Pháp, Mỹ và Trung Quốc với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc" mở một phiên họp bất thường nhằm "chống lại trò dọa dẫm bắt chẹt hạt nhân của điện Kremlin". Kiev còn kêu gọi khối G7 và Liên Hiệp Châu Âu gây áp lực với Belarus, hứng chịu "những hậu quả đáng kể" nếu để Nga triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình.

Theo AFP, Đức là nước đầu tiên lên án "một mưu toan đe dọa hạt nhân mới" của Nga, đồng thời khẳng định sẽ "không đổi hướng" trước những lời dọa dẫm theo như lời một quan chức bộ ngoại giao Đức, xin ẩn danh. Đây cũng là lập trường của chính quyền Mỹ, thông qua tuyên bố của phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia John Kirby.

Tại Paris, thông cáo của bộ ngoại giao Pháp cũng lên án ý định của chủ nhân điện Kremlin, đồng thời kêu gọi Moskva chứng tỏ tinh thần "trách nhiệm được giao phó với tư cách là một Nhà nước có vũ khí hạt nhân và xem xét lại thỏa thuận gây bất ổn này".

Lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, Josep Borrell tỏ ra cứng rắn hơn khi tố cáo Nga "leo thang vô trách nhiệm, và đe dọa an ninh Châu Âu". Ông Borrell cảnh báo Belarus sẽ hứng chịu những trừng phạt mới nếu để cho Nga bố trí vũ khí nguyên tử trên lãnh thổ của mình.

Về phần mình, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương – NATO -cũng phản đối Nga có "những lời lẽ nguy hiểm và vô trách nhiệm", đồng thời cho biết sẽ theo dõi sát tình hình.

Từ Bruxelles, thông tín viên Laxmi Lota cho biết thêm :

"NATO sẽ cảnh giác và chúng tôi sẽ theo dõi sát tình hình", đây là tuyên bố của phát ngôn viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Bà nói thêm : "Chúng tôi chưa nhận thấy có bất cứ thay đổi nào trong mạng lưới vũ khí hạt nhân của Nga để buộc chúng tôi phải điều chỉnh mạng lưới vũ khí của mình".

Tổng thống Nga giải thích là đã đưa ra quyết định này vì Luân Đôn sẽ gởi cho Ukraine các loại đạn pháo có chứa uranium nghèo nhưng cũng bởi vì Mỹ, xin trích, "triển khai từ lâu vũ khí hạt nhân chiến thuật của họ trên lãnh thổ các nước đồng minh".

Nhưng đối với NATO, sự so sánh này là "hoàn toàn sai lạc". Phát ngôn viên của NATO giải thích tiếp : "Nga đã liên tục vi phạm các cam kết làm chủ vũ khí. Nga đã đình chỉ việc tham gia vào hiệp ước mới về giảm vũ khí chiến lược".

Hiện tại chưa một nước nào mà Ukraine nêu tên có phản ứng gì để đáp trả thông báo của Nga".

Minh Anh

**************************

Vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus : Phương Tây khó lên án Nga tại Hội đồng Bảo an

Minh Anh, RFI, 27/03/2023

Ngày 25/03/2023, tổng thống Vladimir Putin thông báo sẽ cho bố trí các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus. Tuyên bố này khiến Kiev và các đồng minh phương Tây lo ngại Nga dùng vũ khí chiến thuật trên chiến trường Ukraine. Liệu Nga có vi phạm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân mà Moskva đã ký kết dưới thời Liên Xô cũ như cáo buộc từ nhiều nước phương Tây ?

hatnhan5

Các quan chức Nga tham quan triển lãm các loại vũ khí chiến thuật tại Moskva, ngày 02/02/2023. AP - Ekaterina Shtukina

Kể từ lúc Chiến tranh lạnh kết thúc, rất ít người biết chính xác Nga có bao nhiêu vũ khí hạt nhân chiến thuật (Tactical Nuclear Weapon-TNW), loại vũ khí được dùng cho các lợi ích chiến thuật cụ thể trên chiến trường thay vì phá hủy các thành phố lớn nhất của Hoa Kỳ hoặc là Nga, theo như định nghĩa của giới học thuật và các nhà đàm phán kiểm soát vũ khí.

Khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, người ta chỉ biết Nga có khoảng 22000 TNW, còn Mỹ là 11500. Hầu hết số vũ khí này đã được tháo dỡ hoặc đang chờ tháo dỡ. Vào thời điểm này, Hoa Kỳ rất nỗ lực thúc đẩy việc đưa về Nga các kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô đóng tại Belarus, Ukraine và Kazakhstan vì Nga kế thừa kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô.

Theo Reuters, số đầu đạn hạt nhân và TNW còn lại đó được lưu trữ tại ít nhất 30 căn cứ quân sự và hầm chứa dưới sự kiểm soát của Tổng cục 12, thuộc bộ quốc phòng. Và cũng kể từ đó, Nga không công bố bất kỳ hoạt động triển khai vũ khí hạt nhân nào bên ngoài lãnh thổ. Do vậy, nếu thông báo triển khai TNW của tổng thống Putin thành hiện thực, đây sẽ là lần đầu tiên Moskva có một kế hoạch bố trí vũ khí hạt nhân ngoài lãnh thổ.

Theo lập luận của chủ nhân điện Kremlin, ngoài việc nhằm đáp trả việc Anh Quốc sẽ cấp cho Ukraine các loại vũ khí có chứa chất uranium nghèo, thỏa thuận triển khai TNW với Minsk không vi phạm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân được ký kết từ dưới thời Liên Xô cũ.

Theo Hiệp ước này, "không một cường quốc hạt nhân nào có thể chuyển giao vũ khí hạt nhân hoặc công nghệ cho một cường quốc phi hạt nhân, nhưng được phép bố trí các vũ khí này, dưới sự kiểm soát của Hiệp ước – đây chính là những gì Mỹ đã làm tại Châu Âu.

Và đây cũng chính là điều tổng thống Nga chỉ trích. Trong bài phát biểu trên đài truyền hình, ông Putin cho rằng quyết định này là "không có gì bất thường" khi mà "Hoa Kỳ đã triển khai 200 TNW của mình từ lâu tại sáu nước đồng minh Châu Âu là Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Bỉ, Ý và Hy Lạp. Để có thể sử dụng chúng, 257 chiến đấu cơ đã được chuẩn bị, không những của Mỹ mà cả từ các nước Châu Âu".

Những con số mà chuyên gia Hans M. Kristensen, giám đốc " Dự án Thông tin hạt nhân ", thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, phản đối với nhật báo Le Figaro, khi cho rằng tổng thống Nga đã thổi phồng dữ liệu. Theo đó, trong số 200 TNW, chỉ có 100 là được triển khai ở Châu Âu, ở 6 căn cứ Mỹ tại 5 nước : Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ, Hà Lan và riêng tại Ý là 2 căn cứ. Số TNW còn lại là tại Mỹ.

Dẫu sao thì trong bối cảnh cuộc xung đột Nga – Ukraine đang rơi vào bế tắc do không tìm được một giải pháp hòa bình, việc Anh Quốc thừa nhận sẽ cung cấp vũ khí có chứa uranium nghèo cũng có thể sẽ là một cái cớ để Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ra bên ngoài lãnh thổ.

Năng lực bố trí hạt nhân của Nga tại Belarus có thể đi đến đâu vẫn còn là một câu hỏi lớn. Nhưng theo ông Pavel Podvig, Viện Nghiên cứu về Giải trừ Vũ khí của Liên Hiệp Quốc, khi trả lời RFI, việc Ukraine đòi hỏi một cuộc họp khẩn tại Hội đồng Bảo an để chấm dứt " trò bắt chẹt hạt nhân " của Nga là điều khó thể. Bởi một lẽ đơn giản, Hoa Kỳ - một thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an – cũng đã và đang làm điều tương tự như ông Putin tố cáo, dù rằng số vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ tại Châu Âu có thể là có tầm mức răn đe thấp hơn so với của Nga cả về tầm bắn lẫn số lượng.

Minh Anh

*************************

Nga thông báo triển khai "vũ khí nguyên tử chiến thuật" ở Belarus

Thanh Hà, RFI, 26/03/2023

Tổng thống Vladimir Putin ngày 25/03/2023 loan báo Minsk đã đồng ý để Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật sang Belarus. Moskva "không vi phạm các thỏa thuận quốc tế chống phổ biến vũ khí hạt nhân". Belarus có đường biên giới chung với Ukraine. Kiev tố cáo Nga dùng lá bài hạt nhân lôi kéo Belarus vào vòng xoáy chiến tranh.

hatnhan6

Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Belarus Alexander Lukashenko tại một cuộc họp không chính thức của các nhà lãnh đạo của các nước Liên Xô cũ tại Thư viện Tổng thống Boris Yeltsin, St. Petersburg, Nga, ngày 26/12/2022. AP - Alexey Danichev

Hãng tin Pháp AFP ghi nhận chủ nhân điện Kremlin tuy nhiên không nói rõ về thời điểm chuyển giao "vũ khí nguyên tử chiến thuật" của Nga cho Belarus, mà chỉ lưu ý rằng quyền kiểm soát khối lượng vũ khí của Nga sẽ không được giao cho Minsk.

Từ Moskva thông tín viên Jean-Didier Revoin cho biết thêm về những phát biểu của tổng thống Vladimir Putin hôm qua :

"10 máy bay đã sẵn sàng sử dụng loại vũ khí này. Từ ngày 03/04/2023, chúng ta bắt đầu đào tạo các đội phi công và kể từ ngày 01/07, chúng ta sẽ hoàn tất công trình xây dựng một nhà kho đặc biệt để lưu giữ vũ khí chiến thuật trên lãnh thổ Belarus".

Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố như trên và giải thích rằng Moskva không vi phạm những cam kết quốc tế của Nga về chống phổ biến vũ khí hạt nhân, vả lại, Mỹ cũng đã triển khai vũ khí nguyên tử chiến thuật tại nhiều nước đồng minh ở Châu Âu từ nhiều thập niên qua.

Những tuyên bố trên đây được đưa ra sau khi Anh Quốc cho biết sẽ cung cấp cho Ukraine đạn có chứa uranium nghèo. Một điểm mà Vladimir Putin muốn nhấn mạnh : Đó là nước Nga có phương tiện đáp trả. Ông nói : "Không phải nói quá, chúng ta có hàng trăm ngàn đạn loại này nhưng hiện tại chưa sử dụng đến thôi".

Lời lẽ này được đưa ra chỉ vài ngày sau tuyên bố chung với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng không nên khai mào một cuộc chiến hạt nhân, bởi sẽ không có bên thắng cuộc.

Phản ứng quốc tế 

Cho đến trưa nay, Minsk chưa lên tiếng về những tuyên bố của tổng thống Nga đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật sang lãnh thổ Belarus.

Tại Kiev cố vấn An ninh quốc gia của tổng thống Ukraine, ông Oleksyi Danilov trên Twitter đánh giá : Nga dùng vũ khí hạt nhân "bắt Belarus làm con tin". Không trực tiếp tham chiến nhưng chính quyền Minsk của tổng thống Alexander Lukashenko là đồng minh của Nga. Ông Danilov cáo buộc "Moskva lợi dụng Belarus là địa bàn để lên kế hoạch và mở mặt trận tấn công Ukraine". 

Về phía Hoa Kỳ, bộ quốc phòng Mỹ, trong thông cáo hôm 25/03, "ghi nhận thông tin về thông báo của Nga và tiếp tục theo dõi tình hình ". Trước mắt, Lầu Năm Góc" không có lý do gì để thay đổi chiến lược hạt nhân của Mỹ, và cũng không thấy có dấu hiệu nào cho thấy là Nga chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân".

NATO nhận định tổng thống Nga đã có những lời lẽ "nguy hiểm và vô trách nhiệm".

Thanh Hà

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh, Thùy Dương, Anh Vũ, Thanh Hà
Read 645 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)