Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/03/2023

Biến di sản thành tài sản : coi chừng tham nhũng !

Thới Bình

Mệnh lệnh hành chính về "biến di sản thành tài sản" rất chung chung, dễ đưa đến nguy cơ của tham nhũng.

disan1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chiều ngày 25/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế về tình hình phát triển kinh tế – xã hội và giải quyết các đề xuất, kiến nghị để tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Thủ tướng cũng chỉ rõ kết quả phát triển kinh tế -xã hội của Thừa Thiên Huế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Chất lượng tăng trưởng của Thừa Thiên Huế chưa bền vững, quy mô kinh tế nhỏ, các lĩnh vực chủ yếu còn gặp nhiều khó khăn, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

Theo Thủ tướng, Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển, nhất là về kinh tế biển, du lịch văn hóa lịch sử – sinh thái. Thừa Thiên Huế phải chú trọng phát triển hài hòa kinh tế – văn hóa – xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh ; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

"Thừa Thiên Huế phải biến di sản thành tài sản, biến tiềm lực thành nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Vậy thì "di sản" ở đây một khi được nhìn dưới giác độ là "tài sản" thì tài sản đó thuộc quyền sở hữu ra sao, liệu chủ sở hữu có nhân danh về quyền tài sản để chuyển nhượng, đổi chác các ‘di sản tài sản" ấy ?

Định nghĩa quen thuộc hay được nhắc đến : di sản văn hóa là di sản của các hiện vật vật thể và các thuộc tính phi vật thể của một nhóm, hay xã hội được kế thừa từ các thế hệ trước, đã duy trì đến hiện nay và dành cho các thế hệ mai sau.

Di sản văn hóa bao gồm tài sản văn hóa như các toànhà, cảnh quan, di tích, sách, tác phẩm nghệ thuật, và các hiện vật ; văn hóa phi vật thể như văn hóa dân gian, truyền thống, ngôn ngữ và kiến thức ; và di sản tự nhiên bao gồm cảnh quan có tính văn hóa quan trọng và đa dạng sinh học.

Cụ thể hơn, Quần thể di tích cố đô Huế hay Quần thể kiến trúc cố đô Huế là những di tích lịch sử – văn hóa do triều Nguyễn chủ trương xây dựng trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 trên địa bàn kinh đô Huế xưa ; nay thuộc phạm vi thành phố Huế, và một vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phần lớn các di tích này nay thuộc sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, và được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 11 tháng 12 năm 1993. Hiện tại, cố đô Huế đã được Thủ tướng chính phủ đưa vào danh sách xếp hạng 62 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng.

Quần thể di tích cố đô Huế có thể phân chia thành các cụm công trình gồm các cụm công trình ngoài Kinh thành Huế và trong kinh thành Huế.

Vấn đề ở đây cho thấy là yêu cầu của mệnh lệnh hành chính mà Thủ tướng đưa ra về "biến di sản thành tài sản" rất chung chung, dễ đưa đến nguy cơ của tham nhũng.

Sở dĩ gọi là nguy cơ vì theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Di sản Văn hóa : "Hệ thống pháp luật vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa xử lý được đầy đủ những phát sinh, vướng mắc trong thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…".

Cho rằng các di tích, di sản cần vừa được bảo tồn, vừa được phát huy đúng nghĩa, theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Thị Thu Hiền, mặc dù đã phân cấp cho các địa phương trong quản lý di sản nhưng công tác này trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ những bất cập, là nguyên nhân gây nên một số tồn tại, như : việc bảo tồn chưa được ưu tiên và coi trọng tại các khu di sản, việc khai thác mạnh mẽ đã làm cho di sản có nguy cơ bị ô nhiễm do quá tải, nhất là trong mùa lễ hội.

Vẫn còn hiện tượng vi phạm trong hoạt động tu bổ di tích, xây dựng công trình mới… khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Vẫn còn diễn ra tình trạng nhiều nơi còn lúng túng trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa kinh tế và văn hóa, giữa lợi ích trước mắt với sự phát triển bền vững. Một số địa phương ít tập trung ngân sách cho việc bảo tồn, tu bổ mà chỉ ưu tiên xây dựng các công trình khai thác di sản.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản Văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Có lẽ hơn ai hết, Thủ tướng Phạm Minh Chính phải hiểu rõ điều trên để ông có những mệnh lệnh phù hợp hơn so với yêu cầu "Thừa Thiên Huế phải biến di sản thành tài sản" như lần làm việc với chính quyền Thừa Thiên Huế ở chiều hôm 25/03/2023.

Thới Bình

Nguồn : VNTB, 27/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thới Bình
Read 306 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)