Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/03/2023

"Kế hoạch Hòa bình Ukraine" của Trung Quốc thực chất là về Đài Loan

Craig Singleton

Đề xuất của Bắc Kinh đã đặt ra các điều kiện để nước này giành chiến thắng trong một cuộc chiến ở Đông Á.

kehoach1

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Samarkand, Uzbekistan vào ngày 16/9/2022. Sergei Bobylyov/Sputnik/AFP via Getty

Sau 12 tháng dài đằng đẵng, Trung Quốc dường như không còn khả năng ảnh hưởng đến kết quả cuộc chiến của Nga ở Ukraine so với lúc xung đột mới bắt đầu. Giờ đây, khi chỉ còn là một người quan sát, vai trò chính của Bắc Kinh là cung cấp cho Moscow một huyết mạch tài chính bằng cách tăng cường mua dầu thô và than đá với giá chiết khấu, đồng thời cũng gặp được vận may bất ngờ từ lượng xuất khẩu tăng mạnh sang Nga. Tuy nhiên, những biện pháp này và các biện pháp nửa vời khác của Trung Quốc có lẽ chỉ nhằm mục đích đảm bảo Nga sẽ có những gì nước này cần để duy trì nền kinh tế thời chiến của mình – chứ không phải thực sự giành chiến thắng trong cuộc chiến.

Tương tự, kế hoạch hòa bình 12 điểm của Trung Quốc dành cho Ukraine không hướng tới việc khôi phục hòa bình ở Châu Âu. Thật vậy, đề xuất của Trung Quốc không liên quan nhiều đến việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, nhưng liên quan đến việc thiết lập các điều kiện để giành chiến thắng trong một cuộc chiến trong tương lai tại Đài Loan. Nói cách khác, Trung Quốc nhận ra nguyên nhân khiến Nga thất bại ở Ukraine cũng chính là nguyên nhân đe dọa kế hoạch thống nhất đất nước sau này của họ.

Nói chính xác, đề xuất hòa bình giả vờ của Trung Quốc cũng có thể đóng vai trò là cơ sở cho một lộ trình do phương Tây dẫn đầu, nhằm ngăn chặn một cuộc chiến nổ ra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngay từ đầu.

Rõ ràng, quan điểm của Bắc Kinh, với tiêu đề "Về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine", phản ánh những lo ngại của Trung Quốc về tình hình hiện tại trên chiến trường Châu Âu. Cho đến nay, liên minh xuyên Đại Tây Dương vẫn ít nhiều kiên định ủng hộ Ukraine, ngay cả khi các nền dân chủ phương Tây đang phải vật lộn với những chi phí liên quan đến việc mất đi nguồn năng lượng và các nguyên liệu thô khác từ Nga. Dù số binh sĩ Nga thiệt mạng ở Ukraine nhiều hơn tất cả những cuộc chiến của Nga từ Thế chiến II cộng lại, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn tự tin rằng ông có thể đánh bại Ukraine và nhất định không chịu thay đổi định hướng của mình. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục chần chừ trong việc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, một quyết định đã trở nên phức tạp hơn sau khi Washington tiết lộ chi tiết về các cuộc thảo luận nội bộ của Bắc Kinh.

Không còn nghi ngờ gì nữa, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dù có muốn cũng có lẽ bất lực trong việc kéo Putin ra khỏi hố sâu. Đồng thời, việc Trung Quốc từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga đã hủy hoại uy tín của họ trên khắp Châu Âu, gồm cả ở các quốc gia như Áo, Ba Lan, và Croatia, nơi Bắc Kinh từng có quan hệ tích cực. Và chi phí chìm của Trung Quốc không chỉ thuần túy về uy tín, mà cái giá kinh tế cũng ngày càng tăng. Với việc cuộc chiến Ukraine đè nặng lên tăng trưởng toàn cầu, các nước đang phát triển có nguy cơ sẽ xảy ra vỡ nợ, mà Bắc Kinh hiện nắm giữ nhiều khoản cho vay trong số này. Sự bất định về kinh tế cũng có nguy cơ làm giảm cầu trên toàn thế giới đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc, trong khi đó, những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kích thích tiêu dùng trong nước – chìa khóa kích hoạt sự phục hồi kinh tế và cải tổ mô hình tăng trưởng của đất nước – lại thất bại.

Kế hoạch hòa bình của Bắc Kinh vừa là một nước đi đánh lạc hướng bậc thầy, vừa là một sự thừa nhận thẳng thắn rằng sự thống nhất của phương Tây, các biện pháp trừng phạt, sự bất ổn của chuỗi cung ứng, và khả năng gián đoạn nguồn cung ngũ cốc có thể làm chệch hướng chủ nghĩa xét lại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Trung Quốc.

Chắc chắn, nước cờ ngoại giao của Trung Quốc đã ngay lập tức bị Washington, Brussels, Kyiv và các quốc gia khác gạt bỏ khỏi lộ trình khả thi dẫn đến hòa bình ở Ukraine. Nhưng khi đọc kỹ hơn, đề xuất của Bắc Kinh đã tiết lộ những luận điệu và cơ sở pháp lý mà họ dự định sử dụng trong trường hợp Tập quyết định cưỡng chiếm Đài Loan. Nếu cuộc diễn tập quân sự kéo dài quanh hòn đảo vào tháng 8 năm ngoái đã tiết lộ các phương tiện mà Trung Quốc có thể sử dụng trong một cuộc tấn công đổ bộ tổng lực vào Đài Loan, thì 12 mục trong kế hoạch hòa bình Ukraine cho thấy cách mà Trung Quốc sẽ cản trở các nỗ lực của phương Tây nhằm lặp lại câu chuyện ở Ukraine trong một tình huống bất ngờ trong tương lai.

Trọng tâm trong kế hoạch hòa bình của Trung Quốc là yêu cầu các nước phương Tây từ bỏ "tâm lý Chiến tranh Lạnh" và tránh "đối đầu khối" – cụm từ có ý chỉ hệ thống liên minh của NATO và niềm tin của Bắc Kinh rằng Kyiv không nên nhận thêm bất kỳ hỗ trợ quân sự nào từ phương Tây. Nỗ lực xuống thang quân sự của Trung Quốc che đậy động cơ thực sự của nước này : Họ muốn Nga thắng khi Ukraine không có sự hỗ trợ liên tục của Mỹ và Châu Âu. Một mô hình cân bằng quyền lực tương tự cũng được mong đợi trong cuộc chiến ở Đài Loan. Khi hai bên đối đầu trực tiếp, Trung Quốc chắc chắn sẽ thắng áp đảo Đài Loan. Nhưng nếu Đài Loan, giống như Ukraine, có thể sử dụng các thiết bị quân sự, chương trình đào tạo, và hỗ trợ tình báo theo thời gian thực từ bên ngoài, thì Trung Quốc sẽ mất đi mọi lợi thế. Và vì vậy, Bắc Kinh tập trung vào việc làm giảm khả năng các chủ thể quốc tế can thiệp và mang theo rủi ro chiến lược vào quá trình ra quyết định của Trung Quốc, cũng như tập trung khai thác sự chia rẽ giữa các đồng minh của Mỹ.

Kế hoạch cũng bác bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt đơn phương, mà Trung Quốc coi là vi phạm luật pháp quốc tế. Thay vào đó, Trung Quốc muốn mọi biện pháp phải được thảo luận đa phương tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nơi Bắc Kinh và Moscow có quyền phủ quyết. Rõ ràng, các lệnh trừng phạt do Mỹ và Liên minh Châu Âu dẫn đầu đối với Nga đã làm trầm trọng thêm nỗi sợ hãi của Bắc Kinh, rằng một ngày nào đó nước này cũng có thể gặp khó khăn về kinh tế. Nhưng trong khi Nga có thể nhờ đến sự hỗ trợ kinh tế từ Trung Quốc hùng mạnh hơn, thì Bắc Kinh gần như sẽ phải tự lực cánh sinh nếu tình thế đảo ngược. Nhận thức đó củng cố cho nỗ lực tăng cường tự cung tự cấp của Trung Quốc, nhằm mục đích chống lại các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế của nước này. Các biện pháp đó bao gồm thiết lập một kế hoạch giao dịch hàng hóa dựa trên đồng nhân dân tệ, và phát triển Hệ thống Thanh toán Liên Ngân hàng Xuyên Biên giới (CIPS), được tăng cường bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, để cho phép các thực thể bị trừng phạt né tránh SWIFT, mạng thanh toán toàn cầu do phương Tây kiểm soát.

Cũng chính nỗi sợ hãi bị trừng phạt đó đã khiến bản kế hoạch tích cực kêu gọi "giữ cho nền công nghiệp và chuỗi cung ứng ổn định". Sự rụt rè của các công ty Trung Quốc – cả lớn và nhỏ, cả nhà nước lẫn tư nhân – trước việc phớt lờ làn sóng trừng phạt cho thấy chiến dịch của Trung Quốc nhằm tự bảo vệ mình khỏi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của phương Tây vẫn còn rất sơ khai. Ví dụ cụ thể là phản ứng yếu ớt của Trung Quốc đối với các hạn chế về chất bán dẫn của Mỹ. Bắc Kinh lo ngại rằng việc gây ra nỗi đau tương xứng cho Mỹ sẽ là hành động tự chuốc lấy thất bại, do sự phụ thuộc của Trung Quốc vào thị trường và công nghệ phương Tây. Nga rõ ràng là nạn nhân của một lỗ hổng tương tự. Bằng cách tự ràng buộc mình vào chuỗi giá trị toàn cầu theo cách mà Nga không bao giờ có thể làm được, Bắc Kinh hy vọng sẽ nắm giữ lợi thế trong các cuộc thảo luận của phương Tây về Đài Loan, thay vì ngược lại.

Kế hoạch có hai ưu tiên cuối cùng "tạm ngừng chiến sự" và "tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia". Mục tiêu thứ nhất cho thấy Bắc Kinh hiểu rằng Nga không thể đi tiếp với con số thương vong như vậy và Moscow phải tập hợp lại lực lượng của mình. Với mục tiêu thứ hai, Trung Quốc đã tìm cách hợp lý hóa để việc Nga xâm phạm biên giới của Ukraine không đồng nghĩa với xâm phạm chủ quyền của Kyiv. Nhưng mục tiêu này gần như không liên quan đến tình hình của Bắc Kinh, vì Trung Quốc tin rằng Đài Loan không có biên giới cũng như chủ quyền. Và, chí ít thì về mặt luật pháp quốc tế, lập luận của Trung Quốc là vững chắc. Việc Đài Loan bị loại khỏi hệ thống Liên Hiệp Quốc một cách tùy tiện, việc phương Tây chấp nhận chính sách "một Trung Quốc", và mạng lưới các quốc gia công nhận ngoại giao Đài Loan đang thu hẹp đảm bảo rằng, khác với Ukraine, việc dựa vào pháp luật quốc tế của Đài Loan có thể bị hạn chế sau khi Trung Quốc xâm lược.

Tóm lại, Bắc Kinh hiểu đúng rằng bất kỳ kế hoạch nào nhằm chiếm lại Đài Loan – hoặc kế hoạch nào ít rủi ro nhất – cũng phụ thuộc vào việc triển khai và duy trì 12 điều kiện trong kế hoạch hòa bình Ukraine. Trong những năm gần đây, Washington đã đạt được những bước tiến lớn trong việc củng cố mạng lưới liên minh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tạo dựng các liên kết tốt hơn và thúc đẩy năng lực của các đối tác khu vực. Người Mỹ cũng đang nỗ lực làm suy yếu sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng của một số lĩnh vực nhất định, cũng như làm giảm khả năng Bắc Kinh tận dụng sự kiểm soát đối với các khoáng sản quan trọng để thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại.

Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để làm suy yếu các trụ cột chiến lược khác của Trung Quốc. Ưu tiên hàng đầu của các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, là nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ khó khăn là thiết lập và thông báo về một hệ thống trừng phạt mạnh mẽ, với các biện pháp sẽ được kích hoạt tự động nếu Trung Quốc huy động lực lượng cho một cuộc xâm lược hoặc tiến hành một cuộc xâm lược. Các nền dân chủ cũng phải làm sâu sắc thêm một cách có chọn lọc các mối quan hệ thương mại và công nghiệp với Đài Loan, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế của hòn đảo vào Trung Quốc, đồng thời sử dụng ảnh hưởng của mình để thúc đẩy sự tham gia hợp pháp của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế. Điều cuối cùng, cũng là điều gây tranh cãi nhất, các quốc gia phương Tây phải cân nhắc việc vũ khí hóa điểm yếu cốt lõi của Trung Quốc – một trong những mục thuộc kế hoạch hòa bình Ukraine – bằng cách đe dọa nhắm vào sự phụ thuộc nặng nề của nước này vào lương thực nước ngoài, vốn là mặt hàng gắn liền với sự ổn định chính trị của Trung Quốc và rất có thể sẽ khiến âm mưu xâm lược của Tập bị lung lay.

Như bài học mà Putin đã học được một cách khó khăn, tiến hành một cuộc chiến dựa trên những giả định sai lầm có thể tạo ra sự khác biệt giữa chiến thắng và bế tắc. Làm suy yếu các giả định của Tập Cận Bình về một cuộc đối đầu tiềm tàng tại Đài Loan có lẽ là cách tốt nhất để tránh xảy ra đối đầu.

Craig Singleton

Nguyên tác : "China’s Ukraine Peace Plan Is Actually About Taiwan", Foreign Policy, 06/03/2023

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 30/03/2023

Craig Singleton là nghiên cứu viên cấp cao về Trung Quốc tại Tổ chức Bảo vệ Dân chủ (Foundation for Defense of Democracies) và từng là nhà ngoại giao của Mỹ.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Craig Singleton, Nguyễn Thị Kim Phụng
Read 230 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)