Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/03/2023

Cải cách tư pháp như thế là tội ác, thưa ngài chủ tịch !

Gió Bấc

Ngày 27/3, báo lề đảng rộ lên thông tin, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng làm việc với Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo rất nhân văn "không được để xảy ra oan, giảm tối đa tình trạng sai hoặc với yêu cầu cao là không được để xảy ra sai…".

tiepvien1

Công an thành Hồ bỗng dưng trả tự do cho 4 (mà thực là 5) tiếp viên hàng không bị hải quan bắt quả tang "xách dùm" hơn 11 kg ma túy

Trong nền tư pháp tối đen như cái tiền đồ chị Dậu, nhiều người như Nguyễn Văn Chấn, Hàn Đức Long bị tuyên án tử oan, đặc biệt là Huỳnh Văn Nén đã phải nhận đến 2 án tử oan thì chỉ đạo của Chủ tịch nước là ước mơ có cánh cho dân đen. Nhưng điểm rơi tình cờ của chỉ đạo đẹp đẽ này lại trùng hợp đúng vào lúc dư luận hoang mang việc công an thành Hồ bỗng dưng trả tự do cho 4 (mà thực là 5) tiếp viên hàng không bị hải quan bắt quả tang "mang hộ" (có "nhận tiền công") hơn 11 kg ma túy, trong đó có một người họ Võ làm dư luận càng thêm thắc mắc, đồn đoán nọ kia.

Trong đất nước mà từ báo chí đến thường dân, quyền tự do ngôn luận được bảo vệ nghiêm ngặt bằng luật bịt miệng 331 thì nhiều điều đồn đoán lại chính là sự thật. Nhưng trong lần này thì đây chỉ là sự suy diễn ác ý vì Chủ Tịch nước có quá nhiều sự lựa chọn an toàn, sạch sẽ hơn là dính dáng đến tội ác dơ bẩn này. Hơn thế nữa, theo thể chế Chủ tịch nước đương nhiên kiêm nhiệm Trưởng ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp. Việc chỉ đạo với Ban Cán sự đảng Tòa án Tối cao là điều bình thường.

Điều đáng nói là nội dung chỉ đạo của Chủ tịch nước lại ôm đồm quá nhiều nội dung mâu thuẫn, trái cựa với nhau theo kiểu nước đôi của tuyên giáo đảng, nói cho vui.

Trong rất nhiều yêu cầu cần tuân thủ, Chủ tịch đưa ra thượng phương bảo kiếm là "trọng tâm là đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật". Hoan hô, với Tòa án, Thẩm Phán thì có gì quý hơn sự độc lập xét xử theo pháp luật. Nhưng nói vậy mà không phải vậy. Trước đó, Chủ tịch nước đã trong sợi dây thòng lọng sự lãnh đạo của Đảng và hầm bà lằng những thứ khác ngoài pháp luật "Mỗi vụ án, vụ việc đưa ra xét xử, không chỉ xử lý nghiêm theo đúng pháp luật, mà còn phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Đảng, giá trị đạo đức nhân văn của dân tộc ta" (1).

Với cái đảng khóa này, chưa quá nửa nhiệm ngay giới lãnh đạo chóp bu Bộ Chính trị 18 người có đến 3 đã lộ hình là những trùm đầu, trùm cuối, 2 trong đó đã phải rời ghế, 15 quan còn lại bao giờ bị lộ ? Càng xuống cấp dưới như Ủy viên Trung ương, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng ủy bộ ngành số bị lộ lên đến hàng trăm. Theo quan điểm của Đảng là quan điểm nào ? Luật pháp được xây dựng theo quy trình công khai, thể hiện bằng văn bản rõ ràng vậy mà khi áp dụng còn dở dở ương ương. Quan điểm của Đảng thì vô cùng phong phú, bí mật trong một nhóm người, nhiều lúc quan điểm này đá quan điểm kia thì vận dụng ra sao ?

Ví dụ cụ thể ngay với người đứng đầu đảng là Tổng Trọng nổi tiếng với phương châm "ném chuột không được vỡ bình" đồng thời cũng nổi tiếng với khẩu hiệu "chống tiêu cực không có vùng cấm". Nếu gặp trường hợp vỡ bình thì có cấm hay không ? Phần lớn những bản án oan sai vừa qua là do thể chế đảng trị pháp luật này.

Nhìn ra thế giới, chỉ trừ các quốc gia theo chế độ độc tài, độc đảng tàn dư của chế độ cộng sản có thể đếm trên đầu ngón tay, phần còn lại của thế giới nền tư pháp tiến bộ đơn giản chỉ tuân thủ theo pháp luật. Quốc gia nào cũng đảng chính trị không chỉ một mà còn nhiều đảng, không phải các đảng cầm quyền không muốn tác động vào tư pháp mà chính luật pháp, thể chế của họ ngăn cấm sự can thiệp ấy để bảo đảm pháp luật được tôn trọng và công lý được thực thi.

Với vai trò Chủ tịch nước, Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp, mang tư duy "độc lập xét xử theo quan điểm của Đảng" là tiếp tục duy trì tội ác của những bản án bất công thậm chí là bản án tử hình.

Ngoài những bản án tử oan đã được giải oan hoặc bị án đã qua đời trong oan ức như Huỳnh Văn Nam ở Đồng Nai. Hiện vẫn đang còn nhiều bản án tử oan mà rõ nhất là bản án Hồ Duy Hải bị cáo buộc giết chết hai nữ nhân viên Bưu cục Cầu Voi mà không có vật chứng nào. Hung khí con dao, cái thớt được mua ngoài chợ. Nhân chứng Đinh Vũ Thường khai "nhìn thấy một thanh niên" bị cơ quan điều tra sửa lại là nhìn thấy Hồ Duy Hải và không được triệu tập, đối chất ở cả hai phiên sơ, phúc thẩm. Dấu vân tay Hải không trùng khớp với dấu vân tay thu thập tại hiện trường. 25 lời khai không nhận tội của Hồ Duy Hải và những lời khai của các đối tượng có liên quan bị rút ra khỏi hồ sơ vụ án…

Theo bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, người trực tiếp giám sát vụ án này chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, các cơ quan tố tụng đã vi phạm hàng chục điểm mà theo luật chỉ cần phạm một điểm đã phải hủy án.

Gia đình Hải kêu oan suốt 15 năm đã trải qua 5 đời Chủ tịch nước. Đến nay án tử vẫn còn treo lơ lửng. Đây chính là bản án vừa oan, vừa sai. Chính cơ quan tố tụng sai tạo ra án oan. Cái sai được thể hiện ở cả ba cơ quan điều tra, truy tố xét xử. Cái sai thể hiện ở tất cả các cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm.

Đặc biệt, ngày 8/5/2020, Tòa án nhân dân tối cao tuyên án giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải đã gây nên sự bức xúc rất lớn trong xã hội, nhiều lần gây sóng gió trên diễn đàn Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội khóa XIV Lưu Bình Nhưỡng có văn bản gửi Tổng bí thư - Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải, không đồng tình với cách tiến hành tố tụng. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã chưa xem xét công tâm, khách quan, khoa học, đúng đắn đối với các vi phạm tố tụng của cơ quan điều tra (như thời gian thực hiện hành vi phạm tội không chính xác ; thời điểm nạn nhân bị chết không được xác định ; công cụ, phương tiện phạm tội không được thu thập đầy đủ ; vi phạm trong việc thu giữ mẫu máu, vân tay ; chưa xác định lời kể của các nhân chứng quan trọng ; khuất tất trong việc loại trừ hai nghi can Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol…) (2).

Cũng khóa XIV, Đại biểu Lê Thanh Vân kiến nghị Quốc hội thực hiện quyền giám sát Tối cao hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao trong phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải về việc tuân thủ pháp luật của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Không chỉ kiến nghị chung chung, ông Lê Thanh Vân còn đề xuất cụ thể hai hình thức là tổ chức phiên họp toàn thể để chất vấn tại quốc hội hoặc thành lập đoàn giám sát tại Tòa án nhân dân tối cao (3).

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, quyết định giám đốc thẩm không đủ sức giải tỏa những điều mà Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã đề ra. Cần minh định rõ là kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nêu ra những vi phạm tố tụng nghiêm trọng nên đề nghị điều tra lại. Khi xét xử vụ án nếu có sai sót nghiêm trọng về mặt tố tụng thì luôn luôn có nguy cơ oan sai, nên việc hủy án điều tra lại là để tránh oan sai, lọt tội (4).

Trả lời với cử tri sau phiên Giám đốc thẩm, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí khẳng định: Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị có căn cứ, đúng thẩm quyền và đúng pháp luật. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết đã ký văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét. Đồng thời nhấn mạnh, "Viện trưởng kháng nghị là thực thi trách nhiệm với Nhân dân, thực thi pháp luật và Hiến pháp. Viện trưởng tin rằng đang làm đúng với trách nhiệm của mình" (5).

Không chỉ cá nhân các đại biểu Quốc hội, ngày 16-6-2020, phiên họp toàn thể Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thảo luận về quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải đa số thành viên đã đánh giá những vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án là nghiêm trọng, có thể làm thay đổi bản chất vụ án.

Do đó các thành viên này kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm theo đúng thẩm quyền tại điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự (6).

Đáp lại những đánh giá, kiến nghị đầy tính pháp lý hết sức thuyết phục ấy, Tòa án nhân dân tối cao chỉ có mật quan điểm hết sức ất ơ là "Quá trình xét xử cơ quan tố tụng có một số vi phạm, nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ án" (7).

Chỉ cần bao nhiêu đó, kiến nghị của các Đại biểu quốc hội, các cơ quan quyền lực như Viện Kiểm sát, Ủy ban Tư pháp Quốc hội bị rơi vào khoảng trống. Ủy ban thường vụ Quốc hội như điếc, như câm, không một lần lên tiếng trả lời. Điều 404 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định việc xem xét lại các bản án sau khi xét xử giám đốc thẩm bị kiến nghị tới nay chưa bao giờ được thực hiện

Quan điểm phi pháp luật này không chỉ xuất hiện một lần mà được sử dụng như câu thần chú, như lá bùa giải tội cho tòa hàng chục năm qua để bảo vệ, che chắn cho các bản án sai pháp luật nhất là với các vụ án xét xử những người bất đồng chính kiến, phản biện xã hội. Quan điểm này của ai ? Vì sao nó có giá trị kinh thiên phủ chụp lên trên mọi cá nhân, tổ chức ? Chắc hẳn không có câu trả lời nào khác hơn đó là quan điểm của Đảng.

Sự bất công, oan trái trong vụ án này chưa dừng lại. Sau phiên giám đốc thẩm từ bàn tay bó mặt nào đó đã cung cấp cho báo chú hàng chục chứng cứ thể hiện sự oan ức của Hồ Duy Hải cũng như sự cố ý làm sai lệch, che giấu hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra như hình ảnh cái thớt nằm ngay dưới đầu nan nhân bị dính máu, hình ảnh thi thể nạn nhân khác với mô tả biên bản hiện trường, nhiều bản khai nhân chứng có lợi cho Hồ Duy Hải bị che giấu…

Đặc biệt, Luật sư Trần Hồng Phong và gia đình nộp đơn kiến nghị với chứng cứ mới là 7 nhân chứng có đơn cam kết, xác nhận Hồ Duy Hải có mặt tại đám tang ông Hồ Chi (Tư Lan) từ 20g-21g ngày 13/1/2008, ngay tại thời điểm Cơ quan điều tra xác định Hải vào Bưu cục Cầu Voi và sát hại 2 nữ nhân viên.

Luật sư Phong khẳng định : Thời điểm Hải có mặt tại đám tang là từ lúc 19g50 đến 21g - trùng với thời điểm mà từ trước đến nay Hồ Duy Hải bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An quy kết đã vào Bưu cục Cầu Voi (khoảng 19h30) và sau đó sát hại 2 nữ nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thu Vân lúc khoảng 20g30. Những chứng cứ mới này cũng hoàn toàn phù hợp với 2 bản lời khai đầu tiên của Hồ Duy Hải (ngày 20/3/2008) có trong hồ sơ điều tra, nhưng không có trong hồ sơ vụ án...

"Tất cả 7 nhân chứng trên đã tự nguyện cung cấp thông tin và gửi đơn xác nhận cho tôi khẳng định lời trình bày là đúng sự thật và cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời trình bày của mình. Hiện bản chính các bản khai tôi đang giữ, cùng các đoạn ghi hình (clip) về cuộc tiếp xúc, trao đổi với các nhân chứng. Trong quá trình tiếp xúc, các nhân chứng đều cho biết sẵn sàng trình bày đúng sự thật khi được cơ quan chức năng mời làm việc.

Việc Hồ Duy Hải có mặt tại đám tang ông Tư Lan, không hề vào Bưu cục Cầu Voi tối 13/1/2008 cũng hoàn toàn phù hợp với những tình tiết ngoại phạm của Hồ Duy Hải và hàng loạt điểm mâu thuẫn khác trong hồ sơ vụ án mà chúng tôi đã phân tích và nêu ra trong các đơn kêu oan cho Hồ Duy Hải đã gửi trong suốt hơn 10 năm qua…".

Một chi tiết đặc biệt khác còn phù hợp với nội dung nêu trong 2 bản lời khai đầu tiên của Hồ Duy Hải 1 ngày trước khi bị bắt. Đó là Bản tường trình do Hải tự viết tay và Biên bản ghi lời khai của Hồ Duy Hải ngày 20/3/2008. Đây là tài liệu được Viện Kiểm sát nhân dânTC xác định là "lời khai ban đầu của Hồ Duy Hải", là tài liệu có trong hồ sơ điều tra, nhưng đã bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An rút khỏi hồ sơ vụ án. 

Cũng theo luật sư Phong, nếu những chứng cứ mới này được kiểm tra, điều tra lại và làm rõ sẽ tránh oan sai cho Hồ Duy Hải. "Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 399 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về việc công dân có quyền phát hiện tình tiết mới của vụ án, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền, nay chúng tôi có đơn này, trình bày và giao nộp các chứng cứ, tài liệu nêu trên đến quý cơ quan và quý lãnh đạo; với mong mỏi vụ án được giải quyết khách quan, đúng pháp luật…" - luật sư Phong nêu (8).

Thêm hai năm nữa trôi qua, Hồ Duy Hải tiếp tục thân phận tử tù. Mẹ và hai người dì Hồ Duy Hải đã bán hết đất đai nhà cửa chi phí cho việc thăm nuôi và đi ra Hà Nội kêu oan. Em gái Hồ Duy hải từ một thiếu nữ xinh xắn đã trở thành cô gái già chăm mẹ, chờ anh, chờ cho vụ án sáng tỏ những sai phạm tố tụng cứ tiếp tục chồng chất.

Chủ thể vi phạm lại tăng cao hơn, lần này chính là Ủy Ban Thường Vụ Quốc hội. Theo điều 404, Bộ Luật Tố Tụng Hình sự, cơ quan này phải ra quyết định xem xét lại vụ án theo kiến nghị của Ủy Ban Tư Pháp và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Người kế đến phải liên đới trách chính là ông Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp. Những vi phạm này hình thành và nuôi dưỡng chính do cái thòng lọng xét xử theo quan điểm của Đảng. Duy trì và tình trạng này là tội ác. Càng kéo dài thời gian xem xét thì tội ác càng chồng chất.

Nếu thật sự có trí, nếu trong lồng ngực có cái gọi là tim thì dừng tự thắt cổ mình, đừng biến thành điểm tựa cho tên tội phạm Nguyễn Hòa Bình mà cả nước lên án nắm giữ quyền lực quan tòa. Dừng ngay những lời răn dạy phi pháp mà hãy tự mình làm gương, cải cách tư pháp là thượng tôn pháp luật, thực hiện đúng luật Tố Tụng Hình Sự.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 29/03/2023

1. https://laodong.vn/thoi-su/chu-tich-nuoc-xet-xu-khong-duoc-xay-ra-oan-gi...

2. https://plo.vn/dbqh-luu-binh-nhuong-kien-nghi-ve-vu-ho-duy-hai-post57546...

3. https://nld.com.vn/phap-luat/dai-bieu-quoc-hoi-le-thanh-van-kien-nghi-gi...

4. https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/dai-bieu-quoc-hoi-t...

5. https://vksndtc.gov.vn/tin-tuc/vien-truong-vksnd-toi-cao-le-minh-tri-kha...

6. https://tuoitre.vn/da-so-uy-vien-uy-ban-tu-phap-de-nghi-xem-lai-quyet-dinh-giam-doc-tham-vu-ho-duy-hai-20200616130900361.htm

7. https://www.baogiaothong.vn/pho-chanh-an-tand-toi-cao-giai-dap-3-van-de-nong-trong-vu-an-ho-duy-hai-d464778.html

8. https://danviet.vn/vu-an-tu-tu-ho-duy-hai-luat-su-cung-cap-tinh-tiet-bat-ngo-2021062515064789.htm

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Gió Bấc
Read 337 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)