Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/04/2023

Truyền nhân đời thứ hai của ông Trọng

Người Buôn Gió

Hôm qua ông Đoàn Minh Huấn, tổng biên tập tạp chí cộng sản được bổ nhiệm làm bí thư tỉnh Ninh Bình. Khả năng đây là bước đệm để ông Huấn vào Bộ Chính trị và tiếp nhận chức bí thư thành ủy Hà Nội trong tương lai.

Sở dĩ nhận định như vậy, vì trong Bộ Chính trị trong một hai nhiệm kỳ tới, cần người có chuyên môn về lý luận đảng, chắc chắn Đảng cộng sản Việt Nam sẽ chọn một người có chuyên môn như vậy để đưa vào Bộ Chính trị.

huan1

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trao quyết định cho ông Đoàn Minh Huấn giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình. (Ảnh : Báo Ninh Bình).

Còn lý do làm bí thư thành ủy Hà Nội, trên cơ sở ông Huấn đã có nhiều bài viết nghiên cứu về phát triển dịch vụ công của Hà Nội. Trong thời gian làm tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, ông Huấn đã bàn đến vấn đề đối tác công, gợi ý để cho tư nhân nhận thầu hoặc nhà nước chỉ giữ 50% vốn điều lệ trong một số lĩnh vực mà thành phố đang quản lý như xử lý rác thải và vệ sinh môi trường, cây xanh, cấp thoát nước. Áp dụng khoa học công nghệ vào hành chính công (đáng tiếc là ông Nguyễn Đức Chung khi thực hiện những lời bàn này đều dính tất cả từ vụ cây xanh, xử lý sông Tô Lịch và vụ Nhật Cường, nên có lẽ để ông Huấn làm bí thư để chỉ đạo Hà Nội những việc này cho chặt chẽ hơn)

Ngoài ra con đường ông Huấn tiến thân khá giống với ông Trọng, cả hai đều xuất thân từ dân văn và trải qua quá trình công tác tại Tạp chí Cộng sản. Ông Trọng là giáo sư chuyên ngành xây dựng đảng, còn ông Huấn là phó giáo sư lịch sử đảng.

Cả hai chính thức vào trung ương đảng ở độ tuổi 50 ở vị trí lãnh đạo Tạp chí Cộng sản.

Trong bài viết lề lối làm việc của cán bộ, ông Huấn đã cụ thể những lời nói của tổng bí thư Trọng thành một bài nhận định rõ ràng từng biểu hiện, thái độ trong cách làm việc của lãnh đạo. Ông chỉ ra những thói quen muốn hài hòa tất cả như ít coi trọng việc kiểm tra, rà soát thường trung dung lấy sự đồng thuận của các ý kiến để an toàn, dẫn đến không giải quyết được vấn đề tận gốc bản chất của vấn đề. Làm việc theo lối tình cảm, duy tình, đặt tình cảm lên các nguyên tắc kỷ cương. Ban hành chính sách ít khi dựa trên những dữ liệu, bằng chứng khoa học hoặc ít nghe lời khuyên của các chuyên gia.

Những biểủ hiện lãnh đạo trên được chỉ ra vào năm 2018, rút bài học từ thời thủ tướng của ông Dũng và để nhắc nhở ông Phúc đang đương nhiệm lúc đó, nhưng cuối cùng thì thói quen lề lối làm việc đó lại được ông Phúc dùng nhiều hơn dẫn đến vụ Việt Á và chuyến bay giải cứu.

Đưa ông Huấn đi làm bí thư Ninh Bình nhằm trong chiến lược xây dựng đội ngũ phát triển cán bộ, tiêu đề một bài lý luận của ông Huấn về vấn đề này. Đây là bài viết khá dài, tóm tắt bài viết là tập trung những lời phát biểu đây đó của ông Trọng về nhân sự, tập hợp đầy đủ chúng lại và lý luận diễn giải về những ưu điểm cần có của người lãnh đạo cao cấp. Đại khái cần có đức, còn tài thì phải có cái mới những tư duy trong tinh thần cống hiến, trong sáng không vụ lợi. Ông Huấn đưa ra hình mẫu đạo đức cầm quyền, có thể thấy trong tiêu chí của hình mẫu đó chính là hình ảnh của ông Nguyễn Phú Trọng.

Đến đây thì lý luận về đạo đức cầm quyền của ông Huấn nói riêng hay của Đảng cộng sản Việt Nam nói chung có nhiều thứ mang tính chủ quan, trông cậy vào đạo đức cá nhân người cầm quyền. Đến ngay cả vấn đề kiểm soát quyền lực cũng trông cậy vào việc thực hiện lời hứa, lời cam kết của cá nhân khi nhận chức. Nó cho thấy sự mâu thuẫn dẫn đến bất lực của lý luận chủ nghĩa cộng sản khi buộc phải xác định thẳng thắn rằng đó là thứ trừu tượng, được xây dựng trên quá trình rèn luyện tu dưỡng đạo đức suốt đời của cán bộ. Giải quyết vấn đề này, ông Huấn bàn đến thành lập một khung thể chế khoa học để có những căn cứ cho cán bộ lãnh đạo cao cấp hành động sáng suốt, đúng đắn nhưng cũng tránh được những sai lầm. Ông không đưa ra được khung thể chế đó là gì, ông đành lấp liếm cho qua đó là phản biện của nhân dân, báo chí, xã hội và sự giám sát của đảng và nhà nước.

Điều đáng khen trong bài viết của ông Huấn về đạo đức cầm quyền là đoạn khuyến khích người lãnh đạo có tố chất dám hy sinh sinh mệnh chính trị, dám đối đầu với những rủi ro để thực hiện những đổi mới, đột phá, sáng tạo cho giá trị thiêng liêng. (Tuy nhiên nếu giá trị thiêng liêng đó là của dân tộc hay của đảng thì lại cần làm rõ).

Ông Trọng được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị khi mới là ủy viên trung ương được 3 năm, ông được bầu ủy viên trung ương năm 1994, đến hôị nghị trung ương 4 khóa 8 ông được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị. Nếu ông Huấn được chọn làm người truyền nhân của ông Trọng, thì ông Huấn sẽ được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị trong khóa này hoặc khóa sau.

Các thế lực muốn tranh giành chức Tổng bí thư ở khóa 15, 16 hãy chú ý ông Huấn từ bây giờ. Trên cương vị Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản thì khó có thể tìm điểm sơ hở, nhưng khi ông Huấn chính thức đưa ra làm bí thư Ninh Bình, tức bắt đầu vào danh sách lựa chọn ứng cử Tổng bí thư khóa 15, 16. Đây là cơ hội để tìm điểm yếu dễ dàng nhất.

Ông Huấn là truyền nhân đời thứ hai cho khóa 15, 16. Còn truyền nhân đời thứ nhất cho khóa 14 đang là các ông Huệ và Thưởng.

Tất nhiên trong quá trình rèn luyện, thử thách sẽ có thay đổi nếu như các truyền nhân sai phạm, bị các đối thủ hạ bệ.

Người Buôn Gió

Nguồn : fb.Hieugio1972, 02/04/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Người Buôn Gió
Read 245 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)