Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/04/2023

Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus

Lukas Aubin, Minh Anh

Châu Âu có nên lo ?

Ngày 25/03/2023, tổng thống Nga thông báo sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus, và việc xây dựng các cơ sở để cất trữ sẽ hoàn tất vào đầu tháng 7/2023. Đây không phải là lần thứ nhất tổng thống Vladimir Putin nhắc đến việc bố trí vũ khí hạt nhân tại Belarus. Nhưng lần này nhiều nước phương Tây lo ngại, do trong tuyên bố chung với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 3/2023, nguyên thủ Nga đã cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân.

vukhi1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Belarus Alexander Lukashenko theo dõi một cuộc tập trận qua video tại Moskva, Nga, ngày 19/02/2022. AP - Alexei Nikolsky

Tổng thống Nga có ý định gì khi thông báo đưa vũ khí chiến thuật đến Belarus ? RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với chuyên gia về nước Nga, Lukas Aubin, giám đốc nghiên cứu Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) tại Pháp. Ông còn là tác giả tập sách "Địa chính trị nước Nga", do nhà xuất bản La Decouverte phát hành.

**********

RFI : Vì sao tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định chọn Belarus để triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ? Tại sao vào lúc này ?

Lukas Aubin : Nga và Belarus cực kỳ thân thiết trên bình diện chiến lược cũng như quân sự. Chúng ta biết rõ là Vladimir Putin và Alexander Lukashenko đã ký kết nhiều thỏa thuận chiến lược, chính xác là để đưa hai nước xích lại gần nhau hơn. Người ta còn biết rằng tham vọng của ông Putin, về lâu dài, đương nhiên là "hấp thụ" Belarus, nhằm mở rộng lãnh thổ của Liên bang Nga, và cuối cùng là Belarus trở thành một dạng mở rộng tự nhiên của chế độ Putin.

Rõ ràng điều này phục vụ cho tham vọng của Vladimir Putin như chúng ta biết hiện nay, nhất là với cuộc chiến tranh Ukraine, mà mục đích sau cùng là khôi phục các vùng đất lịch sử của Nga như chính ông Putin tự gọi, đó là những vùng lãnh thổ của người Slave, có từ hơn một thiên niên kỷ trước.

Quả thật, thông báo chuyển vũ khí nguyên tử đến Belarus còn là một phần trong lô-gic răn đe hạt nhân mà Vladimir Putin đã đưa ra từ đầu cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Chúng ta biết là ngày 24/02/2022, Vladimir Putin đã nhiều lần tái khẳng định: Nếu NATO đi quá xa trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, ông sẽ không ngần ngại sử dụng đến hạt nhân. Hiện tại, chưa có gì xảy ra cả và chúng ta vẫn còn trong luận điệu răn đe.

Nhìn từ góc độ chiến lược, việc chuyển các trang thiết bị hạt nhân quân sự đến Belarus, ở một mức độ nhất định, còn cho phép đưa các đầu đạn hạt nhân đến gần Kiev hơn chẳng hạn, bởi vì chúng ta biết rõ là từ biên giới Belarus với Ukraine đến Kiev chỉ có vài chục km, hay vài trăm km.

Tuy nhiên, cũng nên giảm thiểu tầm mức vụ việc. Nghĩa là vấn đề hạt nhân ở đây không hẳn là chúng có tác động ra sao trên chiến trường, mà đúng hơn điều đó sẽ dẫn đến một thế cô lập nào. Nếu như ông Vladimir Putin phải sử dụng vũ khí hạt nhân, đương nhiên rủi ro ở đây sẽ là sau đó ông có nguy cơ "bị ruồng bỏ" không những từ phía các cường quốc phương Tây, mà cả trong mắt các cường quốc không phương Tây.

Cuối cùng rồi việc sử dụng một vũ khí hạt nhân hay hàng trăm vũ khí hay không đều như nhau cả, nghĩa là điều tồi tệ đã xảy ra và đằng sau sự leo thang hạt nhân, những thảm họa sẽ bắt đầu, và đó sẽ là điều tất yếu.

RFI : Ngày 05/05/2022, tổng thống Belarus Alexander Lukashenko khi cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Mỹ AP từng nói rằng "sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận". Vì sao lần này ông ấy lại đồng ý tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Nga một cách dễ dàng ?

Lukas Aubin : Nga đã có Lukashenko từ năm 2019 từ khi ông ấy tái đắc cử trong một cuộc bỏ phiếu bị phản đối. Đúng là cuộc bầu cử bị gian lận, ít nhất là một phần do có nhiều cuộc biểu tình lớn đã diễn ra tại nhiều thành phố lớn của Belarus, đặc biệt là ở thủ đô Minsk. Và rõ ràng ông ấy buộc phải xích lại gần Vladimir Putin. Ông ấy buộc phải "bán đứng" một phần nền độc lập của Belarus cho Nga để đổi lấy một hình thức bảo hộ từ phía ông Putin. Đó là điểm thứ nhất.

Trên thực tế, điều đó có nghĩa là ông ấy có nghĩa vụ phải đi theo những lợi ích chiến lược của ông Putin và Lukashenko cũng buộc phải tuân theo các phát biểu của ông Putin, mà các tuyên bố của tổng thống Nga thì thay đổi từ tuần này sang tuần khác, đôi khi không nhất quán. Xin nhắc lại là trong những ngày trước khi nổ ra cuộc chiến xâm lược Ukraine, ông Putin nhắc đi nhắc lại trước thế giới, cho dù là trên truyền thông Nga dành cho khán thính giả Nga, cho dù là trên truyền thông quốc tế của phương Tây hay không phương Tây, ông ấy cứ nói đi nói lại là không bao giờ Nga sẽ xâm lược Ukraine, không bao giờ Nga sẽ gây chiến với Ukraine.

Những lời nói dối đó là một phần chiến lược của Putin. Mục tiêu bất biến của ông ấy là duy trì quyền lực bằng mọi cách, trong mọi trường hợp, khi tự trao cho mình vị thế người truyền tải chính cho chính câu chuyện của mình, nghĩa là chính ông đang tự kể chuyện mình đang làm chính trị một cách thường trực.

Thế nên, với tư cách là người truyền tải, ông ấy chẳng lo sợ sự mâu thuẫn, và do vậy, Alexander Lukashenko buộc phải đi theo sự mâu thuẫn đó. Đây chắc chắn chính là điều chúng ta đang nhìn thấy về các phát biểu liên quan đến hạt nhân, vốn dĩ thay đổi từ tuần này sang tuần khác tùy theo từng sự việc.

RFI : Trong trường hợp vũ khí hạt nhân chiến thuật được bố trí thật sự tại Belarus, Liên Hiệp Châu Âu và khối NATO sẽ phải đối mặt với những đe dọa, rủi ro nào ? Châu Âu có những biện pháp nào để đối phó ?

Lukas Aubin : Về mặt kỹ thuật, điều đó chẳng làm thay đổi gì nhiều, vì chúng ta đang nói là tên lửa của Nga sẽ tiếp cận với Ukraine và phương Tây trong vài trăm km. Trên thực tế, điều này thực sự không nghiêm trọng so với việc ông Putin rất có thể, nếu ông ấy muốn, có vũ khí hạt nhân ở Kaliningrad. Về mặt địa lý, Kaliningrad gần với Tây Âu hơn là Belarus.

Từ điểm này, ở đây chúng ta đang có một hiệu ứng thông báo, một dạng leo thang chỉ nhằm để gây sợ hãi các cường quốc phương Tây, cũng như gieo rắc kinh hoàng tại Ukraine. Ở đây có một ý tưởng khủng bố người nghe rất hiệu quả, những người cảm thấy lo ngại về cuộc chiến tranh này. Và chúng hoạt động được theo nghĩa như tôi và quý đài hiện đang có cuộc thảo luận này cho một cơ quan truyền thông ở đây là đài RFI, sẽ được phát sóng ở hầu hết mọi nơi trên thế giới chẳng hạn.

Do vậy, đây là một phát biểu hiệu quả, một tuyên bố về hạt nhân và trong mọi trường hợp, lời lẽ này còn nhằm mục đích buộc các cường quốc phương Tây rút lui trong việc giao vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, hiện tại, luận điệu này vẫn chưa cho thấy kết quả. Thậm chí, tình báo Hoa Kỳ còn tuyên bố không nên quá coi trọng lời dọa dẫm này.

RFI : Tuy nhiên, thông báo này cũng đi ngược với những gì Vladimir Putin phát biểu chung cùng với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau cuộc gặp của họ tại Moskva hồi trung tuần tháng 3/2023, cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân. Một số nhà phân tích cho rằng có một hình thức đồng lõa nào đó từ phía Trung Quốc. Ông có chia sẻ quan điểm này ? Ông đánh giá thế nào phản ứng chậm trễ của Bắc Kinh ?

Lukas Aubin : Đương nhiên Trung Quốc nói phản đối sử dụng vũ khí hạt nhân, dưới mọi hình thức, và tất nhiên là từ quan điểm quân sự. Nhưng chúng ta cũng biết rằng Trung Quốc chơi trò nước đôi trong hồ sơ Nga và Ukraine. Vài tuần trước khi xảy ra cuộc xâm lược, thậm chí là một tuần trước cuộc xâm lăng, ông Tập Cận Bình đã mời Vladimir Putin đến dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông được tổ chức vào đầu trung tuần tháng 2/2020 với tư cách là khách mời danh dự.

Nhân dịp này, hai lãnh đạo đã ký kết rất nhiều hợp đồng giữa Nga và Trung Quốc, và hai ông còn ký một văn bản cảnh cáo NATO mở rộng sang các nước cựu thành viên Hiệp ước Vacxava và các nước cựu thành viên Liên Xô. Đúng là Tập Cận Bình không mấy gì ủng hộ cuộc chiến tranh này, nhưng trong mọi trường hợp, ông ấy hậu thuẫn đường lối chính trị của đồng nhiệm Nga, là đẩy lui những gì mà họ ví như là một đế chế phương Tây do Mỹ đứng đầu.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện tại là tương đối căng thẳng trên bình diện ngoại giao và kinh tế. Do vậy, Trung Quốc cảm thấy hài lòng trước việc Nga tiến hành một cuộc chiến chính trị với phương Tây, bởi vì điều đó đang giúp Trung Quốc thấy rõ phần nào những hạn chế của phương Tây, cách khối này phản ứng, vũ khí của họ ra sao v.v… Và quả thật, phương Tây đã có những phản ứng khá mạnh mẽ khi gởi cả vũ khí phòng thủ lẫn tấn công thường xuyên, chẳng hạn như Ba Lan và Slovakia, sắp giao chiến đấu cơ cho Ukraine trong những ngày tới.

Điều đó cho thấy rõ là hiện nay chúng ta đang trong một tình trạng khá căng thẳng. Và Trung Quốc có thể sẽ rút ra nhiều bài học, đặc biệt liên quan đến hồ sơ Đài Loan, mà Trung Quốc rất có thể sẽ can thiệp trong những năm tới đây, vì bản thân ông Tập Cận Bình cũng không che giấu tham vọng biến Đài Loan thành một vùng lãnh thổ của Trung Quốc.

RFI : Xin cảm ơn nhà nghiên cứu Lukas Aubin, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS).

Minh Anh thực hiện

Nguồn : RFI, 06/04/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lukas Aubin, Minh Anh
Read 247 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)