Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/04/2023

"Yếu huyệt của Rồng"

Vũ Tường

Điều gì cản trở Việt Nam "hóa rồng" trong khu vực Đông Nam Á ?

Hiện nay, Việt Nam đang được các cường quốc hai phía "chăm sóc" : Trung Quốc mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm đầu tiên sau khi lên tổng bí thư năm 2022, gửi lời chúc mừng  ông Võ Văn Thưởng lên chức Chủ tịch nước sớm hơn cả Lào, Campuchia và Cuba. Trong tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc năm 2022, Trung Quốc cũng hứa cấp không dưới một ngàn học bổng chính phủ, không dưới một ngàn học bổng dạy tiếng Hoa… Còn Hoa Kỳ mời ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm với tư cách nguyên thủ quốc gia, lặp lại thông điệp tôn trọng thể chế chính trị Việt Nam (Tổng bí thư Đảng mới là người quyền lực nhất). Đối với Nhật Bản, các thủ tướng trước như cố Thủ tướng Shinzo Abe, cựu Thủ tướng Suga Yoshihide đều chọn Việt Nam là nước đầu tiên đến thăm sau nhậm chức, còn Thủ tướng Nishida Fumio không phải thăm Việt Nam đầu tiên nhưng mời Thủ tướng Phạm Minh Chính sang thăm. Nhìn từ các mối quan hệ quốc tế này thì có thể nói như Tiến sĩ Nagao Satoru là Việt Nam là "ngôi sao đang lên" . Nhưng nếu nhìn từ sức mạnh nội tại thì Việt Nam có nhiều vấn đề mang tính hệ thống, phải vượt qua nếu muốn có một vị thế thực sự. RFA xin giới thiệu cuộc phỏng vấn với Giáo sư Vũ Tường, đồng chủ biên cuốn sách "Yếu huyệt của Rồng : Những động năng và Thế tiến thoái lưỡng nan trong Kinh tế và Chính trị Việt Nam" (The Dragon's Underbelly : Dynamics and Dilemmas in Vietnam's Economy and Politics) vừa mới xuất bản gần đây. Phân tích Việt Nam từ các vấn đề nội tại, Giáo sư Vũ Tường chỉ ra những rào cản to lớn mà Việt Nam cần vượt qua nếu muốn trở thành một "ngôi sao" thực sự. 

rong1

Một hộ gia đình Thủ Thiêm không thuộc ranh giới quy hoạch nhưng vẫn bị cưỡng chế. (Ảnh minh họa) - Thông tấn xã Việt Nam

RFA : Kinh tế Việt Nam tăng trưởng liên tục ở mức cao trong suốt hàng chục năm từ thập niên 1990 đến nay. Theo các tác giả của "Dragon's Underbelly..". ("Yếu huyệt của Rồng…"), bản chất cốt lõi của sự phát triển này là gì ? Các nhà nghiên cứu sử dụng các lý thuyết kinh tế nào để đánh quá trình phát triển đó của Việt Nam ?

Vũ Tường : Trong cuốn sách nói trên, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh vào bản chất tăng trưởng kinh tế dựa vào tài nguyên (resource-based nature) của Việt Nam. So sánh với các nước được mệnh danh là "những con hổ Đông Á" (Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore), quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam thể hiện vai trò kềm hãm thay vì kiến tạo phát triển của nhà nước. 

Lý thuyết kinh tế cổ điển xem sự phát triển của nền kinh tế quốc gia phụ thuộc vào việc sử dụng và phân bổ hiệu quả các nguồn lực khan hiếm - cụ thể là lao động và vốn, trong toàn bộ nền kinh tế. Nhiều công nhân hơn, nhiều máy móc hơn, và việc sử dụng cả hai thứ này một cách hiệu quả hơn có thể làm tăng thu nhập quốc gia. Bên cạnh số lượng nguồn lực sản xuất được sử dụng, chất lượng của người lao động và trình độ công nghệ cũng quyết định năng suất và mở rộng khả năng tăng trưởng. 

Kinh tế học thể chế bổ sung cho kinh tế học tân cổ điển bằng cách nhấn mạnh các thể chế của thị trường và chính phủ làm giảm chi phí giao dịch, và nhờ đó làm tăng hiệu quả. Các nhà kinh tế học phát triển nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của lợi ích do thương mại đem lại cho các nền kinh tế đang phát triển, do quy mô hạn chế của thị trường trong nước và nhu cầu to lớn đối với công nghệ nhập khẩu.

Những hiểu biết cơ bản từ các lý thuyết kinh tế như trên đặc biệt hữu ích, xét đến những điều kiện của Việt Nam khi chính phủ thực hiện cải cách vào cuối những năm 1980. 

Vào thời điểm đó, Việt Nam là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng này không phải do đất nước thiếu lao động và vốn, mà là do chính sách cực đoan của chính quyền cộng sản đã kìm hãm năng lực của nền kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và sở hữu tập thể thay thế thị trường, dẫn đến tình trạng nguồn lực vật chất bị định giá thấp và lực lượng lao động bị lãng phí.

Xét từ lý thuyết kinh tế chuẩn mực, động lực của tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong hai thập niên đầu tiên của "đổi mới", đến từ sự giải phóng những năng lực bị kềm nén nói trên dưới nền kinh tế chỉ huy, được hỗ trợ bởi những lợi ích từ thương mại, viện trợ nước ngoài, đầu tư và kiều hối. 

Khi những cấm đoán của chính quyền được dỡ bỏ, một lượng lớn nguồn lực trong nước được khai thông, đi vào các hoạt động kinh tế, vào vòng xoay của thị trường, chứ không còn để phục vụ cho các chỉ tiêu giáo điều của chính quyền. 

Khi doanh nghiệp tư nhân được hoạt động hợp pháp, từng cá nhân có thị trường để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn cho bản thân và gia đình, đồng thời cũng đóng góp vào năng suất của nền kinh tế chung. Khi nền kinh tế mở cửa ra cho đầu tư nước ngoài, ngoại thương, viện trợ và vốn nước ngoài, những nhân tố này giúp phát triển các nguồn lực có sẵn và đưa vào công nghệ mới. 

Hàng chục tỷ dollars ngoại hối của người Việt ở nước ngoài, chủ đến từ cộng đồng đã tị nạn khỏi Việt Nam trước đó trên dưới 10 năm, đã góp phần lớn trong những năm đầu "đổi mới" giúp kích thích tiêu dùng, cung cấp ngoại tệ cho nhà nước để nhập khẩu máy móc, và giúp cân bằng cán cân tiền tệ và ngân sách chính phủ. 

Từ những phân tích đó, chúng tôi nhận thấy "bí ẩn" của sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam thực ra không có gì "bí ẩn" cả. 

Điều thường được nói là một "phép màu" của Việt Nam khi chuyển đổi từ một quốc gia đói ăn và hàng chục triệu người suy dinh dưỡng vào thập niên 1980s trở thành một nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới chỉ trong vòng vài năm sau "đổi mới" hoàn toàn không phải do một chính sách phát triển kỳ diệu nào của nhà nước mà đơn giản chỉ là từ bỏ chính sách áp chế kinh tế trước đó, với hơn 30 năm ở Miền Bắc từ 1954 và hơn 10 năm ở Miền Nam từ 1975. 

Ngay cả đối với thành tích xuất khẩu bất ngờ mà Việt Nam đạt được từ sau "đổi mới", nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra nó đơn giản đến từ việc nới lỏng hay gỡ bỏ xiềng xích đối với giới doanh nhân. 

Khác với các nước theo mô hình "developmental state" mà ở Việt Nam gọi là "nhà nước kiến tạo", sự tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam mấy chục năm qua có đóng góp rất ít ỏi từ chính sách nhà nước. 

RFA : Những điểm hạn chế của quá trình tăng trưởng ở Việt Nam là gì ?

Vũ Tường : Số liệu cho thấy rõ kinh tế Việt Nam từ khi đổi mới không phải tăng trưởng vượt bậc khi so sánh với các nước trong khu vực. 

Nếu ta so sánh mức độ chênh lệch giữa Việt Nam và các nước láng giềng vào thập niên 1990 và ngày nay, chúng ta thấy thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tiếp tục thấp hơn các nước đó. Xếp hạng về thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam ở Đông Nam Á hoàn toàn không thay đổi sau hơn 30 năm "đổi mới". Ở thập niên 1980, Việt Nam là nước có thu nhập bình quân đầu người thứ 4 ở Đông Nam Á tính từ dưới lên, chỉ hơn Lào, Campuchia, Miến Điện. Ngày nay, Việt Nam vẫn tiếp tục đứng ở thứ hạng đó. 

Hãy thử so sánh thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam với Lào và Campuchia, hai nước có cùng một lịch sử chiến tranh và chủ nghĩa xã hội với Việt Nam (Campuchia là ở giai đoạn Khmer Đỏ, tức Đảng Cộng sản Campuchia, và giai đoạn Việt Nam chiếm đóng). Hai nước này tuy còn thấp hơn Việt Nam nhưng khoảng cách đã thu hẹp đáng kể. Họ đã gần bằng Việt Nam rồi. 

RFA : Những hạn chế đó có hàm ý gì về mặt chính sách kinh tế ở Việt Nam không ?

Vũ Tường : So sánh Việt Nam với các nước láng giềng cho thấy Việt Nam vẫn còn áp chế nhiều nguồn lực của đất nước mình, chưa giải phóng được tất cả năng lực. Cả hai cách nhìn, lý thuyết kinh tế tân cổ điển và kinh tế học thể chế, đều cho thấy Việt Nam nên giải phóng nhiều hơn nữa nguồn lực kinh tế tư nhân và giúp cho các định chế thị trường phát triển hiệu quả hơn, để có thể tối đa hóa tiềm năng quốc gia. 

Hơn nữa, những yếu kém của Việt Nam từ góc nhìn so sánh với các nước trong khu vực cũng cho thấy rằng bản thân việc giải phóng các nguồn lực và rút lại những áp chế cũng vẫn chưa đủ. Để có thể tiếp tục phát triển nhanh, và rút ngắn khoảng cách với các nước láng giềng, Việt Nam phải có những chiến lược phát triển và các định chế chính trị - xã hội - kinh tế mới, nâng cao năng lực công nghệ và năng suất, và tối ưu hóa các định chế tài chính hiện hành. 

RFA : Từ 1986 đến nay, nhà nước đóng vai trò gì trong quỹ đạo phát triển của kinh tế Việt Nam ?

Vũ Tường : Nhà nước đóng vai trò tiêu cực nhiều hơn tích cực trong bước phát triển kinh tế của Việt Nam. Vai trò đó là 1) từ từ nới lỏng các định chế kềm hãm đối với kinh tế tư nhân, trong khi tiếp tục bảo vệ lợi ích và ưu đãi tối đa doanh nghiệp nhà nước ; 2) trải thảm đỏ thu hút đầu tư nước ngoài, lợi dụng gía nhân công rẻ, bất chấp hậu quả đến môi trường ; và 3) ký kết tham gia các hiệp ước thương mại tự do để hỗ trợ xuất khẩu. 

Chính sách kinh tế này không tạo ra được các công ty (tư nhân hay nhà nước) hùng mạnh, có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu. Ngược lại chính sách đó tiếp tục nuôi dưỡng các tập đoàn nhà nước làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, và tham nhũng. Chính sách này dẫn đến kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu, trong khi sản xuất công nghiệp nội địa yếu kém, năng suất công nhân rất thấp, và cả công nhân lẫn nông dân bị khai thác, bóc lột nặng nề. 

Chính sách này tạo ra tăng trưởng tương đối trong khi lực lượng lao động còn dư thừa, nhưng không đủ để đưa Việt Nam ra khỏi "bẫy thu nhập trung bình". Trong tương lai, khi lực lượng lao động hết dư thừa, đầu tư nước ngoài sẽ không chảy vào Việt Nam và kinh tế sẽ thôi tăng trưởng. 

Chính sách kinh tế của nhà nước Việt Nam mang tính bảo thủ với mục tiêu chính nhằm bảo vệ quyền lợi và sự cai trị của Đảng Cộng sản. Nhà nước đóng vai trò cản đường nhiều hơn là mở đường, vơ vét nhiều hơn là kiến tạo.

RFA : Tăng trưởng kinh tế ảnh hưởng đến chính trị Việt Nam như thế nào ?

Vũ Tường : Tăng trưởng kinh tế đã biến Đảng Cộng sản thành một ông chủ "thu tô" từ công ty nước ngoài – "tô" tức là các loại thuế do tài nguyên và lao động đem lại. Ông chủ này sau đó đem lợi tức chia chác cho Đảng viên và gia đình thân hữu, với giới lãnh đạo Đảng chiếm phần lớn, tha hồ tiêu xài, xây "biệt phủ".

Tăng trưởng kinh tế cũng tạo ra một tầng lớp trung lưu nhỏ với những đòi hỏi dân chủ hoá và đi theo những xu hướng tiến bộ khác của cả nhân loại. Tăng trưởng kinh tế dẫn đến tình trạng bần cùng hoá của nông dân và công nhân mặc, dù mức sống của họ tạm thời tăng lên sau khi bãi bỏ nền kinh tế kế hoạch, tập trung bao cấp. 

Các vụ cưỡng chế đất đai đã tạo ra nhiều bất bình và kháng cự như ở Đồng Tâm năm 2021. Các vụ tham nhũng khổng lồ và đặc quyền đặc lợi của giai cấp thống trị là các quan chức nhà nước đã làm xói mòn tính chính danh của Đảng Cộng sản, khiến cho nó phải tăng cường sử dụng công cụ bạo lực để trấn áp dân chúng, dẫn đến tính chính danh càng yếu hơn. Đó là những ảnh hưởng chủ yếu của tăng trưởng kinh tế đến chính trị ở Việt Nam. 

RFA : Xin Giáo sư cho biết trong cuốn sách "The Dragon's underbelly..". ("Yếu huyệt của Rồng…"), các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những "yếu huyệt" cơ bản nào của Việt Nam, khiến nước này đã không đạt được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020 ?

Vũ Tường : "Yếu huyệt" cơ bản là sức cản chính trị : kinh tế không được phép phát triển dựa trên nhu cầu của đất nước và sự tính toán hợp lý về năng lực quốc gia, cả dài hạn lẫn ngắn hạn. Ngược lại, nó buộc phải phục vụ những mục đích thiển cận của đảng cầm quyền, do những người lãnh đạo bất tài tham nhũng như Nông Đức Mạnh hay giáo điều chủ nghĩa xã hội như Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt.

RFA : Xin cảm ơn Giáo sư Vũ Tường đã chia sẻ với độc giả của chúng tôi bài phỏng vấn này.

Nguồn : RFA, 04/04/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Vũ Tường
Read 177 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)