Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/04/2023

Không thể giải quyết vấn nạn tham nhũng dưới chế độ này !

Hà Nguyên - Hồng Dân

Luật Phòng, chống tham nhũng kém hiệu quả ?

Hà Nguyên, VNTB, 11/04/2023

Tham nhũng vụ sau lại lớn hơn vụ trước.

chong1

"…sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Thanh tra, Luật Thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Luật Tiếp công dân và các dự án luật khác liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực".

Đoạn mệnh lệnh trên được trích ở văn bản có tên "Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực", phát hành kèm theo Công văn số 1949-CV/BNCTW, ngày 12/4/2022 của Ban Nội chính Trung ương.

Trên thực tế thì mặc dù rất mạnh miệng tuyên bố "lò" nóng, củi tươi cũng đã cháy, song tham nhũng thì lại vụ sau cứ lớn hơn vụ trước.

Thử nhìn vấn nạn trên từ vụ án "chuyến bay giải cứu" cho thấy ở đây, cần nhấn mạnh là cho đến tận thời điểm này, tháng 4-2023, tham nhũng vẫn được xuê xoa với các "thủ trưởng anh cả" ở từng bộ, ngành.

Không khó để kiểm chứng khi ở Việt Nam với mỗi cơ quan đơn vị, dù có cơ quan giúp việc, nhưng ai muốn gặp thủ trưởng, văn bản đưa lên đều phải thông qua thư ký, trợ lý sắp xếp, trình ký. Vì vậy, dù chức vụ không cao nhưng vai trò, trách nhiệm, quyền lực của thư ký, trợ lý là "rất lớn".

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hành vi tham ô, nhận hối lộ, vòi vĩnh là điều rất dễ hiểu. Chỉ khó hiểu ở chỗ không ai tin khi thư ký hay trợ lý vi phạm, song chính người lãnh đạo, thủ trưởng đó lại "hồn nhiên không biết, không rõ" là chuyện giống như cổ tích. Chính điều đó cho thấy chuyện "củi – lò" thật ra nghĩ cho đến cùng cũng là những đổi chác quyền lực đàng sau hậu trường chốn cung đình.

Có một thắc mắc là vì sao trên báo chí suốt thời gian qua hiếm hoi viện dẫn Luật Phòng, chống tham nhũng (phiên bản tu chỉnh 2020) khi tường thuật các vụ án liên quan về tội tham nhũng ?

Rõ ràng nếu "căn ke" theo luật, thì có thể "dập từ trong trứng nước" chuyện tham nhũng, vì các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện, bao gồm khá rộng :

a) Tham ô tài sản ;

b) Nhận hối lộ ;

c) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản ;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi ;

đ) Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi ;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi ;

g) Giả mạo trong công tác vì vụ lợi ;

h) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi ;

i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi ;

k) Nhũng nhiễu vì vụ lợi ;

l) Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi ;

m) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi ; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi (trích Điều 2.1, Luật Phòng, chống tham nhũng).

Cá nhân người viết cho rằng nếu như thực hiện tử tế điều luật đã được quy định sau đây, thì chắc hẳn chỉ xét riêng với hệ thống báo chí nhà nước thôi, mặc dù được định hướng chính trị ra sao với những giới hạn thông tin thế nào đi nữa, thì cũng làm chùn những bàn tay muốn nhúng chàm :

"Điều 15. Trách nhiệm giải trình

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó. Người thực hiện trách nhiệm giải trình là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình.

2. Trường hợp báo chí đăng tải thông tin về vi phạm pháp luật và có yêu cầu trả lời các vấn đề liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền phải giải trình và công khai nội dung giải trình trên báo chí theo quy định của pháp luật".

Dẫn chứng : trong vụ "chuyến bay giải cứu", ngay từ đầu báo chí đã nhận được phản hồi với dấu hiệu "lợi dụng dịch bệnh" trong giá cả dịch vụ "chuyến bay combo". Thế nhưng chẳng có cơ quan nào chấp nhận về trách nhiệm giải trình.

Tương tự, ở vụ kit-test Việt Á, ngay từ đầu cả giới trí thức tinh hoa cho đến người dân lao động đều phản ứng về mật độ cưỡng bức "chọt mũi", bất chấp cảnh báo đe dọa lây nhiễm chéo, với sau đó là ngờ vực về độ chính xác trong "dương tính" của sinh phẩm… Kết quả thì sao ? Ngay cả đến lúc này phía cơ quan điều tra vẫn "từ chối" thông báo cổ đông lớn nhất chiếm 80% vốn ở Việt Á là ai, tức "trùm cuối" tiếp tục… ẩn mặt.

Trong bối cảnh thực tế ở trên, cho thấy trong khi chờ đợi tiếp tục sửa đổi thêm lần nữa Luật Phòng, chống tham nhũng, hãy nghiêm túc thực thi luật này. Chuyện ‘củi – lò’ nên là việc của nội bộ Đảng, bởi nó không đại diện cho hệ thống luật pháp quốc gia.

Hà Nguyên

Nguồn : VNTB, 11/11/2023

**************************

Tham nhũng ngay từ… lập pháp

Hồng Dân, VNTB, 11/04/2023

Đảng góp mặt trong tất cả "các mâm" : từ lập pháp, hành pháp, cho đến luôn tư pháp.

chong2

Mới đây, vào tuần lễ cuối của qúy 1-2023, tại hội nghị tổng kết công tác nội chính của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, Bí thư Nguyễn Văn Nên – trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố Hồ Chí Minh, trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh, đã đưa ra yêu cầu cho Ban Nội chính của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh : "Thường xuyên kiểm tra, rà soát, đôn đốc tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng, nhất là đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện theo dõi, chỉ đạo hoặc có ý kiến chỉ đạo của trung ương".

Mệnh lệnh trên cho thấy tư pháp độc lập ở Việt Nam là một khái niệm được hiểu là "độc lập nhưng buộc phải tuân thủ các chỉ đạo của Đảng". Và chính điều đó dẫn đến nguy cơ của tham nhũng quyền lực chính trị, và tham nhũng chính sách.

"Lợi ích nhóm" trong tham nhũng chính sách để củng cố quyền lực chính trị, xét về khía cạnh lập pháp, có thể mô tả như sau :

Theo luật định, quy trình soạn thảo, ban hành luật bao gồm các bước cơ bản như : Soạn thảo luật, nghị quyết ; lấy ý kiến vào dự án luật, dự thảo nghị quyết ; thẩm định dự án luật, dự thảo nghị quyết ; Chính phủ xem xét, thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội ; thẩm tra dự án luật, dự thảo nghị quyết ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án luật, dự thảo nghị quyết ; thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết ; công bố về luật.

Về tổng thể, đó là quy định hết sức chặt chẽ, nếu làm đúng quy trình, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, bảo đảm chất lượng ở tất cả các bước thì có thể phòng ngừa được "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.

Tuy nhiên, "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật có thể nảy sinh, xuất hiện ở cả 3 công đoạn.

Ở công đoạn đưa ra sáng kiến dự thảo luật, bộ, ngành là cơ quan chủ trì đưa ra mô hình tổng thể của dự thảo luật, chứng minh sự cần thiết, tính cấp bách phải xây dựng và ban hành luật.

Ở công đoạn này, cơ quan quản lý nhà nước luôn cố gắng chứng minh, giải trình phương án chính sách đưa ra theo hướng có lợi cho bộ, ngành mình. Khi dư luận hoài nghi về sự cần thiết khách quan của dự thảo luật thì chủ thể xây dựng dự thảo luật tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để rộng đường dư luận.

Nhưng thực tế thì một số bộ, ngành chỉ mời những người ủng hộ quan điểm của họ, những người có ý kiến phản biện nghiêm túc, trách nhiệm thì họ không mời, từ đó dẫn tới kết quả hội thảo, tọa đàm chỉ toàn ý kiến ủng hộ, nhất trí. Điều đó phản ánh không thực chất, khách quan về dự thảo luật.

Ở công đoạn soạn thảo luật, xây dựng chi tiết các chương, điều, những người được giao trách nhiệm soạn thảo dễ bị chi phối bởi lợi ích cục bộ nên thường đưa ra những quy định có lợi cho bộ, ngành mình, thậm chí có lợi cho một nhóm lợi ích thực thi chính sách sau này.

Chẳng hạn, có không ít dự thảo luật đưa ra quy định về lập quỹ tài chính. Dưới vỏ bọc "xã hội hóa", tưởng như những loại quỹ vận động tài chính từ các tổ chức, cá nhân là hợp pháp, nhưng khi đi vào cuộc sống, những quỹ này có thể được sử dụng không đúng mục đích, thậm chí bị "nhào nặn" biến tướng để mang lại lợi ích cho một nhóm người.

Ở công đoạn thẩm định, thẩm tra dự thảo luật, nếu người có trách nhiệm thẩm định, thẩm tra dễ dãi, nể nang và thiếu trình độ, kỹ năng, năng lực thẩm định, thẩm tra thì để tồn tại những kẽ hở trong luật.

Đấy là chưa kể có hiện tượng "đi cửa sau", mà nói thẳng là có sự thông đồng giữa người soạn thảo dự luật và người thẩm định, thẩm tra dự thảo luật. Thậm chí, vì đồng tiền chi phối, mua chuộc, có người được giao trọng trách thẩm tra nhưng sẵn sàng chà đạp lên lợi ích chung của nhân dân, của đất nước để "bảo kê" chính sách cho cơ quan soạn thảo.

Khi tham nhũng chính sách không bị phát hiện, ngăn chặn sẽ cản trở sự phát triển lành mạnh của xã hội ; nguyên tắc công bằng, bình đẳng trước pháp luật bị xâm hại ; nguồn lực đất nước bị phân tán, năng lực cạnh tranh quốc gia suy giảm.

Và trên thực tế, cho đến nay vẫn chưa hề có "củi khô – củi tươi" nào là các "củi tham nhũng chính sách" được "xướng tên" ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng.

Hồng Dân

Nguồn : VNTB, 11/04/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hà Nguyên, Hồng Dân
Read 483 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)