Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/04/2023

"Ngoại giao cây tre" và "Quốc phòng 4 không" của Việt Nam

Phạm Trần

Đánh giá chính sách "ngoại giao cây tre" và "quốc phòng 4 không" của Việt Nam

Việt Nam khoe chính sách "Ngoại giao Cây tre" và "Quốc phòng 4 Không" như một lựa chọn khôn ngoan để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Nhưng Việt Nam đã không có bất cứ nỗ lực nào để đẩy Trung Quốc ra khỏi vùng Lưỡi Bò, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, chiếm diện tích trên 3 triệu cây số vuông, hay 80% Biển Đông.

caytre1

Việt Nam khoe chính sách "Ngoại giao Cây tre" và "Quốc phòng 4 Không" như một lựa chọn khôn ngoan để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Nên biết Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ở La Haye, ngày 12/07/2016 đã phán quyết về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines với Trung Quốc :

- Trung Quốc không có "quyền lịch sử" đối với Biển Đông ;

- "Đường lưỡi bò" do Trung Quốc tự vẽ ra không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển ;

- Không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế cho Trung Quốc ;

- Trung Quốc can thiệp vào quyền đánh bắt cá của ngư dân Philippines, đặc biệt là ở bãi cạn Scarborough ;

- Trung Quốc gây thiệt hại đến hệ sinh thái quần đảo Trường Sa bằng các hoạt động như khai thác quá mức, xây đảo nhân tạo ;

- Các hành động của Trung Quôc làm gia tăng khả năng xảy ra xung đột với Philippines.

Tuy nhiên, Trung Quốc không công nhận phán quyết này.

Hồi đó Phi Luật Tân đã mời Việt Nam cùng tham gia kiện Trung Quốc nhưng Việt Nam từ chối.

Hoàng Sa – Trường Sa

Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974 và chiếm thêm 7 vị trí chiến lược ờ Trường Sa trong khoảng thời gian từ 1978 đến 1992. Bắc Kinh đã tân tạo các vị trí chiếm đóng thành căn cứ quân sự, nhưng Việt Nam không dám tấn công lấy lại vì sợ bị trả đũa.

Các vị trí bị Trung Quốc chiếm gồm Châu Viên, Chữ Thập, đá Gaven, đá Tư Nghĩa, đá Gạc Ma, đá Vành Khăn và đá Subi.

Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ thì : "Việt Nam đang thực thi chủ quyền hợp pháp tại 21 điểm đảo. Có thể chia thành thành 2 nhóm đảo, tuyến Bắc Trường Sa và Nam Trường Sa. Các đảo Bắc Trường Sa mà Việt Nam đang canh giữ, thực thi chủ quyền gồm 10 đảo, đá lực lượng sau: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết, Len Đao, Cô Lin, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Đá Lớn. Các đảo Phía Nam Trường Sa mà Việt Nam đang bảo vệ gồm 11 đảo, đá sau : Trường Sa, Trường Sa Đông, An Bang, Phan Vinh, Thuyền Chài, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan, Đá Tây, Đá Đông, Đá Lát".

Lập trường đôi bên

Trung Quốc xác nhận : "Kiên trì theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập hòa bình. Các mục tiêu cơ bản của chính sách này là để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, tạo ra một môi trường quốc tế thuận lợi cho cải cách, mở cửa và hiện đại hóa xây dựng của Trung Quốc, và để duy trì hòa bình thế giới và thúc đẩy sự phát triển chung" (theo Bách khoa Toàn thư mở).

Tuy nhiên Bắc Kinh cương quyết "không quan hệ ngoại giao với bất kỳ quốc gia nào công nhận Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan)". Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình.

Trong khi đó, Việt Nam cũng tuyên bố : "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển ; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế" (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam).

Cả hai nước Việt-Trung đều chủ trương theo đuổi nền ngoại giao "độc lập" và "hòa bình", nhưng chưa bao giờ Bắc Kinh muốn từ bỏ tham vọng chiếm đóng Việt Nam.

Ngoại giao cây tre

Do đó, Việt Nam đã theo đuổi đường lối ngoại giao được gọi là "cây tre Việt Nam" dựa trên bản sắc "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển", "dĩ bất biến, ứng vạn biến".

Bộ trường Ngoại giao Bùi Thanh Sơn giải nghĩa : "Gốc vững chính là truyền thống tự lực, tự cường, là lợi ích quốc gia – dân tộc, được dẫn dắt bởi nền tảng tư tưởng của Đảng. Thân chắc chính là bản lĩnh kiên cường trước mọi thử thách, khó khăn, là những cốt lõi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế" (Phỏng vấn nhân dịp Tết Quý Mão 2023).

Trong khi đó, Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng cũng lý giải rằng : "Chính sách ngoại giao của Việt Nam" mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển", thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam".

Ông nói : "Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt ; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương ; biết thời, biết thế ; biết mình, biết người ; biết tiến, biết thoái, "tùy cơ ứng biến", "lạt mềm buộc chặt" (Tuyên bố tại Hội nghị dối ngoại toàn quốc ngày 14/12/2021).

Ngoại giao 3 bước

Từ căn bản này, Việt Nam đang theo đuổi nền Ngoại giao 3 bước : "Toàn diện", "Chiến lược" và "Chiến lược toàn diện".

Cho đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 92 nước, nhưng Hoa Kỳ và Việt Nam chỉ ở mức "ngoại giao toàn diện". Nền ngoại giao này không có hai tiêu chuẩn tương trợ nhau về "an ninh" và "thịnh vượng".

Theo định nghia ngoại giao thì :

"Đối tác chiến lược toàn diện" là quan trọng nhất. Chủ trương này quy định : "Đối tác chiến lược toàn diện hay còn gọi là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, tức là hai hay nhiều bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng có lợi. Đồng thời hai bên còn xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược".

Tới nay, chỉ có 4 nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là : Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016) và Hàn Quốc (2022).

"Đối tác chiến lược" là mối quan hệ mang tính chất toàn cục, then chốt và có giá trị lâu dài với thời gian. Mối quan hệ gắn liền với nhiều lĩnh vực phát triển cùng có lợi với nhau (quan hệ cùng thắng) có thể có cả lĩnh vực an ninh quân sự.

Về hình thức, đối tác chiến lược có thể diễn ra linh hoạt (chính thức hoặc không chính thức, song phương hoặc đa phương, diện và mức độ tham gia rộng hoặc hẹp, nhiều hoặc ít…) và có tính mở vì không hướng tới một kết cục cụ thể.

Hiện nay Việt Nam có 17 nước là đối tác chiến lược (4 nước là đối tác chiến lược toàn diện), trong đó có 5 đối tác là các quốc gia chủ chốt trong ASEAN, gồm : Nga (2001) ; Ấn Độ (2007) ; Trung Quốc (2008) ; Nhật Bản, Hàn Quốc và Tây Ban Nha (2009) ; Anh (2010) ; Đức (2011) ; Italy (1/2013), Thái Lan (6/2013), Indonesia (6/2013), Singapore (9/2013) và Pháp (9/2013) [9] ; Malaysia và Philippines (2015) ; Úc (2018) ; New Zealand (2020).

Những cam kết

"Đối tác chiến lược" phải bao gồm những cam kết : không tấn công lẫn nhau ; không liên minh chống lại các nước khác ; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; phải có lòng tin lẫn nhau. Đối với Mỹ, đối tác chiến lược phải bao gồm hợp tác chặt chẽ về quân sự, an ninh và thịnh vượng chung.

Trong lĩnh vực an ninh, quan hệ đối tác chiến lược sẽ giúp cho Việt Nam củng cố nền tảng ngoại giao và quốc phòng, hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong việc giữ gìn an ninh, bảo toàn chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.

Về "thịnh vượng", đây là : "Mối quan hệ kinh tế với đối tác đó phải góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Nó thể hiện trên các lĩnh vực : quan hệ thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển (ODA) và chuyển giao công nghệ".

Quốc phòng 4 không

Bên cạnh nền ngoại giao "cây tre", Việt Nam cũng đang theo đuổi chính sách quốc phòng gọi là "4 không", như quy định trong Sách trắng Quốc phòng" công bố ngày 25/07/2019.

Theo đó :

- Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự ;

- Không liên kết với nước này để chống nước kia ;

- Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác ;

- Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Tuy nhiên, theo Thương tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trường Quốc phòng thới bấy giờ thì : "Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung".

Ông nói thêm : "Tùy diễn biến tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế".

Lời nói "dự phòng này" của tướng Vịnh đã khiến nhiều chuyên gia dự đoán Việt Nam sẽ nhờ nước ngoài giúp đỡ nếu bị Trung Quốc tấn công quân sự.

Nhưng ngoài cường quốc quân sự đứng đầu thế giới là Hoa Kỳ thì không có nước nào có thể giúp Việt Nam được.

Phạm Trần

(12/04/2023)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần
Read 781 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)