Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/04/2023

Bắc Kinh sốt ruột vì chưa thể tiến chiếm Đài Loan

Stéphane Corcuff, Thanh Hà

Mối đe dọa Trung Quốc : 3 lý do phương Tây cần bảo vệ Đài Loan

Stéphane Corcuff, Thanh Hà, RFI, 17/04/2023

Bắc Kinh vừa kết thúc chiến dịch tập trận 3 ngày "bao vây" Đài Loan. Mối "Đe dọa" Trung Quốc tại eo biển cùng tên càng lúc càng lớn. Kết thúc chuyến công du Trung Quốc, tổng thống Pháp, Emmanuel Macron bị chỉ trích mạnh mẽ về phát biểu cho rằng Liên Hiệp Châu Âu cần "độc lập" với quan điểm của Mỹ trên vấn đề Đài Loan.

chinataiwan1

Quân đội Đài Loan bắn đạn thật với xe tăng CM-11 và pháo tự hành trong cuộc tập trận ở miền nam hải đảo ngày 30/5.

Trả lời RFI tiếng Việt, giáo sư Stéphane Corcuff, trường Khoa học Chính trị (Sciences Po) Lyon nhắc lại Trung Quốc muốn thôn tính hòn đảo này, kể cả bằng sức mạnh quân sự, vì các lý do chính trị, địa chính trị và chiến lược. Do vậy theo quan điểm của ông, phương Tây có ít nhất ba lý do cần bảo vệ hòn đảo này trước tham vọng của chính quyền Đảng cộng sản ở Hoa Lục.

Giáo sư Stéphane Corcuff là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về Đài Loan. Ông phụ trách điều phối số báo đặc biệt của tạp chí Historia (tháng 11/2022- La Guerre des deux Chines, 1661-2022) và từng cộng tác với nhiều báo mạng chuyên về Châu Á như Asialyst hay về ngoại giao như Diplomatie

Stéphane Corcuff : Đài Loan là một quốc gia chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa là một phần của thế giới Trung Hoa, nhưng Đài Loan dưới nhiều khía cạnh khác nhau, lại là một quốc gia rất ‘phương Tây’ hiểu theo nghĩa đảo quốc này tôn trọng luật chơi quốc tế, cho dù là về mặt chính thức Đài Loan không được cộng đồng quốc tế công nhận. Đài Loan cũng là một số quốc gia hiếm hoi trên thế giới không gây hấn với các nước láng giềng hay với phần còn lại trên thế giới. Đài Loan không đưa quân đi xâm chiếm một quốc gia nào khác, không quân sự hóa các đảo nhỏ ở Biển Đông hay Hoa Đông. Chính quyền Đài Bắc không chủ trương phá vỡ trật tự thế giới, một trật tự đã được xây dựng trên pháp luật. Hơn nữa, Đài Loan là một nền dân chủ và theo tôi đây là một điều hết sức quan trọng để cộng đồng quốc tế yểm trợ Đài Loan. 

Kế tới, vì những lý do địa chiến lược, cộng đồng quốc tế cần phải bảo vệ Đài Loan. Trước hết, về mặt kinh tế Đài Loan chiếm một vị trí then chốt trong chuỗi trị giá gia tăng, Đài Loan rất mạnh về mặt công nghệ và là nguồn sản xuất linh kiện bán dẫn của thế giới chủ yếu là trong lĩnh vực chip điện tử hiện đại nhất. 

Ai cũng biết - mà chính Bắc Kinh đã khẳng định là Trung Quốc đang trở thành một siêu cường của thế giới. Sức mạnh hải quân Trung Quốc hiện nay là số một toàn cầu, Trung Quốc sắp trở thành quốc gia có lực lượng quân sự hùng mạnh nhất và về quân số thì đã đứng đầu thế giới. Như đã biết Bắc Kinh không che giấu mục tiêu thôn tính Đài Loan, kể cả bằng sức mạnh. Trung Quốc đã đưa ra rất nhiều lý lẽ chứng minh về tính chính đáng thâu tóm Đài Loan. 

RFI tiếng Việt dẫn nhập : Bắc Kinh đã đưa ra những bằng chứng lịch sử để khẳng định Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc nhưng lập trường này đã bị một số chuyên gia của phương Tây bác bỏ, thậm chí gọi đấy là một sự ngụy tạo về lịch sử. 

Stéphane Corcuff : Trung Hoa Dân Quốc năm 1912 rồi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa năm 1949 đã thừa hưởng lại các đường biên giới được phân định từ thời triều đình Mãn Châu và xin nhấn mạnh đó là thời kỳ Mãn Châu, chứ không phải là đế chế Trung Hoa như chính quyền hiện nay ở Hoa lục thường nhận vơ. Xin đơn cử bằng chứng là thế kỷ 17, Trung Quốc bị người Mãn Châu đô hộ. Tiếp theo đó các vùng Nội Mông, miền đông Turkestan và sau cùng là Đài Loan (1684) đã bị người Mãn Châu chinh phục. Do vậy Đài Loan chưa bao giờ thuộc về Trung Quốc mà chỉ là thuộc về một đế chế đã từng đô hộ Trung Quốc. Nhưng chính quyền ở Hoa lục không bao giờ công nhận điều ấy và như vậy có lợi cho họ để khẳng định rằng Đài Loan là một vùng lãnh thổ của Trung Quốc. Sau chiến tranh Nhật-Trung lần thứ nhất, năm 1884, triều đình Mãn Thanh đã trao lại Đài Loan cho Nhật Bản cai trị (…). 

RFI tiếng Việt giải thích thêm : Trước khi Thế chiến thứ II kết thúc, Tuyên bố Cairo năm 1943, nêu rõ "Formosa (Đài Loan) và quần đảo Bành Hồ (Penghu Islands) sẽ được khôi phục cho Trung Hoa Dân Quốc…". Năm 1949 khi Đảng cộng sản giành được chính quyền, lập thủ đô ở Bắc Kinh, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch đã phải chạy sang Đài Loan. Ông lãnh đạo hòn đảo này cho đến năm 1975 dưới sự yểm trợ của Hoa Kỳ nhằm kềm tỏa đà tiến của phe cộng sản tại Châu Á. Năm 1971 Liên Hiệp Quốc công nhận nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa là đại diện duy nhất của Trung Quốc. Mỹ và phương Tây cũng tuân thủ nguyên tắc "một nước Trung Quốc duy nhất". Song do vị trí chiến lược về mặt địa lý và địa chính trị, Đài Loan vẫn được Hoa Kỳ quan tâm. Năm 1979 Washington thông qua đạo luật Taiwan Relations Act cho phép Hoa Kỳ bán vũ khí cho hòn đảo này để tự vệ nhưng văn bản nói trên không nói rõ khả năng "can thiệp quân sự" trong trường hợp Đài Loan bị tấn công. Stéphane Corcuff lưu ý : Trung Quốc càng lúc càng nhìn thấy tầm mức quan trọng của Đài Loan trong cuộc đối đầu với Mỹ. 

Stéphane Corcuff : Mãi đến sau này, Trung Quốc mới khai thác lập luận đó trong việc khẳng định chủ quyền với Đài Loan, một khi Bắc Kinh hiểu rằng làm chủ eo biển Đài Loan cho phép Hải quân Trung Quốc phát triển mạnh mẽ về mặt chiến lược, và đây là cánh cửa mở ra Thái Bình Dương. Từ đó Đài Loan lại càng có tầm mức quan trọng hơn theo quan điểm của Bắc Kinh. Nhưng tôi xin nhắc lại ban đầu kế hoạch chiếm lại Đài Loan chỉ mang màu sắc chính trị, với những ý đồ nặng tính dân tộc chủ nghĩa. Bởi vào đầu thập niên 1950 khi (Đảng cộng sản) mới giành được chính quyền, Trung Quốc chưa có một lực lượng Hải quân đủ sức đẻ hoạt động tại các vùng biển sâu. Bây giờ thì khác và chính vì thế mà vị trí của Đài Loan ở chuỗi đảo đầu tiên mở ra Thái Bình Dương lại càng quan trọng hơn nữa. Đài Loan cũng rất gần với Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc : đó là những đồng minh của Mỹ ở Châu Á, và là nơi Hoa Kỳ đã đặt căn cứ căn cứ quân sự. Nói cách khác, Đài Loan là cánh cổng mở cho phép hải quân Trung Quốc vươn ra Thái Bình Dương. Nhất là một khi làm chủ được Đài Loan, Trung Quốc chắc chắn sẽ đặt căn cứ dọc suốt theo bờ đông của Đài Loan hướng ra Thái Bình Dương để quan sát mọi qua lại trong vùng biển này. Viễn cảnh này không lạc quan chút nào, nhất là đối với Pháp, một cường quốc trong vùng. Kinh nghiệm cho thấy Trung Quốc đã bồi đắp các đảo nhân tạo ở Biển Đông, đã đánh bắt trái phép tại những vùng biển của Philippines và Việt Nam… Trung Quốc cũng sẽ hành xử tương tự ở Thái Bình Dương và sẽ gây trở ngại cho tự do giao thương hàng hải như thế nào một khi chiếm được Đài Loan.

RFI tiếng Việt bình luận : Giáo sư Corcuff e rằng, chiếm được Đài Loan, Bắc Kinh coi như kiểm soát phần lớn Thái Bình Dương, Trung Quốc thêm sức mạnh để uy hiếp các nước láng giềng chung quanh.

Stéphane Corcuff : Nếu như nền dân chủ Đài Loan bị sụp đổ thì có nhiều lo ngại là Trung Quốc sẽ càng trong thế mạnh để khuynh đảo các nước láng giềng. Bắc Kinh không chủ trương lật đổ các chính phủ tại chức để dựng nên những chính quyền mới thân Trung Quốc. Bắc Kinh cũng không có ý đồ đưa quân xâm chiếm các quốc gia lân cận nhưng Trung Quốc có những công cụ khác, cũng lợi hại không kém để mở rộng ảnh hưởng và nhất là can thiệp vào đời sống chính trị, xã hội tác các quốc gia này. Chiếm được Đài Loan lại càng tăng thêm sức mạnh cho Trung Quốc và đó là một điều rất nguy hiểm, bởi khi đó Trung Quốc trở thành một siêu cường không gì ngăn cản nổi. Nhưng đó là một quốc gia không có tự do, không tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác. 

Thanh Hà thực hiện

Nguồn : RFI, 17/04/2023

**************************

Tàu khu trục Mỹ USS Milius qua eo biển Đài Loan

Thùy Dương, RFI, 17/04/2023

Hải quân Mỹ thông báo tàu khu trục USS Milius của Mỹ hôm Chủ nhật 16/04/2023 đã đi qua eo biển Đài Loan, 1 tuần sau đợt tập trận trên quy mô lớn của Trung Quốc tại khu vực mà Bắc Kinh đòi chủ quyền.

chinataiwan2

Tàu khu trục Mỹ USS Milius trong cuộc hải hành ở eo biển Đài Loan. Ảnh ngày 16/04/2023. AP

Trong thông cáo, Hải quân Mỹ cho biết tàu khu trục USS Milius hôm qua 16/04 đã "tiến hành một cuộc hải hành theo thông lệ ở eo biển Đài Loan, tại vùng biển mà tự do hàng hải và hàng không được áp dụng phù hợp với luật quốc tế". Thông cáo của Hải quân Mỹ khẳng định "con tàu đã đi theo một hành lang ở eo biển nằm phía ngoài bất kỳ vùng lãnh hải của một quốc gia ven biển nào. (…) Quân đội Mỹ thực hiện các chuyến bay, hải hành và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".

Trung Quốc hôm 17/04 đã có phản ứng, cho biết đã theo dõi hải trình của tàu chiến Mỹ lúc đi quan eo biển Đài Loan. Bắc Kinh chỉ trích Washington "thổi phồng truyền thông" xung quanh sự hiện diện của tàu khu trục của Mỹ. Ông Thi Nghị (Shi Yi), một phát ngôn viên quân đội Trung Quốc nói rằng các lực lượng Trung Quốc trong khu vực vẫn "duy trì cảnh giác cao độ và quyết tâm bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực".

Trong khi đó, bộ quốc phòng Đài Loan khẳng định tình hình trên biển và trên không xung quanh đảo Đài Loan vẫn "bình thường" trong thời gian tàu USS Milius của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan.

Mặt khác, bộ quốc phòng Đài Loan thông báo đã phát hiện 4 tàu và 18 máy bay của Trung Quốc, trong số đó có 4 máy bay đã bay vào Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan.

Xin nhắc lại, để đáp trả vụ chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy, dù chỉ với tư cách cá nhân, tiếp tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn khi bà quá cảnh ở California trong chuyến công du Trung Mỹ, Trung Quốc đã tổ chức một đợt tập trận lớn 3 ngày với các bài tập phong tỏa đảo Đài Loan bằng tàu chiến và chiến đấu cơ. Đợt tập trận chính thức kết thúc ngày 10/04, nhưng theo AFP, từ đó tới nay, nhiều tàu chiến và máy bay quân sự của Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động quanh đảo Đài Loan.

Thùy Dương

*********************

Tình báo Mỹ : Trung Quốc sẽ nhanh chóng giành ưu thế trên không trong xung đột với Đài Loan

Trọng Nghĩa, RFI, 16/04/2023

Theo các tài liệu tình báo Mỹ bị rò rỉ được truyền thông Mỹ ngày 15/04/2023 tiết lộ, trong bất kỳ một cuộc tấn công nào vào Đài Loan, Trung Quốc sẽ nhanh chóng giành được ưu thế trên không, điều mà Nga đã thất bại nghiêm trọng trong cuộc xâm lược Ukraine vào năm ngoái.

chinataiwan3

Một phi công Trung Quốc thuộc Bộ tư lệnh Chiến khu Miền Đông tham gia cuộc tập trận xung quanh Đài Loan ngày Chủ nhật 09/04/2023. Ảnh của Tân Hoa Xã. AP - Mei Shaoquan

Theo các tài liệu mật bị rò rỉ mới đây, chính giới lãnh đạo quân sự của Đài Loan đã hoài nghi về hiệu năng của hệ thống phòng không trên đảo, không thể "phát hiện chính xác các vụ phóng tên lửa", từ phía Trung Quốc, trong khi chỉ khoảng một nửa số máy bay của Đài Loan có khả năng nghênh chiến với kẻ thù.

Các báo cáo tình báo tiết lộ rằng Đài Loan lo ngại phải mất tới một tuần lễ để di chuyển máy bay đến những nơi trú ẩn, khiến cho các phi cơ này dễ bị tên lửa Trung Quốc tấn công.

Ngoài ra, theo nhật báo Mỹ Washington Post, việc Trung Quốc sử dụng các phương tiện vận tải biển dân sự, bao gồm cả phà chở khách, cho mục đích quân sự, đã khiến cho cộng đồng tình báo Hoa Kỳ gặp rất nhiều khó khăn trong việc dự đoán khi nào một cuộc xâm lược đang được chuẩn bị.

Cũng theo nhật báo Mỹ, Lầu Năm Góc đã chỉ trích các cuộc tập trận tên lửa của Đài Loan gần đây là bám quá sát những kịch bản soạn sẵn, điều có nguy cơ làm cho các lực lượng vũ trang Đài Loan và giàn chỉ huy thiếu chuẩn bị cho các "sự kiện xảy ra trong thế giới thực".

Bộ quốc phòng Đài Loan cho rằng các phản ứng của họ đối với các cuộc phô trương lực lượng gần đây của Trung Quốc chứng tỏ rằng quân đội Đài Loan "hoàn toàn có năng lực, quyết tâm và lòng tự tin" để bảo vệ hòn đảo.

Vào tuần trước, Đài Loan đã tổ chức các cuộc tập trận ứng phó khẩn cấp quy mô lớn với nhiều kịch bản, bao gồm các cuộc tấn công bằng tên lửa và vũ khí hóa học.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Stéphane Corcuff, Thanh Hà, Thùy Dương, Trọng Nghĩa
Read 407 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)