Tại sao Trung Quốc nên lo lắng về phản ứng của Châu Á đối với AUKUS ?
Ngay cả một số quốc gia không liên kết cũng có tín hiệu ủng hộ một cách thận trọng.
Tàu ngầm HMAS Rankin của Hải quân Hoàng gia Úc tham gia cuộc tập trận hải quân Úc-Ấn Độ vào ngày 5/9/2021 ngoài khơi Darwin, Úc. Ảnh Pois Yuri Ramsey / Lực lượng quốc phòng Úc – Getty
Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại San Diego vào tháng trước, ba nhà lãnh đạo đã công bố bước quan trọng tiếp theo cho Hiệp ước An ninh Australia-Anh-Mỹ (AUKUS). Australia sẽ mua ít nhất ba, có thể là năm, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia từ Mỹ, và sau cùng, họ sẽ cùng với Anh triển khai một lớp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới do ba quốc gia cùng phát triển.
Kế hoạch tàu ngầm chỉ là một phần trong sự hợp tác an ninh ngày càng sâu rộng giữa ba nước nhằm chống lại Trung Quốc. Các bước tiếp theo có thể bao gồm việc đặt các phương tiện có năng lực hạt nhân của Mỹ – chẳng hạn như máy bay ném bom chiến lược – ở Australia, cũng như hợp tác về tên lửa siêu thanh, chiến tranh mạng, điện toán lượng tử và các lĩnh vực khác. Tất cả những diễn biến này có thể làm cho AUKUS trở nên quan trọng hơn đối với cán cân quân sự khu vực so với các nhóm tiểu đa phương khác, bao gồm Đối thoại An ninh Bốn bên (Quad) với sự tham gia của Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, và Mỹ ; hoặc Thỏa thuận Phòng thủ Ngũ cường giữa Australia, Anh, Malaysia, New Zealand, và Singapore. AUKUS thực sự đặc biệt, vì nó tập trung hoàn toàn vào việc hiện đại hóa và tăng cường khả năng hợp tác trong các năng lực quân sự của các thành viên để ngăn chặn, và nếu cần thiết, để đánh bại Trung Quốc trong một cuộc xung đột tiềm tàng trong tương lai.
Cũng dễ hiểu khi Bắc Kinh chống lại AUKUS. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cáo buộc ba quốc gia thành viên của hiệp ước đang thể hiện "hành vi bá quyền" và cho biết thỏa thuận này thể hiện "tâm lý Chiến tranh Lạnh" nhằm kiềm chế Trung Quốc. Bắc Kinh cũng bày tỏ lo ngại về việc AUKUS phá hoại chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế, khi Vương cảnh báo Australia, Anh, Mỹ không nên đi theo "con đường nguy hiểm" này.
Tuy nhiên, phản ứng đối với AUKUS trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhìn chung là tích cực – hoặc chí ít cũng không tiêu cực – kể từ khi hiệp ước được công bố vào tháng 9/2021. Một số quốc gia, chủ yếu ở Đông Nam Á, có lo ngại về khả năng phổ biến vũ khí hạt nhân. Nhưng nhìn chung, hầu hết các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đều ủng hộ hoặc tránh công khai phản đối AUKUS, qua đó cho thấy những lo ngại đa dạng và rộng khắp về các hoạt động quân sự, sức mạnh ngày càng tăng, và ý định của Trung Quốc trong khu vực. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho AUKUS trong việc liên kết với các đồng minh và đối tác bổ sung nhằm mục đích răn đe trong thời bình. Trong trường hợp các đối tác thân thiết của AUKUS, sự hợp tác thậm chí có thể mở rộng sang các chiến dịch quân sự trong một cuộc chiến tiềm tàng.
Là một đồng minh vững chắc của Mỹ và cũng có mối quan hệ ngày càng căng thẳng với Trung Quốc, không ngạc nhiên khi Nhật Bản ủng hộ AUKUS. Trong cuộc điện đàm với Albanese vào tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida lưu ý rằng AUKUS sẽ "đóng góp cho hòa bình và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong bối cảnh môi trường an ninh đang ngày càng nghiêm trọng". Tháng 12 năm ngoái, Tokyo đã công bố Chiến lược An ninh Quốc gia mới, trong đó mô tả các hoạt động quân sự của Bắc Kinh là "thách thức chiến lược lớn nhất và chưa từng có tiền lệ".
Mối quan tâm hàng đầu của Nhật Bản là tranh chấp với Trung Quốc tại quần đảo Senkaku (mà Bắc Kinh gọi là quần đảo Điếu Ngư). Nhưng trong những năm gần đây, Tokyo cũng thường xuyên lên tiếng về áp lực quân sự của Bắc Kinh đối với Đài Bắc. Trong một bài viết trên Foreign Policy, học giả Michael Auslin của Viện Hoover lập luận rằng Nhật Bản thuộc về AUKUS (tức là biến hiệp ước này thành JAUKUS ?). Tokyo chưa đưa ra quan điểm chính thức, nhưng người Nhật khó có thể tham gia vào việc sử dụng công nghệ hạt nhân cho chiến tranh. Nước này vẫn đang phải đối mặt với sự phản đối chính trị gay gắt trong nước, vốn bắt nguồn từ ký ức của công chúng về Thế chiến II. Tuy nhiên, Tokyo có lẽ sẽ thấy rằng các phần khác của chương trình AUKUS, chẳng hạn như điện toán lượng tử, hấp dẫn hơn và khả thi hơn về mặt chính trị.
Hàn Quốc, một đồng minh quan trọng khác của Mỹ, vẫn chưa chính thức bình luận về AUKUS. Có thể hiểu được điều này là vì Hàn Quốc đang tập trung vào Triều Tiên và vẫn cố gắng duy trì sự cân bằng mong manh giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol rõ ràng không thoải mái với sự hung hăng của Trung Quốc trong khu vực. Hồi tháng 6/2022, tại Madrid, ông trở thành nhà lãnh đạo Hàn Quốc đầu tiên tham dự và phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh NATO, nơi chủ đề thảo luận chính là cách liên minh này có thể chống lại Trung Quốc và Nga. Dưới thời Yoon, Hàn Quốc được cho là đang tìm cách tăng cường gắn kết, và có khả năng sẽ tham gia Quad, một nhóm an ninh khác được thiết kế chủ yếu nhằm kiểm soát Trung Quốc. Chính quyền Yoon cũng sẵn sàng tham gia vào liên minh Chips 4 do Mỹ dẫn đầu, cùng với Nhật Bản và Đài Loan, trong nỗ lực đa dạng hóa sản xuất chất bán dẫn khỏi Trung Quốc.
Khi được hỏi với tư cách là một ứng viên tranh cử tổng thống vào năm 2021, ông nghĩ gì về AUKUS, Yoon trả lời rằng Seoul không cần loại tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mà Australia muốn mua. Tuy nhiên, sau khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm gần đây, Yoon có lẽ sẽ thay đổi quyết định của mình. Có những lý do khác khiến Seoul nên xem xét tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân ; thực ra, nhiều quan chức Hàn Quốc đã đề xuất một cách riêng tư rằng họ muốn đạt được uy tín quốc gia và năng lực liên quan đến việc sở hữu loại tàu này. Ngoài ra, kết quả thăm dò cho thấy 71% người Hàn Quốc ủng hộ tái bố trí vũ khí hạt nhân ở nước họ. Hơn nữa, Yoon đã bình luận vào tháng 1 rằng Hàn Quốc có thể phải trang bị vũ khí hạt nhân để chống lại một Triều Tiên trang bị vũ khí hạt nhân. Do đó, Seoul có thể được hưởng lợi từ các thỏa thuận kiểu AUKUS trong tương lai. Nhưng trong hiện tại rất khó có khả năng Washington sẽ chấp nhận việc đó.
Trong khi đó, Đài Loan – thường là mục tiêu của Trung Quốc – đã nhanh chóng ủng hộ AUKUS. Trong tuyên bố gần đây nhất về chủ đề này, vào tháng 3, Bộ Ngoại giao của Đài Bắc cho biết họ "hoan nghênh sự tiến bộ ổn định của AUKUS", và nói thêm "Chúng tôi tin rằng sự hợp tác ba bên này sẽ tăng cường khả năng răn đe ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đóng góp vào việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực". Đài Loan có lẽ hy vọng AUKUS sẽ tăng tốc và tăng cường hợp tác quốc phòng để hòn đảo có thể tối đa hóa khả năng răn đe, hoặc tận dụng hiệp ước một cách hiệu quả trong một cuộc xung đột trong tương lai.
Còn tại Đông Nam Á, AUKUS gây ra nhiều tranh cãi hơn. Bất chấp sự xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông và nhiều nơi khác, gần như tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều đang cố gắng đứng ngoài cuộc cạnh tranh của các siêu cường, bằng cách không ủng hộ cũng không lên án hiệp ước. Nước duy nhất trong khu vực ủng hộ AUKUS mạnh mẽ là Philippines, một đồng minh khác của Mỹ, cũng đang phải đối mặt với áp lực hàng ngày từ Trung Quốc tại khu vực mà hai bên tranh chấp ở Biển Đông. Đối với chính phủ Philippines ở Manila, AUKUS là một bổ sung hữu ích cho cấu trúc an ninh khu vực. Năm 2021, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. nói rằng AUKUS "sẽ khôi phục và giữ cân bằng hơn là làm mất ổn định [an ninh khu vực]".
Đối với các thành viên khác thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), AUKUS nhận được sự ủng hộ thận trọng. Singapore đã không đưa ra một tuyên bố nào kể từ hội nghị thượng đỉnh vào tháng trước ở San Diego. Nhưng vào năm 2021, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Australia khi đó là Scott Morrison đã thảo luận về hiệp ước, trong đó ông Lý hy vọng hiệp ước sẽ "có đóng góp mang tính xây dựng cho hòa bình và ổn định của khu vực, cũng như bổ sung cho cấu trúc khu vực".
Tương tự, Việt Nam, một đối tác an ninh mới nổi quan trọng của Mỹ, dù thận trọng nhưng vẫn ủng hộ. Năm 2021, Việt Nam đã không bác bỏ AUKUS, chỉ cảnh báo rằng "năng lượng hạt nhân phải được phát triển và sử dụng vì mục đích hòa bình". Sau hội nghị cấp cao AUKUS vừa qua, người phát ngôn của Hà Nội cho biết "hòa bình, ổn định, hợp tác, và phát triển ở khu vực và trên thế giới là mục tiêu chung của mọi quốc gia, và các quốc gia có trách nhiệm đóng góp vào mục tiêu này". Điều này ngụ ý rằng Trung Quốc cũng phải làm phần việc của mình.
Cả Indonesia và Malaysia, dù còn nghi ngờ về việc hiệp ước sẽ giúp ổn định khu vực, nhưng cũng không phản đối nó. Trong các tuyên bố công khai, hai nước chỉ tập trung vào các hậu quả có thể xảy ra do phổ biến vũ khí hạt nhân. Tháng trước, Bộ Ngoại giao Indonesia bình luận rằng "Indonesia mong muốn Australia hành động nhất quán trong việc thực hiện các nghĩa vụ của mình" theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và các Biện pháp Bảo vệ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Ngay cả Malaysia, nước công khai bày tỏ sự hoài nghi, cũng đã thừa nhận "nhu cầu của các quốc gia về tăng cường khả năng phòng thủ" và cảnh báo rằng AUKUS phải "tôn trọng và tuân thủ đầy đủ" các hạn chế của Malaysia đối với tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong vùng biển của nước này. Malaysia cũng kêu gọi tất cả các nước kiềm chế "không có bất kỳ hành động khiêu khích nào có khả năng gây ra chạy đua vũ trang hoặc ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh trong khu vực".
Campuchia – quốc gia phụ thuộc của Trung Quốc – cũng không phản đối AUKUS hoàn toàn, dù bày tỏ mối quan ngại của mình. Trong cuộc trao đổi với Australia năm 2021, Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Phó Thủ tướng Prak Sokhonn nhận xét rằng Campuchia, với tư cách là một quốc gia bị chiến tranh tàn phá, "kỳ vọng rằng AUKUS sẽ không châm ngòi cho sự cạnh tranh không lành mạnh và làm leo thang căng thẳng hơn nữa". Tháng trước, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã đặt câu hỏi tại sao Campuchia nên chấp nhận lời giải thích của AUKUS rằng họ sẽ không đưa vũ khí hạt nhân vào khu vực, trong khi các cường quốc phương Tây từ chối tin vào sự đảm bảo của Campuchia rằng việc Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở miền nam Campuchia không phải dành cho quân đội Trung Quốc.
Đáng chú ý, Thái Lan – một đồng minh hiệp ước khác của Mỹ ở Đông Nam Á – cho đến nay vẫn tránh bình luận về AUKUS, có lẽ để duy trì mối quan hệ thân thiện và thực dụng với Trung Quốc, quốc gia mà Thái Lan có quan điểm ôn hòa hơn nhiều nước ASEAN khác.
Tất nhiên, Ấn Độ là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất đối với sự thành công của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Washington. Nước này không công khai nhắc đến AUKUS – nhưng trong một động thái đáng chú ý, New Delhi vào năm 2022 đã bỏ phiếu chống lại các nỗ lực của Trung Quốc và Nga trong IAEA nhằm bác bỏ AUKUS, với lý do việc chia sẻ công nghệ hạt nhân cho động cơ đẩy tàu ngầm đã vi phạm NPT. New Delhi đã tích cực làm việc đằng sau hậu trường với nhiều quốc gia IAEA để duy trì giá trị của thỏa thuận AUKUS, trong một động thái rõ ràng là nhằm ngăn chặn Bắc Kinh. Chắc chắn, có những lý do khác khiến Ấn Độ ủng hộ hiệp ước, chẳng hạn như sự hỗ trợ trước đó của các quốc gia AUKUS trong việc đưa Ấn Độ vào Nhóm Các Nhà cung cấp Hạt nhân (NSG), một cơ chế kiểm soát xuất khẩu vật liệu và công nghệ hạt nhân, và sự hợp tác của các thành viên AUKUS với Ấn Độ trong lĩnh vực chống khủng bố. Nhưng lá phiếu của Ấn Độ chủ yếu nhằm chống lại Trung Quốc, khiến nó trở thành một chiến thắng cho AUKUS.
Khu vực mà phản ứng đối với AUKUS cho thấy đồng thuận chiến lược rộng rãi nhất là Châu Đại Dương, nơi đã có một mức độ ủng hộ cao đáng ngạc nhiên. New Zealand – quốc gia có quá khứ thân thiện với Trung Quốc và thậm chí còn có hồ sơ phản đối bất kỳ sáng kiến nào liên quan đến hạt nhân – đã quyết định, theo lời mời của Washington, khám phá khả năng hợp tác phi hạt nhân với các quốc gia AUKUS. Tân Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand, Andrew Little, cho biết vào tháng trước, "Khi nhìn vào tình hình địa chiến lược hiện tại ở Thái Bình Dương, tôi nghĩ thách thức dài hạn là các đối tác và láng giềng của chúng ta sẽ nói với chúng ta, ‘Chúng tôi mong đợi nhiều hơn nữa.’" Bình luận của ông gợi ý rằng New Zealand cảm thấy mình có nghĩa vụ hỗ trợ các đảo quốc Thái Bình Dương trong việc đưa ra các giải pháp thay thế cho sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực.
Tại các đảo quốc Thái Bình Dương – giống như New Zealand, có truyền thống hoài nghi về hạt nhân – AUKUS nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ đáng ngạc nhiên. Trong tháng này, chủ tịch của cơ quan đa phương quan trọng nhất trong khu vực, Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF), cho biết ông "được trấn an" bởi lời giải thích của các quốc gia AUKUS về kế hoạch và ý định của họ. Fiji, tiếng nói quan trọng trong khu vực và là nơi đặt trụ sở PIF, đã công khai ủng hộ AUKUS. Thủ tướng Samoa Fiame Naomi Mataafa cho biết, "Đây là cách Australia nhìn nhận vai trò của mình trong các khía cạnh an ninh của khu vực, và chúng tôi hiểu điều đó". Chắc chắn, Quần đảo Solomon, quốc gia vào năm ngoái đã ký với Trung Quốc một thỏa thuận an ninh mới cho phép các tàu hải quân của Trung Quốc thường xuyên cập cảng, đã bày tỏ lo ngại về việc giữ cho khu vực này là một khu vực phi hạt nhân, theo chỉ dẫn của Hiệp ước Rarotonga của PIF. Nhưng cho đến nay, chỉ có Tuvalu lên án AUKUS. Bộ trưởng Ngoại giao của nước này đã tweet rằng, "Khi thảo luận về tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân ở Thái Bình Dương, chúng ta cũng phải giải quyết những lo ngại về việc gia tăng quân sự hóa khu vực".
Nếu hầu hết các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ủng hộ AUKUS một cách mạnh mẽ hoặc thận trọng – hoặc từ chối lên án nó – thì Bắc Kinh sẽ phải lo lắng về nhiều tác động địa chiến lược và quân sự ngoài AUKUS. Do đó, Trung Quốc sẽ cần nỗ lực làm suy yếu không chỉ AUKUS, mà còn cả những quốc gia có thể hỗ trợ cho hiệp ước bằng sự ủng hộ, chấp nhận, hoặc im lặng của họ. Bên cạnh Trung Quốc thì số ít các quốc gia đã phản đối thỏa thuận này phần lớn là các quốc gia bị bài xích, hiện chỉ có quan hệ với Bắc Kinh, cụ thể là Myanmar và Triều Tiên. Ngoài khu vực, đối tác "không giới hạn" của Trung Quốc, Nga, cũng phản đối AUKUS. Nhưng thực tế các quốc gia này chỉ là một thiểu số nhỏ cho thấy rằng AUKUS – chừng nào còn có thể tiếp tục trấn an các lo ngại về phổ biến vũ khí hạt nhân – sẽ được khu vực xem như một biện pháp phù hợp để chống lại sự hung hăng của quân đội Trung Quốc.
Derek Grossman
Nguyên tác : "Why China Should Worry About Asia’s Reaction to AUKUS", Foreign Policy, 12/04/2023
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 24/04/2023
Derek Grossman là nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Rand Corp., giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Nam California, và là cựu cố vấn tình báo của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh Châu Á và Thái Bình Dương.