Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/05/2023

Nạn xâm hại tình dục trẻ em trong học đường Việt Nam

Nguyễn Lê Vi

I. "Con trai có gì mà sợ"

Không có thống kê cụ thể, nhưng theo báo cáo từ các tổ chức hỗ trợ cộng đồng sống chung với HIV thì trẻ em trai bị xâm hại tình dục nhiều hơn những gì được biết trên truyền thông đại chúng rất nhiều. Đặc biệt, nó tập trung ở nhóm trẻ LGBT.

hocduong1

Một buổi học về tình dục cho học sinh ở trường trung học Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, năm 2020 (minh họa) – AFP

Trong các diễn đàn chung hay các hội nghị tổng kết hoạt động phòng chống HIV, rất nhiều nhóm hỗ trợ cộng đồng trên cả nước đã phải kêu lên xót xa về tình trạng nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa.

Khoảng bốn năm trước, những trường hợp phát hiện có HIV khi chỉ mới 15 tuổi còn là hiếm hoi. Nhưng đến năm ngoái, với vụ con quỷ ấu dâm Huỳnh Đắc Cường ở Quảng Nam bị bắt vì chuyên dụ dỗ trẻ em trai để quan hệ tình dục hoặc cưỡng hiếp, dư luận được biết có những bé trai đã có quan hệ tình dục lần đầu khi mới 12, 13 tuổi. Thậm chí có thể nhỏ hơn.

Nhưng không ít cha mẹ vẫn thờ ơ với tình trạng này vì quan niệm"con trai thì mất gì mà sợ".

Hươu muốn chạy, không phải lỗi tại hươu

Trẻ em trai thuộc nhóm LGBT nhỏ tuổi thường bị xâm hại tình dục ở độ tuổi cấp hai (tuổi dậy thì) và bắt đầu có tò mò, khám phá về cơ thể. Người xâm hại các em, như trong nhiều vụ án trong quá khứ - có thể là thầy giáo trong trường vì những người này thường xuyên tiếp xúc và hiểu rõ về tâm lý, xu hướng tính dục của các em. Nhưng phổ biến hơn cả là những bạn tình mà các em chỉ gặp một vài lần trên con đường tìm hiểu bản dạng giới và xu hướng tính dục trong khi không có sự hướng dẫn đúng đắn.

Nếu một bé gái mười mấy tuổi theo đàn ông vào nhà nghỉ khách sạn, ít nhiều thế nào cũng có người lưu ý, để tâm quan sát và tìm hiểu mối quan hệ. Nhưng ông chú dắt vài chú bé về nhà, vào khách sạn, ra công viên, hồ bơi, phòng tập gym, sauna, rạp chiếu phim, hay thậm chí WC công cộng trong các trung tâm thương mại lớn… thì hầu như không ai để ý cả. Thế mà đó lại chính là cách thức mà hoạt động này diễn ra.

Các chú bé lưng vẫn đeo cặp sách, mặc đồng phục học sinh rõ bảng tên trường đang theo sau một người đàn ông tuổi chú bác bước ra khỏi trung tâm thương mại có thể chính là đang rời đi sau một vụ xâm hại tình dục chớp nhoáng.

Cho dù có sự đồng thuận từ phía trẻ em (người dưới 16 tuổi) trong những mối quan hệ tình dục này thì với tính chất đặc biệt của tội phạm đối với trẻ em, đó vẫn là xâm hại tình dục trẻ em và phải bị trừng phạt.

Nhưng do đặc điểm của cộng đồng LGBT giấu rất kín các mối quan hệ như vậy với người ngoài cộng đồng (đặc biệt giấu kín với cha mẹ, người thân) cộng với sự đồng tình của chính nạn nhân nên thường nó không bị phát hiện sớm. Thậm chí tỷ lệ phản kháng và tố cáo khi hành vi xâm hại đi kèm với bạo lực cũng thấp hơn hẳn so với nhóm các bé gái bị xâm hại.

Do pháp luật Việt Nam chưa thực sự thừa nhận quyền của người LGBT, cùng với thói quen kỳ thị bắt nguồn từ sự thiếu kiến thức- đặc biệt ở các vùng quê, nhiều nạn nhân nhỏ tuổi khi bị xâm hại tình dục đã tìm mọi cách giấu kín. Các em sợ bị nhận ra là có xu hướng tính dục đồng giới, bị chế nhạo, chửi rủa "hư sớm", "con nít mới nứt mắt đã làm chuyện quan hệ bậy bạ". Nhất là khi các em lại còn tham gia quan hệ tình dục tập thể. Các em sợ sệt cho bản thân, cho gia đình, cho cả họ hàng. Ở quê, nơi các mối quan hệ thường đóng kín trong chòm xóm, họ hàng… dư luận rất nặng. Cha mẹ có thể đuổi con cái LGBT ra khỏi nhà vì cho rằng đó là lối sống biến thái, bệnh hoạn.

hocduong2

Các em học sinh thắp nến tại một chương trình vận động hiểu biết về HIV/AIDS ở Hà Nội hôm 27/11/2011 (minh họa). Reuters

Những miếng mồi thối rữa phủ mật

Cạnh đó, nhóm LGBT thường không muốn các vấn đề của cộng đồng mình bị đem ra công khai trong xã hội, mà như đã nói - mà hệ thống pháp luật vẫn thiên về các vấn đề của nhóm dị tính. Họ sợ cộng đồng mình vốn đã bị kỳ thị nên nếu xã hội biết rõ về những tệ nạn xảy ra trong giới thì sẽ còn bị kỳ thị hơn.

Nhưng nhu cầu tìm hiểu và thực hành tính dục lại là bản năng của con người. Với sự hỗ trợ của công nghệ, việc tìm và thỏa mãn nhu cầu tình dục với lứa tuổi dậy thì dễ dàng gấp bội lần so với các thế hệ trước.

Chỉ cần đăng nhập vào một ứng dụng kết bạn (thực chất là tìm bạn tình) dành riêng cho cộng đồng LGBT, các chú bé đã có thể được rất nhiều người đồng giới lớn tuổi vây quanh.

Ứng dụng cho phép ẩn danh và sử dụng hình ảnh tùy ý nên nhiều người không sợ bị phát hiện hành vi này.

Trên ứng dụng này cũng có rất nhiều tư vấn viên của các tổ chức hỗ trợ cộng đồng chống HIV. Vì công việc, họ cố tập tành để có thể hình đẹp, gìn giữ ngoại hình bắt mắt để thu hút các em trai trẻ và nhỏ chú ý đến mình, từ đó tiếp cận làm quen và tư vấn phòng/điều trị bệnh. Nhưng các con quỷ ấu dâm cũng dùng cách này, và nhiều kẻ dùng hình ảnh giả, lý lịch giả mạo toàn bộ.

Con quỷ ấu dâm Huỳnh Đắc Cường ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam bị phát hiện đã dụ dỗ, cưỡng hiếp và cố tình lây nhiễm HIV cho sáu trẻ LGBT bằng các hoạt động trên ứng dụng này. Các nạn nhân nhỏ nhất mới 12, 13 tuổi, lớn nhất chỉ 15 tuổi. Cường dùng các hình ảnh trai đẹp, sáu múi, lối sống giàu có… để tiếp cận và tỏ ra đồng cảm với những bé trai đang lần đầu dùng mạng xã hội. Hắn hứa hẹn làm anh em kết nghĩa, tri âm tri kỷ, chở đi chơi bằng xe hơi riêng, hứa cho tiền, card điện thoại, tiền ăn, tiền mua sắm… Sau khi con mồi đồng ý gặp, hắn dụ vào nhà nghỉ dùng Popper hít để kích thích và khóa trái cửa cưỡng ép, hãm hiếp.

Huỳnh Đắc Cường đã bị bắt vì các hành vi trên. Nhưng nếu người xâm hại không dùng bạo lực, không lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua quan hệ tình dục khác (bằng cách dùng bao cao su) mà chỉ dụ dỗ sử dụng chất kích thích, đồng thời rất chiều chuộng và khiến các bé cảm thấy "an toàn" thì vụ việc sẽ gần như không bao giờ bị lộ. Đặc biệt nếu thủ phạm có ngoại hình dễ nhìn và bề ngoài sạch sẽ.

Trong cộng đồng người đồng tính nam từng lan truyền khá nhiều cái tên đồng tính nam đẹp trai, có nghề nghiệp ổn định, thậm chí "sang trọng", bề ngoài rất lịch lãm trí thức, nhưng lại cố tình lây nhiễm HIV cho nhiều người kể cả trẻ em, qua quan hệ tình dục.

Với nhóm trẻ em đường phố, do kiến thức và thực tế cuộc sống vỉa hè nên nhiều em vốn đã xem bán thân là một nghề nghiệp để kiếm tiền. Quan niệm này không phụ thuộc vào việc em có thuộc nhóm LGBT hay không.

Nhiều năm trước, một tổ chức phi chính phủ chuyên cứu giúp trẻ em gái bị xâm hại tình dục đã trực tiếp điều tra và phát hiện các đường dây môi giới mại dâm với trẻ em trai. Một người trong tổ chức này thủ vai "thương gia đứng giàu có, người Singapore gốc Việt" đã rất dễ dàng bắt được mối, thậm chí có thể rủ hẳn một đám trẻ em trai bán dâm tập thể ngay trong khách sạn, nhà nghỉ.

Ngày càng nhiều người nước ngoài đến du lịch, sinh sống (ngắn hoặc dài hạn) ở Việt Nam. Họ thuê nhà riêng hoặc chung cư, có khi treo bảng dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em. Nhưng việc làm tốt này cũng đã từng bị sử dụng làm vỏ bọc cho hoạt động xâm hại tình dục với trẻ.

So với bé gái, bé trai bị xâm hại cũng khó phát hiện hơn do các tổn thương thường dễ che giấu hơn.

Vì thế, xác định nạn nhân bị xâm hại tình dục là trẻ em trai khó khăn hơn gấp bội so với các vụ án tương tự mà nạn nhân là trẻ em gái.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, chỉ riêng trong 10 tháng đầu năm 2022 đã phát hiện hơn 9.000 ca nhiễm HIV mới. Đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn và trở thành đường lây chính qua các năm. Hiện tỷ lệ này lên tới 80%. Tỷ lệ người nhiễm HIV ở nhóm người dưới 30 tuổi ngày càng tăng, hiện đã chiếm hơn 50%.

Con số trên còn thấp hơn thực tế. Vì đó chỉ là thống kê được khi trẻ đã chịu đi xét nghiệm. Còn số trẻ đã quan hệ tình dục với người có HIV sau đó giấu biệt nhân thân và tung tích thì không thể tính được. Qua tư vấn cộng đồng, các nhóm hỗ trợ đều biết điều này. Nhưng ngoài việc cố sức tìm, an ủi, động viên các em đi xét nghiệm để điều trị bệnh… họ cũng không thể làm gì khác.

hocduong3

Các nội dung trong một bộ giáo dục của WeGrow Edu để dạy học sinh về tình dục và an toàn tình dục (minh họa) - AFP

II. "Sóng ở đáy sông"

Trường phổ thông cơ sở tổ chức buổi tư vấn với giáo viên tâm lý. Chủ yếu tư vấn các vấn đề tâm lý lứa tuổi học trò, đặc biệt các dạng kéo bè kéo đảng đánh bạn vì ghen tị bạn xinh hơn mình/vì người iu của bạn lại là crush của mình/nên tìm đến bạn bè thầy cô cha mẹ khi gặp bế tắc, đừng nghĩ quẩn tự tử vân vân. Các dạng bạo lực học đường này hầu như đứa học trò nào cũng từng chứng kiến. Dự phòng tình hình vậy thôi với lại phải tuân thủ chương trình ngoại khóa của Phòng giáo dục, chứ mấy năm nay trường cũng yên lành, không có gì xảy ra.

Cuối buổi, một con nhóc lớp tám viết giấy xin gặp riêng thầy tâm lý.

Ảnh xin tiền con mua điện thoại

Chuyện cũng chẳng có gì. Con bé đang quen một anh bạn trai kia. Lớn rồi, làm công nhân. "Ảnh cũng thương con lắm thầy".

Nhưng, "Ảnh đòi con mua điện thoại. Con phải gom hết tiền để dành, mượn thêm bạn nữa. Xong ảnh lại đòi con cho ảnh tiền. Mấy triệu lận. Con không có tiền á thầy. Giờ sao thầy ?".

Đến đây thì theo kinh nghiệm, thầy thấy có chuyện rồi. Mà còn là chuyện lớn.

"Ảnh nói nếu không mua điện thoại thì ảnh bắn clip đó lên face trường. Mà con mua điện thoại rồi ảnh kêu con đưa tiền tiếp đó thầy. Mấy triệu lận. Mà con hết tiền rồi thầy".

Nghe con bé thật thà kể hết xong thầy vẫn giữ nụ cười động viên trên miệng nhưng trong lòng đã nguyền rủa một ngàn lần. Clip bị dọa đưa lên trang fanpage của trường là clip quay cảnh làm tình giữa bé với "bạn trai", anh bạn qúy hóa trời đánh đó đó.
Chưa hết !

- Trong trường con còn có hai bạn nữa cũng vậy á thầy. Hai bạn quen ảnh chung với con luôn. Ảnh cũng quay clip lại hết á thầy ! Mấy bạn cũng đang bị ảnh đòi tiền á !

Tức khắc, các chứng cứ thu thập được từ ba đứa bé gái được chuyển ngay sang công an. Ngay chiều hôm đó, anh bạn trai bị bắt vì tội xâm hại tình dục trẻ em.

Sóng dữ

Cách đây độ năm năm, xã hội Việt Nam bàng hoàng lên với vô số thông tin dồn dập khui lộ thực trạng rất nhiều trẻ em bị xâm hại tình dục. Ngành nào cũng "lập tức vào cuộc". Cha mẹ hốt hoảng dắt con đi học các khóa dạy cách tự bảo vệ, cách nhận biết môi trường và con người có nguy cơ. Trường học liên tiếp mời các chuyên gia tâm lý về nói chuyện với học sinh, thậm chí mời cả công an hình sự đến thị phạm các thế võ dễ học nhằm ngăn chặn hoặc bỏ chạy khỏi kẻ có hành vi nguy cơ.
Ôi là sôi sùng sục một bầu không khí khẩn trương từ trung ương đến địa phương, từ ngành ngang đến ngành dọc, già trẻ gái trai ai ai cũng thuộc lòng quy tắc năm ngón tay chống xâm hại tình dục.

Sau đợt cao điểm cả nước chống xâm hại tình dục trẻ em ấy chắc bọn trẻ hiểu hết về quyền đối với cơ thể của chúng rồi nhỉ ? Chắc chả còn mấy đứa trẻ bị vụ này đâu nhỉ ? Nếu có chắc cũng ở xa xôi hẻo lánh người dân ít hiểu biết thôi nhỉ ?

Ấy… Dạ thưa không.

Mặc dù đã có thêm rất nhiều người hiểu biết kiến thức chống xâm hại tình dục trẻ em, nhưng so với nhiều năm trước, tình trạng này không những vẫn còn, mà ở một số nơi, nó còn tăng. Chỉ là do các tổ chức phi chính phủ đã kết thúc dự án về chống xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam nên báo chí không lên tiếng ồ ạt tập trung về nó, khiến tình hình dường như có vẻ như đã tốt hơn rất nhiều.

Nhưng bên dưới bề mặt có vẻ tĩnh lặng, thực ra sóng dữ đã đổ tràn. Thực trạng xâm hại tình dục trẻ em bây giờ khó phát hiện, khó triệt nguyên nhân hơn trước kia.

Với chi phí internet thấp và điện thoại thông minh giá rẻ phủ sóng khắp nơi, thành phố hay thôn quê giờ đã không khác nhau nhiều về mặt thông tin. Sự bùng nổ của các mạng xã hội cung cấp tất cả mọi thứ cho những đứa trẻ đang tò mò nhưng thiếu hướng dẫn. Mạng xã hội khiến chúng dễ dàng che giấu cha mẹ hay người lớn để thực hiện các giao tiếp nguy hiểm. Những lời khen tấm tắc, sự trầm trồ ao ước không biết giả hay thật dành cho các cô gái trẻ xinh đẹp không rõ làm nghề gì nhưng luôn khoe cuộc sống giàu sang sung sướng, mặc đồ hiệu, ăn nhà hàng, check in các điểm du lịch đắt tiền… góp phần trực tiếp gây méo mó nhận thức của trẻ.

Nạn nhân vẫn là trẻ em, nhưng sự thay đổi bước ngoặt về nguyên nhân và bối cảnh của tội phạm đòi hỏi phụ huynh phải dốc lòng sát sao với con và tìm mọi cách bước vào thế giới của con-gồm bạn bè, sở thích, ham muốn, những mối quan tâm, những người mà con thần tượng hoặc có thể có quan hệ, cách con sử dụng và thể hiện mình trên mạng xã hội...

Dường như xã hội bây giờ nguy hiểm hơn thời xưa hơn rất nhiều. Làm phụ huynh không chỉ phải nuôi dưỡng con đầy đủ, làm gương và dạy dỗ con mà còn phải thật sự làm bạn với con. Điều này hết sức khó, không chỉ vì khoảng cách thế hệ mà còn vì quỹ thời gian ít ỏi bị chia cho quá nhiều trách nhiệm và sở thích của người lớn.

Nhưng nếu không làm bạn với con, làm sao bạn có thể biết một bé gái mới 11, 12 tuổi đã có quan hệ tình dục tự nguyện thường xuyên và lâu dài với cả ba thanh niên (17, 19 và 27 tuổi) trong cùng khoảng thời gian, tại cùng một địa điểm là một quán cà phê võng ? Thậm chí khi bé mang thai, gia đình cũng không hề biết. Tận khi bé vào bệnh viện để sinh con thì mọi việc mới vỡ lở.

Bệnh viện chuyển hồ sơ của bà mẹ 13 tuổi về Công an địa phương. Bé khai tuốt tuột nhưng qua giám định AND, tòa chỉ xử thanh niên là cha của đứa trẻ về tội giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi.

hocduong4

Một buổi dạy về tình dục ở trường trung học Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) hôm 26/5/2020 (minh họa). AFP

"Con iu ảnh mà"

Một bé gái khác cũng đang học lớp 6, 12 tuổi. Mẹ làm công nhân, cha chạy xe tải đường dài. Như hầu hết những đứa trẻ ở thành thị bây giờ, bé có điện thoại để cha mẹ tiện liên lạc. Cũng chơi Facebook như nhiều đứa trẻ khác.

Mạng xã hội có chức năng quét tìm những người đang ở gần. Bé được thủ phạm tìm ra trong một lần quét như vậy. Add Facebook, nói chuyện qua lại rồi thân quen. Tuy chỉ nói chuyện và video call với nhau trên mạng chứ chưa gặp trực tiếp bao giờ, nhưng họ vẫn thành "người iu".

"Người iu" của bé đã trưởng thành, làm nghề tự do. Với các trò giả vờ yêu đương nhung nhớ, hắn dễ dàng dụ cô bé tự nguyện khỏa thân thực hiện các động tác hắn yêu cầu trong phòng riêng và quay video lại.

Kết bài y như nhau : "Người iu" đòi bé cho quan hệ tình dục, nếu không sẽ up video này lên fanpage của trường.

Ở một vụ khác, "người iu" dụ bé gái thủ dâm chat video. Hắn giữ lại video này rồi up lên các trang web sex.

Một vụ khác nữa : em gái 15 tuổi, học lớp 11 viết thư tố cáo bị một người đàn ông đã có vợ con xâm hại tình dục. Khi vụ án được khởi tố, công an điều tra thì mới té ngửa sự thật khác hẳn. Bé gái và người đàn ông kia là "người iu" của nhau. Người kia giấu việc đã có vợ con. Bé gái tự nguyện yêu đương và quan hệ tình dục. Đến khi phát hiện "người iu" đã có vợ con và không bỏ vợ, bé gái cảm thấy bị lừa dối và tức giận đi tố cáo.

Ở tuổi 11, 12, nhiều bé gái đã thích xưng hô vk vk ck ck (vợ vợ chồng chồng) khi nói chuyện với bạn trai, dù thực tâm chẳng hiểu gì. Chúng nói hết sức ngây thơ khi trở thành bà mẹ ở tuổi 13 : "Tại con iu ảnh nên con cho ảnh thôi".

Và những diễn biến khác.

Những mối quan hệ sugar baby, sugar daddy không bị coi là vi phạm pháp luật.

Nhưng thật sự kinh hoàng khi có những em gái đang học phổ thông trung học, lớp 10, 11 đã tự nguyện làm sugar baby cho cùng lúc hai ông chú giàu có, có vợ con đàng hoàng và kinh doanh có máu mặt trong vùng. "Baby" thừa biết thóp của các "daddy" nên chỉ cần ngúng nguẩy kêu hết tiền là hai chú phải lập tức cung phụng. Nửa đêm, chú cũng phải chạy xe ra ngoại ô đến điểm hẹn để đưa tiền mặt cho cháu.

III. Bẫy xâm hại tình dục trẻ em

Sau một thời gian không còn là tiêu điểm dư luận, vấn đề xâm hại tình dục trẻ em chìm khá sâu trong sự quan tâm của các phụ huynh. Nhiều người yên tâm với những kiến thức đã trang bị cho con cái và chính mình từ năm, bảy năm trước ; họ không ngờ rằng nay đã khác xưa. Những kẻ tội phạm bây giờ biết kiềm chế để không sử dụng bạo lực, thay vào đó chúng dụ dỗ với rất nhiều mánh khóe "ngọt ngào" để con mồi tự sập bẫy.

xamhai1

Học sinh trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành ở Hà Nội tại một lớp học về tình dục hôm 26/5/2020 (minh hoạ) - AFP

Một sự thật khác là có những người có sở thích quan hệ tình dục với trẻ em một cách tự nhiên. Đó có thể bất kể là ai : người thân, người hướng dẫn như thầy giáo, thậm chí tu sĩ… Là nhu cầu bản năng nên nếu có điều kiện thuận lợi (như tiếp xúc gần với nhiều trẻ em, trẻ em bị phụ thuộc vào mình…), nó rất dễ bùng phát, bất chấp vị trí xã hội, trình độ văn hóa và hiểu biết về pháp luật của người ấy. Người vi phạm biết rõ hành vi của mình là sai với pháp luật và đạo đức, biết rõ sẽ đối mặt với nhục nhã và án tù nếu bị phát hiện, hơn thế cả gia đình của mình đều có thể bị chỉ trỏ, chế giễu, cô lập… nhưng trong không ít trường hợp, họ không thể dừng hành vi của mình lại.

Cách đây khoảng năm bảy năm, một thầy giáo cấp hai bị bắt vì có hành vi mơn trớn cơ thể của một số học sinh nam trong trường. Thầy giáo này đã tính đến chuyện tự tử vì mất hết danh dự. Nhưng điều đáng suy nghĩ là thầy giáo này rất được phụ huynh và học sinh yêu mến, vì dạy giỏi và rất giàu trách nhiệm.

Có lẽ vì hành vi tính dục mang tính bản năng cực kỳ mạnh mẽ, và những ai có sở thích tính dục lạ thường, thậm chí gây hại cho cộng đồng thì càng không có điều kiện để thỏa mãn nhu cầu tính dục của mình. Do đó, càng bị đè nén, giấu kín thì nó càng khao khát và chực chờ trỗi dậy.

Thủ phạm ấu dâm không phải là con quái vật

Nhưng đã đến lúc cần chấm dứt lối suy nghĩ một chiều rằng những người xâm hại tình dục trẻ em đều là những con quái vật. Khoa học và thực tế đã chứng minh rằng có vô số sở thích tính dục trên đời này chứ không chỉ là nam với nữ/nam với nam/ nữ với nữ … như một số nhóm đã trở thành phổ biến, hoặc ít nhất là được thừa nhận. Những sở thích tính dục cho dù cực kỳ đặc biệt đi nữa nhưng không gây hại cho cộng đồng sẽ chỉ là chuyện riêng của người trong cuộc. Còn những sở thích gây hại như ấu dâm thì phải bị bài trừ. Nhưng ngoại trừ khía cạnh đó, kẻ từng có xu hướng hoặc hành vi ấu dâm vẫn có thể là một người rất tốt, thậm chí nêu gương cho cộng đồng ở những mặt khác.

Chúng tôi từng làm khảo sát giấu tên với một nhóm người bộc lộ rằng họ từng có hành vi/quan hệ tính dục với trẻ em. Không ít người trong đó cho biết họ không thể hiểu nổi chính mình khi thực hiện những hành vi đó, và sau khi tỉnh ra, họ vô cùng tự khinh bỉ và căm ghét bản thân.

Các yếu tố sinh lý và tâm lý đặc biệt ở người có xu hướng ấu dâm cần được nghiên cứu và xem xét một cách khoa học và khách quan. Từ đó mới có thể có các biện pháp phòng ngừa và trừng phạt phù hợp, thích đáng nhưng không cực đoan.

Ở Việt Nam, cho đến nay tuy báo chí từng lên tiếng rất nhiều về nạn ấu dâm, nhưng vẫn chưa có nghiên cứu nào về sinh lý, tâm lý, hoàn cảnh sống, môi trường, v.v của họ. Vì vậy việc chống xâm hại tình dục vẫn rất thô sơ và phiến diện.

Truyền thông và phụ huynh ra sức dọa dẫm, tô vẽ kẻ ấu dâm như những con quỷ kinh khủng. Nhưng con quỷ rất dễ nhận ra vì có sừng và đi đến đâu phun khói đến đó, còn trên thực tế, kẻ ấu dâm có thể rất đáng tin cậy. Họ có thể là bất cứ ai : ông nội, ông ngoại, cha đẻ, bố dượng, chú bác, cậu, bạn bè, người quen, hàng xóm của gia đình, anh em họ, thầy giáo, huấn luyện viên, thậm chí tu sĩ các tôn giáo. Như đã nói, thủ phạm thường dùng sự quen biết, tin cậy và tình cảm sẵn có, cộng thêm lời hứa hẹn giúp đỡ, tặng quà, thậm chí dùng thuốc kích dục để lừa trẻ em "tự nguyện" đồng tình tham gia vào hành vi tình dục. Làm sao một đứa trẻ có đủ kiến thức và sự tỉnh táo để nhận ra nguy cơ trong những sự âu yếm, chiều chuộng ?

Trẻ sống trong gia đình thường hay bị dụ dỗ kiểu này. Do tin cậy, chúng đã bị tước đi khả năng phòng ngừa từ xa.

Những cái bẫy vô tình từ chính nạn nhân

Mà việc phòng ngừa mới là quan trọng nhất. Phòng ngừa cả từ người có nguy cơ là thủ phạm do sở hữu xu hướng thích quan hệ tình dục với trẻ em bằng cách ngăn chặn các môi trường, hoàn cảnh có thể gây kích thích. Ví dụ không để trẻ tiếp xúc một mình với người lớn khác giới ; luôn phải có mặt người khác. Với trẻ trong lứa tuổi dậy thì, ngoài việc trang bị kiến thức nhận biết và tự bảo vệ khi có nguy cơ, cần phải dạy trẻ cách ăn mặc kín đáo và cẩn trọng trong hành vi.

Ông bà xưa lấy vợ lấy chồng rất sớm, nhưng luôn nghiêm khắc trong quan hệ cha mẹ-con cái, bao gồm các thói quen trong sinh hoạt hàng ngày. Người Trung Quốc có câu "Con gái tránh cha, con trai tránh mẹ". Người Việt cổ có câu "Con gái 13 tuổi không ngủ với cha, con trai 13 tuổi không ngủ với mẹ". Đó là để tránh những sự gần gũi thái quá khi con cái bắt đầu dậy thì, bắt đầu tò mò về tính dục nhưng chưa đủ kiến thức để hiểu. Cũng là để không điều kiện cho các phản ứng tính dục nhiều khi hoàn toàn thuộc về bản năng. Nhất là khi người đàn ông đã say mèm.

Với điều kiện dinh dưỡng hiện nay, trẻ gái 12-13 tuổi đã bắt đầu nảy nở về cơ thể. Nhưng chúng tôi gặp nhiều cha mẹ thoải mái cho con mặc quần short ngắn bó sát vừa chấm mông, áo thun cũng bó sát cổ rộng, sinh hoạt chung với cha mẹ, anh em trai, người thân là đàn ông ở trong nhà cũng như ra đường. Cơ thể bé gái gần như hiện lên lồ lộ trong những bộ đồ như vậy. Có lần chúng tôi chứng kiến một bé gái 14 tuổi mặc bộ đồ kiểu này sau khi tắm, người vẫn còn ướt nước, áo quần dính sát vào người rồi đi ra đường mua quà. Bé đi qua một đám thanh niên choai choai tụ tập trong quán bên đường, lập tức một tràng tiếng huýt sáo và nhiều ánh mắt ngắm nghía từ đầu đến chân đuổi theo. Chúng tôi lưu ý điều này với mẹ bé. Bà chỉ cười xòa, nói "Đâu có gì, ở đây đứa nào cũng mặc vậy cho mát. Nó con nít mà !".

Cha mẹ thường chủ quan cho rằng con mình còn trẻ con nên không thể gợi lên cảm xúc tính dục nơi người khác. Nhưng đó là một phần nguyên nhân khiến nhiều đứa trẻ bị xâm hại tình dục trong thời gian dài mà cha mẹ không hề hay biết.

Chưa kể trong bối cảnh xã hội hiện tại, sự tiếp xúc qua internet rất dễ dàng. Tiếp thu thông tin ồ ạt nhưng không chọn lọc, không có người hướng dẫn đã khiến không ít đứa trẻ nảy sinh tâm lý hưởng lạc và lối suy nghĩ sai lầm rằng tự mình trao đổi/bán thân xác của mình thì không có tội. Đây là một phần nguyên nhân khiến trẻ dễ bị dụ dỗ vào hành vi tình dục khi còn ở tuổi trẻ em.

Dựng hàng rào cộng đồng

Do tính chất phức tạp của tội phạm ấu dâm, từ lâu nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu nhiều hình thức trừng phạt người có sở thích ấu dâm trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng đặc điểm tâm sinh lý của họ. Ví dụ bắt họ đeo vòng điện tử ở chân ; vòng này sẽ phát tiếng kêu khi người đeo vòng đến gần trẻ em quá phạm vi cho phép. Ngoài ra còn có biện pháp thiến hóa học, áp dụng với những kẻ xâm hại tình dục trẻ em nhiều lần. Họ được cho uống hoặc tiêm thuốc để giảm nội tiết tố nam khiến không còn ham muốn tình dục.

Một nghiên cứu của Hàn Quốc năm 2013 trên 38 bệnh nhân (đều là tội phạm tình dục) cho thấy việc thiến hóa học dẫn đến giảm "tần suất và cường độ của những suy nghĩ về tình dục" và "tần suất thủ dâm". Tuy nhiên, vẫn chưa có kết luận liệu điều này có dẫn đến giảm tỷ lệ tái phạm hay không. 

Tòa án và pháp luật hiện tại của Việt Nam chỉ đang xử lý được phần ngọn của tội phạm. Tức chỉ xét xử, bắt tù kẻ ấu dâm khi hành vi bị phát hiện. Nhưng nếu chính nạn nhân trẻ em lại đồng tình và giấu giếm vụ việc (nhiều vụ bị giấu trong tận vài năm), thì cực kỳ khó phát hiện. Thậm chí ở không ít trường hợp, việc phát hiện, bắt tù thủ phạm còn gây ra bức xúc phẫn nộ ở nạn nhân, vì đứa trẻ xem thủ phạm là người yêu.

Nhưng nói cho cùng, dẫu xã hội biến đổi đến mức nào thì phụ huynh vẫn là tấm gương và là người gần gũi nhất với con cháu. Chính phụ huynh là người có thể dạy dỗ và giám sát con cháu mình tốt nhất để tránh nạn xâm hại tình dục. Hãy tìm mọi cách gần gũi với con cháu, trang bị kiến thức đúng đắn để trò chuyện và dạy con, cũng như dành thời giờ thích đáng để quan sát và làm bạn với con.

Ngoài ra, có những biện pháp khác rất hiệu quả như tăng cường sự giám sát của cộng đồng. Các khu trọ, các tòa nhà chung cư ở thành phố hay các xóm làng ở ngoại ô, vùng nông thôn miền núi đều có thể lập ra các thỏa ước giám sát chung. Người lớn bất kể là ai đều có thể quan sát nhằm giúp đỡ trẻ khi chúng chơi ở nơi công cộng, khi chúng ở nhà một mình, hoặc cho chúng các biện pháp trợ giúp cần thiết. Hệ thống camera công cộng được giám sát thường xuyên cũng có thể khiến kẻ có ý đồ xấu chùn tay.

Nguyễn Lê Vi

Nguồn : RFA, 01/05/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Lê Vi
Read 284 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)