Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/04/2023

Dùng dân làm "lá chắn" là đúng qui trình !

Viết từ Sài Gòn - Nguyễn Vũ Bình - Đồng Phụng Việt

Còn chỗ nào cho nhân dân ?

Viết từ Sài Gòn, RFA, 27/04/2023

Sự vụ một Thiếu tá cảnh sát giao thông chặn xe nhân dân làm lá chắn sống để bắt ma túy ở Long An, hệ quả là cảnh sát này và hai người dân vô tội đã bị kẻ tình nghi chở ma túy đâm xe gây tử vong. Liền sau đó, Thủ tướng Chính phủ gửi công điện chia buồn và đề nghị phong danh hiệu Liệt sĩ, thăng quân hàm Thiếu tá lên Trung tá cho cảnh sát giao thông bị xe đâm chết, nhân dân cũng được ăn ké lời chia buồn, chấm hết. Điều này thực sự ám ảnh và nó gợi lên biết bao câu hỏi trong tôi, cái câu hỏi : Còn chỗ nào cho nhân dân ? Có lẽ là câu hỏi lớn nhất lúc này !

lachan01

Chính phủ gửi công điện chia buồn và đề nghị phong danh hiệu Liệt sĩ, thăng quân hàm Thiếu tá lên Trung tá cho cảnh sát giao thông bị xe đâm chết

Trước nhất, nhân dân có phải là con người ? Bởi là con người, thì phải được đối xử như một con người. Bởi con người thì ai cũng có ước mơ, có kì vọng, có tương lai và có gia đình, bà con, họ hàng, có thân phận, có tự do, có quyền làm một con người và được quyền đánh cược hoặc trả giá, thế giá các quyền ấy để nhận một thứ gì đó theo ước nguyện bản thân, được tưởng thưởng, tri ân xứng đáng, nhằm khẳng định tên tuổi hay khẳng định giá trị của một con người. Thế nhưng nhân dân Việt Nam thì sao ?

Có bao nhiêu nhân dân đã "được" lùa ra Biển Đông làm lá chắn sống cho an ninh biển đảo, nhân dân chạy hộc xì dầu, nhân dân chạy trối chết, nhân dân bị bắt, bị đánh đập, nhân dân bị cướp bóc, nhân dân bị bạt tai, nện báng súng, đấm hộc máu, gãy răng, phù não… Nhân dân đón và gánh chịu mọi đau đớn do kẻ thù gây ra và nhân dân trở về, nhân dân chết đi trong im lặng, trong lãng quên, trong vô nghĩa.

Giả sử không có nhân dân làm lá chắn sống thì biển đảo sẽ ra sao một khi kẻ thù ngày đêm xâm lăng, tàu cảnh sát biển Việt Nam vừa bận nghỉ ngơi, ăn chơi vừa bận chia chác tiền tham nhũng, cho đến bây giờ, cả hải quân và cảnh sát biển Việt Nam đã lún quá sâu vào chuyện tham nhũng. Mà đã có tham nhũng thì có ăn chia, chơi bời, bê trễ công việc, tắc trách và cẩu thả. Nếu không có nhân dân làm lá chắn sống trên biển, thì cảnh sát biển hay hải quân Việt Nam đã làm được gì ? Biển Việt Nam bây giờ hình thù ra sao ? Câu hỏi ấy là có thật, chứ không phải bịa đặt !

Và có bao nhiêu nhân dân được phong anh hùng hay liệt sĩ ? Không có nhân dân nào cả, những cái chết lặng lẽ, chìm khuất và oan uổng. Thậm chí, ngay cả những cái chết được tính toán, cũng qui về cái chết của nhân dân trong nhiều chục năm qua, mãi cho đến khi truyền thông lên tiếng, cái chết mới được vinh danh.

Ấy là cái chết của 64 chiến sĩ trên bãi Gạc Ma - Trường Sa năm 1988, những cái chết ấy bị chôn vào im lặng, không được vinh danh vì tổ quốc, và sự im lặng này kéo dài mãi cho đến khi truyền thông tự do đụng vào, lên tiếng, lúc đó, nhà nước, chính phủ mới có những động thái cầm chừng, gọi là cho có. Biết bao nhiêu năm nay, linh hồn của 64 chiến sĩ ấy về đâu ? Rồi linh hồn của nhiều chiến binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 nay về đâu ? Mãi mãi là im lặng, mãi mãi chuyển hóa thành nhân dân và Nhân Dân mãi mãi là bãi cát phẳng lặng trên cuộc chơi quyền lực và chính trị.

Khi cần, người ta ném nhân dân vào hầm tai vạ, người ta kinh doanh và kiếm lãi trên sinh mạng nhân dân. Chuyện vẫn còn mới, rất mới, nhân dân bị lùa ra thành từng đoàn rồng rắn, từng chợ người, từng đám đông để chọt mũi, cách ly, nhân dân bị xâm phạm tự do, xâm phạm thân thể, xâm phạm đời sống trắng trợn, nhân dân bị khóa tay, chọt mũi, nhân dân bị đối xử như súc vật… nhân danh chống dịch. Nhưng việc chống dịch ấy thật - giả, đúng - sai ra sao ? Ai đứng ra trả lời câu hỏi ấy ? Đến giờ vẫn là một sự im lặng phi lý và man rợ !

Đến lúc này, có ai đứng ra hỏi và trả lời câu hỏi về hàng chục ngàn cái chết oan ức nơi trại cách ly Covid-19 mà nhân dân đã gánh chịu ? Có ai đứng ra trả lời về những đợt chọt mũi tìm F0 gây lây lan hàng loạt và cuối cùng là đẩy vào những trại cách ly ? Có ai đứng ra trả lời, giải thích về sự đúng, sai, khoa học hay phi khoa học trong việc thiết lập trại cách ly dũng như chất đàn chất đống nhân dân vào đấy ? Lẽ nào nhân dân chết đi cũng như trâu bò, gà vịt, chết là xong, chết là chôn, mọi thứ vẫn cứ diễn ra như mọi ngày ?

Vậy đâu là quyền sống của nhân dân, đâu là quyền tự do, quyền làm người, quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân dân ? Và những kẻ đã gây ra nợ nhân mạng trước nhân dân đã đền tội chưa, hay được miễn trừ vì có liên quan đến quyền lực lãnh đạo ?

Mọi thứ vẫn chưa bao giờ được đưa ra ánh sáng, mọi thứ vẫn chìm khuất và nhân dân sống chết như một bãi cát phẵng lì, câm lặng và chịu đựng !

Câu chuyện cảnh sát giao thông chặn nhân dân đứng lại làm lá chắn sống đột ngột giữa đường, giữa thế kỉ 21 này, nó nói lên điều gì ? Thứ nhất, lực lượng chuyên trách, chuyên nghiệp, xe công vụ, xe an ninh chuyên dụng, những chiếc xe đã dùng trong chặn đứng biểu tình chống phá hội môi trường, rồi lực lượng an ninh chuyên nghiệp, lực lượng dân quân tự vệ… các lực lượng liên đới, ăn lương nhà nước (trích từ thuế của nhân dân) ở đâu ? Tại sao không huy động họ chặn đứng xe tội phạm mà bắt nhân dân phải làm việc này ?

Và một việc làm hết sức nguy hiểm, có nguy cơ chết người lại ném những con người chưa bao giờ được đào tạo kĩ năng phòng chống cũng như chưa bao giờ biết mình sắp làm gì vào làm lá chắn sống đó, nó phản ánh lên điều gì ? Phải chăng nhân dân là cái bao tải, khi cần sử dụng thì ném nó vào đường đi, để nó thụ động chắn đường và có thể thụ động nhận cái chết.

Trong tình huống vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã gửi điện chia buồn đến cả công an và nhân dân, nhưng, phải đặt hai giả thiết mà Thủ tướng chưa hề đề cập :

1. Nếu như anh cảnh sát giao thông có giải thích để nhân dân đứng lại chung tay chặn đường kẻ buôn ma túy, thì công trạng phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia của hai người dân và anh cảnh sát giao thông ngang nhau, vì họ đã chết với ý thức bảo vệ an ninh quốc gia, cả ba người đều xứng đáng được phong Liệt sĩ !

2. Nếu khi chặn đường, anh thiếu tá công an giao thông không giải thích với nhân dân về việc họ sắp phải thực hiện, họ bị đón lại trong hoang mang, không biết mình bị lỗi gì trong tham gia giao thông, thì bản thân anh cảnh sát giao thông phải chịu kỉ luật và chỉ được đền nhân mạng ngang với hai người dân chết oan kia, thậm chí anh phải chịu kỉ luật giáng hàm một bậc vì để xảy ra man trá, rủi ro, chết người trong lúc tác nghiệp.

Nếu không trả lời được hai câu hỏi trên, thì chí ít, phải trả lời trước nhân dân rằng Nhân Dân đang ở đâu trên đất nước này và còn chỗ nào (yên ổn, có thể thở tự do và sống tự do) cho nhân dân ?!

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 27/04/2023

************************

Về vụ việc ba người bị nghi can ma túy tông chết ở Long An, có phải công an đã thực hiện đúng quy trình ?

Nguyễn Vũ Bình, RFA, 24/04/2023

Khoảng 17g ngày 21/4/2023, Công an huyện Đức Hòa phối hợp cơ quan chức năng, trong đó có thiếu tá Cảnh sát giao thông Nguyễn Xuân Hào, tuần tra tại xã Mỹ Hạnh Nam để bắt tội phạm vận chuyển ma tuý. Nhận tin ôtô 5 chỗ khả nghi đang chạy về hướng Thành phố Hồ Chí Minh với tốc độ rất nhanh, một Cảnh sát giao thông trong tổ công tác đi bộ ra giữa đường yêu cầu ôtô bán tải và xe lôi (chở hàng) dừng lại thành hàng ngang, đề nghị các xe máy di chuyển ra chỗ khác. Thiếu tá Hào và một số cảnh sát mặc thường phục cũng đến hỗ trợ.

quitrinh1

Hiện trường vụ việc đã làm một cảnh sát giao thông và hai người dân tử vong.

Tổ công tác yêu cầu ôtô 5 chỗ dừng lại để kiểm tra nhưng tài xế không chấp hành, tông thẳng vào nhóm cảnh sát và vài người dân còn kẹt trên đường. Thiếu tá Hào, anh Huỳnh Nguyễn Chí Mẫn (29 tuổi) và bà Phan Thị Kim Thanh (50 tuổi) bị ôtô tông trực diện, tử vong. Sự việc xảy ra trong vài giây, được camera an ninh nhà dân ghi lại. Ôtô sau đó lật ngang, tài xế và một thanh niên khác cố thủ bên trong. Cảnh sát phải phá cửa kính, khống chế hai nghi can đưa về trụ sở.

Theo lãnh đạo Công an tỉnh Long An, đây là chuyên án triệt phá đường dây ma túy. Quá trình lực lượng chốt chặn, vây bắt ôtô chở hàng cấm đã được tính toán kỹ, phối hợp đúng quy trình, nhưng nghi can quá manh động. "Chúng tôi rất lấy làm tiếc về sự mất mát của các gia đình".

Rất may là toàn bộ hoạt động của tổ công tác cũng như diễn biến của vụ việc đã được camera an ninh nhà dân ở đó ghi lại. Và từ những hình ảnh trong camera này, chúng ta có thể phân tích được quy trình phối hợp, làm việc của công an và cảnh sát giao thông. Người đăng tải clip sau đó đã bị xử phạt về hành vi đăng tải vị trí làm việc của cảnh sát giao thông lên mạng xã hội.

Những ai đã xem clip vụ việc này, tôi nghĩ là rất nhiều người đã xem, có thể thấy rằng quy trình này hơi lạ. Thời gian từ khi một Cảnh sát giao thông dừng xe bán tải của người đi đường (tức là bắt đầu quá trình làm việc, vây bắt nghi phạm) đến khi xe của nghi phạm tông trực diện làm chết một cảnh sát giao thông và hai người dân chỉ vẻn vẹn chưa tới 1 phút (mọi người có thể kiểm chứng lại trong clip). Khi đó những người dân đi đường còn chưa hình dung nổi có việc gì xảy ra mà xe họ bị dừng lại giữa đường thì sự việc đã xảy ra.

Đối với những người có chút suy luận, chưa nói tới lực lượng cảnh sát truy bắt ma túy, việc những nghi can đang vận chuyển ma túy (theo chuyên án) đồng nghĩa với việc mang án tử hình trong người nếu bị bắt. Thế nên, nghi can manh động để tránh bị bắt là điều đương nhiên. Vậy mà thời gian để công an và Cảnh sát giao thông dừng xe người dân đi đường, tạo chướng ngại vật để ngăn xe nghi can chỉ có chưa đầy 1 phút ? Đây có phải là quy trình của công an trong việc vây bắt nghi can ma túy không ? Nếu thời gian chỉ có 1 phút thì ai làm được việc này ? Đây chính là điểm mấu chốt dẫn tới tình trạng xảy ra sự cố đáng tiếc. Nếu thời gian cho việc tổ chức chướng ngại vật dài hơn (khoảng 5-10 phút) thì công an và Cảnh sát giao thông đã tổ chức thành công việc tạo chướng ngại vật ngăn cản xe của nghi phạm. Như vậy, sự phối hợp giữa các bộ phận trong tổ công tác truy bắt nghi can ma túy có vấn đề, tính toán thời gian không hợp lý, và đó không thể là đúng quy trình như lãnh đạo công an Long An nói được.

Một khía cạnh nữa cũng nên đề cập, theo lãnh đạo công an nói, vụ việc này đã được lên chuyên án triệt phá đường dây ma túy, có nghĩa là tổ công tác có thời gian chuẩn bị để phá án. Vậy tại sao công đoạn, khâu khó khăn và nguy hiểm nhất là khi bắt nghi can, tổ công tác lại đẩy cho phía cảnh sát giao thông và người dân đi đường ? (phần lớn các vụ khác cũng như thế). Liệu vụ việc vừa qua có khó khăn trong việc phối hợp (cảnh sát giao thông không chịu phối hợp ngay) dẫn tới thời gian không đủ cho việc tạo chướng ngại ? Dù lý do là gì thì lực lượng truy bắt ma túy cũng không thể dùng Cảnh sát giao thông và người dân đi đường vào việc vây bắt nghi can ma túy. Trừ trường hợp bất ngờ, đột xuất không theo kế hoạch và phải được tính toán kỹ lưỡng về thời gian, tránh gây thiệt hại về nhân mạng cho Cảnh sát giao thông và người dân đi đường.

Nguyễn Vũ Bình

Nguồn : RFA, 25/04/2023

******************************

Uổng mạng như thế vẫn đúng "quy trình" !

Đồng Phụng Việt, RFA, 22/04/2023

Hóa ra, vụ tai nạn hồi 17 giờ chiều 21/4/2023 trên tỉnh lộ 824 đoạn chạy ngang xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An khiến một viên Thiếu tá cảnh sát giao thông và hai thường dân (một người 29 tuổi, một người 50 tuổi, cả hai cùng ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh, cùng là công nhân làm việc trong một khu công nghiệp ở Đức Hòa) thiệt mạng không phải là tai nạn (1) ! 

quitrinh2

 Vụ vây bắt ô tô nghi chở ma túy tại Long An, tối 21/4, đã làm 3 nạn nhân tử vong.

Viên đại tá tên Lâm Minh Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Long An, mới xác nhận : Hôm ấy, Cảnh sát giao thông Long An chặn chiếc xe bán tải không phải vì "nghi người lái chiếc xe đó vận chuyển hàng cấm" từ Long An về Thành phố Hồ Chí Minh. Việc chặn xe là một phần trong chuyên án về mua bán – vận chuyển ma túy. Việc chiếc xe bán tải không chịu ngừng mà đâm thẳng vào viên thiếu tá Cảnh sát giao thông và hai thường dân là do "nghi can quá manh động" (2).

Người sử dụng mạng xã hội đang chuyền cho nhau xem một số video clip được trích xuất từ camera giám sát đặt ở những căn nhà, cửa hiệu phía trước hiện trường. Các clip này khoảng một phút, cho thấy rất rõ, viên thiếu tá Cảnh sát giao thông và một số đồng nghiệp của y đã chủ động chặn các phương tiện đang di chuyển trên đường, cố tình gây ùn tắc. Chính sự ùn tắc này khiến kẻ lái chiếc xe bán tải lách hẳn sang phải để vượt qua một chiếc xe ba bánh tự chế, húc vào hai người điều khiển xe hai bánh gắn máy bị y chặn lại và chính y (3).

Giờ, tới lượt viên đại tá Giám đốc Công an Long An khẳng định, chuyện chủ động chặn xe, cố tình biến cá nhân các công dân đang qua lại trên đường cũng như tài sản của họ thành một thứ hàng rào sống để thực hiện chuyên án là "phối hợp đúng quy trình". Đáng lưu ý là khi trò chuyện với báo giới, viên đại tá này chỉ kể về việc đang lo hậu sự cho viên thiếu tá thiệt mạng, không đếm xỉa gì tới hai nạn nhân !

Chẳng lẽ "bảo vệ và thực thi pháp luật" thì có quyền xem cả tính mạng lẫn tài sản của dân là rác ? Chẳng lẽ cứ có "chuyên án" là được phép biến cả dân lẫn tài sản của họ thành "chướng ngại vật" để vây bắt tội phạm ? Bởi dân là rác, viên đại tá - Giám đốc Công an Long An không cần bày tỏ sự thương cảm. Bởi dân là rác, y mới điềm nhiên lạnh lùng phán rằng thuộc cấp của y "phối hợp đúng quy trình".

***

Bạn – công dân Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – có muốn bị xem là rác không ? Bạn – có muốn được công an nhân dân, chính quyền nhân dân dùng cả bạn lẫn thân nhân, thân hữu của bạn theo kiểu đó không ? Bạn có thấy tự hào khi bạn hay thân nhân, thân hữu của bạn đã uổng mạng như vậy, những kẻ mà bạn đóng thuế nuôi chúng để chúng "bảo vệ trật tự, trị an" vẫn khơi khơi tuyên bố : "Việc phối hợp để ngăn chặn hướng xe di chuyển của nghi phạm phù hợp và đúng với quy trình của chuyên án, tuy nhiên do nghi can quá manh động nên đã xảy ra vụ việc đáng tiếc" song ngoài oằn lưng gánh hậu quả, trừ tự hào và biết ơn bạn không được phép làm gì khác ?

Đồng Phụng Việt

Nguồn : RFA, 22/04/2023

Tham khảo

(1) https://tuoitre.vn/xe-nghi-cho-hang-cam-tong-thieu-ta-canh-sat-giao-thong-va-2-nguoi-di-duong-thiet-mang-2023042120094612.htm

(2) https://tuoitre.vn/vu-csgt-va-2-nguoi-bi-tong-chet-phoi-hop-dung-quy-trinh-nhung-nghi-can-qua-manh-dong-20230422105134815.htm

(3) https://www.facebook.com/hocgiahd/posts/554059253523873/

**************************

Vụ Cảnh sát giao thông dùng dân làm "lá chắn" : cán bộ được thăng cấp, dân bỏ mạng oan uổng

RFA, 24/04/2023

Cán bộ cảnh sát giao thông tử vong trong vụ được nói "vây bắt nghi phạm buôn ma tuý" được thăng cấp, phong liệt sĩ. Trong cùng vụ có hai người dân chết một cách oan uổng nhưng không nghe gì về bồi thường.

quitrinh3

Cảnh sát giao thông chặn hai xe máy làm rào chắn xe ô tô chở ma tuý, khiến hai người mất mạng - Ảnh cắt từ clip

Vào chiều ngày 21/4, Ban Chuyên án tỉnh Long An cho biết họ tiến hành vây bắt nghi phạm buôn bán túy đang điều khiển xe ô tô năm chỗ chạy qua địa bàn tỉnh này, tiến về hướng Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong một video được trích xuất từ nhà dân cho thấy, một viên cảnh sát giao thông trong ban chuyên án đã chặn xe, sắp xếp cho hai người dân đi đường dừng lại để chặn xe chở ma tuý, khiến những người này cùng với một cán bộ cảnh sát giao thông thiệt mạng vì bị xe chở ma túy đâm.

Báo chí đổi trắng thay đen

Một loạt mạng báo lớn nhỏ, bao gồm VnExpressĐại đoàn kếtTiền PhongBảo vệ công lý… đều đăng bài có nội dung y hệt nhau, rằng "Nhận tin ôtô năm chỗ khả nghi đang chạy về hướng Thành phố Hồ Chí Minh với tốc độ rất nhanh, một Cảnh sát giao thông trong tổ công tác đi bộ ra giữa đường yêu cầu ôtô bán tải và xe lôi (chở hàng) dừng lại thành hàng ngang, đề nghị các xe máy di chuyển ra chỗ khác… Tổ công tác yêu cầu ôtô năm chỗ dừng lại để kiểm tra nhưng tài xế không chấp hành, tông thẳng vào nhóm cảnh sát và vài người dân còn kẹt trên đường".

Việc các tờ báo đăng bài có nội dung rập khuôn nhau đến từng câu chữ, từng dấu chấm phẩy như vậy đặt ra nghi vấn rằng liệu nội dung này có được viết một cách độc lập hay là viết theo chỉ đạo từ Tuyên giáo, và rằng hệ thống báo chí trong nước có đang cố gắng "tẩy trắng" cho hành vi dùng người dân tham gia giao thông để chắn đường xe ô tô chở ma túy hay không ?

Một luật sư ở Thành phố Hồ Chí Minh, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, bình luận với RFA rằng một người bình thường khi xem video chắc chắn sẽ nhận thấy rõ ràng là viên cảnh sát giao thông đã cố tình chặn đường hai người đang chạy xe máy, dẫn đến cái chết của họ :

"Báo chí Việt Nam là thông tin một chiều, nó luôn luôn bảo vệ chế độ và những người thực thi công vụ mặc dù họ có làm sai đi nữa. Những người bình thường xem video sẽ thấy ngay là người dân bị chặn lại, người ta đâu có tự nguyện. Cái này là họ bị chết oan bởi những nhân viên công vụ ngu dốt và cực kỳ non kém nghiệp vụ".

Gia đình nạn nhân nói gì

Ông H.T, là bố của nạn nhân Huỳnh Nguyễn Chí Mẫn, nói với RFA rằng con trai mình là một kỹ sư cơ khí, đang sống vui vẻ khoẻ mạnh thì bị tai nạn đột ngột qua đời do sự thiếu sót của cảnh sát giao thông :

"Tôi không biết đầu đuôi sự việc như thế nào nhưng mà trước mắt thì tất cả 10 người như một, đều thấy thiếu sót của anh công an điều tiết. Xe lớn sao không sử dụng mà sử dụng xe con hai bánh để làm cái gì ? Theo tôi nghĩ thì thiếu sót nằm ngay chỗ đó".

Sau khi xảy ra vụ việc, phía công an, lãnh đạo tỉnh Long An cũng đã xuống nhà thăm viếng đám tang của anh Mẫn, ông T. cho biết :

"Cái thứ nhất là cơ quan ban ngành cũng xuống thăm hỏi và động viên.

Trước đó là có giám đốc công an tỉnh xuống tại nhà xác, họ cũng động viên an ủi và giúđưa em nó về tới nơi tới chốn. Khi làm đám thì họ cũng đi xuống thăm hỏi.

Nói chung là không có vấn đề gì hết, họ cũng đã quan tâm đến mình, rồi họ cũng chia sẻ nỗi buồn với mình.

Dù nhận thấy sai sót của cơ quan chức năng dẫn đến cái chết của con trai mình, tuy nhiên, ông T. cho biết ông không nghĩ tới chuyện bắt người cán bộ cảnh sát giao thông phải chịu trách nhiệm : 

Nếu mà nói về pháp luật khi tôi không có hiểu. Thì công việc mà, đâu có ai muốn đâu. Có thể là do nhất thời hoặc là người ta nghe một cái lệnh nào đó thì phải chp hành thôi chứ không nghĩ sau lưng là cái gì.

Còn chuyện truy cứu người đó hay không thì tôi không nghĩ tới. Đó là trách nhiệm mà truy cứu để làm cái gì. Vai trò và trách nhiệm của mỗi người mỗi khác. Bây giờ không phải là cứu mà mà làm sao để hiểu và thông cảm cho vai trò và nhiệm vụ của họ".

Lỗi thuộc về Ban chuyên án

Mạng báo Công lý dẫn lời lãnh đạo công an tỉnh Long An cho biết đây là chuyên án triệt phá đường dây ma túy. Quá trình lực lượng chốt chặn, vây bắt ô tô chở hàng cấm đã được tính toán kỹ, phối hợđúng quy trình, nhưng nghi can quá manh động. "Chúng tôi rất lấy làm tiếc về sự mất mát của các gia đình".

Vị luật sư giấu tên không đồng ý với lời biện minh vừa nêu. Theo ông, khi để xảy ra cái chết cho ba người thì cả Ban Chuyên án phải chịu trách nhiệm. Còn người cảnh sát giao thông trực tiếp điều khiển dừng xe chắn đường cũng chỉ làm theo mệnh lệnh mà thôi :

"Tôi không hiểu sao một chuyên án đã được lên kế hoạch từ trước mà họ lại dừng xe của người dân lại để chặn bắt tội phạm như vậy, một việc làm phải nói là hết sức ngu xuẩn.

Nếu họ nói là họ đã lên chuyên án thì họ có tính đến trường hợđảm bảo an toàn cho người dân hay không ? Nhiệm vụ của công an là bảo vệ dân chúng nhưng bây giờ công an lại mang dân ra làm lá chắn thì có phải là các ông không coi trọng mạng sống của người ta hay không.

Người thực thi công vụ thực ra thì họ cũng chỉ làm theo mệnh lệnh của cấp trên mà thôi. Theo tôi, cả Ban Chuyên án đều phải chịu trách nhiệm chứ không thể nói là chỉ có một ông đứng ra chịu trách nhiệm mà thôi.

Những người còn lại phải nhận thấy hành động đó quá là nguy hiểm cho người dân và phải ngăn chặn nếu viên cảnh sát kia thật sự sơ ý".

Diễn biến mới nhất của vụ án này, vào ngày 23/4, Công an tỉnh Long An ra quyết định khởi tố vụ án Giết người, xem xét khởi tố bị can đối với hai nghi phạm lái ô tô chở ma túy tông chết ba người, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 

Cán bộ được thăng chức, hai người dân chết oan thì sao ?

Cũng trong ngày 23/4, Bộ trưởng Công an đã ký quyết định truy thăng cấp bậc hàm đối với cán bộ cảnh sát giao thông Nguyễn Xuân Hào, người mà theo cơ quan công án nói là đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ bắt giữ tội phạm ma túy. 

Luật sư giấu tên đặt câu hỏi "người cảnh sát thiệt mạng được thăng quân hàm, được chế độ đãi ngộ mà nhà nước quy định. Vậy còn những người dân vô tội kia, họ được cái gì ? Nhà nước liệu có bồi thường cho họ hay không ?"

Mạng báo Tuổi Trẻ dẫn lời của luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật, thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến rằng trong trường hợp cấp bách, để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Nội dung này được quy định tại thông tư số 65, ban hành ngày 19/6/2020 của Bộ Công an.

Luật sư giấu tên cho biết theo quy định của pháp luật thì đúng là có những trường hợp mà lực lượng thi hành công vụ có quyền trưng dụng phương tiện của người dân và không phải chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện nhiệm vụ trong tình trạng cấp thiết, hoặc là trong trường hợp cần phải hạn chế thiệt hại nhỏ hơn so với thiệt hại mà nghi phạm có thể gây ra ; tuy nhiên người này đặt vấn đề :

"Như thế nào thì được cho là tình thế cấp thiết. Ví dụ như trong trường hợnày thì có được gọi là tình thế cấp thiết hay không, và nó có cấp thiết hơn tính mạng của người dân hay không ?".

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Viết từ Sài Gòn, Nguyễn Vũ Bình, Đồng Phụng Việt
Read 250 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)