Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/05/2023

Bốn kịch bản truy nã tổng thống Nga Putin

Mathias Delori

Bốn kịch bản đối với Tòa án Hình sự quốc tế khi ra lệnh truy nã tổng thống Nga Putin

Ngày 17/03/2023, Tòa án Hình sự quốc tế (CPI/ICC), trụ sở ở La Haye, Hà Lan, phát lệnh truy nã tổng thống Nga Vladimir Putin với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh khi cưỡng bức trẻ em Ukraine sang Nga. Vậy phải chăng, một ngày nào đó, ông Putin sẽ ngủ trong xà lim của Tòa án, cũng giống như cựu tổng thống Côte d’Ivoire Laurent Gbagbo hay nhà cựu độc tài Sudan Omar Al-Bachir ?

icc1

Lối vào trụ sở Tòa án Hình sự quốc tế (CPI/ICC), La Haye, Hà Lan. Reuters/Jerry Lampen/File Photo

Trong bài "Putin, các thẩm phán và quả bom", đăng trên báo Le Monde Diplomatique số tháng 5/2023, nhà nghiên cứu khoa học chính trị Mathias Delori, thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS) cho rằng khi ra lệnh truy nã "người hùng" ở Moskva, CPI/ICC đã đánh cược vào tính chính đáng và cả tương lai của chính định chế này.

CPI/ICC không hề có phương tiện gì để buộc các nước thành viên thực hiện lệnh truy nã, do vậy, trong ngắn hạn, ông Putin không hề hấn gì. Tuy nhiên, quyết định này đặt ra nhiều vấn đề. Thực vậy, đây là lần đầu tiên, CPI/ICC ra lệnh truy nã nguyên thủ một quốc gia có bom nhiệt hạch và hơn nữa là ngay trong thời chiến.

Do vậy, có thể có bốn kịch bản. Trước tiên, đó là khả năng củng cố luật hình sự quốc tế. Kể từ khi được thành lập năm 1998 đến nay, CPI/ICC hứng chịu nhiều hạn chế quan trọng. Ngoài Nga, nhiều cường quốc khác như Mỹ, Trung Quốc… không phê chuẩn quy chế thành lập Tòa và định chế này không có lực lượng cảnh sát để thực thi các phán quyết. Cho đến nay, Tòa tập trung truy nã, xét xử công dân của các nước yếu, nghèo, chủ yếu ở Châu Phi. Liên Hiệp Châu Phi cáo buộc Tòa phân biệt chủng tộc. Trong những năm 2010, công tố viên, bà Fatou Bensouda, đã dũng cảm tiến hành hai tố tụng hình sự, nhắm vào Hoa Kỳ và Anh Quốc, với các cáo buộc phạm tội ác ở Afghanistan và Irak. Chính quyền Washington đã hủy bỏ các thị thực nhập cảnh đối với các thẩm phán và phong tỏa tài sản của CPI/ICC cho đến khi Tòa phải từ bỏ khởi tố. Đối với Anh Quốc, sau nhiều kiện tụng, bà công tố viên đích thân khép lại hồ sơ này.

Trong trường hợp truy nã ông Putin, CPI/ICC có thể trông cậy vào sự hợp tác của Ukraine. Với quyết định truy nã nguyên thủ một cường quốc quân sự, phải chăng từ nay, không một ai đứng trên luật pháp, không bị tòa xét xử, kể cả xử vắng mặt ? Kịch bản lạc quan này chỉ trở thành hiện thực nếu trong tương lai, cựu tổng thống Mỹ George W. Bush bị xét xử về vai trò của ông trong chiến tranh Iraq 2003. Điều này hầu như không thể xẩy ra.

Kịch bản thứ hai : CPI/ICC tự ký giấy khai tử mình khi ban hành lệnh truy nã tổng thống Nga Putin. Trong một thế giới rất phân cực, khi ra quyết định truy nã, CPI/ICC tự tạo ra một phiên tòa về tính không chính đáng của chính mình. Lãnh đạo của các nước chống CPI/ICC và thân Nga tố cáo CPI/ICC chính trị hóa và có thái độ "nhất bên trọng nhất bên khinh". Ngay sau khi CPI/ICC ra lệnh truy nã ông Putin, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã sang Moskva hội đàm với nguyên thủ Nga.

Ngay cả khi các quyết định của Tòa không được thực thi, các nước phương Nam đã phê chuẩn quy chế CPI/ICC tỏ ra rất lúng túng, khó xử. Về lý thuyết, các nước này phải bắt giữ ông Putin nếu nguyên thủ Nga tới các nước đó. Nhưng liệu các quốc gia này có đủ phương tiện để đối phó với cuộc chiến tranh do Nga trả đũa hay không ? Vấn đề này sẽ đặt ra vào tháng Tám tới, nhân thượng định BRICS (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi) tại Durban, Nam Phi. Năm 2015, chính quyền Pretoria đã nêu lý do miễn trừ ngoại giao, từ chối bắt giữ Omar Al-Bachir khi nhân vật này đến thăm Nam Phi, trong lúc đang bị CPI/ICC truy nã phạm tội ác chống nhân loại tại Darfour, tây Sudan.

Kịch bản thứ ba xuất phát từ một thực tế và rất ít được mọi người quan tâm : Ông Putin có một phương tiện chắc chắn để không thua trong cuộc chiến tại Ukraine và sẽ không bao giờ bị áp giải sang CPI/ICC ở La Haye : đó là sử dụng bom nhiệt hạch. Moskva đã thông báo sẽ triển khai vũ khí nguyên tử chiến thuật ở Belarus.

Có một điều chắc chắn, trong ngắn hạn, lệnh truy nã ông Putin càng đẩy ra xa viễn cảnh đàm phán kết thúc chiến tranh Ukraine. Theo Mathias Delori, quan hệ giữa tư pháp và ngoại giao luôn luôn căng thẳng. Tư pháp dựa trên việc tìm kiếm sự thật, còn ngoại giao dựa vào thỏa hiệp. Không ai đi đàm phán với kẻ tội phạm và trong thời chiến, việc đưa ra lệnh truy nã càng làm cho những kẻ bị truy nã và những người ủng hộ kẻ đó, có thái độ cực đoan hơn. Năm 2003, các chuyên gia được văn phòng công tố CPI/ICC tham khảo đã đưa ra khuyến cáo là trước khi hành động, thì nên thẩm định các nguy cơ làm cho một cuộc xung đột thêm căng thẳng hoặc làm cho tình hình thêm bất ổn.

Kịch bản thứ tư là phải chăng CPI/ICC ra lệnh truy nã, để gây sức ép, buộc Putin phải "mềm dẻo" xuống thang, đánh đổi lấy việc Tòa sẽ từ bỏ một phần hoặc toàn bộ các cáo buộc nhắm vào đương sự.

Đối với chuyên gia Mathias Delori, ở đây có một nghịch lý : Lệnh truy nã ông Putin gây thêm khó khăn cho việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine và làm gia tăng nguy cơ một thảm họa nghiêm trọng (bom nguyên tử) mà người dân Ukraine là những nạn nhân đầu tiên.

Đức Tâm tóm lược

Nguồn : RFI, 02/05/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mathias Delori, Đức Tâm
Read 188 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)