Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/05/2023

'Bụi đời' của Nguyễn Phan Quế Mai

Mỹ Hằng

Hành trình tìm cha mẹ đầy hi vọng và nước mắt của ngàn vạn con lai sau Chiến tranh Việt Nam đã thôi thúc nhà văn Quế Mai viết tiểu thuyết đầy chất thơ Dust Child - Bụi đời - trong bảy năm.

buidoi1

Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai cho biết hành trình tìm cha mẹ đã thôi thúc chị viết Dust Child - Bụi đời

Có khoảng hơn 100.000 con lai được sinh ra trong Chiến tranh Việt Nam từ các mối quan hệ giữa phụ nữ Việt Nam với lính Mỹ, theo nhà văn Quế Mai.

Cùng lúc đó, có khoảng ba triệu lính Mỹ đã phục vụ trong Chiến tranh Việt Nam, từ năm 1965-1975, Khi ra đi, hầu hết còn rất trẻ. Nay nhiều người mang theo chấn thương tâm lý rất nặng nề từ cuộc chiến.

Trong nhiều năm, nhà văn Quế Mai đã trực tiếp hỗ trợ nhiều trường hợp con lai và cha mẹ của họ trong hành trình tìm kiếm thân nhân.

Nhiều người cho đến nay vẫn mang những vết thương chưa được chữa lành, những ước nguyện tìm người thân bị thất lạc.

Nhưng không phải chỉ có nỗi đau, cuốn sách còn nói về nghị lực và hành trình tự chữa lành, cùng hy vọng về hạnh phúc, bình an của những anh chị em lai và gia đình họ - nhà văn Quế Mai chia sẻ với BBC Tiếng Việt trong khi chị đang bận rộn di chuyển giữa nhiều quốc gia trong hành trình giới thiệu cuốn Dust Child đến với độc giả thế giới.

Nhận xét về cuốn Dust Child, nhà văn đoạt giải Pulitzer Nguyễn Thanh Việt viết :

"Một câu chuyện đau lòng về những lý tưởng đã mất, lòng tận tụy của con người và những lỗi lầm khó chuộc. Dust Child khẳng định Nguyễn Phan Quế Mai là một trong những người quan sát tài năng nhất về những hậu quả tàn khốc của chiến tranh".

BBC : Dust child có một kết thúc có thể gọi là khá có hậu, làm ấm lòng người đọc, dù các nhân vật chính trongtruyện chưa tìm thấy hết người thân của mình. Còn những mảnh đời Amerasians mà chị từng gặp có được kết thúc đẹp như vậy hay không ?

Nguyễn Phan Quế Mai : Trong tất cả các quyển sách của mình, tôi muốn thắp lên ánh sáng hy vọng giữa những hoàn cảnh tăm tối nhất, bởi hy vọng chính là động lực để người ta sống tiếp.

Tôi cũng muốn viết về lòng tốt con người, vì tôi tin xung quanh chúng ta có rất nhiều người tốt. Và tôi cũng tin vào lòng vị tha, bởi lòng vị tha là điều cần thiết cho sự bình yên của mỗi con người, mỗi gia đình và của cả xã hội.

Trong tiểu thuyết của tôi, nhân vật chính Nguyễn Tấn Phong - một người lai đã chịu nhiều đau khổ và biến cố, đã vượt qua nhiều thử thách nhờ tình yêu dành cho vợ con và nghị lực của anh ấy, nhưng hạnh phúc của anh ấy vẫn chưa trọn vẹn khi quyển sách kết thúc, bởi vì có rất nhiều bí mật xoay quanh cuộc đời của anh ấy.

Ở ngoài cuộc sống, tôi đã gặp nhiều anh chị em lai với nghị lực đáng ngưỡng mộ, và cũng như Nguyễn Tấn Phong, hạnh phúc của họ ít khi trọn vẹn vì nhiều người cho đến nay chưa tìm được cha mẹ, hoặc khi tìm được thì cha và mẹ đã mất…

BBC : Trong bảy năm viết cuốn Dust Child, đã có thêm những diễn biến gì mới, đáng kể trong đời sống của những anh chị em lai Việt Mỹ mà chị biết ?

Nguyễn Phan Quế Mai : Trong bảy năm qua, tôi đã chứng kiến một số cuộc đoàn tụ của các anh chị em lai với cha mẹ ruột.

Những anh chị em lai này cũng trên 50 tuổi, đã mất mát quá nhiều, nên khi tìm lại được người thân - những người mở rộng vòng tay đón họ và yêu thương họ - họ như có được cuộc sống mới.

Nhưng những câu chuyện có hậu vẫn còn rất ít, và tôi biết có nhiều anh chị em lai sống trong nghèo khó bởi họ mù chữ, ở những vùng hẻo lánh, khó tiếp cận được các dịch vụ xã hội.

Con cái họ vì thế cũng gặp nhiều khó khăn.

buidoi2

Hai tiểu thuyết đưa tên tuổi của nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai ra với thế giới

BBC : Điều mà chị thấy để lại ấn tượng sâu sắc nhất với chị trong thời gian tham gia giúp đỡ các cựu binh Mỹ và những người lai tìm gặp lại thân nhân là gì ?

Nguyễn Phan Quế Mai : Là vòng tay nhân ái của cộng đồng các anh chị em lai.

Tôi quen biết và làm việc với anh Nhật Tùng (Jimmy Miller) - giám đốc tổ chức phi chính phủ Tình Lai Không Biên Giới (trụ sở ở Spokane, Washington), anh Trần văn Kirk (Kirk Kellerhals), giám đốc tổ chức phi chính phủ SouthEastAsianCoast2Coast Foundation (trụ sở ở Virginia), chị Trista Goldberg, giám đốc tổ chức Operation Reunite (trụ sở ở New Jersey).

Cả ba đều là những anh chị lai bị thất lạc cha hoặc cả cha và mẹ. Sau khi tìm được người thân, anh Tùng, anh Kirk và chị Trista đã đang nỗ lực giúp các anh chị em khác tìm lại cha mẹ ruột của mình.

BBC : Có những điều gì chị viết trong cuốn sách này mà chị ao ước nó xảy ra/hoặc không xáy ra trên thực tế với những anh chị em lai mà chị từng gặp gỡ ?

Nguyễn Phan Quế Mai : Chiến tranh và xung đột, sự kỳ thị đem đến những hậu quả rất đau lòng.

Những hậu quả đó được phản ánh trong quyển sách này, và tôi ước rằng chúng không bao giờ tồn tại trong đời thật.

Nhưng tiếc thay, chiến tranh, xung đột và sự kỳ thị vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên trái đất này.

Vì thế, tôi nghĩ văn chương cần lên tiếng và đối đầu với bạo lực, cái ác, sự bất công, sự kỳ thị để cuộc sống này tốt đẹp hơn.

BBC : Đọc cuốn Dust Child của chị, quả thật khó mà dừng lại được. Mỗi chương kể một câu chuyện đầy lôi cuốn mà kết của mỗi chương luôn thôi thúc người đọc phải đọc tiếp chương kế tiếp để biết diễn biến là gì. Cứ như xem một cuốn phim vậy. Chị có nghĩ sẽ có cơ hội để chuyển thể Dust Child thành phim vào một ngày không xa ?

Nguyễn Phan Quế Mai : Quyển sách này mất bảy năm bởi vì tôi đầu tư cho việc xây dựng nhân vật, cốt truyện.

Tôi trân trọng thời gian của độc giả vì thế muốn nỗ lực hết sức mình để có một quyển sách lôi cuốn nhưng cũng có tính thơ.

Tôi yêu điện ảnh và hy vọng quyển sách của mình sẽ được chuyển thể. Hiện tôi đã có một người đại diện phim (film agent) dày dặn kinh nghiệm tuy nhiên, mỗi ngày có rất nhiều quyển sách hay được ra mắt, cho nên việc chuyển thể một tiểu thuyết thành phim còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong đó có sự may mắn.

BBC : Trong truyện, chị dùng rất nhiều Truyện Kiều, các câu thành ngữ, tục ngữ, các bài hát ru tiếng Việt… Chị lấy cảm hứng này từ đâu ?

buidoi3

"Văn chương cần lên tiếng và đối đầu với bạo lực, cái ác, sự bất công, sự kỳ thị để cuộc sống này tốt đẹp hơn", nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai nói với BBC

Nguyễn Phan Quế Mai : Tôi yêu truyện Kiều, dân ca, tục ngữ, các bài hát ru, vì thế khi viết tiểu thuyết này, chúng đến với tôi tự nhiên như hơi thở. Thêm vào đó, tôi cũng muốn giới thiệu Việt Nam như một nền văn hóa lâu đời và giàu bản sắc, vì thế thơ ca, truyền thuyết không thể nào vắng mặt trong các tác phẩm của tôi.

BBC : Chị đã có cơ hội mang cuốn sách đi giới thiệu ở những nước nào và sự đón nhận của độc giả ra sao ?

Nguyễn Phan Quế Mai : Tôi rất may mắn được các nhà xuất bản ở Mỹ và Anh tổ chức hành trình ra mắt sách cho tôi qua 23 thành phố ở Mỹ, Anh, Canada trong tháng 3 và 4/2023.

Tôi rất biết ơn rất nhiều độc giả đã lặn lội đường xa, mưa gió… để đến gặp tôi, trong đó có rất nhiều người gốc Việt.

Mỗi chương trình đều đem đến cho tôi nhiều cảm xúc, ví dụ như chương trình tại thư viện thành phố Washington.

Trong hành trình ra mắt sách, tôi cũng tổ chức những hoạt động gây quỹ cho các anh chị em lai có hoàn cảnh khó khăn và toàn bộ số tiền gây quỹ đã được gửi đến một số các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và đang được các tổ chức phi chính phủ sử dụng để giúp các anh chị em lai tìm lại người thân.

Sự kiện ra mắt sách kết hợp gây quỹ ở quận Cam đã được sự giúp sức của rất nhiều người Việt và tôi cảm thấy mình đã có một cái Tết .

Ba năm trước, khi tiểu thuyết tiếng Anh đầu tay của tôi, The Mountains Sing (Sơn Ca), được ra mắt, đại dịch Covid khiến chuyến ra mắt sách do nhà xuất bản dày công chuẩn bị cả năm trời bị hủy, vì thế tôi rất xúc động khi được gặp gỡ các độc giả của mình năm nay.

Có người đã đến từ các thành phố khác, đã phải bay nhiều giờ, di chuyển qua nhiều phương tiện để đến với tôi. Tình thương và sự sẻ chia của độc giả là món quà quý mà tôi sẽ mãi mang theo trên hành trình sáng tác của mình.

Chuyến ra mắt sách lần này của tôi dài ba tháng và sẽ đưa tôi đến cả New Zealand và Úc.

Từ ngày 18-28/5, tôi liên hoan văn học Auckland, Melbourne và Sydney. Trong khuôn khổ các liên hoan này, tôi sẽ trình bày tác phẩm văn xuôi, đọc thơ, đảm nhiệm các lớp học sáng tác.

Dust Child cũng đang được dịch sang chín ngôn ngữ, vì thế vào tháng Chín và tháng Mười này tôi sẽ tiếp tục hành trình ra mắt sách ở Ý, Thụy điển, Na Uy, Anh…

Bạn đọc quan tâm có thể truy cập vào trang web này để biết thêm thông tin về các sự kiện sắp tới của tôi.

BBC : Câu chuyện về phận đời, về hành trình tìm kiếm người thân của các anh chị em lai và của các cựu binh Mỹ sau Chiến tranh Việt Nam, theo chị, có đóng góp gì vào tiến trình hòa giải dân tộc của Việt Nam hay không ?

Nguyễn Phan Quế Mai : Chắc chắn là có và đó là một trong những lý do tôi viết quyển sách này.

Quyển sách không chỉ nói về thân phận của những anh chị em lai Việt Mỹ và gia đình của họ, mà còn về rất nhiều các thân phận bị cuốn vào cuộc chiến, từ rất nhiều bên.

Hòa giải dân tộc chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta lắng nghe, thấu hiếu những mất mát của tất cả các bên và ghi nhận những tổn thương mà chúng ta đã gây ra cho nhau.

Tôi viết quyển sách này, cũng như quyển sách đầu tay, The Mountains Sing với hy vọng con người cảm thông và yêu thương con người nhiều hơn nữa.

Đôi nét về tác giả :

Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai sinh ra ở Ninh Bình, chỉ hai năm trước khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975. Năm 1979, gia đình chị di cư vào Nam, ở Bạc Liêu. Từ nhỏ Quế Mai đã bộc lộ niềm say mê văn chương. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình, Quế Mai sau này theo học ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Monash (Úc).

Sau này, khi có điều kiện quay trở lại với văn chương, Quế Mai đã giành học bổng và theo học thạc sỹ năm 2014 và tiến sỹ năm 2018 tại Đại học Lancaster (Anh Quốc).

Quế Mai sáng tác nhiều tác phẩm bằng tiếng Việt trước khi viết tiểu thuyết đầu tay bằng tiếng Anh 'The Mountain Sings" (Sơn Ca) năm 2019, nhận được nhiều giải thưởng quốc tế danh giá.

Dust Child là tiểu thuyết tiếng Anh thứ hai của chị, xuất bản năm 2023.

Với nhà văn Quế Mai, viết là để ca ngợi tình yêu, để tìm về nguồn cội, để bày tỏ tình yêu với quê hương, xứ sở, đồng thời cũng là để hàn gắn và hòa giải, để bày tỏ tình yêu thương đối với những con người không phân biệt quốc gia, đảng phái, dân tộc.

Mỹ Hằng

Nguồn : BBC, 09/05/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mỹ Hằng
Read 300 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)