Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/06/2020

Nguyễn Xuân Phúc và hệ "tinh" trong thể chế chính trị hiện tại

Mai Lan - Hoài Nguyễn

5 chữ ‘tinh’ trong yêu cầu của công bộc

Mai Lan, VNTB, 28/06/2020

Trước hết là "tinh thông" trong công việc, "tinh nhuệ" trong hành động, "tinh gọn" về bộ máy, "tinh túy" về chất cán bộ, "tinh ý" trong hiểu người dân, doanh nghiệp.

tinh1

Báo chí đăng về yêu cầu 5 chữ ‘tinh’ ấy của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi ông đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị "Hà Nội 2020 – hợp tác đầu tư và phát triển", diễn ra tại Hà Nội ngày 27/6/2020.

Xin cùng bàn tuần tự với 5 chữ ‘tinh’ trong thể chế chính trị hiện tại.

Trước hết, giả dụ như công việc làm tổng biên tập một tờ báo nào đó. Lâu nay ai cũng rõ trong hệ thống báo chí thuộc cơ quan Đảng bộ cấp tỉnh, thành, thì gần như cả 100% người ngồi vào chiếc ghế tổng biên tập/giám đốc là được Đảng cấp trên phân công dựa trên căn cứ về tư tưởng, không phải từ yêu cầu của tay nghề. Như vậy, yêu cầu "tinh thông" nghề báo là thứ yếu.

Tiếp theo về "tinh nhuệ". Cũng vị tổng biên tập/giám đốc được bổ nhiệm ấy, chắc chắn sẽ đáp ứng được yêu cầu "tinh nhuệ", nhưng đó là "tinh nhuệ" trong tìm mọi cách để đáp ứng đòi hỏi về ‘định hướng tư tưởng’ mà Đảng cấp trên yêu cầu ; không phải là "tinh nhuệ" trong nghiệp vụ báo chí với các yêu cầu ghi nhận đầy đủ tiếng nói của nhân dân, và cả sự tuân thủ pháp luật đến đâu của đảng viên, của tổ chức đảng được ghi rõ ở hiến định tại điều 4.3 : "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".

"Tinh gọn" về bộ máy của một tòa soạn ở tổng biên tập/giám đốc như nói trên, sẽ xảy ra ít nhất hai trường hợp : thứ nhất, vì không am tường nghề báo, vị tổng biên tập/giám đốc ấy cần đến đội ngũ thầy dùi cứng nghề. Trong trường hợp này thì yêu cầu "tinh" là có thể, nhưng không thể "gọn".

Thứ hai, sẽ có cả "tinh" và "gọn" nếu như phần lớn tòa soạn đều là ‘vây cánh’ của vị tổng biên tập/giám đốc ấy. Nhất hô bá ứng trong nội bộ thế này sẽ mang đến cảm giác của bộ máy "tinh gọn".

"Tinh túy về chất cán bộ" thì điều này cần được minh định là cán bộ của Đảng, hay cán bộ của dân? Khi là cán bộ thì cấp dưới phải răm rắp nghe theo lệnh của cán bộ cấp trên. "Tinh túy" trong hoàn cảnh đó sẽ được định nghĩa thế nào?

"Tinh ý" trong hiểu người dân, doanh nghiệp mà thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu, nếu đặt trong bối cảnh của 4 chữ ‘tinh’ trước đó thì lại phải thắc mắc là thế nào mới gọi ‘hiểu dân’ ?

Liệu trong đòi hỏi "tinh ý" này có phải cùng với ý của huấn thị "Chế độ của ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ. Chính phủ là đày tớ của nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Chính phủ thì việc to việc nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân" (1). "Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ" (2), "Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa" (3).

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 28/06/2020

_________________

Chú thích :

(1) Hồ Chí Minh : Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, trang 263.

(2) Hồ Chí Minh : Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, trang 75.

(3) Hồ Chí Minh : Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, trang 269.

*********************

Ngũ "tinh" của " Hà Nội không vội được đâu"

Hoài Nguyễn, VNTB, 28/06/2020

Cán bộ "tinh ý" đến mức "tinh nhuệ" nên họ hiểu cần "tinh gọn" ra sao để làm hài lòng bề trên; để bề trên gật gù cho sự nhanh nhạy "tinh thông" đó phù hợp với từng thời điểm, từng ngữ cảnh uyển chuyển khác nhau.

tinh2

Ngài thủ tướng nói rằng sở dĩ "Hà Nội không vội được đâu" đã là chuyện ‘xưa rồi Diễm’, vì Hà Nội hôm nay đã đủ 5 chữ "tinh" theo tuần tự: "tinh thông", "tinh nhuệ", "tinh gọn", "tinh túy", "tinh ý".

"Tinh thông". Một bài báo trên Infonet (chuyên trang của báo điện tử VietnamNet), viết: "Tình hình tham nhũng trên địa bàn Thành phố Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, lĩnh vực tham nhũng rộng, tiềm ẩn trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, tài chính – Báo cáo kết quả phòng chống tham nhũng năm 2019 của UBND Thành phố Hà Nội nêu.

Đây là một trong những nội dung của báo cáo về Kết quả phòng chống tham nhũng năm 2019 do Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu vừa ký gửi hdn Thành phố Hà Nội trước kỳ họp thứ XI diễn ra trong ba ngày (từ hôm nay 3 đến 5/12)" (*).

Như vậy, ở đây cho thấy với những thủ đoạn ‘tinh vi’ trong tham nhũng ở Hà Nội, cho thấy những người tham nhũng ở Hà Nội đã ‘tinh thông’ các ngón nghề trong đối phó với pháp luật trong lãnh vực này.

"Tinh nhuệ". Cũng bài báo trên, có đoạn vào khúc kết nhấn lại tình hình, "Tuy nhiên, tình hình tham nhũng trên địa bàn Thành phố vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, lĩnh vực tham nhũng rộng, tiềm ẩn trong một số lĩnh vực : quản lý, sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, tài chính", báo cáo nêu rõ". Chính nhận xét này cho thấy những người tham nhũng ở Hà Nội không chỉ "tinh thông" ngón nghề đối phó, mà họ đủ "tinh nhuệ" để đưa những nhà hoạch định chính sách vào mê hồn trận của bất lực.

"Tinh gọn". Cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội, vào ngày 24/6/2020, đưa tin : "Đối với sắp xếp tổ chức bộ máy tổ chức hành chính, ở cấp Thành phố, tại thời điểm ngày 31/12/2016 có 24 sở. Tại thời điểm ngày 31/12/2019 có 23 sở. Đối với văn phòng, thanh tra, phòng chuyên môn, nghiệp vụ, chi cục và tổ chức tương đương (Ban) thuộc cơ cấu tổ chức của sở, tại thời điểm ngày 31/12/2016 có 191 tổ chức thuộc sở, tại thời điểm ngày 31/12/2019 có 188 tổ chức thuộc sở (giảm 65 phòng).

Đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, tại thời điểm ngày 31/12/2016 có 364 phòng, đến ngày 31/12/2019 có 361 phòng.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, tổng hợp số lượng đơn vị sự nghiệp công lập (bao gồm cả các Ban quản lý dự án) tại 2 thời điểm là ngày 31/12/2016 có 2.657 đơn vị và ngày 31/12/2019 có 2.633 đơn vị. Dự kiến việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trong giai đoạn 2020 – 2021 là giảm 38 đơn vị" (**).

Với số liệu ở trên cho thấy nếu cho đó là kết quả của "tinh gọn", xem ra khó thuyết phục, ít ra là theo ý nghĩa của thống kê.

"Tinh túy". Từ hai bài báo dẫn chứng ở trên, cho thấy nếu thực sự có được đội ngũ công bộc "tinh túy", thì chẳng cần bận tâm đặt ra những chỉ tiêu cho "sắp xếp, tổ chức lại" làm gì để phí phạm nguồn lực được cho là "tinh túy" ấy.

"Tinh ý". Cái tinh này trong cụ thể ở đây có lẽ là bao trùm cho giải thích về 4 cái tinh" đề cập phần trên. Vì cán bộ "tinh ý" đến mức "tinh nhuệ" nên họ hiểu cần "tinh gọn" ra sao để làm hài lòng bề trên; để bề trên gật gù cho sự nhanh nhạy "tinh thông" đó phù hợp với từng thời điểm, từng ngữ cảnh uyển chuyển khác nhau.

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 28/06/2020

______________

Chú thích :

(*)https://infonet.vietnamnet.vn/thoi-su/ha-noi-tham-nhung-dien-bien-phuc-tap-thu-doan-tinh-vi-54251.html

(**)http://thanglong.chinhphu.vn/da-sap-xep-to-chuc-giam-duoc-256-don-vi-su-nghiep-cong-lap

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai Lan, Hoài Nguyễn
Read 737 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)