Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/05/2023

Vụ cô giáo Lê Thị Dung : lệnh vua thua lệ làng ?

Viết từ Sài Gòn - Nguyễn Đình Ấm - Mai Luân

Hệ thống đánh hội đồng một phụ nữ ? Cuộc chơi sẽ về đâu ?

Viết từ Sài Gòn, RFA, 10/05/2023

Vụ việc của cô Hiệu trưởng Lê Thị Dung ở Nghệ An, đến nay, có thể nói rằng hiệu ứng dây chuyền của nó đã đến độ không thể dừng lại được, bởi ngọn hỏa hoạn đã chính thức thiêu rụi căn nhà niềm tin vào lẽ phải, cũng như sự tử tế còn sót lại trong hệ thống xã hội chủ nghĩa này. Hay nói khác đi, sự cố chấp, lấp liếm và gắng gượng lấy tay che khuất mặt trời của giới quan lại địa phương ở đây đã đẩy tình huống, sự vụ đến chỗ tiến thoái lưỡng nan…

dung01

Vụ án cô Hiệu trưởng Lê Thị Dung ở Nghệ An có nhiều khuất tất - Ảnh minh họa Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên Hưng Nguyên

Trong vụ án này có gì khuất tất ? Bởi người ta không thể viện lý do cô Dung làm thất thoát số tiền gần 50 triệu đồng trong vòng 10 năm để phạt người ta 5 năm tù giam, và trước đó, cố tình tạm giam cô Dung 13 tháng, vượt thời hạn tạm giam cho phép theo luật Tố tụng hình sự đến 9 tháng. Bởi thời hạn tạm giam cao nhất đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng cũng chỉ 4 tháng theo luật này.

Nếu viện lý do như vậy, không cần bàn tới chuyện lý lẽ, mà trong đời sống xã hội, chẳng ai dám thò mặt ra để làm chuyện ấy, bởi nó chỉ đủ để sỉ nhục kẻ đang phanh phui, làm người ai làm thế ! Nếu xét về công lý (một loại công lý mang đậm màu sắc chính trị cộng sản) thì lại càng không nên làm thế, đặc biệt không nên kéo dài thời hạn tạm giam một cách bất chấp pháp luật, bởi nó chỉ làm bôi nhọ thể chế và xóa mất niềm tin sót lại trong nhân dân về thể chế chính trị hiện hành.

Như vậy, phải có một thứ "lý lẽ " nào đó đủ mạnh, đủ khiến cho người ta nhắm mắt đạp qua rất nhiều thứ. Và đương nhiên, cái thứ khiến người ta nhắm mắt đạp qua rất nhiều thứ ấy phải được bảo bọc, chống lưng bởi một thế lực đủ mạnh để đạp bằng và thách thức pháp luật, thách thức lương tri và công lý.

Theo tác giả Nguyễn Ngọc Chu chia sẻ trên Văn Việt : "Cách đây hơn 3 năm, Báo điện tử ‘Ngày mới’ ngày 26/9/2019 đã đăng bài viết "Huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An : Tại sao lại "bới lông tìm vết" để thi hành kỉ luật bà Lê Thị Dung" ?  Từ bài báo của Báo điện tử ‘Ngày mới’ ngày 26/9/2019 có thể dự đoán, nếu bà Lê Thị Dung tuân theo yêu cầu của UBND huyện Hưng Nguyên, ký hợp đồng không xác định thời hạn với bà Nguyễn Thị Phương Thúy, thì chắc rắc rối và tù đày đã không xảy ra đối với bà.

Cơ sở để Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên kết tội cô giáo Lê Thị Dung là ở mục thanh toán trùng. Như cáo trạng đã viết :

"Như vậy, việc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên thanh toán tiền phụ cấp cấp ủy cho bà Lê Thị Dung hàng tháng ; thanh toán tiền công tác phí, hỗ trợ đi học là đúng quy định.

- Tuy nhiên, ngoài các khoản đã thanh toán nêu trên, bà Lê Thị Dung còn tiếp tục quy đổi các nội dung trên sang tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ cho cá nhân mình là thanh toán trùng (thanh toán 2 lần) cho cùng 01 nội dung… Từ việc thanh toán trùng nêu trên đã gây thiệt hại cho ngân sách của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên số tiền 48.383.908 đồng".

Ở đây, cái cớ đưa ra để đi đến lệnh bắt và tạm giam suốt 13 tháng nghe cứ tưởng như trò đùa trẻ con, trò trốn tìm và bắt bớ của đám trẻ trâu ngoài đồng ruộng chứ không phải của những người lớn có chữ nghĩa và biết lẽ phải. Nhưng, nó cũng phản ánh một vấn đề nhức nhối trong xã hội Việt Nam hiện nay là hầu như tất cả giới quan chức đều rất lơ mơ về quyền hạn, giới hạn trong chức vụ của mình và hết sức mơ hồ, mù mờ về luật pháp, thích thì làm, thích thì bỏ. Viện dẫn điều lệ đảng, viện dẫn quyền lực đảng và chụp mũ chính trị trong hành sự, công tác là chính chứ hiếm khi nào vận dụng luật pháp. Mà có muốn vận dụng thì cũng không biết vận dụng ra sao, bởi tri kiến có vấn đề, bởi bằng giả, bởi lương tâm bị kiến tha quạ bắt…

Chưa rõ cáo trạng đã chính xác, đã nêu đúng hay chưa. Ở đấy có lắm vấn đề để bàn cãi. Và người bị nêu cáo trạng đã chấp nhận cáo trạng là đúng, đã tâm phục khẩu phục về cáo trạng hay chưa, đây là ẩn số. Nhưng, giả định số tiền chi sai gần 50 triệu đồng là đúng sự thật, thì ở đây, có thể viện dẫn Nghị định số 63/2019/NĐ-CP để xử lý.

Nội dung Nghị định số 63/2019/NĐ-CP, ngày 11/7/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công ; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ; dự trữ quốc gia ; kho bạc nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2019), Điều 55 quy định :

"Điều 55. Hành vi lập hồ sơ, chứng từ sai chế độ quy định và hành vi lập hồ sơ, chứng từ sai so với hồ sơ, chứng từ gốc tại đơn vị nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi ký hợp đồng trước khi có kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trừ các công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp).

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây :

a) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi các khoản chi không đúng tiêu chuẩn về chức danh, đối tượng sử dụng ;

b) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi các khoản chi vượt định mức chi về số lượng, giá trị ;

c) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi các khoản chi sai chế độ (chi không đảm bảo điều kiện, nguyên tắc của chế độ chi).

Trường hợp của bà Lê Thị Dung tương ứng với các mục a), c), khoản 2 Điều 55 "Nghị định số 63/2019/NĐ-C : a) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi các khoản chi không đúng tiêu chuẩn về chức danh, đối tượng sử dụng ; c) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi các khoản chi sai chế độ (chi không đảm bảo điều kiện, nguyên tắc của chế độ chi)". Chiếu theo các mục a), c) khoản 2 Điều 55 "Nghị định số 63/2019/NĐ-CP" thì cô giáo Lê Thị Dung bị phạt hành chính "từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng" và phải hoàn lại số tiền gần 50 triệu đồng như cáo trạng đã nêu".

Nhưng trường hợp cô Dung, thay vì viện dẫn nghị định, người ta cố tình đẩy sự vụ đến chỗ hình sự, biến một người vi phạm hành chính thành tội phạm hình sự nhằm đẩy người đó vào tù. Mục đích để làm gì, có lẽ đến đây cũng đã rõ được ít nhiều.

Tác giả Nguyễn Ngọc Chu bức xúc : "Làm thất thoát 15 000 tỷ đồng thì bị xử 3 năm tù treo. Làm thất thoát 53, 6 tỷ đồng thì ở Hà Nội xử 3 năm tù giam. Còn làm thất thoát chưa đến 45 triệu đồng, thì ở Nghệ An bị xử phạt 5 năm tù. Có phải người Nghệ An thấp kém hơn nên phải chịu hình phạt nặng hơn ?

Cũng chẳng phải riêng Nghệ An. Dường như quan sát thấy khuynh hướng, rằng các tỉnh càng nghèo thì "đối đãi" với "thần dân" của mình càng khắt khe.

Lấy vài thí dụ. Ăn trộm 1 con vịt mà tòa án ở Kiên Giang xử phạt 7 năm tù. Ăn trộm 2 con vịt, tòa án ở Kontum xử 09 tháng và 13 tháng tù. Còn ở Lâm Đồng, ăn trộm 2 con vịt bị xử tổng cộng 13 năm tù cho 3 nông dân. Thiết nghĩ, ở vị trí lãnh đạo thì phải cố mang về nhiều lợi ích nhất cho người dân của mình, chí ít thì cũng không kém địa phương khác. Đằng này, ngược lại, dân đã nghèo mà đối đãi lại khắt khe, hình phạt thì nặng nề"..

Sắp tới đây sẽ là phiên tòa phúc thẩm vụ cô giáo Dung. Nhưng, người ta đoán rằng hết mười phần sẽ có những chỉ định, tạo sức ép nhằm giữ nguyên bản án sơ thẩm, bởi ở đây đã có cuộc chiến ngấm ngầm giữa giới chức cộm cán địa phương với gia đình cô Dung, xa hơn một chút là cuộc chiến giữa sự trơ tráo, bất chấp và chân lý, giữa tiểu xảo và sự thật, giữa đen và trắng, giữa những âm mưu hại người và nạn nhân, giữa tà ý và chính tâm, giữa sự đánh tráo và công lý… Đây là cuộc chiến mà từ cổ chí kim, dường như sức mạnh nghiêng hẳn về phía những kẻ bày cuộc, trừ khi công luận và lương tri nhân loại lên tiếng.

Những thao tác bưng bít thông tin, cấm đoán bàn luận về phiên tòa cô Dung sắp tới, những chỉ định miệng và các thông báo ngầm trong "cuộc chơi" gắt máu này cho thấy sự việc không ngoài dự đoán của công luận. Vấn đề là những kẻ bày cuộc đã đi quá đà, cuộc chơi gian lận của họ không chỉ chạm đến số phận một cá nhân (cụ thể là cô Dung) mà đã chạm đến danh dự và số phận của đảng cầm quyền. Bởi, cuộc chơi bây giờ là cuộc chơi giữa quyền lực nhóm (trực thuộc đảng) và công lý. Liệu cán cân sẽ nghiêng về đâu ? Câu chuyện còn dài lắm !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 10/05/2023

**************************

Việc trù dập như với cô Lê Thị Dung là rất phổ biến ở xứ này

Nguyễn Đình Ấm, VNTB, 10/05/2023

"Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh"

Ở một xứ xở như Việt Nam thì việc cấp trên trù dập người, cấp dưới cản trở những hành vi sai trái của mình là rất phổ biến. Bởi vì, thực chất quan chức đồng thời là đại diện của đảng mà đảng "lãnh đạo toàn diện" nắm trong tay mọi quyền hành, luật pháp nên quan chức đảng lộng hành, tùy tiện ứng xử với cấp dưới, "thấp cổ, bé họng" là tất yếu. Việc cấp dưới, người dân ngăn chặn những hành vi sai trái của quan chức là "phạm thượng", hầu hết phản tác dụng, thất bại.

cogiao1

Theo FB Lưu Trọng Văn, cô Lê Thị Dung là cán bộ cấp dưới nhưng đã phản đối việc cấp trên (sở, huyện, tỉnh) bán đất của trung tâm Giáo dục thường xuyên do cô quản lý cho tư nhân, gửi đơn lên bộ Nội vụ và lãnh đạo cơ quan này về sai phạm tuyển dụng của giám đốc sở Giáo dục và đào tạo tỉnh, " có cuộc gặp căng thẳng" giữa cô và P. chủ tịch tỉnh Nghệ An… Nếu đúng vậy thì việc cô Dung bị án oan mà dư luận cả nước phẫn nộ là tất yếu.

Là cấp dưới mà dám như thế thì làm sao cấp trên đầy quyền uy khoan dung được. Nếu cô Dung không bị trừng phạt thì mọi việc sai trái trong xứ sẽ bị "soi", rất bức bối, làm sao mà để yên được ? Vấn đề là bộ máy quyền hành ở xứ Nghệ quá nôn nóng, coi thường dư luận xã hội trong việc xử cô Dung mà thôi. Với những nơi khác, vụ khác họ sẽ áp dụng vô vàn cách để vô hiệu hóa, trừng phạt tàn nhẫn kẻ "chống phá" ví như phân công việc khác ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Tương Dương, Mường Xén… chẳng hạn thì cô Dung có phản đối được không khi sức khỏe hạn chế, mọi điều kiện sinh hoạt, sinh sống của gia đình bị đảo lộn. 

Nếu cô Dung phản đối sẽ xuất hiện tội "chống đối sự phân công của đảng", việc khai trừ đảng, cho thôi làm giám đốc, chuyển làm tạp vụ ở cơ quan thì cũng "âu trời cãi". Trong vụ cướp đất ở dự án Ecopark Văn Giang một trong những cách khuất phục những người không chịu nhận tiền đền bù đất, phản đối giao ruộng của chính quyền là chuyển công tác con em họ đến nơi bất lợi, khó khăn, cản trở sản xuất kinh doanh, không cấp giấy đi xuất khẩu lao động, kết hôn…

Chính tôi đã bị cách trù dập cực kỳ ma giáo của lãnh đạo tạp chí, ngành hàng không Việt Nam. Từ những năm 1990 tôi đã "cản phá", ngăn chặn một số vụ tham nhũng lớn, nhỏ ở ngành Hàng không Việt Nam. Đầu năm 1994 tôi vẫn là phóng viên cỡ chủ chốt của tờ báo, thành tích "đầy mình" tự nhiên tổng biên tập tạp chí Hàng không Việt Nam chuyển tôi "thôi làm phóng viên làm tạp vụ của cơ quan trong đó bán dạo tạp chí Hàng không Việt Nam" với số lượng không tưởng. 

Tất nhiên tôi không thể bán được số lượng tạp chí "trên trời" mà họ giao cho. Thế là tôi phát sinh tội "Không hoàn thành nhiệm vụ". Tôi tố cáo lãnh đạo tạp chí và ngành Hàng không Việt Nam trù dập tôi. Thế là tôi phát sinh tội "vu khống lãnh đạo Hàng không Việt Nam" và lực lượng công an được sử dụng ngay. 

Năm 1996 tôi bị cơ quan điều tra A24 bộ nội vụ (nay là bộ công an) khởi tố, điều tra, khám xét nhà cửa về tội "vu khống lãnh đạo Hàng không Việt Nam"… hòng cho tôi vào nhà đá. Hồi đó chưa có mạng Internet, mạng xã hội nên tôi phải âm thầm chịu trận và tìm cách "phản đòn". Rất may tôi đã chứng minh đanh thép những tố cáo của tôi với họ là còn dưới sự thật, đăng được nhiều vụ tham nhũng "động trời" của họ trên các báo khác, bản chất lãnh đạo ngành Hàng không Việt Nam phơi bày trước thiên hạ và sự may mắn nên thoát nạn.

Vấn đề ở đây là mọi sự tố cáo của nhân viên, cấp dưới với cấp trên hầu hết bị lờ đi, trù dập, nên chỉ tỷ lệ cực nhỏ trường hợp người như tôi, cô Dung "dại dột" làm cái việc 99,9% thất bại mà thôi. Việc hầu hết các vụ tham nhũng do tình cờ bị lộ và báo chí phát hiện chứ không phải cơ quan pháp luật, thanh tra, kiểm soát, công đoàn, mặt trận tổ quốc… có chức năng giám sát, chống tham nhũng phát hiện chứng tỏ điều đó.

Vừa qua, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 đã nêu cần loại bỏ căn bệnh diễn ra ở nhiều nơi, từ rất lâu "thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh" nhưng có kết quả gì không khi trật tự cũ vẫn không thay đổi ?

Nguyễn Đình Ấm

Nguồn : VNTB, 10/05/2023

*************************

Hệ lụy của một thể chế có quá nhiều loại vua

Mai Luân, RFA, 09/05/2023

Vụ án bà Lê Thị Dung là hệ lụy của một chế độ có quá nhiều loại vua : vua cấp huyện, cấp tỉnh, vua ở trung ương. Bất cứ người dân thiện lành nào xớ rớ đụng vào con cháu các vị vua ấy thì sẽ tù mọt gông ! Phải chăng đấy chính là thông điệp Đảng cộng sản Việt Nam muốn đưa ra cho dân chúng ?

toaan2

_________________

Vụ án có quá nhiều uẩn khúc

Bản án của bà Lê Thị Dung đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận về quá trình điều tra, truy tố, xét xử (1). Ngày 7/5/2023, Đại diện Ban Dân nguyện Quốc hội đã lên tiếng về bản án 5 năm tù đối với bà Lê Thị Dung, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện Quốc hội đã chia sẻ về vụ án : "Liên quan tới vụ án này cử tri và dư luận rất bức xúc về bản án của Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Họ cho rằng chưa cần bàn đến câu chuyện bà Dung có chiếm đoạt hay không đối với số tiền chi được cho là chi sai gần 45 triệu, nhưng việc bắt giam bà Dung như vậy sẽ ảnh hưởng đến đời sống của cả một gia đình và ảnh hưởng đến cả hình ảnh của một Trung tâm Giáo dục. Dư luận lấy các con số ra để so sánh và nói về câu chuyện tổ chức một phiên tòa thì rõ ràng có những vấn đề nổi cộm" (2).

Việc kỷ luật, rồi khởi tố và bắt giam bà Dung đã thấy vô lý ngay từ đầu. Nghe bản án, cứ tưởng bà này làm thiệt hại đến 45 triệu USD, ai dè là do chi sai 45 triệu VND. Giam giữ một năm rồi mới đưa ra xét xử cũng lại sai luật nốt. Vì theo luật định, thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, việc giam bà Dung cả một năm trời rồi mới đưa ra xét xử thì rõ ràng đã vi phạm về thời hạn tạm giam. Ở đây, vì vấn đề chi tiêu nội bộ mà phải bắt giam một năm, điều này có cần thiết đến mức như điều tra về một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hay không ? Hơn nữa, việc bị cho là chi sai số tiền gần 45 triệu trong vòng 5 năm, việc này không quá trầm trọng như ma túy, giết người, cướp của hay tham nhũng.

Thật sự không thể hiểu nổi, cáo trạng tuyên bà Lê Thị Dung lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, vì một khoản tiền cứ cho là chi sai gần 45 triệu trong vòng năm năm (đầu tiên tố là 48 triệu sau đó rút xuống còn gần 45 triệu), trong đó có năm chỉ chi có hơn 300 nghìn đồng ? Việc tòa cấp huyện tuyên phạt bà Dung 5 năm tù vì "chi sai" gần 45 triệu cho thấy, đấy là một bản án không nhân văn, nếu đem so với các bản án khác như những vụ làm thất thoát hàng nghìn tỷ, thì rõ ràng tính chất và mức độ của vụ này không tương xứng với phán quyết của tòa. Ban Dân nguyện mới đây đã nhận được đơn thư kêu cứu của chồng cô Dung và cả người chú của cô Dung. Hy vọng Ban Dân nguyện sẽ có ý kiến với các cơ quan tố tụng tỉnh Nghệ An và đề nghị các cơ quan tố tụng tỉnh cần phải xem xét lại những vấn đề mà dư luận, báo chí phản ánh trong thời gian qua và cả trong những ngày gần đây để đảm bảo có một bản án thấu tình đạt lý và nhân văn. Đặc biệt là người dân đang chờ phán quyết của bản án phúc thẩm (3).

Cơ quan chủ quản cao nhất đối với bà Lê Thị Dung là Bộ Giáo dục và đào tạo mà người đại diện là Cục trưởng Cục Nhà giáo & Cán bộ Quản lý Giáo dục, ông Vũ Minh Đức cũng đã lên tiếng bày tỏ nguyện vọng đối với các cơ quan pháp luật tỉnh Nghệ An xem xét lại vụ án một cách toàn diện, bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai (4). Tuy nhiên, cho đến ngày 3/5/2023, đại diện Sở Giáo dục và đào tạo tạo tỉnh Nghệ An nói với truyền thông trong nước rằng, cơ quan này chưa nhận được ý kiến, văn bản nào từ Bộ Giáo dục và đào tạo liên quan vụ án cô giáo Lê Thị Dung như vừa nêu. Ấy vậy mà ngay sau khi bản án được tuyên, đã có hàng trăm bài viết và bình luận trên mạng xã hội cho rằng đây là bản án bất công, khuất tất. Cơ sở cho lập luận này là nếu so sánh với những trường hợp quan chức Nhà nước khác làm thất thoát hàng tỷ đồng, thậm chí hàng nghìn tỷ đổng, mà mức án không cao như đối với bà Lê Thị Dung.

Động cơ vụ án có phải vì công lý ?

Ngay từ đầu, một số nhân sĩ trí thức đã lập tức lên tiếng trên Facebook cá nhân bày tỏ sự bất bình về mức án như thế. Phần lớn các các chất vấn đều đặt câu hỏi : Động cơ vụ án có phải vì công lý ?

Giáo sư Mạc Văn Trang viết : "Cần xem lại vụ án… 45 triệu đồng mà kết án bà Lê Thị Dung 5 năm tù thì chắc 99% các Hiệu trưởng, Trưởng phòng, Viện trưởng các Viện... đều đi tù hết. Vụ án có gì đó ẩn khuất !".

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu thì nhận định : "Đây là một vụ án oan do có sự không hoàn chỉnh của luật pháp ; sự không độc lập của tòa án ; tác động của quyền lực và tiền bạc ; chủ quan và mục đích cá nhân ; trình độ thẩm phán và kiểm sát viên yếu".

Nhà giáo Đinh Kim Phúc đưa ra ví dụ, ngay tại trường Đại học mở bán công thành phố Hồ Chí Minh, một Bí thư đảng ủy, Chủ tịch hội đồng nhà trường đứng tên cá nhân 50 ngàn mét vuông đất của nhà trường trong 10 năm qua mà không ai xử lý, cũng chẳng ai kết luận gì. "Vậy tôi hỏi rằng, hệ thống pháp luật Việt Nam ở đâu ? Chỉ đạo của Bộ giáo dục như thế nào trong trường hợp này?", ông Phúc bộc bạch.

Nhà giáo Thái Hạo viết : "Bản án bất công. Một cái lỗi chi sai (không phải tội tham nhũng) với số tiền nhỏ chưa tới 45 triệu mà phải ngồi tù 5 năm, như thế là quá tàn bạo. So sánh với những vụ án trăm tỷ ngàn tỷ mà chỉ bị án treo hay tù vài năm suốt thời gian qua, sự bất bình lại càng tăng lên. Lỗi này của bà Dung (nếu đúng là đã chi sai) thì chỉ cần xuất toán, truy thu và kỷ luật về mặt đảng là xong, ấy thế mà tòa án huyện Hưng Nguyên lại hình sự hóa và đẩy một cô giáo vào tù" (5).

Câu hỏi hiển nhiên là, cách áp dụng tội danh cho bà Lê Thị Dung có bị tác động bởi các nhân tố bên ngoài không ? Cách đây hơn ba năm, báo điện tử "Ngày mới" ngày 26/9/2019 đã đăng bài viết "Huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An : Tại sao lại ‘bới lông tìm vết’ để thi hành kỷ luật bà Lê Thị Dung" ? Từ bài báo của báo điện tử "Ngày mới" này có thể dự đoán, nếu bà Lê Thị Dung trước đây chịu tuân theo yêu cầu của UBND huyện Hưng Nguyên, ký hợp đồng không xác định thời hạn với cô Nguyễn Thị Phương Thúy, thì chắc rắc rối và tù đày đã không xảy ra đối với bà. Để thêm căn cứ cho dự đoán này là tin, cách đây vài hôm, bà Thẩm phán xử án đã thăm bà Lê Thị Dung trong trại giam và chia sẻ là bà "đã bị sức ép, trong quá trình xét xử nên bị giảm 2 kg, phải chuyền nước, mong bà Dung thông cảm". Đến đây thì công luận bắt đầu tập trung vào manh mối của vụ án oan tày đình này (6).

Tuần qua, mạng xã hội rộ lên tin vụ án xử bà Lê Thị Dung là một vụ trả thù. Như trong hàng loạt bài viết tổng hợp tin từ báo chí, vụ bà Dung đã có dấu hiệu bị trù dập thô bạo từ nhiều năm trước. Bắt nguồn từ việc ban đầu, do Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An "tuyển dụng chui" cô Nguyễn Thị Phương Thúy, rồi đẩy cô này về cho Trung tâm, trong khi nơi này đã đủ giáo viên. Mặc ! Cấp trên vẫn ép Giám đốc lúc đó (là bà Dung) phải nhận người. Bà Dung không chịu ký hợp đồng nhận người, thế là bà bị kỷ luật. Nhưng vì vụ kỷ luật ấy không có cơ sở, bà Dung tiếp tục khiếu nại lên trên, UBND tỉnh Nghệ An thừa nhận bà Dung đúng, kỷ luật bà là sai. Nhưng kỳ lạ thay, án kỷ luật vẫn không bị thu hồi. Hiệu trưởng Dung tiếp tục khiếu nại, thì sau đó bị bắt tạm giam để điều tra và bị kết án tù. Để hiểu rõ nguồn gốc của bản án tàn khốc, có thể tham khảo video của Truyền hình "Pháp luật Việt Nam" (từ nhà nước Việt Nam) cách đây hai năm (7).

Như vậy, vụ án bà Dung là một vụ trả thù câu chuyện cách đây cả chục năm có lẻ. Câu chuyện ấy liên quan đến một loại "vua không ngai" lúc đầu ở tỉnh còn nay thì đã lên tận trung ương (8). Tại sao vào thời hiện tại, với xã hội văn minh hiện đại hơn trước đây mà án oan xuất hiện mỗi ngày một nhiều ?

Rộ tin vụ Hiệu trưởng Lê Thị Dung ở Nghệ An liên quan đến cháu Phan Đình Trạc : Sự thật hay tin đồn ?

Công luận trong nước đòi hỏi chính quyền và tòa án phải làm quyết liệt vụ này để nghiêm trị những kẻ nắm trong tay pháp luật nhưng cố tình bẻ công luật pháp, trù dập bức hại những người dân lương thiện, chỉ vì những mưu đồ khuất tất. Vụ án bi thảm này chắc chắn chưa thể kết thúc !

Hãy trích dẫn mấy vần thơ cô giáo Dung gửi cho con trai từ trại giam để thấy cái ác của thể chế vẫn không giết nổi lòng trắc ẩn và đức vị tha của nhà giáo Lê Thị Dung :

"Con đừng buồn lỡ mẹ có ra đi

Đừng than khóc, đừng khổ đau con nhé

Đừng oán trách, đừng trả thù những kẻ

Đẩy mẹ vào tù, làm gia đình tan nát, xót xa" (9).

Mai Luân

Nguồn : RFA, 09/05/2023

Tham khảo :

1. https://laodong.vn/phap-luat/vu-ba-le-thi-dung-bi-ket-an-5-nam-tu-ke-toan-biet-sai-van-lam-1188782.ldo

2. https://laodong.vn/phap-luat/dai-dien-ban-dan-nguyen-quoc-hoi-len-tieng-vu-ba-le-thi-dung-bi-ket-an-5-nam-tu-1189162.ldo

3. https://baotiengdan.com/2023/04/27/tai-sao-du-luan-day-song-voi-vu-an-co-giao-le-thi-dung/

4. https://trithucvn.org/tin-tuc-vn/bo-gddt-len-tieng-vu-co-le-thi-dung-bi-tuyen-5-nam-tu.html

5. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/more-judgments-erode-trust-in-justice-in-vietnam-04272023121018.html

6. https://boxitvn.online/?p=83823

7. https://baotiengdan.com/2023/04/26/that-thoat-45-trieu-dong-5-nam-tu-giam-va-nhung-cau-chuyen-ngang-trai-trong-qua-khu/

8. https://www.youtube.com/watch?v=Z7xIHXIrN0I

9. https://baotiengdan.com/2023/04/28/ve-co-giao-le-thi-dung-voi-an-5-nam-tu-o-hung-nguyen-nghe-an/

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Viết từ Sài Gòn, Nguyễn Đình Ấm, Mai Luân
Read 711 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)