Trung Quốc hợp tác quân sự với Lào là "mối đe dọa an ninh nghiêm trọng" đối với Việt Nam
Vũ Xuân Khang, Carl Thayer, RFA, 10/05/2023
Việt Nam cần cảnh giác với quan hệ song phương đang phát triển mạnh mẽ giữa Trung Quốc và Lào, bao gồm cả hợp tác quân sự, tránh việc Viêng Chăn bị sử dụng như bàn đạp để cắt đôi đất nước từ phía Tây cùng lúc tấn công từ phía Bắc, theo một nhà nghiên cứu đến từ Đại học Boston, Hoa Kỳ.
Reuters/Caroline Chia
200 binh sĩ thuộc Chiến khu Nam bộ của quân đội Trung Quốc bắt đầu một cuộc tập trận quân sự chung với 700 quân nhân Lào từ ngày 9/5 đến 28/5 mang tên "Lá chắn hữu nghị 2023" (Friendship Shield 2023), để đối trọng với các cuộc tập trận khác của Mỹ với các nước khác trong khu vực.
Cuộc diễn tập mô phỏng các cuộc tấn công vào các nhóm tội phạm xuyên quốc gia. Đây là cuộc diễn tập quân sự thứ hai trong vài năm trở lại đây giữa hai quốc gia đều có chung đường biên giới với Việt Nam. Trước đó, trong năm 2019, Bắc Kinh và Viêng Chăn đã tổ chức tập huấn cứu hộ y tế nhân đạo chung mang tên "Đoàn tàu Hòa bình".
"Việt Nam cần duy trì Lào trong quỹ đạo của mình"
Từ Đại học Boston (Boston College), ông Vũ Xuân Khang, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành An ninh quốc tế, khẳng định với RFA qua email :
"Việt Nam cần phải nhìn nhận sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Lào là mối đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng hơn nhiều so với các hành động gây hấn trên biển Đông do các hòn đảo không có ảnh hưởng trực tiếp đến tồn vong của Việt Nam như Lào".
Quan hệ Việt-Lào được cho là nồng ấm như anh em trong một nhà cùng chia sẻ ý thức hệ cộng sản. Việt Nam trợ giúp Lào trong mọi lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự, với việc đa số cán bộ và sĩ quan cao trung cấp được đào tạo trong các trường dân sự và quân sự ở Hà Nội.
Việc ông Võ Văn Thưởng chọn Lào là nước đầu tiên ông này công du (10-11/4/2023) trên cương vị Chủ tịch nước được xem là Thể hiện chính sách nhất quán của Hà Nội là "luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào", theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định.
Tuy nhiên bên cạnh đó, Lào cũng tăng cường hợp tác đa phương với Trung Quốc.
Theo học giả này, trước năm 1991, Việt Nam là đối tác quân sự cũng như kinh tế quan trọng nhất của Lào. Nhưng sau thời điểm đó, Trung Quốc bình thường hoá quan hệ với hai quốc gia phía nam, Hoa Lục dần vượt qua Việt Nam trở thành đối tác kinh tế lớn thứ hai của Lào chỉ sau Thái Lan.
Trung Quốc dễ dàng có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Việt Nam tại Lào qua các dự án đầu tư kinh tế như đường ray nối thủ đô Viêng Chăn tới biên giới Lào-Trung Quốc, hay phân nửa các khoản nợ nước ngoài của Lào là do Trung Quốc nắm giữ, ông nói.
"Quan hệ Việt-Lào do vậy chỉ còn lại trụ cột chính là quân sự do hai nước vẫn là đồng minh quân sự chính thức theo Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác 1977.
Việt Nam cần duy trì Lào trong quỹ đạo của mình để tránh việc Trung Quốc có thể sử dụng Lào làm bàn đạp để cắt đôi Việt Nam từ phía Tây cùng lúc tấn công từ phía Bắc", ông nhấn mạnh.
Theo ông Khang, việc tập trận chung giữa Trung Quốc và Lào có thể sẽ tạo tiền đề để Trung Quốc dần kéo Lào vào quỹ đạo ảnh hưởng của mình, và cũng như quan hệ kinh tế "Việc Trung Quốc tăng cường hợp tác quân sự với Lào sẽ làm suy yếu quan hệ quân sự Việt-Lào", ông nói.
Thông tấn xã Việt Nam loan tin khi phái đoàn Việt Nam do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến thủ đô Vientaine của Lào vào sáng ngày 10/4 và sau đó hội đàm với phía nước chủ nhà. Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và Tổng bí thư Đảng Cộng sản, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đồng chủ trì cuộc hội đàm.
Sau hội đàm, hai phía ký kết hai căn kiện hợp tác gồm Bản Ghi Nhớ (MoU) về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ & đổi mới sáng tại giữa Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam và Bộ Công nghệ & Truyền thông Lào ; Bản Ghi Nhớ (MoU) về hợp tác trong lĩnh vực Khoa học giữa Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam và Bộ Giáo dục & Thể Thao Lào.
Trong ngày 10/4, Thứ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam Hoàng Xuân Chiến có cuộc gặp với Thứ trưởng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Lào Chansamone Chanyalath.
Đại diện Quốc phòng hai phía cho biết sẽ chuẩn bị một loạt những hoạt động chung cùng với Campuchia ; trong đó có hoạt động trao đổi quân sự hữu nghị biên giới cấp bộ trưởng tại ba địa phương giáp biên của ba nước : tại Kon Tum của Việt Nam, Attapeu Lào và Rattanakiri của Campuchia ; gặp mặt thường niên của ba bộ trưởng quốc phòng cùng những hoạt động bên lề
Nguồn : RFA, 10/04/2023
************************
Việt Nam trao nhà Quốc hội mới cho Lào
RFA, 11/08/2021
Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 10/8 đã bàn giao Tòa nhà Quốc hội cho Lào tại thủ đô Viêng Chăn nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức nước láng giềng Triệu Voi. Báo Nhà nước Việt Nam dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao đưa tin trong cùng ngày.
Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư, Chủ tịch Thongloun Sisoulith tại buổi lễ 10/8/2021. TTXVN
Tòa nhà được xây ở tại Quảng trường Thatluang với vốn đầu tư xây dựng gần 112 triệu USD và được khởi công vào tháng 11/2017.
Ông Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn Tòa Nhà Quốc hội Lào được sử dụng, vận hành, bảo dưỡng đảm bảo an toàn, chất lượng để trở thành biểu tượng cho "mối quan hệ đặc biệt và duy nhất" giữa Việt Nam và Lào.
Ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith gọi Tòa nhà Quốc hội Việt Nam tặng Lào là "biểu tượng trường tồn mãi mãi".
Ngoài ra, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi tham gia kỳ họp Quốc hội Khóa IX của Lào cũng phát biểu rằng "hai nước cần hợp tác chuyển đổi sang nền kinh tế số, phát triển thương mại điện tử, số hóa các dịch vụ giáo dục, y tế, tài chính, ngân hàng hiện đại, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện nền kinh tế trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0".
Hồi tháng 5 năm 2021, Việt Nam cũng trao tặng 500,000 USD và vật tư, thiết bị y tế hỗ trợ Lào ứng phó với đại dịch.
Nhân chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith hồi tháng 6 vừa qua, Lào cũng tặng Việt Nam 300.000 đô la để phòng chống dịch COVID-19.
Nguồn : RFA, 11/08/2021