Suốt gần nửa thế kỉ, xét trên diện rộng, sau khi hai miền Nam - Bắc thống nhất, thì hình như, càng về sau, sự mâu thuẫn và nghịch lý càng lớn trong hệ thống cộng sản xã hội chủ nghĩa. Và sự mâu thuẫn, nghịch lý này sẽ là đại họa, không thể nói khác đi được. Mâu thuẫn giữa đảng cầm quyền và nhân dân, nghịch lý giữa hệ thống công bộc và chóp bu lãnh đạo.
Mâu thuẫn giữa đảng cầm quyền và nhân dân đảng lãnh đạo, đương nhiên cán cân phải nghiêng về đảng lãnh đạo và nhân dân trở thành một loại bầy đàn vâng phục nhưng nuốt nghẹn, uất ức.
Nói đến mâu thuẫn giữa nhân dân và đảng cầm quyền, đây là giềng mối bất ổn, được giải quyết bằng cả quyền lực mềm và bạo lực, đương nhiên cán cân phải nghiêng về đảng lãnh đạo và nhân dân trở thành một loại bầy đàn vâng phục nhưng nuốt nghẹn, uất ức.
Các hành trạng của đảng cầm quyền từ việc phân biệt lý lịch trong các tổ chức công, hệ thống công cho đến cơ hội tiến thân bằng tri thức, dường như không có nơi nào trên đất nước này là không có phân biệt và tuân thủ quy ước "con vua lại được làm vua".
Chính kiểu phân biệt và ban bố đặc quyền cho "con vua" như lâu nay người ta vẫn hành xử đã dẫn đến tình trạng cát cứ địa phương, làm vua một cõi, phát sinh mâu thuẫn quyền lợi giữa các "con vua" địa phương với nhau, mâu thuẫn giữa địa phương và trung ương, mâu thuẫn giữa các con vua trên trung ương với nhau… Mọi thứ đều xoay quanh trục lợi ích.
Khi lợi ích trở thành mối thao thức chung của hệ thống và các nhóm cát cứ, thì nhân dân nghiễm nhiên thành con mồi để xâu xé, để phân chia thành bữa ngon của đồng bọn. Tình trạng dân oan ngày càng nhiều, các nhóm lợi ích ngang nhiên ngồi xổm trên pháp luận để làm điều trái khoáy, o ép và cưỡng bức nhân dân. Và súng cũng đã nổ, máu cũng đã chảy, người cũng đã chết ở Đồng Sênh, mọi thứ ngày càng nóng lên, nhân dân uất nghẹn trước hành xử của giới quan lại địa phương là một minh chứng.
Và, khi các nhóm quyền lực tha hồ xâu xé miếng mồi trong nhân dân, bằng chính nhân dân, thì lúc đó, mâu thuẫn nội tại quốc gia sẽ dẫn đến tình trạng cao trào tê liệt. Tức nhân dân tê liệt về tiếng nói, về quyền làm người, quyền làm chủ, quyền tự do trước sức mạnh bạo lực của cát cứ địa phương. Bù vào đó, càng tê liệt, sự cay đắng, phản kháng ngấm ngầm càng trở nên kinh khủng, nung nấu. Hơn bao giờ hết, người Việt là chủng người Á Đông, việc cắn răng chịu đựng, sống hòa theo để chờ cơ hội mà tức nước vỡ bờ là câu chuyện đã xảy ra rất nhiều lần trong lịch sử. Rất tiếc, đến thời điểm này, đảng cầm quyền đã đẩy nhân dân vào chỗ đối nghịch ngấm ngầm với họ mặc dù bên ngoài thấy mọi thứ bình thường.
Thử đặt một ví dụ, người dân đi chơi lễ 30 tháng 4 nhiều vậy, nghĩa là người dân vui mừng ngày lễ này ? Xin thưa, đó là câu hỏi ngớ ngẩn và lạc hậu bậc nhất, bởi không đâu giống như Việt Nam, từ tự do, kinh tế cho đến văn hóa, nó chỉ có thể mơ hồ hoặc hơi rõ nét diễn ra trong những ngày lễ có tính chính trị. Những ngày lễ này, cảnh sát giao thông không rình mò, người đi đường không bị bắn tốc độ, thậm chí không bị chặn đầu chặn đuôi một con đường nào đó để đo nồng độ cồn… Hơn hết, các anh giao thông không đi xin bánh mì (lễ mà !), bên cạnh đó, các dịch vụ, quán xá, khu du lịch đều có chương trình miễn phí vé, giảm giá vé, khuyến mãi thức ăn… Thử nghĩ, với một lao động Việt Nam, được rảnh ra mấy ngày để đi cho biết, đi mà không lo lắng cảnh sát giao thông, ăn uống thượng vàng hạ cám đều có, như vậy thì còn cơ hội nào khác mà không ra đường, đi chơi ?
Cái không khí lể lạc của Việt Nam là một thứ không khí sổng chuồng sau những tháng ngày bị giam hãm một cách thụ động trong công việc, khó khăn, sức ép chính quyền… Nên khi được thả cửa, là mặc sức ra đường, mặc dù nhiều khi đi xong một chuyến, về nhà lại thiếu trước hụt sau… Đó là một bi kịch thụ động của người Việt bây giờ !
Và trong chính cái bi kịch thụ động ấy, người ta chỉ biết loay hoay, nuốt uất hận trong công việc, trong đời sống thường nhật và đôi khi cười ngạo vào những trớ trêu bày ra trước mắt. Cái thứ trớ trêu mà trẻ con bây giờ cũng nhìn thấy, ấy là "con vua lại được làm vua" mặc dù đang thế kỉ 21, mặc dù thế giới đang ngày càng khắc nghiệt, đòi hỏi con người phải có thực tài, nhất là với những người làm công tác quản lý, lãnh đạo càng đòi hỏi thực tài ráo riết.
Nhưng thử điểm lại, có bao nhiều tấm bằng Đại học thực thụ đang lang thang làm thuê, đang chạy Grab, đang phụ hồ, đang "chuyển nghề" sang thợ hồ, thợ đụng… ?
Trong khi đó, đầy rẫy những kẻ bất tài, kém năng lực, không có bằng cấp đang ngồi trên ghế quyền lực địa phương mà khi đụng tới họ, người ta mới hỡi ôi, buột miệng : "Ủa, thằng này/con này nó học Đại học lúc nào vậy ?". Đó là một sự thật, tôi từng chứng kiến ít nhất là hai mươi cán bộ cấp xã, hiện nay đã lên nắm ghế lãnh đạo với chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch, họ từng thi rớt Đại học liên tục năm năm, cuối cùng chui vào cơ quan xã để làm việc, ban đầu làm một chân sai vặt như treo biểu ngữ, băng rôn, dần lên làm Bí thư đoàn xã, rồi có chân trong hội đồng nhân dân và cuối cùng là nhảy lên ghế trên. Đương nhiên những đối tượng này có cha mẹ (cũng chả có bằng cấp gì, nếu không nói là dốt đặc cán mai !) là quan chức, biết leo lên cao bằng cách nịnh nọt cấp trên, đến đời con cũng vậy.
Thử nghĩ, với loại lãnh đạo như vậy thì trí thức, doanh nghiệp trong địa phương họ coi ra gì ? Đương nhiên, trí thức đành ngậm miệng ăn tiền, chấp nhận luật chơi, hầu hết là vậy, và nuốt nghẹn, điều đó hiển nhiên xảy ra. Còn doanh nghiệp thì họ thừa biết phải dùng đồng tiền với loại lãnh đạo này ra sao, như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất và thậm chí biến các lãnh đạo cán mai kia thành tay sai, con rối trong trò chơi tiền bạc của họ. Với một hệ thống lãnh đạo như vậy, chắc chắn rằng cơ hội để phát triển tri thức địa phương là không có, và mở rộng vấn đề, lãnh đạo bên trên cũng vậy, cũng có nguồn từ chỗ "con vua".
Cái không khí lể lạc của Việt Nam là một thứ không khí sổng chuồng sau những tháng ngày bị giam hãm một cách thụ động trong công việc, khó khăn, sức ép chính quyền…
Với thói quen hưởng thụ, phè phỡn, ăn chơi, bất chấp, ỷ quyền cậy thế, nhóm lãnh đạo trẻ này không coi ai ra gì nhưng họ lại giỏi lạn lách, chui luồn hơn cha mẹ của họ, kĩ năng nịnh nọt của họ đạt đến một giới hạn mới, tinh xảo và khéo léo, hiện đại và cập nhật hơn… Đường thăng tiến của họ cũng rộng mở hơn, và khi đường thăng tiến của nhóm lãnh đạo này càng rộng mở, thì cơ hội tiếp cận trí thức thực thụ cũng như việc lưu giữ thiên lương của ngành giáo dục ngày càng hẹp lại. Đây là bất hạnh của dân tộc.
Và, khi bất hạnh này thành hình, cũng là lúc nghịch lý trở thành chuyện thường ngày trong xã hội, bất công và mâu thuẫn ngày càng cao, lãnh đạo bên trên cố gắng khắc phục bao nhiêu thì bên dưới nhũng nhiễu bấy nhiêu (thế mới có chuyện muốn phục hồi đạo đức trong lối sống cán bộ thì phải tốn hơn chục ngàn tỉ đồng mà một ông cán bộ cấp cao của trường chính trị Cộng sản xã hội chủ nghĩa đã nêu ra gây sóng gió dư luận !).
Một đất nước trải qua chiến tranh, mất mát, chưa kịp lành da thịt thì rơi vào một thứ vấn nạn nội tại, nồi da xáo thịt vì miếng ăn và anh em, đồng chí nhảy ra trở mặt, giết nhau vì món lợi. Tất cả đang diễn ra như vậy, và xuất phát điểm của nó chính ở cái vạch hệ thống chính trị mâu thuẫn, nghịch lý và mục ruỗng !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 05/05/2023